Toàn cảnh phiên họp thẩm định.
Tham dự phiên họp thẩm định gồm các thành viên đại diện cho các cơ quan: Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội; Văn phòng Chính phủ; Bộ Công an; Bộ Quốc phòng; Bộ Tài chính; Bộ Nội vụ; Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Xây dựng; Bộ Y tế; Bộ Công thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Dân tộc và Tôn giáo; Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Tại phiên họp thẩm định, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, Nghị quyết được xây dựng nhằm tạo cơ chế tài chính đặc thù, tương xứng cho công tác xây dựng pháp luật; thu hút, sử dụng hiệu quả và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực xây dựng pháp luật; tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng pháp luật bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo phát biểu tại phiên họp thẩm định.
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong công tác xây dựng pháp luật được xây dựng trên các quan điểm sau: (i) thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật để công tác xây dựng, thi hành pháp luật thực sự là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; (ii) xây dựng cơ chế chính sách vượt trội, bảo đảm nguồn lực tài chính tương xứng, nhân lực chất lượng, phát triển công nghệ hỗ trợ tích cực cho công tác xây dựng pháp luật; (iii) đầu tư cho công tác nghiên cứu xây dựng thể chế, pháp luật là đầu tư cho phát triển. Nhà nước bảo đảm và ưu tiên nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số và có chế độ, chính sách đặc thù cho công tác nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật và đội ngũ cán bộ thực hiện các nhiệm vụ này; (iv) các chính sách được quy định bảo đảm tháo gỡ khó khăn, bất cập trước mắt nhưng đồng thời có những giải pháp mang tầm nhìn chiến lược, đột phá để nâng tầm công tác xây dựng pháp luật ; (v) bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách đặc thù cho công tác xây dựng pháp luật.
Dự thảo Nghị quyết gồm 05 chương và 15 điều với một số nội dung cơ bản: (i) xác định phạm vi điều chỉnh bao gồm các hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật và một số hoạt động liên quan đến tổ chức thi hành pháp luật có tính chất đặc thù; đồng thời, đặt ra nguyên tắc thực hiện là phải đổi mới, linh hoạt, chiến lược và chấp nhận rủi ro có kiểm soát trong quá trình triển khai nhiệm vụ; (ii) bảo đảm dành tối thiểu 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm cho công tác xây dựng pháp luật. Kinh phí được thực hiện theo hình thức khoán chi theo nhiệm vụ, sản phẩm, bảo đảm tính linh hoạt, hiệu quả. Bên cạnh đó, cơ quan được giao nhiệm vụ được quyền lựa chọn đối tác, ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân để thực hiện một phần nhiệm vụ. Dự thảo Nghị quyết đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ nghiên cứu chính sách, pháp luật do ngân sách nhà nước bảo đảm, hoạt động không vì lợi nhuận nhằm tăng cường năng lực hoạch định, tư vấn chính sách; (iii) quy định chế độ đãi ngộ vượt trội cho đội ngũ trực tiếp làm công tác xây dựng pháp luật, trong đó có phụ cấp đặc thù bằng 150% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng, cộng phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) và thu nhập có được từ hoạt động xây dựng pháp luật được miễn thuế thu nhập cá nhân và các nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước. Thẩm quyền quyết định về tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển do Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền thực hiện trên cơ sở đánh giá năng lực và kết quả công việc. Dự thảo Nghị quyết cũng đề xuất xây dựng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp trở thành cơ sở nghiên cứu trọng điểm quốc gia, có năng lực dẫn dắt các định hướng pháp lý chiến lược của đất nước và vươn tầm khu vực ASEAN; (iv) xác định rõ vai trò của hạ tầng công nghệ, dữ liệu lớn và chuyển đổi số trong công tác xây dựng pháp luật. Theo đó, các hoạt động như phát triển trợ lý ảo pháp lý, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật, pháp điển, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, cũng như phát triển các doanh nghiệp LegalTech sẽ được ưu tiên bố trí ngân sách và áp dụng cơ chế đặc thù.
Tại phiên họp thẩm định, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luật và có ý kiến góp ý trực tiếp đối với một số nội dung trong Tờ trình và dự thảo Nghị quyết như: (i) các thành viên Hội đồng thẩm định nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết và đánh giá cao tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm được đề cao trong dự thảo Nghị quyết, phù hợp với chủ trương của Đảng. Việc ban hành Nghị quyết là cần thiết để khắc phục những bất cập, vướng mắc về nguồn lực, tổ chức, chính sách đã tồn tại nhiều năm qua trong công tác xây dựng pháp luật; (ii) về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng tại Điều 1 dự thảo Nghị quyết, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định làm rõ nội hàm của “công tác xây dựng pháp luật”, bao gồm: xây dựng chính sách, soạn thảo, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hướng dẫn thi hành và đánh giá tác động văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, cần giao Chính phủ quy định chi tiết đối tượng áp dụng để bảo đảm tính cụ thể, khả thi, tránh áp dụng dàn trải; (iii) mặc dù thống nhất về nội dung bảo đảm ngân sách, giao và phân bổ ngân sách tại Điều 3 dự thảo Nghị quyết quy định: “Ngân sách nhà nước bảo đảm chi cho công tác nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật theo nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết này, không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu hoàn thiện thể chế phát triển”, tuy nhiên, có một số ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo không nên quy định cứng mức 0,5%, bởi con số này cần được tính toán kỹ lưỡng dựa trên thực tế cân đối ngân sách và mức độ ưu tiên trong từng thời kỳ. Bên cạnh đó, cần bổ sung nội dung chi cụ thể cho phù hợp với các khoản chi đã liệt kê tại các điều 10, 11, 12 dự thảo Nghị quyết; (iv) chính sách đãi ngộ người làm công tác xây dựng pháp luật tại Điều 7 dự thảo Nghị quyết được các đại biểu đồng tình, vì đây là ngành đặc thù, yêu cầu đòi hỏi cao về trí tuệ, trách nhiệm, nên cần có chính sách đãi ngộ xứng đáng để thu hút, giữ chân nhân tài; (v) đối với quy định tại Điều 5 dự thảo Nghị quyết về lựa chọn hình thức, đối tác trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính sách, pháp luật cần rà soát lại quy định liên quan đến việc hợp tác với các tổ chức, cá nhân nước ngoài trong nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cần bổ sung nội dung bảo đảm an ninh quốc gia, quy trình phê duyệt và trách nhiệm của tổ chức chủ trì nhằm kiểm soát chặt chẽ hợp tác quốc tế.
Đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu kết luận phiên họp.
Kết luận phiên họp thẩm định, đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh, công tác xây dựng pháp luật là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi trình độ chuyên môn và bản lĩnh chính trị cao. Trong bối cảnh hiện nay, công tác này ngày càng trở nên phức tạp, đòi hỏi nhiều nỗ lực và nguồn lực. Để đáp ứng yêu cầu cải cách và phát triển, cần có những cơ chế, chính sách đặc thù cho công tác xây dựng pháp luật. Nhất trí với các quy định về cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo, Thứ trưởng cho rằng, dự thảo Nghị quyết đã tạo đột phá trong công tác xây dựng pháp luật, trong đó, vấn đề tài chính là một trong những vấn đề then chốt cần được quan tâm. Thứ trưởng đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính sửa Luật Ngân sách nhà nước, bổ sung mục chi về hoạt động xây dựng pháp luật trong chi thường xuyên. Đối với nội dung tại khoản 2 Điều 5 dự thảo Nghị quyết quy định về việc thuê chuyên gia nước ngoài vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, Thứ trưởng khẳng định, việc thuê chuyên gia nước ngoài chỉ nên dừng ở mức độ cung cấp kinh nghiệm, không để nước ngoài tham gia vào công tác hoàn thiện thể chế. Đối với việc thành lập Quỹ hỗ trợ nghiên cứu chính sách, Thứ trưởng đề nghị cần xem xét, cân nhắc thêm về việc tổ chức, cá nhân có khoản đóng góp vào quỹ được giảm trừ thuế thu nhập cá nhân hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo văn bản rà soát lại, bảo đảm quy định chặt chẽ đối với quỹ này./.
Hoàng Trung