Toàn cảnh phiên họp
Trình bày sự cần thiết phải xây dựng Nghị quyết, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (trước đây), tháng 8/2024, cả nước có 56 cơ sở đào tạo đại học có đào tạo các ngành, chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có 26 cơ sở đào tạo các ngành, chuyên ngành chuyên sâu đặc thù; có 139 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo các ngành, nghề chuyên môn liên quan đến nghệ thuật. Cơ cấu các ngành, chuyên ngành đào tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực, tiến bộ, đáp ứng nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định của pháp luật về đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật còn phát sinh một số hạn chế về thời gian đào tạo trình độ trung cấp; quy định về đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp trong các trường đại học còn chưa nhất quán; quy định về giáo dục thường xuyên còn bất cập. Do đó, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội là cần thiết để giải quyết vướng mắc, bất cập, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật.
Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại phiên họp
Dự thảo Nghị quyết gồm 04 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, quy định cụ thể, điều khoản thi hành Nghị quyết. Nội dung quy định trong Nghị quyết gồm: (i) thời gian đào tạo trình độ trung cấp các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật được kéo dài từ 03 đến 09 năm so với quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; (ii) cơ sở giáo dục đại học có đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật được đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng; (iii) cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông.
Trao đổi về nội dung dự thảo Nghị quyết, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu một số nội dung:
(i) Nghiên cứu bổ sung đánh giá tác động tại Tờ trình dự thảo Nghị quyết theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp năm 2025 đối với những yếu tố tác động đến vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị, hệ thống pháp luật, thủ tục hành chính (nếu có), làm rõ hơn sự cần thiết xây dựng Nghị quyết. Bên cạnh đó, cần lưu ý cập nhật Tờ trình dự thảo Nghị quyết theo mẫu tại Nghị định số 78/2025/NĐ-CP ngày 01/4/2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
(ii) Nghiên cứu bổ sung thông tin liên quan đến kinh nghiệm của các nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản..., bởi, các nước này đều có quãng thời gian dài đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật.
(iii) Về sự cần thiết xây dựng Nghị quyết, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề cập đến “đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật”, tuy nhiên lại chưa làm rõ chuyên môn đặc thù thuộc tất cả các phân ngành trong lĩnh vực nghệ thuật hay chỉ thuộc một số các ngành. Trong trường hợp xác định chuyên môn đặc thù thuộc một số ngành, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nêu cụ thể, rõ ràng các ngành này.
Đại biểu phát biểu tại phiên họp
(iv) Đối với nội dung khoản 1 Điều 3 dự thảo Nghị quyết quy định về thời gian đào tạo, các đại biểu cho biết, nội dung này chưa có sự thống nhất với quy định tại Điều 33 Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014. Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần sửa đổi theo hướng tách ra thành 02 trường hợp gồm: thời gian đào tạo đối với học sinh có trình độ trung học phổ thông và thời gian đào tạo đối với học sinh có trình độ trung học cơ sở.
(v) Về khoản 2 Điều 3 dự thảo Nghị quyết, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định “các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật được đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng các ngành nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật” để giới hạn phạm vi điều chỉnh, tránh gây hiểu nhầm rằng, các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù này có thể đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng đối với các ngành nghề khác.
(vi) Đối với khoản 3 Điều 3 dự thảo Nghị quyết, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định “cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông đối với đối tượng đang theo học ngành, nghề này” để tránh mở rộng thêm các đối tượng bên ngoài, đồng thời, bảo đảm phản ánh đúng các đối tượng đang theo học ngành, nghề chuyên môn đặc thù.
Đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu kết luận phiên họp
Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định. Ngoài ra, cơ quan chủ trì soạn thảo cần lưu ý “gia cố” thêm các nội dung về mục đích ban hành, quan điểm xây dựng Nghị quyết tại Tờ trình dự thảo Nghị quyết, đồng thời phải khẳng định, các chính sách được đưa ra tại Tờ trình không làm phát sinh nguồn lực về tài chính và con người; nghiên cứu xác định cụ thể các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật tại dự thảo Nghị quyết; cân nhắc sửa đổi nội dung khoản 3 Điều 4 dự thảo Nghị quyết bảo đảm thống nhất với khoản 3 Điều 6 Luật Giáo dục năm 2019, khoản 2 Điều 35 Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018); nghiên cứu lược bỏ nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên do nội dung này đã được thể hiện trong Luật Giáo dục năm 2019...
Thùy Dung