1. Nhu cầu và vai trò của việc biên soạn nhóm từ mục Luật Môi trường trong Từ điển Pháp luật Kinh tế
1.1. Nhu cầu của việc biên soạn nhóm từ mục Luật Môi trường trong Từ điển Pháp luật Kinh tế
Thứ nhất, các từ điển pháp luật đã có những nhóm từ liên quan đến Luật Môi trường, Luật Môi trường trong kinh doanh nhưng số lượng các từ được giải nghĩa, giải thích không nhiều trong tổng số các thuật ngữ trong từ điển.
Thứ hai, việc giải thích, diễn giải nội dung thuật ngữ chủ yếu phụ thuộc vào pháp luật thực định. Hay nói cách khác, việc biên soạn nhóm thuật ngữ Luật Môi trường chưa thoát ly pháp luật thực định và từ đó giá trị khoa học không cao và nhanh trở thành lạc hậu, không chính xác khi các văn bản pháp luật có sửa đổi, bổ sung.
Thứ ba, tình trạng phụ thuộc vào pháp luật thực định tại thời điểm xuất bản cũng làm cho các từ điển nêu trên trở thành lạc hậu do không bao quát được những lĩnh vực mà có sự ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có chứa đựng những thuật ngữ mới, khái niệm mới. Lĩnh vực pháp luật kinh tế nói chung và lĩnh vực pháp luật môi trường nói riêng là những lĩnh vực pháp luật có nhiều thay đổi theo thời gian nhằm đáp ứng với sự vận động của nền kinh tế và những vấn đề môi trường đã phát sinh hoặc có thể sẽ phát sinh trong tương lai.
Luật Môi trường ngày càng có vai trò, vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật quốc tế cũng như hệ thống pháp luật quốc gia, là xu thế tất yếu, khách quan. Trong đó, pháp luật bảo vệ môi trường trong kinh doanh là một lĩnh vực của chuyên ngành trong pháp luật kinh tế. Do đó, việc biên soạn, xuất bản biên soạn nhóm thuật ngữ Luật Môi trường trong Từ điển Pháp luật Kinh tế không chỉ có tác dụng tạo công cụ tra cứu, tìm hiểu Luật Môi trường, Luật Môi trường trong hoạt động kinh doanh một cách nhanh chóng, tiện lợi và tin cậy đối với giới chuyên môn, học viên, sinh viên mà còn bảo tồn, ghi nhận những thành tựu của nền khoa học pháp lý cũng như của thực tiễn xây dựng, áp dụng pháp luật môi trường ở Việt Nam.
1.2. Vai trò của việc biên soạn nhóm từ mục Luật Môi trường trong Từ điển Pháp luật Kinh tế
Thứ nhất, việc biên soạn nhóm thuật ngữ Luật Môi trường đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về môi trường. Việc chuẩn hóa các thuật ngữ dưới giác độ khoa học của từ điển là một kênh tham khảo cho các nhà làm làm luật trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực pháp luật môi trường. Việc tham khảo không chỉ dừng lại ở định nghĩa thuật ngữ, cách giải thích dưới giác độ pháp lý và các giác độ khác (nếu có), cách hiểu các thuật ngữ mà còn có thể tham khảo các ý tưởng khoa học pháp lý liên quan đến thuật ngữ, các nguồn tài liệu tham khảo liên quan đến thuật ngữ cũng như lĩnh vực áp dụng các thuật ngữ này. Bên cạnh đó, với điều kiện phù hợp, các nhà làm luật có thể sử dụng các thuật ngữ trong việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật môi trường. Nếu thuật ngữ trong các văn bản quy phạm pháp luật môi trường chưa chuẩn xác, chưa đầy đủ, chưa toàn diện, các nhà làm luật có thể xem xét, sử dụng cách định nghĩa của từ điển và đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật môi trường.
Thứ hai, việc biên soạn nhóm thuật ngữ Luật Môi trường đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu khoa học pháp luật môi trường. Để có thể nghiên cứu khoa học thì nguồn tài liệu tham khảo là nguồn không thể thiếu, nhằm bảo đảm có được những thông tin cần thiết cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Từ điển Pháp luật Kinh tế là ấn phẩm học thuật cung cấp thông tin cần thiết, chuyên sâu dùng để tham khảo phục vụ cho quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học pháp lý về kinh tế, trong đó, có khoa học pháp lý về môi trường. Do đó, nhóm thuật ngữ Luật Môi trường có vai trò trong hoạt động nghiên cứu khoa học luật môi trường, biểu hiện ở một số khía cạnh cơ bản sau đây:
- Nhóm thuật ngữ Luật Môi trường cung cấp kiến thức cần thiết cho quá trình nghiên cứu khoa học luật môi trường: Nhóm thuật ngữ Luật Môi trường sẽ cung cấp những kiến thức nền tảng và chuyên sâu, đa dạng thuộc các lĩnh vực của khoa học luật môi trường. Hiện nay, nguồn tài liệu nghiên cứu về pháp luật môi trường rất phong phú và dễ dàng tìm kiếm. Tuy nhiên, có những nguồn tài liệu tham khảo về các thuật ngữ liên quan đến pháp luật môi trường, đặc biệt là trên mạng internet, không hoặc có giá trị khoa học thấp hoặc có thể được hiểu dưới giác độ của khoa học môi trường, khoa học trái đất hoặc trong các lĩnh vực khác, dẫn đến sự không chính xác với lĩnh vực khoa học luật môi trường. Do đó, nhóm thuật ngữ Luật Môi trường trong Từ điển Pháp luật Kinh tế có thể là một nguồn tham khảo uy tín cho các hoạt động nghiên cứu khoa học.
- Nhóm thuật ngữ Luật Môi trường trong Từ điển Pháp luật Kinh tế có thể giúp người nghiên cứu có cái nhìn bao quát về khoa học luật môi trường, từ đó, có thể giúp các nhà nghiên cứu về pháp luật môi trường có cách nhìn tổng quan nhất về vấn đề, kết quả, hạn chế và khoảng trống nghiên cứu. Điều này sẽ giúp các nhà nghiên cứu có được hướng nghiên cứu phù hợp và có được những đóng góp mới cho vấn đề cần nghiên cứu.
Thứ ba, việc biên soạn nhóm thuật ngữ Luật Môi trường đóng vai trò quan trọng trong hoạt động đào tạo, học tập Luật Môi trường. Luật Môi trường là một môn học bắt buộc trong một số cơ sở đào tạo đại học, sau đại học. Do đó, bên cạnh các nguồn tài liệu, giáo trình, các tri thức khoa học luật môi trường của thuật ngữ Luật Môi trường trong Từ điển Pháp luật Kinh tế là nguồn tài liệu khoa học hữu ích trong quá trình đào tạo, thông qua hoạt động giảng dạy trên lớp, tiến hành hoạt động thảo luận các nội dung môn học của giảng viên, học viên đại học và sau đại học. Bên cạnh đó, các tri thức khoa học luật môi trường của thuật ngữ Luật Môi trường trong Từ điển Pháp luật Kinh tế cũng là nguồn tài liệu khoa học hữu ích cho quá trình nghiên cứu khoa học, quá trình tự học của giảng viên, học viên đại học và sau đại học.
2. Yêu cầu việc lựa chọn, biên soạn nhóm thuật ngữ Luật Môi trường trong Từ điển Pháp luật Kinh tế
Một là, việc lựa chọn, biên soạn nhóm thuật ngữ Luật Môi trường trong Từ điển Pháp luật Kinh tế phải bảo đảm tính khoa học. Về mặt chuyên môn, việc tổ chức lựa chọn, biên soạn nhóm thuật ngữ Luật Môi trường này cần thực hiện bài bản, có phương pháp và cần bao quát được các vấn đề pháp lý của Luật Môi trường.
Hai là, cần phải quan tâm tới tính ứng dụng của nhóm thuật ngữ Luật Môi trường trong Từ điển Pháp luật Kinh tế. Từ điển được biên soạn với mục đích chủ yếu, trước triên là để tra cứu. Muốn vậy, từ điển đó phải chứa đựng các thông tin cần thiết, đáp ứng nhu cầu thường xuyên và mới nảy sinh của khoa học luật môi trường. Việc lựa chọn, biên soạn nhóm thuật ngữ Luật Môi trường phải có hệ thống, dễ dàng, thuận tiện cho việc tra cứu, sử dụng.
Ba là, việc lựa chọn, biên soạn nhóm thuật ngữ Luật Môi trường trong Từ điển Pháp luật Kinh tế phải mang tính hiện đại. Việc lựa chọn, biên soạn nhóm thuật ngữ Luật Môi trường trong Từ điển Pháp luật Kinh tế phải cập nhật các tri thức mới, cần tham khảo pháp luật môi trường quốc tế, pháp luật môi trường các quốc gia phát triển trên thế giới. Các thuật ngữ được lựa chọn, biên soạn cần được thiết kế một cách hệ thống, khóa học, logic đáp ứng yêu cầu về chuẩn kiến thức, hướng tới đáp ứng được yêu cầu chuẩn quốc tế…
3. Tiêu chí lựa chọn để đưa nhóm thuật ngữ Luật Môi trường vào Từ điển Pháp luật Kinh tế
Thứ nhất, vai trò của thuật ngữ Luật Môi trường với khoa học luật môi trường.
Các thuật ngữ được sử dụng trong chuyên ngành khoa học luật môi trường có số lượng khá lớn do phạm vi điều chỉnh của Luật Môi trường rất rộng. Vì vậy, khó có thể đưa tất cả các thuật ngữ thuộc lĩnh vực khoa học luật môi trường vào Từ điển Pháp luật Kinh tế này. Do đó, cần đánh giá vai trò, tầm quan trọng của thuật ngữ cụ thể với khoa học luật môi trường và trên cơ sở đó quyết định có đưa thuật ngữ này vào nhóm thuật ngữ biên soạn hay không. Trên cơ sở đó, cần phân loại những thuật ngữ khoa học luật môi trường thành: (i) Những thuật ngữ không cơ bản, không quan trọng; (ii) Những thuật ngữ cơ bản thể hiện tri thức thiết yếu, quan trọng của khoa học luật môi trường. Từ đây, ta sẽ lựa chọn những thuật ngữ cơ bản thể hiện tri thức thiết yếu, quan trọng của khoa học luật môi trường để đưa vào Từ điển Pháp luật Kinh tế.
Thứ hai, tính phổ biến của thuật ngữ.
Việc xem xét để đưa một thuật ngữ vào Từ điển Pháp luật Kinh tế nhằm xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật môi trường hoặc để giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học cần phải trả lời các câu hỏi, đó là: (i) Mức độ lặp lại của việc sử dụng thuật ngữ đó trong các văn bản quy phạm pháp luật môi trường/trong giảng dạy pháp luật môi trường ở thời điểm hiện tại và tương lai; (ii) Mức độ của việc sử dụng thuật ngữ đó nhiều lần, lặp lại trong một hay nhiều văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực pháp luật môi trường/trong học tập pháp luật môi trường của học viên; (iii) Mức độ của việc sử dụng thuật ngữ đó nhiều lần, lặp lại trong các chế định khác nhau của pháp luật môi trường/trong nghiên cứu khoa học pháp luật môi trường của giảng viên, học viên.
Thứ ba, nhu cầu của người tra cứu thuật ngữ Luật Môi trường.
Việc lựa chọn, biên soạn và xuất bản nhóm thuật ngữ Luật Môi trường không phải là nhu cầu tự thân mà nhằm đáp ứng nhu cầu của người tra cứu, bao gồm các cán bộ quản lý, thực thi, áp dụng pháp luật, các nhà làm luật nhưng trước hết là giảng viên và học viên các hệ đào tạo pháp luật, trong đó có Luật Môi trường. Nhu cầu này xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm thông tin, tài liệu phục vụ học tập và nghiên cứu của giảng viên và học viên các hệ đào tạo pháp luật. Bên cạnh các tài liệu khác như giáo trình, các công trình nghiên cứu khoa học đã được công bố thì Từ điển chuyên ngành là một trong những nguồn tài liệu quan trọng, đặc biệt khi cần tìm hiểu về nội dung khoa học của các thuật ngữ. Trên cơ sở đó, để phân loại và từ đó xem xét có nên đưa một thuật ngữ Luật Môi trường vào Từ điển Pháp luật Kinh tế hay không cần trả lời các câu hỏi: (i) Mức độ quan trọng và cần thiết của thuật ngữ đó trong giảng dạy pháp luật môi trường ở thời điểm hiện tại và tương lai; (ii) Mức độ quan trọng và cần thiết của thuật ngữ đó trong học tập pháp luật môi trường của học viên; (iii) Mức độ quan trọng và cần thiết của thuật ngữ đó trong nghiên cứu khoa học pháp luật môi trường của giảng viên, học viên.
Thứ tư, tính hệ thống trong lựa chọn thuật ngữ Luật Môi trường.
Tính hệ thống của các thuật ngữ Luật Môi trường xuất phát từ tính hệ thống của khoa học luật môi trường. Khoa học luật môi trường nghiên cứu các quan hệ xã hội phát sinh giữa các chủ thể tham gia sử dụng, khai thác, tác động hoặc có nguy cơ gây tác động xấu tới các yếu tố khác nhau của môi trường. Như vậy, Luật Môi trường có nhiều nhóm chế định khác nhau, từ các chế định mang tính phòng ngừa, giải quyết các tác động xấu tới môi trường đến các nhóm chế định nhằm kiểm soát hành vi khai thác, sử dụng các thành phần môi trường. Mặc dù là các chế định độc lập nhưng giữa các chế định này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, có tác động chi phối lẫn nhau. Do đó, để nhận biết, để hiểu một cách đầy đủ, toàn diện, chính xác khoa học luật môi trường trường thì không chỉ nhận biết, hiểu từng chế định của Luật Môi trường mà còn phải nắm bắt được mối quan hệ giữa các chế định này.
Bên cạnh đó, khoa học luật môi trường cũng có đối tượng nghiên cứu khác biệt với các lĩnh vực khoa học môi trường khác. Khoa học luật môi trường nghiên cứu các quan hệ xã hội phát sinh từ hoạt động sử dụng, khai thác và bảo vệ môi trường chính là tiêu chí quan trọng để phân biệt khoa học luật môi trường với các bộ môn khoa học khác như môi trường học, sinh thái học... Các bộ môn khoa học kể trên nghiên cứu các hiện tượng, các biến động tự nhiên của môi trường dưới những tác động khác nhau của thiên nhiên và con người. Khi nghiên cứu môi trường, các ngành khoa học này không chú trọng hoặc ít chú trọng đến các khía cạnh xã hội của các vấn đề môi trường. Con người trong các nghiên cứu này chỉ được đánh giá như những chủ thể tự nhiên trong mối quan hệ với các yếu tố môi trường. Ngược lại, Luật Môi trường không chú trọng đến các khía cạnh tự nhiên của vấn đề môi trường mà chỉ chú trọng đến khía cạnh xã hội của chúng. Tuy nhiên, để hiểu một số chế định, thuật ngữ pháp lý luật môi trường thì cũng cần một số kiến thức về khoa học môi trường, đặc biệt là các biến động tự nhiên của môi trường dưới những tác động khác nhau của thiên nhiên và con người, các tác động qua lại giữa các thành phần môi trường.
Từ đây, khi lựa chọn, biên soạn thuật ngữ Luật Môi trường cần xem xét vị trí của thuật ngữ, mối quan hệ của thuật ngữ thuộc một chế định với các thuật ngữ khác thuộc các chế định khác của Luật Môi trường. Đồng thời, cần xem xét một số thuật ngữ quan trọng của khoa học môi trường có ảnh hưởng lớn tới giảng dạy, học tập, nghiên cứu Luật Môi trường...
TS. Nguyễn Văn Phương
Trường Đại học Luật Hà Nội
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 392), tháng 11/2023)