1. Từ con ngựa hoang được thuần hóa
Điều này cũng là vấn đề văn hóa, tâm linh. “Thuần hóa” là quá trình tác động có ý thức lâu dài của con người; được con người cảm hóa từ ngựa hoang thành ngựa nhà và được con người sử dụng. Ngựa, ngựa vằn, lừa đều thuộc một họ động vật có vú gọi là họ ngựa (Equidae). Chúng đi rất xa để kiếm ăn và kiếm nước hoặc để tránh ruồi, muỗi những khi thời tiết nóng bức. Với bản chất quần thể, ngựa biết tỏ tình quyến luyến với các thành viên khác trong nhóm hoặc với người chủ nuôi. Một khi đã thiết lập được sợi dây tình cảm thì ngựa (cũng như chó) rất cố gắng vâng lệnh dù là lệnh nghiêm khắc. Với cái “khuyển mã chí tình” ấy, ngựa cũng như chó, dễ thuần hóa hơn nhiều loại động vật khác nên chúng bị con người tận dụng khá tàn nhẫn, nhưng cũng được người yêu quý hơn bất kỳ loại động vật nào khác. Ngay từ trong hoang dã, chúng đã có ý thức cao về cho con bú, bảo vệ con, bảo vệ lãnh địa của mình. Khi được thuần hóa, đặc tính ấy thành “chó giữ nhà”, “ngựa nằm chuồng giữ đất”, đồng thời ngựa đã trở thành phương tiện giao thông lý tưởng thời xưa, đưa con người đi khắp nơi.
Ở nước ta, theo Vân đài loại ngữ và Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn: Các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng có nhiều ngựa hoang được thuần hóa. Phủ Phú Yên, về xứ Quảng Nam cũng nhiều ngựa. Chúng sống hàng trăm, hàng nghìn con kết thành đàn như trâu, dê từ nông thôn đến miền núi. Các xứ Cò Đen, Kẻ Dũ thuộc phủ Quy Nhơn sinh ra nhiều ngựa. Ngựa đẻ ra trong hang núi tới hàng nghìn con, có con cao tới 2,5 thước hoặc 3 thước trở lên. Người địa phương dạy chúng tập chở hàng hóa sang phủ Phú Yên, luyện cách nằm, đi đứng theo hiệu lệnh. Vùng này, đàn bà đi buôn, đi chợ hay đi xa cũng cưỡi ngựa không khác gì nam giới. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lê Lợi “Sai người nhà Minh đã đầu hàng là Chu Sài đem 340 con ngựa đến Hóa Châu rèn luyện và chăn nuôi”… Đó là những vùng nổi tiếng nhất ở nước ta về thuần dưỡng ngựa, làm cơ sở cho những đội kỵ binh ở Việt Nam chiến thắng thù trong, giặc ngoài. Đó cũng là cơ sở để tuyển lựa được nhiều tuấn mã khác thường mà ở các nước khác khó kiếm được. Sách Đại Việt sử ký toàn thư còn cho biết rõ rằng: Từ đời Tiền Lê đến thời Lý đã xuất hiện những con ngựa lạ và nhiều người đã dâng ngựa quý cho vua.
2. Đến các hiện vật do người tạo ra trong văn hóa nghệ thuật
- Ở những vách đá dựng đứng, trên nóc các hang động ở ngoại Bai-can và Mông Cổ có những hình vẽ thời cổ tô màu đỏ (thường thấy ở thời văn hóa đồng thau), thể hiện hình những con ngựa đang ở tư thế đặc biệt, chuẩn bị nhảy.
- Khoảng 1400 năm trước Công nguyên (TCN), trên một lăng mộ Ai Cập cổ đại có bức họa vẽ một cặp ngựa kéo xe, bên dưới là hai con la Hini trắng cũng kéo một cỗ xe khác.
- Trên các tấm đá hoa cương trong điện Páctênông ở Aten (Hy Lạp) vào thế kỷ thứ V TCN đã chạm khắc hình ngựa kéo hoàng hôn. Đây là một trong những tác phẩm điêu khắc vĩ đại nhất mọi thời. Nó thể hiện truyền thuyết Hy Lạp: Có một tốp ngựa ngày nào cũng kéo cỗ xe mặt trời xuống biển để tạo ra hoàng hôn. Sự mệt mỏi quá độ biểu hiện trên mặt ngựa.
- Bốn con ngựa thành Venixơ là tác phẩm của nhà điêu khắc Hy Lạp Lixipút thế kỷ IV TCN. Những chú ngựa oai vệ bằng đồng đỏ này được lấy từ con Xtantin ôpôn (nay là Istanbun) về thánh cung Xanmáccô ở Vơnixơ vào năm 1204, trước đó chúng đã ở La Mã. Năm 1797, Napoleon đem tác phẩm này về Pari, năm 1815 lại trả về Vơnixơ.
- Pêgát, con ngựa có cánh trong trong thần thoại Hy Lạp đã mọc lên từ máu của Mẹ Dula, quái vật tóc rắn, khi Péc-xê, con trai thần Dớt chặt đầu con quái vật này. Con ngựa ấy bay lên định hội nhập với các thần linh nhưng bị nữ thần khôn ngoan Aten bắt được và bị thuần hóa bằng cái gương vàng. Hình khắc tinh xảo này trên hòm đựng đồ thánh bằng đồng đỏ mô tả con ngựa Pêgát, do người Etơruxcơ làm ra vào khoảng 300 năm TCN.
- Ở Việt Nam, ngựa trắng, ngựa hồng là hai loại ngựa được thờ ở nhiều đền, đình… như đền Bạch Mã có từ thế kỷ thứ IX, chính thức hình thành khoảng thời Lý Công Uẩn dời đô. Đền này thờ một ngựa trắng được tạc thành tượng đặt ở thượng điện, trấn phía đông Thăng Long (ở số 2 phố Hàng Buồm, Hà Nội). Đình Hạ Hiệp ở xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ (Hà Nội), thờ Hoàng Đạo tướng của bà Trưng, có những tác phẩm chạm gỗ tả cảnh đua ngựa. Đình Đại Phùng thuộc xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Tây, nay là Hà Nội) có tượng tròn của ngựa. Đình Chu Chàng (Chu Quyến ở Hà Tây) trang trí nghệ thuật trên gỗ tả sinh hoạt của con người như cảnh uống nước, có người dắt ngựa đứng hầu. Đền Sóc Sơn, ở làng Vệ Linh (nay thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội) thờ Thánh Gióng, chỉ còn Đền Hạ. Năm 1898, đền này bị cháy nhưng đuôi ngựa vẫn còn sót lại. Lăng Gia Long ở Huế có điện Minh Thành, bên trong có thờ các kỷ vật của vua như cân, đai, yên ngựa. Chùa Từ Hiếu thuộc xã Thủy Xuân gần với trung tâm thành phố Huế: Trong chùa có một án dành riêng thờ Thái giám Lê Văn Duyệt, bên án có con ngựa bằng gỗ và thanh đại đao của ông.
3. Một góc độ đặc biệt của văn hóa nước ta: Con ngựa trong văn hóa Thăng Long
3.1. Về văn hóa tinh thần
Hình ảnh con ngựa ở Thăng Long từng thể hiện trong tên gọi một địa danh lịch sử, phản ánh trình độ chuyên môn về buôn bán, sản xuất. Bản thân nó là tinh thần, nhưng lại phản ánh sự thật về những vấn đề vật chất, kinh tế ở thủ đô. Như phố Mã Vĩ, cái tên đã quen thuộc từ trong nếp nghĩ của người Hà Nội, phản ánh phố này xưa kia chuyên làm mũ cánh chuồn bằng đuôi ngựa, cung cấp một phần trang phục cho phường tuồng, xướng ca và quan lại, đúng với sự duy danh định nghĩa: “Mã” là ngựa, “Vĩ” là đuôi. Hà Nội lại có nhưng tên nôm quen thuộc: “ Đường Quần Ngựa”, “Hồ Cổ Ngựa”, “Cồn Cổ Ngựa”… “Đường Quần Ngựa” thành tên từ khi thực dân Pháp làm sân thi ngựa ở giữa đồn trại Vĩnh Phúc, gắn với con đường mà dân tổng Nội gọi là “Đường Mới”, nay gọi là “Đường Đội Cấn”, chứng tỏ đường ấy dưới thời Pháp thuộc từng diễn ra môn thể thao đua ngựa. Còn “Hồ Cổ Ngựa” (ở phố Hàng Than), “Cồn Cổ Ngựa” (ở khoảng bên kia khách sạn Daewoo, gần đường xe điện Kim Mã đi Cầu Giấy), nay bị nhà cửa hiện đại mọc lên che lấp hết, đều phản ánh một hình thể: Hồ và cồn rất giống hình cái cổ ngựa.
Thăng Long lại có những vùng đất, tuy không mang tên ngựa nhưng thể hiện hình ảnh ngựa, có giá trị lịch sử, có vai trò quân sự. Như từ đời Lý, vùng đất có tên “Thái Hòa” ở thủ đô rất phồn vinh, quân lính đóng ở đây nuôi nhiều ngựa, voi nên gọi là “Núi Voi”. Để cung cấp đủ thức ăn cho voi, ngựa nên biến trại thành ra phố “Hàng Cỏ”. Đây là nơi danh tiếng Lý Thường Kiệt thời niên thiếu tập bắn cung, cưỡi ngựa. Nước Đại Việt thời đó đánh Tống, bình Chiêm thắng lợi với “An Nam hành quân pháp”, nổi tiếng về bộ binh, đặc biệt là kỵ binh, khiến người Trung Hoa phải khâm phục học tập theo (theo tư liệu của Lê Quý Đôn), hẳn một phần trong đó cũng có sự đóng góp của vùng đất ấy. Hoặc ở vùng đất xã Bồ Đề, nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội, nơi có dinh Bồ Đề của Lê Lợi, khi ông vây thành Đông Quan năm 1427, xây lầu nhiều tầng để quan sát địch tình trong thành.
3.2. Về phương tiện đi lại trên đường phố Hà Nội
Cưỡi ngựa là một trong những phương tiện đi lại của người Hà Nội thời xưa, phản ánh một trình độ nhất định. Nhưng hẳn càng về sau (trừ bên quân đội ra), số người đi ngựa ngày càng ít. Dân phổ biến đi bộ, quan lại phổ biến dùng võng lọng hơn là cưỡi ngựa. Dùng xe ngựa lại càng không phổ biến, dù không phải là không có như Bà Huyện Thanh Quan trong bài “Thăng Long thành hoài cổ” có câu “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”. Song sang thời Pháp thuộc lại có những đổi thay. Ở quyển Phố phường Hà Nội xưa, cụ Hoàng Đạo Thúy cho biết: “Thời này, Tây đã dùng xe độc mã và xe song mã, cũng ảnh hưởng đến ta, dần dần ở Hà Nội, dân ta có những gia đình dùng xe ngựa trong đám cưới, đám ma”.
3.3. Về lệ tục
Ở Thăng Long, từng có lệ vua nhận ngựa báu từ các phiên trấn dâng về. Như Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: Đời Lý Thái Tông (năm 1043) Phụng Càn Vương từ châu Văn dâng cho vua 4 con ngựa tốt. Đời Lý Thần Tông (năm 1129) Nhập nội Long đồ là Mâu Du Đô dâng ngựa trắng bờm đen… Trên cơ sở những ngựa ấy, các vua Lý ngay ở Thăng Long đã chọn được những con ngựa thực sự có ích. Như ở thuở khai sáng vương triều, vào năm Nhâm Tý (1012), hai năm sau khi viết “Chiếu dời đô”, mở đầu cho nền văn hóa Thăng Long, vua Thái tổ Lý Công Uẩn đã chọn được trong tàu ngựa ngự một con ngựa trắng hùng tráng, thông minh, phàm khi xa giá vua sắp đi thì nó đều linh cảm biết trước, hí lên báo cho vua, nên Thái tổ đặt tên là “Bạch Long thần mã”. Giết ngựa trắng ăn thề cũng là một lệ tục thiêng liêng của các vua nước ta ở Thăng Long xưa. Như Quốc sử nhà Lê cho biết: “Hồi đầu triều vua Thái Tông bản triều, ngày 15 tháng giêng, nhà vua ngự ra trường đua, xem trăm quan hội thề, tấu cáo trời đất quỷ thần núi cao sông lớn, giết ngựa trắng làm lễ ăn thề”.
3.4. Về pháp luật
Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chuyện đời Lý Anh Tông. Bọn Nội thị Đỗ Ất gồm 5 người phạm tội phải thượng xa mộc mã (cưỡi ngựa gỗ)…
3.5. Về lễ hội
Làng “Đăm” còn gọi là làng “Tây Đăm” thuộc xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm (Hà Nội) mở hội bơi thuyền từ ngày mùng 9 đến ngày 13 tháng 3 (âm lịch) hàng năm trên khúc sông Pheo (một đoạn cũ của sông Nhuệ), diễn lại thủy binh thời Hùng Vương. Bên cạnh những thuyền dự thi tạc hình đầu hạc, đầu rồng, lại có thuyền mang đầu long mã. Hình ảnh ngựa được huyền thoại hóa gắn với hình ảnh rồng, thể hiện ước mơ về sức mạnh thủy binh của người Việt trong buổi đầu dựng nước.
Còn đánh trận trên bộ gắn với con ngựa sắt của Thánh Gióng thể hiện trong hệ thống các lễ hội xoay quanh Gióng và bà mẹ ông. Như “Hội trận làng Gióng” là một hội lễ có quy mô lớn nhất trong vùng Hà Nội ngày nay. Hội mở từ mùng 5 đến mùng 9 hàng năm. Đóng vai giặc Ân có 28 cô gái lập trận trên đê Đông Viên, đánh nhau với quân Văn Lang bị thất bại phải đầu hàng. Hiệu cờ dẫn tướng Đốc, tướng Ngựa của chúng về đền. Còn “Hội phù Thánh Gióng” diễn ra ở đình Sen Hồ, làng Chí Nam, nay thuộc huyện Gia Lâm (Hà Nội). Hoặc hội đền Sóc, diễn ra ở núi Vệ Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) tổ chức hàng năm vào ngày mùng 6 đến mùng 7 tháng giêng với sự tham gia của 52 làng thuộc 9 tổng huyện Kim Anh cũ. Trong hội ấy, có việc dân các làng vào đền Thượng làm lễ dâng hoa tre. Đó là những mảnh tre vót mỏng, đầu tuốt bông ra, nhuộm phẩm ngũ sắc. Có người cho đó là roi ngựa của Thánh Gióng. Có người cho đó là biểu tượng của Linga, sinh thực khi nam, tín ngưỡng phồn thực của người xưa…
3.6. Về văn hóa vật thể
Thăng Long hiện còn những di tích lịch sử, có thể nhìn thấy, sờ thấy, thể hiện rất rõ hình ảnh con ngựa: Ở số nhà 76, phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) có đền thờ “Long Đỗ Thần Quân Quảng Lợi Bạch Mã Đại Vương”, tức thờ thần ngựa trắng. Tương truyền: Thần từng cưỡi con xích cầu (rồng đỏ) trong đám mây ngũ sắc, xem viên quan Đô hộ của nhà Đường là Cao Biền chỉ huy đắp La Thành và báo mộng cho hắn. Cao Biền dùng búa đồng trấn yểm thì mưa gió nổi lên, búa bị đánh tan. Hắn sợ phải lập đền thờ thần ở phía Đông La Thành. Đền này xếp vào “Đông trấn chính từ” như câu ghi ở hoành phi đền. Vào năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Ông sai người đắp thành nhiều lần đều bị đổ. Thái tổ bèn cho người cầu thần Long Đỗ, thì thấy một con ngựa trắng từ đền đi ra. Ông sai lần theo vết chân ngựa mà vẽ đồ án xây thành thì thành mới vững. Những truyền thuyết ấy còn để lại đến nay trong Việt điện U linh và nhiều sách khác.
Trong nội thành ở những di tích không thuộc tứ trấn, thật hiếm có nơi nào như ở chùa Tàu (Phổ Giác), trong khu vực Thái Y viện đời Lê cũ (gần Văn Miếu) có đôi ngựa bằng đá chính hiệu có niên hiệu khoảng cuối đời Lê, đầu đời Nguyễn. Còn ở ngoại thành Hà Nội, ở xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm có gò đất ở Trâu Quỳ cũng có ngựa đá cổ. Ở đình Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, ở nơi thờ Phùng Hưng, có thờ cả đôi ngựa hồng và trắng.
Song ở ngoại thành Hà Nội, không đâu tập trung đông đặc hình ảnh con ngựa bằng các di tích về Thánh Gióng. Các di tích này có dấu tích còn lại rõ rệt ở ba nơi:
Thứ nhất, ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội (có tên nôm là làng Gióng) là quê hương của người anh hùng dẹp giặc Ân vào đời vua Hùng Vương thứ 6. Nơi này gồm một miếu 2 đền. Chỉ có 2 đền thể hiện hình ảnh ngựa (gồm Đền Gióng, còn gọi là đền Thượng và đền Mẫu, còn gọi là đền Hạ - Thờ mẹ con Thánh Gióng).
Thứ hai, ở thôn Xuân Tảo, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội cũng có đền thờ Gióng với những dấu vết ngựa. Tương truyền: Sau khi đánh tan giặc Ân, Gióng phi ngựa sắt đến bến Bồ Đề, dừng lại cho ngựa uống nước sông Hồng, dấu chân ngựa còn in lại trên phiến đá lớn thôn Phú Viên. Gióng tiếp tục ruổi ngựa qua sông, đi ngược lên đến bờ Hồ Tây, buộc ngựa vào gốc cây, xuống tắm mát, giở cơm nắm ra ăn, rồi phi ngựa lên núi Sóc bay về trời, để quên chiếc roi sắt. Đền Xuân Tảo được lập thờ ông, nơi ông nghỉ lại trên gò con Phượng, cạnh gốc đa buộc ngựa mà nay trước mắt mọi người, dấu cũ hãy còn.
Thứ ba, núi Sóc Sơn còn gọi là núi Phù Mã, núi Vệ Linh, ở xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Tại đây, từng có hai đền thờ ông Gióng gồm đền Thượng và đền Hạ. Năm 1898, đền bị cháy, nhưng nay vẫn còn đuôi ngựa gỗ là di tích cũ. Tương truyền, khi Gióng đánh tan giặc Ân, về tới đây, cởi áo treo ở đồi Mã, rồi phi ngựa thẳng lên núi, cưỡi mây bay về trời. Truyền thuyết ly kỳ ấy lại gắn với một sự thật không thể phủ nhận: Trên núi này vẫn còn hình một mô đá hình như cái gốc cây, gọi là “cây cởi áo”. Hơn nữa, nhiều dấu tích ngay trước mắt mọi người: Dưới chân núi ở dốc Mã và làng Mã có rất nhiều ao chuôm, các già truyền lại rằng: Đó là dấu chân ngựa sắt của Thánh Gióng. Khi về tới đây, ông cho xoay ngựa khắp 4 vó phóng lên núi.
Rõ ràng, con ngựa rất gắn bó với đời sống người Thăng Long. Từ khi có nền văn hóa Thăng Long đến nay, ở tất cả mọi phương diện quan trọng, ở mọi bộ môn khoa học thuộc nền văn hóa đó, đều in đậm hình ảnh con ngựa một cách đẹp đẽ, hào hùng, khó phai mờ.
4. Con ngựa trong giao thông vận tải thời trước
Một trong những thành quả quan trọng nhất ở thời đại đồng thau là dùng ngựa làm phương tiện giao thông vận tải. Ngựa xuất hiện ở các nước nông nghiệp tiên tiến, dẫn tới một bước ngoặt trong chiến thuật, tăng cường hơn nữa sự giao thông giữa các nước. Nhưng sức ngựa vẫn có ý nghĩa đặc biệt hơn đối với các bộ lạc chăn nuôi, làm họ sống cơ động, chuyển sang kinh tế du mục hay nửa du mục trên đồng cỏ, trong rừng để có thể vận chuyển đi mau hơn, xa hơn.
Ở Việt Nam, ngay từ thời Hùng Vương đã nổi tiếng với truyền thuyết “Ngựa sắt”, “Ngựa chín hồng mao” dùng trong quân sự và hôn lễ, chứng tỏ giao thông vận tải bằng ngựa thời ấy không phải không có. Để đánh thắng những đạo kỵ binh Nguyên Mông hùng mạnh nhất thế giới, Trần Quốc Tuấn đã đặt ở những vùng đất thuộc huyện Đông Triều (Quảng Ninh) những trại nuôi ngựa. Ở sách Vân đài loại ngữ, mục “Vựng điển”, Lê Quý Đôn, cho biết “Nước ta tỉnh Tuyên Quang và Cao Bằng có nhiều ngựa, phủ Phú Yên về xứ Quảng Nam càng nhiều ngựa…, khách buôn đàn bà cũng cưỡi ngựa, dùng ngựa thồ hàng rồi bán cả ngựa”. Trong Phủ biên tạp lục, phần “Vật sản phong tục”, Lê Quý Đôn cho biết thêm “Các xứ Cò Đen, Kẻ Dã phủ Quy Nhơn sản xuất ngựa, ngựa sinh trong hang núi thành đàn hàng trăm, hàng nghìn con, có sức vóc cao tới 2,5 thước hoặc 3 thước trở lên. Người địa phương dạy cho ngựa thồ chở hàng hóa sang phủ Phú Yên. Cho đến đàn bà đi chợ cũng cưỡi ngựa. Thời Lê sơ, Lê Lợi đã cấp cho bọn Vương Thông, Mã Anh – các tướng Minh mấy ngàn ngựa về nước (Theo Bình Ngô đại cáo). Đến thời chống Pháp, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh “Ung dung yên ngựa trên đường suối reo” chứng tỏ giao thông vận tải bằng ngựa ở nước ta từ xưa tới thời kháng chiến chống Pháp vẫn nối tiếp.
Hiện nay, cơ giới máy móc đã thay con ngựa nhưng thuật ngữ “ Mã lực” (sức ngựa) vẫn phổ biến trong nhiều ngành nghề (kể cả giao thông vận tải) càng gợi ta nhớ tới thời oanh liệt của loài ngựa.
5. Con ngựa gắn với ẩm thực và y học
Thịt ngựa có giá trị y học nên được nhiều người sử dụng, đặc biệt là dân các bộ lạc du mục chăn nuôi. Ở nước ta vào thế kỷ XV, trong gần 10 năm chống giặc Minh gian khổ, Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn nhiều lần bị giặc vây ở rừng núi Chí Linh, có những lần lương thực khó khăn phải thịt cả ngựa chiến ăn với măng rừng… Thức ăn bằng thịt ngựa với giá trị y học đã góp phần làm cho thủ lĩnh và nghĩa quân Lam Sơn tồn tại qua những ngày gian khó để thu phục được đất nước.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Hồi bắt đầu thời vua Thái Tông bản triều, ngày 15 tháng giêng, nhà vua ngự ra xem trăm quan hội thề, tấu cáo trời, ngựa, quỷ thần, núi cao, sông lớn, giết ngựa trắng làm lễ ăn thề”. Máu ngựa, các thức ăn bằng thịt ngựa đã tăng sức mạnh, hâm thêm bầu máu nóng cho người ăn thề.
Sữa ngựa cũng là một trong những thực phẩm quan trọng với các dân tộc phía Bắc phương Đông như Mông Cổ, Mãn Châu. Thức ăn chủ yếu của người Mông Cổ là thịt và sữa, trong đó có thịt ngựa, sữa ngựa. Trong các lễ cưới của người Mông Cổ, không thể thiếu món sữa ngựa, dù là trong các gia đình quyền quý hay dân thường. Trong cung đình Mông Cổ đặc biệt có tiệc “rượu ngựa bao tử”. Loại rượu lạ này được chiết xuất từ rượu ngâm các bào thai ngựa.
Truyền thuyết về các địa danh lịch sử mang tên ngựa nhiều khi cũng gắn với những vấn đề có quan hệ mật thiết tới y học. Theo Lê Quý Đôn trong sách Vân đài loại ngữ, Mục “Khu vũ”: Phía Tây Bắc châu thành Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Hoa), có Mã pháo tuyền còn gọi là Thái tử tỉnh (tương truyền rằng, Trấn Nam Vương, Thái tử của Hoàng đế Nguyên Mông đi Nam chinh, quân sĩ uống nước sông Minh Giang đều bị bệnh, sau cầu thần thì thấy ngựa lấy móng chân cào đất, nước suối vọt ra gọi là “Mã pháo tuyền”. Ở đấy, nước trong và ngọt, đựng vào bình để hàng tuần không bị biến vị, uống nước ấy có thể làm tiêu hết chướng độc (sốt rét, ngã nước). Các sứ giả đi cống, sau khi qua cửa quan đến Minh Giang, lên thuyền, phải lấy ngay nước suối ấy đủ dùng cho đến Nam Ninh, giữa đường không dám uống nước sông Uất Giang. Khi trở về nước, đến đấy cũng phải múc chứa nước ấy đủ dùng cho đến Lạng Sơn, không dám uống nước sông Bằng Tường.
Đồng bào thiểu số ở miền núi phía Bắc nước ta có bài thuốc hay: Phổi ngựa bạch ngâm rượu hoặc ngâm mật ong, sau 100 này uống chữa bệnh đường hô hấp (viêm phổi, hen…) rất hiệu nghiệm. Nhưng cần phân biệt ngựa bạch với ngựa trắng. Ngựa bạch là ngựa có bộ lông trắng, nhưng đúng ngọ (12 giờ trưa) mắt nó bỗng sáng long lanh, còn ngựa trắng thì chỉ có bộ lông trắng chứ không có đôi mắt thần kỳ như thế
Đinh Công Vĩ