Qua phân loại cho thấy có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân tranh chấp dân sự vì mục đích “thưa kiện nhau đề dằn mặt” hoặc do cách xử sự với nhau thiếu “tình làng nghĩa xóm”. Nhiều trường hợp đương sự mức sống khá, thu nhập ổn định, nhưng vẫn kiện vụ việc giá trị chỉ có 01 triệu đồng đến khoảng 10 triệu đồng, hoặc yêu cầu tháo dỡ vách tường để đòi đất chỉ khoảng 2cm, trong khi trước đó hai nhà đã xây dựng kiên cố mà không có bất cứ vấn đề gì xảy ra. Loại việc này khi tổ chức thi hành án rất phức tạp vì đập bỏ một vách tường của căn nhà có khả năng làm thiệt hại toàn bộ căn nhà…
Để giải quyết tranh chấp, mặc dù vụ việc giá trị không lớn, nhưng các cấp, các ngành từ ấp, xã, huyện có khi lên tới tỉnh mới giải quyết được bằng một bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án. Sau đó cơ quan thi hành án phải tổ chức thi hành, gây nhiều tốn kém cho xã hội. Thông thường những tranh chấp giá trị không đáng kể thường xuất phát từ tính cố chấp, thách đố nhau đi kiện hết cấp này đến cấp khác. Đây là một thực trạng của địa phương, mà các cấp các ngành phải có trách nhiệm quan tâm giải quyết.
Ngày 27/6/2011, Bộ Tư pháp đã có Chỉ thị số 03/CT-BTP về tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, phát huy những giá trị văn hóa lành mạnh, góp phần đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các phong trào vận động quần chúng khác đi vào chiều sâu, thiết thực, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao vị trí, vai trò, hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở.
Với nhận thức, hoà giải ở cơ sở là một truyền thống, đạo lý tốt đẹp, mang tính nhân văn, vì tình người, nhằm giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết tương thân, tương ái trong cộng đồng, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, và cũng là một trong những nhiệm vụ để thực hiện phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức, góp phần xây dựng nông thôn mới”. Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành (Kiên Giang) đã chỉ đạo từng cán bộ, chấp hành viên phải có trách nhiệm thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với các khu phố, ấp, đặc biệt là cán bộ tư pháp xã để tạo điều kiện vừa tổ chức thi hành án vừa trực tiếp giải thích những yêu cầu và tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở. Thực hiện tốt việc này có ý nghĩa giảm bớt sự quá tải trong công việc của cơ quan thi hành án, bởi lẽ hoà giải thành đối với tranh chấp dân sự tại khu phố, ấp…sẽ góp phần hạn chế đơn thư, khiếu kiện, giảm lượng việc chuyển lên Toà án, cơ quan hành chính cấp trên, giúp cho các cơ quan nhà nước không phải giải quyết những khiếu kiện đơn giản, giá trị nhỏ, đồng thời tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân; qua đó góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân, đặc biệt là những địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống[1]. Có như vậy thì công tác hòa giải ở cơ sở mới thu hút được sự đồng thuận của người dân.
Qua thời gian thực hiện Chỉ thị số 03/CT-BTP ngày 27/6/2011 của Bộ Tư pháp và Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 (có hiệu lực ngày 01/01/2014), Chi cục Thi hành án huyện Châu Thành nhận thấy số vụ việc tranh chấp giá trị không lớn có chiều hướng giảm[2], tác động đến sự phát triển kinh tế, xã hội, góp phần tích cực xây dựng khu phố, ấp văn hóa và ổn định tình hình an ninh trật tự tại cơ sở .
Theo số liệu tổng hợp của Phòng Tư pháp huyện Châu Thành, trong 6 tháng đầu năm 2014, toàn huyện có 275 vụ tranh chấp, đã hòa giải thành 174, số còn lại đang tiếp tục giải quyết theo quy định của pháp luật. Chất lượng hòa giải được nâng lên rõ rệt, vì vậy, huyện đã đề nghị cấp trên khen thưởng cho 9/10 tập thể và 10 cá nhân có thành tích cao trong công tác hòa giải ở cơ sở. Đây là kết qủa đáng khích lệ, góp phần trong cải cách tư pháp, phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nguyễn Đức Thịnh
Chi cục THADS huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang