Tóm tắt: Bài viết trao đổi về vai trò của công tác thanh tra trong phòng, chống tham nhũng từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh, phân tích một số hạn chế, từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thanh tra trong hoạt động phòng, chống tham nhũng.
Abstract: The article discusses the role of inspection in preventing and combating corruption from the real situation of Ho Chi Minh City, analyzes a number of limitations, thereby, proposes solutions to improve the effectiveness of the inspection work in anti-corruption activities.
1. Dẫn nhập
Tham nhũng luôn luôn gắn với quyền lực nhà nước; một số người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước đã lợi dụng quyền lực nhà nước để tham nhũng, nhằm thu về những lợi ích cho bản thân mình, cho gia đình mình hoặc cho người thân của mình. Ở một số nơi trên thế giới, tham nhũng gây xáo trộn, mất ổn định chính trị. Từ đó, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) là vấn đề cấp thiết cần được đặt ra với nhiều khó khăn, thách thức cần có sự quyết liệt và kiên trì, là chính sách ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia và sự nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế. Đảng và Nhà nước ta cũng đã khẳng định tham nhũng là “quốc nạn”, là “giặc nội xâm” và lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt vấn đề phòng, chống tham nhũng.
Tham nhũng hiện diện trong hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội mà chủ thể là những cá nhân có chức, có quyền, có cơ hội lợi dụng quyền để vụ lợi. Thực tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, nguy cơ tham nhũng ngày càng có điều kiện nảy sinh và phát triển ở một số ngành, lĩnh vực như các dự án đầu tư lớn, trọng điểm của thành phố; công tác quản lý đất đai, thu hồi, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng cơ bản, đấu thầu; môi trường; các dự án có nguồn vốn nhà nước, dự án BOT, BT; quản lý tài chính, tài sản trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước; cổ phần hóa doanh nghiệp, nổi cộm hiện nay là việc mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm, kít xét nghiệm phục vụ phòng chống dịch Covid-19; ngoài ra, cũng phải kể đến các cơ quan hành chính nhà nước, do đó, việc PCTN ngày càng phải chú trọng. Nhiệm vụ này được quy định cho nhiều chủ thể, bao gồm các cơ quan quyền lực, cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và nhân dân, trong đó, vai trò của cơ quan thanh tra đã được đẩy mạnh và có hiệu quả cao.
2. Vai trò của công tác thanh tra trong phòng, chống tham nhũng tại Thành phố Hồ Chí Minh
Trong công tác PCTN tại Thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan thanh tra có vai trò hết sức quan trọng, trong đó, có việc giúp Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và TP. Thủ Đức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác PCTN. Việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng chủ yếu được thực hiện qua việc quản lý nhà nước về PCTN và trực tiếp thực hiện hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Do tính chất hoạt động của mình, thông qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cơ quan thanh tra có điều kiện phát hiện sớm các biểu hiện tham nhũng, kịp thời kiến nghị các biện pháp ngăn chặn. Ngoài ra, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 còn quy định cơ quan thanh tra có trách nhiệm rất lớn trong kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Trách nhiệm này đã đặt ra cho Ngành Thanh tra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức cũng như về chuyên môn, nghiệp vụ.
Có thể nói, công tác thanh tra tại Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò quan trọng trong công tác PCTN. Hoạt động thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật (VPPL); phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân[1]. Điều 2 Luật Thanh tra năm 2010 tuy không trực tiếp quy định mục tiêu phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, nhưng nội hàm của khái niệm hành vi VPPL đã bao hàm toàn bộ cả nội dung của hành vi tham nhũng, nhất là đối tượng của thanh tra chủ yếu là việc thực hiện chức trách nhiệm vụ của cán bộ, công chức nhà nước. Hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức chủ yếu liên quan đến kinh tế. Do vậy, quy định về hoạt động thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi VPPL cũng đã khẳng định vai trò, vị trí của công tác thanh tra trong đấu tranh PCTN.
Tham nhũng được nhiều học giả và các tổ chức quan tâm nghiên cứu, được biết đến với nhiều quan niệm khác nhau. Trong tiếng Anh từ tham nhũng là “corruption” có nghĩa là “hư hỏng, thối nát, phá hoại”[2]. Trong tiếng Việt, thuật ngữ tham nhũng được xác định là: “Lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu nhân dân và lấy của dân”[3]. Ngân hàng Thế giới (WB) lại đưa ra quan niệm tham nhũng là việc lợi dụng quyền lực công nhằm lợi ích cá nhân[4]. Tổ chức minh bạch quốc tế (TT) cho rằng, tham nhũng là hành vi của người lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân[5]. Theo Ban nghiên cứu thuộc Hội đồng Châu Âu, “tham nhũng bao gồm những hành vi hối lộ và bất kỳ một hành vi nào khác của những người được giao thực hiện một trách nhiệm nào đó trong khu vực nhà nước hoặc tư nhân, nhưng đã vi phạm trách nhiệm được giao để thu bất kỳ một thứ lợi ích bất hợp pháp nào cho cá nhân hoặc người khác”[6].
Trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về PCTN, tác giả định nghĩa: Phòng, chống tham nhũng là bao gồm các hoạt động của hệ thống cơ quan Đảng, bộ máy nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân, căn cứ vào đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý những hành vi tham nhũng nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và công dân, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị - xã hội, bảo vệ chế độ và bảo đảm cho kinh tế - xã hội đất nước phát triển bền vững.
Vấn đề tham nhũng trên cả nước nói chung và tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước ngày càng quan tâm, điều đó được thể hiện rõ nét trong các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng như Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI và lần thứ XII đã đề ra một số chủ trương, quan điểm về phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, phần phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp căn cơ, quyết liệt về phòng, chống tham nhũng: “Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”[7]; tại văn kiện đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã đề ra mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ phát triển thành phố, xây dựng đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố cùng với việc xây dựng, chính quyền vững mạnh trong đó nhấn mạnh đến việc nâng cao hiệu quả đấu tranh PCTN, lãng phí: “Tập trung kiểm tra, giám sát, thanh tra và đề nghị kiểm toán những địa bàn, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, có nhiều đơn thư phản ánh, tố cáo”[8]. Từ đó, có thể thấy, Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Vai trò của công tác thanh tra trong PCTN thể hiện rõ nét như sau:
Thứ nhất, công tác thanh tra có tầm trọng trong thực hiện chính sách, pháp luật về PCTN; thông qua công tác thanh tra đối với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, từng vị trí cán bộ, công chức; đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc ngăn ngừa, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí xảy ra ở cơ quan, đơn vị mình. Các cấp chính quyền và mọi cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt việc PCTN, tiêu cực và xử lý nghiêm khi có vi phạm thì tham nhũng, tiêu cực sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi, mặt khác sẽ nâng cao tính tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức lối sống cho cán bộ, công chức. Qua đó, các chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN được thực hiện có hiệu quả.
Thứ hai, công tác thanh tra là một trong những phương thức phòng ngừa tham nhũng hiệu quả. Nhiệm vụ cơ bản của công tác thanh tra là kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành chính sách, pháp luật của các đối tượng bị thanh tra. Chính từ quá trình thực hiện các chức năng cơ bản này, thanh tra có thể hiểu rõ những khiếm khuyết trong cơ chế chính sách làm phát sinh hành vi tham nhũng, ở đây, thanh tra đóng vai trò dự báo. Một cơ chế, chính sách nào đó ở vào thời điểm thanh tra, mặc dù chưa làm phát sinh tham nhũng nhưng đã có thể có được dự báo hậu quả của nó trong thời gian tới nếu không có một sự điều chỉnh kịp thời. Những kiến nghị của thanh tra trong trường hợp này mang tính chất là một biện pháp ngăn ngừa tham nhũng có thể xảy ra. Thực tế đã chứng minh rằng, qua công tác thanh tra, đã đưa ra rất nhiều kiến nghị mà việc thực hiện chúng đã hạn chế được các vụ việc tham nhũng phát sinh, nhất là trong các lĩnh vực: Đấu thầu, mua bán tài sản công, quản lý tiền tệ ngân hàng, quản lý việc sử dụng công quỹ...
Thứ ba, công tác kiểm tra, thanh tra còn góp phần tăng cường ý thức trách nhiệm của thủ trưởng thông qua việc thanh tra trách nhiệm thực hiện tốt việc công khai, minh bạch. Từ đó, dẫn đến đấu tranh PCTN, tiêu cực được đẩy mạnh và có hiệu quả, bảo đảm sự phối hợp thực hiện trong hệ thống chính trị của cơ quan, đơn vị.
3. Hạn chế của công tác thanh tra trong phòng, chống tham nhũng từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh
- Công tác quản lý nhà nước về hoạt động thanh tra hiệu quả chưa cao. Chất lượng một số cuộc thanh tra còn hạn chế. Kết quả đôn đốc, xử lý về thanh tra tuy có nhiều tiến bộ nhưng ở một số địa phương kết quả còn thấp...
- Hiện nay, quyền tiếp cận thông tin của người dân, doanh nghiệp chưa được bảo đảm đầy đủ. Một số cán bộ, công chức lợi dụng quy định về bí mật nhà nước để che giấu thông tin, nhằm mục đích tham nhũng.
- Tình hình khiếu nại, tố cáo giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp, nhất là liên quan đến lĩnh vực đất đai. Còn nhiều vụ việc khiếu nại tồn đọng, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm.
- Một số người đứng đầu chưa nêu cao vai trò của mình trong PCTN, số người bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng ở các cơ quan, đơn vị còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện.
- Công tác PCTN, tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc của một số cán bộ, công chức chưa bị xử lý một cách triệt để. Việc xử lý tham nhũng trong nhiều trường hợp còn chưa nghiêm, chưa kịp thời. Hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, vì vậy việc phát hiện và xử lý tham nhũng gặp nhiều khó khăn.
- Việc xử lý và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, tham nhũng còn gặp rất nhiều khó khăn do một số nguyên nhân như: Bị can, bị cáo trốn ra nước ngoài, hoặc bị can, bị cáo chết, hoặc chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập nên tài sản có nguồn gốc tham nhũng dễ dàng bị tẩu tán. Do đó, tiền, tài sản tham nhũng trong một số vụ án được thu hồi nhỏ hơn nhiều so với tổng số thiệt hại do các đối tượng chiếm đoạt.
- Hệ thống pháp luật về PCTN còn có một số quy định chưa phù hợp, tính khả thi thấp, hoặc còn có “lỗ hổng”, nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện kịp thời để làm cơ sở pháp lý cho việc phòng, chống tham nhũng.
- Việc kê khai tài sản, thu nhập còn nặng về hình thức; hầu hết các bản kê khai chưa được kiểm tra, xác minh, kiểm chứng, chưa giúp cho các cơ quan chức năng kiểm soát được những biến động về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn; nhiều cơ quan, đơn vị chưa nắm đầy đủ trình tự, thủ tục kê khai và công khai giải trình.
4. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra trong phòng, chống tham nhũng
Một là, Ngành Thanh tra tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ để tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực và toàn diện hơn trong công tác thanh tra. Công tác thanh tra cần bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp để xây dựng, triển khai các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý, cả trước mắt và lâu dài, nhất là các nhiệm vụ triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2026. Việc triển khai định hướng, kế hoạch thanh tra hàng năm theo hướng trọng tâm, hiệu quả, tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Hai là, nâng cao vai trò lãnh đạo của người đứng đầu trong đấu tranh PCTN. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thật sự coi công tác PCTN là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Người đứng đầu chính quyền các cấp phải cam kết về sự liêm khiết và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, ngăn ngừa và phát hiện cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật về PCTN. Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tại cơ quan, đơn vị.
Ba là, tập trung vào hoạt động thanh tra công vụ, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật ở những khâu, những hoạt động quản lý thường xuyên có sự tiếp xúc giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp, nhất là những khâu, những lĩnh vực đã xảy ra vi phạm hoặc có nhiều dư luận về những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bốn là, Luật Phòng, chống tham nhũng cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung để quy định một cách toàn diện, bao quát, nhất là quy định cụ thể các biện pháp để bảo đảm thực hiện việc công khai, minh bạch đầy đủ, kịp thời các hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị để mọi người biết. Cần quy định rõ các nguyên tắc, hình thức, nội dung, thời gian, trách nhiệm thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, để từ đó hạn chế tham nhũng. Hoàn thiện các quy định tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng. Thực tế cho thấy, những người tham nhũng chủ yếu là những người có chức vụ, quyền hạn, nên những người dưới quyền hoặc người dân phát hiện họ có hành vi tham nhũng, muốn tố cáo, nhưng rất e ngại, sợ bị trả thù. Vì vậy, cần ban hành quy định xem xét đơn thư tố cáo tham nhũng nặc danh thì sẽ phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho người dưới quyền, người dân dám nói lên sự thật, dám tố cáo người có hành vi tham nhũng. Luật Phòng, chống tham nhũng cần quy định các biện pháp hữu hiệu để quản lý, xác minh các tài sản, thu nhập của những người có chức vụ, quyền hạn; cần có các cơ quan, tổ chức chuyên trách quản lý, xác minh các bản kê khai tài sản, thu nhập xem có đúng hay không đúng, có trung thực hay không trung thực, có chính xác hay không chính xác không. Đặc biệt, cần có quy định một rõ việc theo dõi sự biến động tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và trách nhiệm giải trình, làm rõ tài sản, thu nhập gia tăng không hợp lý, không rõ ràng. Xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích và bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Năm là, đổi mới chế độ tiền lương và các chính sách đãi ngộ cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Đây được xem là một phương án phòng, chống hữu hiệu đối với nạn tham nhũng, nhất là tệ nạn “tham nhũng vặt”. Bởi một trong những nguyên nhân sâu xa của những hiện tượng tham nhũng, đó là chế độ tiền lương và các chế độ chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ, công chức còn bất hợp lý, chưa đáp ứng được những nhu cầu cơ bản, thiết yếu. Vì vậy, cần phải có chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức và nâng mức lương của cán bộ, công chức đủ nuôi sống bản thân, gia đình và có tích lũy thì mới hạn chế được tham nhũng, nhất là “tham nhũng vặt” ở Việt Nam hiện nay.
Sáu là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, công tâm, giỏi nghiệp vụ, tương xứng, ngang tầm với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao nói chung; lực lượng thanh tra chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, có bản lĩnh, đi đầu trong công tác đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực; xây dựng tổ chức thanh tra tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả… Thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ để PCTN, đẩy mạnh việc công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, nhất là trong các khâu tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật. Kịp thời điều chuyển, thay thế những cán bộ có biểu hiện tham nhũng, lãng phí, uy tín giảm sút, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, địa phương.
Bảy là, tiếp tục nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm phát huy cơ chế này trong PCTN ở nước ta hiện nay. Trong đó, cần tập trung vào hoàn thiện cơ cấu, tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Tám là, tăng cường cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức tùy tiện quy định những thủ tục gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, tổ chức và công dân; thực hiện công khai, minh bạch các quy chế, quy trình thủ tục, các hoạt động của cơ quan, đơn vị. Chú trọng đúc kết những kinh nghiệm, cách làm hiệu quả để nhân rộng.
Chín là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; chú trọng thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư lớn; quản lý tài chính, ngân sách; quản lý, sử dụng đất đai; việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công; việc cổ phần hóa, thoái vốn trong tái cơ cấu doanh nghiệp… Chú trọng việc giải quyết các hồ sơ hành chính, tư pháp, bổ trợ tư pháp; việc giải quyết các vụ việc, vụ án có dấu hiệu kéo dài, tồn đọng, có dư luận, phản ánh hoặc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng.
Thanh tra viên, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh
[1]. Điều 2 Luật Thanh tra năm 2010.
[2]. Oxford, Cambridge (1997), Từ điển Anh - Việt, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội.
[3]. Viện Ngôn ngữ học (2004), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng, tr. 165.
[4]. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Thông tin khoa học (2006), “Tham nhũng và phòng, chống tham nhũng ở một số nước trên thế giới”, Tạp chí Thông tin tư liệu, (1), tr. 3.
[5]. http://wkipedia.org/wki/tham nhung.
[6]. Nguyễn Xuân Yên, Nguyễn Hòa Bình và Bùi Minh Thanh (đồng chủ biên) (2007), Phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam và thế giới, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 21.
[7]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, sự thật, Hà Nội, 2011, tập 2, tr. 145.
[8]. Báo cáo chính trị, văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tr. 198.