Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu và phân tích các tiêu chí đánh giá kết luận giám định của giám định viên được thực hiện bởi các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng như cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành. Trên cơ sở xem xét những khó khăn trong công tác đánh giá kết luận giám định, tác giả đưa ra những kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động này trong quá trình điều tra và xét xử vụ án hình sự.
Abstract: The article researches and analyzes the criteria for evaluating expertise conclusions of assessors by competent authorities conducting proceedings such as the investigating agencies, the procuracies, and the courts in accordance with the provisions of the current Criminal Procedure Code. On the basis of considering the difficulties in the assessment of expertise conclusions, the author makes recommendations to improve the effectiveness of this activity in the investigation and trial of criminal cases.
Đánh giá kết luận giám định là một hoạt động quan trọng được tiến hành bởi các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng như cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Kết quả của hoạt động này ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xét xử vụ án hình sự và trong nhiều trường hợp, việc đánh giá sai kết luận giám định làm giảm tỷ lệ giải quyết các vụ án hình sự. Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc đánh giá kết luận giám định còn gặp nhiều khó khăn và dẫn đến oan sai. Do đó, việc nghiên cứu, phân tích các tiêu chí trong đánh giá kết luận giám định và đưa ra một quy trình đánh giá cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng là rất cần thiết.
1. Tiêu chí đánh giá kết luận giám định của giám định viên
Kết luận giám định là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng được quy định tại Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung các năm 2017, 2021 (Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015). Cũng theo khoản 1 Điều 100 của Bộ luật này, kết luận giám định là văn bản do cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức giám định lập để kết luận chuyên môn về những vấn đề được trưng cầu, yêu cầu giám định. Nội dung của kết luận giám định được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 32 Luật Giám định tư pháp năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Giám định tư pháp năm 2012).
Hiện nay, việc đánh giá chứng cứ nói chung và đánh giá kết luận giám định nói riêng được quy định tại Điều 108 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Theo đó, mỗi chứng cứ phải được kiểm tra, đánh giá theo 03 tiêu chí gồm: Tính hợp pháp, tính xác thực và tính liên quan đến vụ án. Việc xác định những chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải kiểm tra, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện mọi chứng cứ đã thu thập được về vụ án. Người có thẩm quyền khi đánh giá kết luận giám định phải tuân thủ 03 tiêu chí nêu trên.
Thứ nhất, tính hợp pháp:
Giám định tư pháp là một hoạt động sáng tạo của giám định viên và bản kết luận giám định là kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, khác với các hoạt động nghiên cứu khoa học khác thì giám định tư pháp phải được thực hiện trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Vì thế, việc đánh giá tính hợp pháp của kết luận giám định đóng vai trò rất quan trọng trong đánh giá chứng cứ. Theo quy định tại khoản 2 Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự. Như vậy, tính hợp pháp là tiêu chí tiên quyết để có thể sử dụng kết luận giám định trong giải quyết vụ án hình sự.
Trong quá trình kiểm tra tính hợp pháp của kết luận giám định cần làm rõ các vấn đề như: Việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động trưng cầu và tiến hành giám định; hồ sơ giám định có được thiết lập theo quy định của pháp luật hay không. Ngoài ra, khi đánh giá tính hợp pháp của kết luận giám định, cần làm rõ giám định viên có đủ chuyên môn thực hiện giám định hoặc có thuộc các trường hợp phải từ chối thực hiện giám định theo khoản 5 Điều 68 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 hay không. Cụ thể, giám định viên phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp sau: Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo; đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người phiên dịch, người dịch thuật, người định giá tài sản trong vụ án đó; đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó. Kết luận giám định do giám định viên tiến hành trong trường hợp giám định viên bắt buộc phải từ chối tiến hành giám định không có giá trị pháp lý và không được sử dụng để xét xử vụ án.
Tính hợp pháp của kết luận giám định còn được thể hiện ở việc tuân thủ các quy định của pháp luật về việc thu mẫu so sánh để tiến hành giám định truy nguyên và những quy định trong việc thu và bảo quản mẫu vật cần giám định. Lưu ý, trong quá trình thu mẫu so sánh có nguồn gốc từ con người để tiến hành giám định cần bảo đảm các quyền hiến định của đối tượng tình nghi như các quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm…
Thứ hai, tính xác thực:
Tiêu chí tính xác thực trong đánh giá kết luận giám định có thể được hiểu là tính khoa học hoặc tính chính xác của kết luận giám định. Nói cách khác, kết luận giám định phải được đưa ra dựa trên nghiên cứu có cơ sở khoa học đã được chứng minh. Để đánh giá tính khoa học của kết luận giám định, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu các vấn đề sau: Lựa chọn đúng và hợp lý phương pháp và phương tiện giám định; đánh giá số lượng và kết quả thực nghiệm giám định; kết luận giám định có dựa trên việc đánh giá đầy đủ các đặc điểm chung và đặc điểm riêng hay không; việc nghiên cứu có được thực hiện đầy đủ theo quy trình giám định hay không…
Thứ ba, tính liên quan đến vụ án:
Đây là tiêu chí đánh giá chứng cứ rất quan trọng vì nội dung kết luận giám định phải có ý nghĩa chứng minh những vấn đề quy định tại Điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Các đối tượng gửi giám định như dấu vết, tài liệu, vật chứng phải có liên quan trực tiếp đến vụ việc đang được xem xét. Các loại đối tượng so sánh trong giám đinh phải được thu đúng quy trình từ các đối tượng tình nghi có nguồn gốc rõ ràng.
Dựa trên những tiêu chí khác nhau, chứng cứ có thể được phân loại thành: (i) Chứng cứ trực tiếp, chứng cứ gián tiếp; (ii) Chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội; (iii) Chứng cứ gốc và chứng cứ sao chép, thuật lại. Với cách phân loại (iii) nêu trên thì kết luận giám định thuộc loại chứng cứ sao chép, thuật lại. Nghiên cứu khái niệm và bản chất của kết luận giám định cho thấy rằng, kết luận giám định vừa là một nguồn chứng cứ có giá trị pháp lý trong tố tụng hình sự, đồng thời là kết quả của hoạt động sáng tạo của giám định viên. Nói cách khác, kết luận giám định vừa mang tính pháp lý, vừa mang tính khoa học. Do đó, việc đưa ra kết luận giám định phụ thuộc rất lớn vào ý chí chủ quan của con người, tư duy của giám định viên và trong nhiều trường hợp không thể tránh khỏi những sai sót.
2. Thực tiễn hoạt động đánh giá kết luận giám định của giám định viên
Việc đánh giá kết luận giám định với tư cách là một nguồn chứng cứ cũng mang nhiều đặc điểm đặc trưng khác biệt so với các nguồn chứng cứ khác. Thực tiễn hoạt động đánh giá bản kết luận giám định của giám định viên cho thấy một số vấn đề còn vướng mắc, bất cập như sau:
Thứ nhất, các chủ thể có thẩm quyền đánh giá kết luận giám định như cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án thường không có kiến thức chuyên môn sâu về các lĩnh vực giám định cụ thể, do đó, việc đánh giá tính khoa học của kết luận giám định nhiều khi còn gặp nhiều khó khăn. Trong hầu hết các trường hợp, nội dung trong kết luận giám định sẽ được công nhận về tính khoa học và được sử dụng trong giải quyết vụ án hình sự.
Thứ hai, nghiên cứu nội dung của bản kết luận giám định của giám định viên cho thấy, kết luận giám định là văn bản phản ánh những nội dung ngắn gọn về vấn đề được trưng cầu và kết quả thực hiện giám định. Cụ thể, theo Điều 32 Luật Giám định tư pháp năm 2012, kết luận giám định chỉ thể hiện vắn tắt về nội dung trưng cầu giám định, phương pháp và phương tiện giám định, kết luận giám định. Bản kết luận giám định không phản ánh những thông tin chi tiết về quy trình giám định cụ thể. Theo quy định tại Điều 31 Luật Giám định tư pháp năm 2012, trong quá trình tiến hành giám định, giám định viên lập biên bản giám định, trong đó ghi nhận kịp thời, đầy đủ, trung thực toàn bộ quá trình và kết quả thực hiện giám định. Ngoài ra, giám định viên còn lập bản ảnh giám định như một tài liệu minh họa cho biên bản giám định. Biên bản giám định cùng bản ảnh giám định là một loại tài liệu trong hồ sơ giám định và chỉ lưu tại cơ quan giám định. Tuy nhiên, theo quy định của pháp tố tụng hình sự hiện hành thì biên bản giám định và bản ảnh giám định không phải là một nguồn chứng cứ, do đó, không được đánh giá theo quy định tại Điều 108 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Điều này gây một số khó khăn trong việc đánh giá tính xác thực (tính khoa học) của kết luận giám định bởi các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng như cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án không thể theo dõi toàn bộ quá trình tiến hành giám định.
3. Một số kiến nghị
Để giải quyết những vướng mắc, bất cập nêu trên nhằm nâng cao hiệu quả công tác đánh giá kết luận giám định trong giải quyết vụ án hình sự, tác giả đưa ra một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, trong quá trình đánh giá kết luận giám định bởi các cơ quan tiến hành tố tụng như cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, ở các giai đoạn khác nhau, có thể mời các chuyên gia khác thuộc cùng lĩnh vực trưng cầu giám định cùng tham gia đánh giá tính khoa học của bản kết luận giám định. Những chuyên gia này có thể là những giám định viên thuộc các cơ sở giám định công lập hoặc ngoài công lập, giám định viên theo vụ việc hoặc những người có chuyên môn sâu ở lĩnh vực được trưng cầu. Trong quá trình đánh giá bản kết luận giám định, các chuyên gia có thể đặt câu hỏi hoặc gợi ý cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án về việc đặt câu hỏi cho các giám định viên đã tiến hành giám định trả lời. Ví dụ, theo Điều 294 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, người giám định có thể được Tòa án triệu tập ở phiên tòa để trả lời các câu hỏi liên quan đến nội dung kết luận giám định. Trong trường hợp này, Tòa án có thể mời các chuyên gia thuộc cùng lĩnh vực giám tham gia phiên tòa để đặt câu hỏi cho giám định viên.
Thứ hai, đưa biên bản giám định trở thành một bộ phận của bản kết luận giám định và được xem như một nguồn chứng cứ, được đánh giá theo quy định tại Điều 108 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Trong trường hợp không thể đưa biên bản giám định thành một nguồn chứng cứ thì trong kết luận giám định cần thể hiện chi tiết hơn về quy trình tiến hành giám định. Bên cạnh đó, cần gửi biên bản giám định và bản ảnh giám định kèm theo bản kết luận giám định đến cơ quan trưng cầu giám định để tiện theo dõi và kiểm tra quá trình tiến hành nghiên cứu giám định của giám định viên.
Thứ ba, vì giám định tư pháp là một hoạt động khoa học, do đó, nội dung luận giám định hoặc biên bản giám định thường sử dụng các thuật ngữ khoa học chuyên ngành, có thể gây khó hiểu cho người đánh giá, đặc biệt là một số nghiên cứu thuộc lĩnh vực kỹ thuật số, điện tử, giám định hóa, giám định sinh... Vì vậy, ngoài những tiêu chí đánh giá kết luận giám định như tính hợp pháp, tính xác thực và tính liên quan đến vụ án, cần bổ sung tiêu chí tính dễ hiểu của kết luận giám định. Trong kết luận giám định cần sử dụng những từ ngữ dễ hiểu, trình bày rõ ràng và lô gíc, tránh sử dụng những từ địa phương, từ nhiều nghĩa.
Thứ tư, để bảo đảm hoạt động đánh giá kết luận giám định của giám định viên đạt được kết quả tối ưu dựa trên các tiêu chí đã nêu, tác giả đề xuất quy trình đánh giá kết luận giám định bao gồm các bước sau đây:
Bước 1: Xác minh việc tuân thủ các yêu cầu của pháp luật trong trưng cầu và tiến hành giám định;
Bước 2: Xác minh tính xác thực về tính đầy đủ của các đối tượng giám định, bao gồm cả mẫu cần giám định và mẫu so sánh;
Bước 3: Đánh giá về giá trị khoa học và phù hợp của phương pháp được sử dụng để đưa ra kết luận giám định và việc tuân thủ phương pháp này trong trường hợp cụ thể;
Bước 4: Kiểm tra, đánh giá tính đầy đủ, toàn diện ở giai đoạn kết luận, chú ý đến số lượng trùng khớp các đặc điểm riêng trong trường hợp kết luận khẳng định đồng nhất;
Bước 5: Đánh giá tính hợp lý logic của toàn bộ quy trình tiến hành giám định;
Bước 6: Xác minh sự liên quan của kết quả nghiên cứu giám định đối với vụ việc đang được xem xét;
Bước 7: Xác minh sự phù hợp của kết luận giám định với các chứng cứ khác có được trong vụ án.
Phan Thành Đông
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân