Đào tạo kỹ năng tư vấn pháp luật tại Trường Cao đẳng Luật miền Trung được thực hiện qua môn học “Kỹ năng tư vấn pháp luật”. Trên cơ sở phân tích, đánh giá về thực trạng đào tạo kỹ năng tư vấn pháp luật tại Trường, bài viết đề xuất những giải pháp cần thực hiện nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng tư vấn pháp luật cho học sinh, sinh viên và học viên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội.
1. Tầm quan trọng của đào tạo kỹ năng tư vấn pháp luật đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo luật
Trong những năm gần đây, vấn đề đào tạo kỹ năng đã được nhiều cơ sở đào tạo luật trên cả nước quan tâm, vì mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu xã hội. Nhằm thực hiện mục tiêu này, Trường Cao đẳng Luật miền Trung xác định chuẩn đầu ra cho học sinh, sinh viên và học viên tốt nghiệp chương trình đào tạo là phải có kiến thức về kỹ năng, có khả năng vận dụng một cách thuần thục, hiệu quả những kiến thức chuyên môn để giải quyết vụ việc, tình huống trong thực tiễn.
Các môn học về kỹ năng nói chung hay kỹ năng về tư vấn pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề luật. Bởi vì, các môn học này góp phần quan trọng tạo ra nguồn nhân lực có khả năng thích ứng nhanh hơn với yêu cầu của người sử dụng lao động sau khi ra trường. Thực tế, cùng với kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội được trang bị, khi được đào tạo thêm kỹ năng, thì nguồn nhân lực đó sẽ có khả năng tốt hơn trong các vị trí việc làm về thực hiện pháp luật, tư vấn pháp luật hoặc giảng dạy, tuyên truyền, phổ biến pháp luật... Mục đích và nội dung đào tạo kỹ năng tư vấn pháp luật hướng đến là: Tăng cường và phát triển hiệu quả khả năng vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn; tạo nhiều cơ hội “thực hành pháp luật” trong khuôn khổ giờ học cho người học; trang bị và nâng cao các kỹ năng, như: tìm kiếm, phân tích và đánh giá các văn bản pháp luật có liên quan đến công việc của mình; phân tích các tình huống thực tiễn trong lĩnh vực pháp luật và đưa ra giải pháp chuyên môn để giải quyết các tình huống đó; kỹ năng phát hiện và giải quyết các vấn đề tương đối phức tạp thuộc lĩnh vực khoa học pháp lý; kỹ năng tư vấn thực hiện pháp luật; kỹ năng đàm phán và soạn thảo các văn bản có tính pháp lý phục vụ cho các công việc thuộc lĩnh vực pháp luật liên quan đến công việc được giao; kỹ năng liên tục tự cập nhật kiến thức để nâng cao trình độ; kỹ năng lập kế hoạch công việc; kỹ năng giao tiếp, thuyết trình và bảo vệ quan điểm của mình; kỹ năng phối hợp với các đồng nghiệp[1]...
Ở Việt Nam, các cơ sở đào tạo luật hiện nay cũng rất quan tâm và đưa vào rất nhiều môn kỹ năng để giảng dạy. Đại học Luật Hà Nội có các môn: Kỹ năng chung về tư vấn pháp luật; kỹ năng đàm phán soạn thảo hợp đồng; kỹ năng tham gia giải quyết các vụ án dân sự; kỹ năng tư vấn pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; kỹ năng tư vấn pháp luật trong một số lĩnh vực pháp luật, như: Thương mại, Lao động, Đất đai, Tài chính[2]… Đại học Lao động Xã hội có các môn: Kỹ năng đàm phán, soạn thảo hợp đồng; kỹ năng nghề luật; kỹ năng giải quyết tranh chấp lao động và đình công; kỹ năng tư vấn hợp đồng lao động; kỹ năng giải quyết tranh chấp thương mại. Khoa Luật Đại học Vinh cũng đưa vào một số môn: Kỹ năng thực hành chuyên ngành luật và kỹ năng tư vấn pháp luật về kinh tế; kỹ năng tư vấn về hợp đồng; kỹ năng giải quyết tranh chấp về thương mại; kỹ năng giải quyết tranh chấp về lao động… Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cũng đã triển khai giảng dạy môn Kỹ năng tư vấn và thực hành luật. Đại học Mở Hà Nội cũng đào tạo môn học Kỹ năng hành nghề luật[3]… Có thể nói, ở Việt Nam, các cơ sở đào tạo luật đều rất quan tâm đào tạo kỹ năng cho học sinh, sinh viên và học viên nhằm tăng cường tính ứng dụng và khả năng tiếp cận thực tiễn nhanh hơn sau khi ra trường, phù hợp với xu thế đào tạo pháp luật giai đoạn hiện nay, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cho xã hội.
2. Thực trạng đào tạo kỹ năng tư vấn pháp luật tại Trường Cao đẳng Luật miền Trung và vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện
Trong những năm qua, Trường Cao đẳng Luật miền Trung đã quan tâm về kỹ năng, nghiệp vụ và nhất là kỹ năng tư vấn pháp luật cho học sinh, sinh viên và học viên luôn được chú trọng. Do đó, cần có những đánh giá nghiêm túc, khách quan về thực trạng, chỉ rõ những bất cập, tồn tại và nguyên nhân trong quá trình thực hiện làm tiền đề đưa ra các giải pháp đổi mới để phát triển, nâng cao chất lượng và hiệu quả.
Về nội dung, môn học Kỹ năng tư vấn pháp luật là môn học chuyên ngành bắt buộc trong chương trình đào tạo hệ trung cấp của Trường. Môn học này được thiết kế gồm 02 tín chỉ, chia thành 05 vấn đề. Cung cấp những kiến thức lý thuyết và thực hành về tư vấn pháp luật, trong đó có vấn đề chung (khái quát về tư vấn pháp luật và kỹ năng tư vấn pháp luật) và các vấn đề cụ thể (kỹ năng tiếp xúc khách hàng và nhận yêu cầu tư vấn; kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, phân tích vụ việc, xác định vấn đề pháp lý; kỹ năng tư vấn pháp luật bằng lời nói và bằng văn bản; kỹ năng đại diện ngoài tố tụng)[4]. Thực tiễn giảng dạy cho thấy, môn học Kỹ năng tư vấn pháp luật rất được các học sinh, sinh viên và học viên quan tâm và ý thức học tập. Để đảm bảo kiến thức cơ bản, trong thiết kế nội dung môn học, Khoa Đào tạo nghiệp vụ phụ trách đã xây dựng một chương riêng để giới thiệu tổng quan kiến thức chung về kỹ năng tư vấn pháp luật như khái niệm, đặc trưng cơ bản, vai trò của hoạt động tư vấn pháp luật; những nguyên tắc, yêu cầu cơ bản và điều kiện để thực hiện của hoạt động tư vấn…
Hình thức truyền thụ kiến thức cơ bản vẫn là giảng viên lên lớp để thuyết giảng; học sinh, sinh viên và học viên ngồi chăm chú nghe, ghi chép và về nhà hoặc lên Thư viện đọc tài liệu. Trong quá trình giảng, một số tiết thực hành, giảng viên có những bài tập tình huống cho học sinh, sinh viên và học viên đóng vai thực hiện và giảng viên nhận xét, góp ý hoàn thiện. Theo khảo sát của Phòng Đào tạo và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ phận Đảm bảo chất lượng và Đoàn Thanh niên, thì các học sinh, sinh viên và học viên khóa 6, khóa 7 và khóa 8 đều rất quan tâm, hứng thú đối với môn học này. Tuy nhiên, Trường Cao đẳng Luật miền Trung chưa có giáo trình riêng cho môn học Kỹ năng tư vấn pháp luật. Giáo trình được Trường lựa chọn sử dụng là giáo trình “Kỹ năng tư vấn pháp luật” của Học viện Tư pháp và giáo án, bài soạn giảng do giảng viên đảm nhận môn học soạn giảng[5]. Nhìn chung, các tài liệu của Trường chủ yếu nghiên cứu chuyên sâu về nội dung pháp luật, rất ít nguồn tài liệu phân tích về kỹ năng, kỹ năng tư vấn và kỹ năng giải quyết tình huống, kỹ năng giải quyết vấn đề. Ngoài ra, trình độ tin học, kỹ năng ứng dụng công nghệ, khả năng có được các thiết bị công nghệ kết nối internet (laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh…), ngoại ngữ của học sinh, sinh viên và học viên cũng không đồng đều. Vì thế, rất khó có thể ứng dụng công nghệ trong quá trình học tập, nghiên cứu. Năng lực ngoại ngữ nhất là tiếng Anh của học sinh, sinh viên và học viên cũng rất hạn chế khó ứng dụng, sử dụng công nghệ, tìm kiếm tài liệu trực tuyến, tài liệu mở, các bài viết, các bài nghiên cứu chuyên sâu.
Trường Cao đẳng Luật miền Trung cũng xem việc đi thực tế là yêu cầu bắt buộc đối với giảng viên. Mục đích của việc đi thực tế là để củng cố kiến thức, tăng cường hiểu biết kiến thức thực tế và tăng tính thuyết phục khi giảng dạy cho học sinh, sinh viên và học viên, nhưng hiện nay, đây vẫn là một hạn chế. Các giảng viên vì các lý do khác nhau (về thời gian, công việc, sức khỏe…) đều rất ngại đi thực tế ở cơ sở và viết bài thu hoạch, báo cáo. Vì thế, nhiều tiết học còn hàn lâm, lý thuyết và nhiều hướng dẫn cho học viên về những tình huống không sát với thực tế. Việc thực tập của học viên được thực hiện ngay tại Trung tâm Tư vấn pháp luật của Trường. Mặc dù, chương trình đào tạo có thiết kế các khóa thực tập, thực tế tại các Công ty luật, Văn phòng luật, Văn phòng công chứng, Thừa phát lại..., nhưng việc thực hiện lại rất khiêm tốn. Chính vì thế, tính hiệu quả là không cao, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, kiến thức, kỹ năng thực tế của học viên.
Có thể nói, việc đào tạo kỹ năng tư vấn pháp luật trong quá trình thực hiện còn có nhiều vướng mắc, bất cập cần được sớm tháo gỡ, cụ thể:
Thứ nhất, về phạm vi và đối tượng được đào tạo kỹ năng tư vấn pháp luật còn bị giới hạn. Môn học này chỉ áp dụng đối với đối tượng trung cấp và cao đẳng chuyên ngành dịch vụ pháp lý; còn đối tượng là cán bộ tư pháp cơ sở và cán bộ pháp luật chưa được áp dụng. Đây là một bất cập cần thiết phải có sửa đổi, bổ sung.
Thứ hai, đội ngũ giảng viên giảng dạy môn Kỹ năng tư vấn pháp luật chưa đồng đều, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế trong tư vấn pháp luật và xử lí tình huống nên còn thiên về lí thuyết. Nội dung bài giảng chủ yếu phụ thuộc vào nghiên cứu và tích lũy kinh nghiệm và mang nặng dấu ấn chủ quan của giảng viên dẫn đến chất lượng tiếp thu của học sinh, sinh viên và học viên không đồng đều, không toàn diện. Việc ứng dụng ngoại ngữ, công nghệ vào giảng dạy của giảng viên còn khiêm tốn, những tri thức, phương pháp tiếp cận, sử dụng dữ liệu, khai thác dữ liệu trên mạng còn hạn chế.
Thứ ba, Trường vẫn chưa có giáo trình giảng dạy môn học Kỹ năng tư vấn pháp luật, nguồn tài liệu khác cũng chưa phong phú, đa dạng dẫn tới hiệu quả chưa cao, ảnh hưởng rất nhiều đến việc phát huy khả năng của học viên, hạn chế trong việc giúp người học vận dụng kiến thức và tiếp cận tốt hơn với thực tiễn tư vấn trong từng lĩnh vực cụ thể. Tại thư viện của Trường, tài liệu chủ yếu là các sách, giáo trình, tạp chí, văn bản luật… chủ yếu tồn tại dưới dạng bản cứng, nên rất nhanh lạc hậu, trong khi các bài viết, bài nghiên cứu tài liệu luật nước ngoài còn ít; các tài liệu được số hóa “tài liệu số”, “tài nguyên số”, “thư viện số” chưa được thiết lập.
Thứ tư, vấn đề đi thực tế của giảng viên vẫn còn nhiều bất cập. Không nhiều giảng viên chịu khó rèn luyện, chắt lọc để có được kiến thức thực tiễn bằng hoạt động thực nghiệm, thực tế của chính mình để có thể truyền đạt tốt nhất cho học sinh, sinh viên và học viên. Việc đi thực tập, thực tế của học sinh, sinh viên và học viên chưa hiệu quả. Việc xây dựng khung, chương trình đào tạo, chương trình môn học chưa có sự linh hoạt, nên chưa tạo điều kiện tối đa cho sự thay đổi.
3. Một số giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng tư vấn pháp luật tại Trường Cao đẳng Luật miền Trung
Một là, cần chuẩn hóa chương trình đào tạo, nội dung giảng dạy môn Kỹ năng tư vấn pháp luật. Theo đó, trên cơ sở môn Kỹ năng tư vấn pháp luật, cần bổ sung thêm các môn kỹ năng khác theo từng lĩnh vực, như: Kỹ năng tư vấn về hợp đồng, kỹ năng giải quyết tranh chấp về thương mại, kỹ năng giải quyết tranh chấp về lao động, kỹ năng giải quyết tranh chấp đất đai… và các môn bổ trợ kiến thức khác nhằm tiến tới cải thiện chất lượng môn học và phát huy hết khả năng của học viên, đồng thời, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động, hoạt động thực tiễn và nhu cầu xã hội.
Hai là, cần đổi mới nguồn nhân lực và phương pháp giảng dạy kỹ năng tư vấn pháp luật, tạo điều kiện cho giảng viên đi thực tế ở cơ sở nhiều hơn, đồng thời có thể mời những giảng viên thỉnh giảng, tư vấn viên ở các cơ sở đào tạo hoặc các tổ chức hành nghề khác, như: Công ty luật, Văn phòng luật; Văn phòng công chứng… Ngoài ra, Trường có thể liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp, các cơ sở thông qua các hình thức liên kết, kết nghĩa… để quá trình giảng dạy, thực tế, thực tập của học sinh, sinh viên và học viên có thể kết hợp giảng dạy, thực hành và mời những cán bộ, chuyên viên hành nghề luật (luật sư, tư vấn viên…) tham gia giảng dạy, hướng dẫn, góp ý, đánh giá, nhận xét… nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kỹ năng tư vấn pháp luật.
Ba là, nâng cao năng lực ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, tiếng Anh pháp lý cho giảng viên và học sinh, sinh viên để đáp ứng yêu cầu tìm kiếm tài liệu giảng dạy và học tập. Chuyển dịch sang “thư viện số”, “tài liệu số”, đa dạng hóa nguồn tài liệu. Tài liệu không chỉ tập trung vào giáo trình, luật, bài viết, bài nghiên cứu, luận văn, luận án… mà cần cả các tình huống, các loại hợp đồng, các quyết định, các bản án, phán quyết, các cuốn “casebooks”… cần phải được liên tục cập nhật, bổ sung đầy đủ, toàn diện. Muốn vậy, chỉ có các “tài liệu số” dễ sử dụng, đáp ứng được yêu cầu và cần được tạo điều kiện vừa giảm tải mang vác nặng cho học sinh, sinh viên và học viên trong bối cảnh càng ngày càng cần nhiều tài liệu cho học tập, nghiên cứu; đồng thời, giảm chi phí tài chính mua tài liệu và các sách, giáo trình kiểu cũ đã trở nên lỗi thời[6].
Bốn là, cần hoàn thiện, cập nhật và bổ sung bài soạn giảng, giáo án tiến tới xây dựng giáo trình môn Kỹ năng tư vấn pháp luật của Trường. Đồng thời, xây dựng hồ sơ vụ việc thực tiễn, tình huống giả định kết hợp với việc tăng cường sử dụng phương pháp tình huống, phương pháp đóng vai… tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên và học viên rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ tư vấn. Bên cạnh bài soạn giảng và giáo trình Kỹ năng tư vấn pháp luật, Kỹ năng tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp… những tài liệu khác, như Kỹ năng hành nghề luật sư tư vấn, kỹ năng chuyên sâu của luật sư trong việc giải quyết các vụ án dân sự, Sổ tay Thẩm phán[7]... Đây đều là những tài liệu tham khảo quan trọng cần giới thiệu trong quá trình giảng dạy, bổ sung về Thư viện của trường để học sinh, sinh viên và học viên nghiên cứu. Ngoài ra, giảng viên cần hỗ trợ, giới thiệu cho học sinh, sinh viên và học viên có thể tiếp cận những tình huống cụ thể trên thực tế trong thời gian làm việc ở Trung tâm tư vấn pháp luật Nhà trường, thời gian đi thực tập, thực tế… Điều này không chỉ giúp các học sinh, sinh viên và học viên vận dụng kiến thức đã tiếp thu từ môn học mà còn nâng cao kỹ năng tư vấn thực tế cần thiết.
ThS. Lê Thị Hiền
Trường Cao đẳng Luật miền Trung
[1]. Đào tạo kĩ năng tư vấn pháp luật trong lĩnh vực thương mại tại Trường Đại học Luật Hà Nội, Tạp chí Luật học số 09/2018.
[2]. Đề cương môn học kĩ năng chung về tư vấn pháp luật trong lĩnh vực thương mại, đất đai, tài chính, pháp luật thuế, hợp đồng lao động của Trường Đại học Luật Hà Nội.
[3]. Đào tạo kĩ năng tư vấn pháp luật trong lĩnh vực thương mại tại Trường Đại học Luật Hà Nội, Tạp chí Luật học số 09/2018.
[4]. Giáo án môn học Kỹ năng tư vấn pháp luật Trường Cao đẳng Luật miền Trung.
[5]. Bài soạn giảng môn Kỹ năng tư vấn pháp luật Trường Cao đẳng luật miền Trung.
[6]. Legal Education in the Digital age (2012). Edited by Edward Rubin. Cambridge University Press. P.13, p. 200.
[7]. Giáo trình Kỹ năng tư vấn pháp luật và tham gia giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án của Luật sư Nguyễn Thị Vân Anh, Học viện Tư pháp, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2018.