1. Thực trạng đào tạo nghề luật tại các cơ sở đào tạo ở Việt Nam hiện nay
Đào tạo luật ở các cơ sở đào tạo ở Việt Nam hiện nay, về cơ bản không có nhiều thay đổi lớn so với trước đây. Mặc dù, đã có thay đổi chuyển từ mô hình đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ; việc tổ chức quản lý, đào tạo; xây dựng đề cương môn học, chương trình môn học, chương trình đào tạo; phương thức tổ chức đào tạo… cũng có những thay đổi nhất định, nhưng vẫn chưa đáp ứng và chưa phù hợp với yêu cầu bối cảnh mới.
Thứ nhất, về công tác giảng dạy. Ở phần lớn các cơ sở đào tạo luật hiện nay, hình thức truyền thụ kiến thức cơ bản vẫn là giảng viên lên lớp để thuyết giảng; sinh viên, học viên ngồi chăm chú nghe; ghi chép và về nhà hoặc lên thư viện đọc tài liệu. Thuyết giảng vẫn là phương pháp truyền đạt chủ đạo và người dạy chủ yếu dạy về các lý thuyết, đôi khi có những bài tập tình huống cho sinh viên, học viên tập phân tích[1]. Cũng có những giảng viên hiểu biết công nghệ; tích cực, chủ động tìm hiểu, đổi mới sáng tạo đã ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, nhưng chủ yếu các giảng viên vẫn dùng các bài giảng trình chiếu slide để truyền đạt kiến thức cho sinh viên, học viên. Tuy nhiên, có nhiều giảng viên đang nhầm lẫn việc đồng nhất giữa ứng dụng công nghệ thông tin, bài giảng điện tử với giảng dạy trình chiếu slide trong truyền đạt kiến thức. Vẫn hạn chế sử dụng các bài giảng điện tử bằng video trực tuyến có sự tương tác thực để thay thế cho các bài thuyết giảng thông thường; hệ thống slide, bài giảng điện tử chuẩn vẫn còn hạn chế, không cung cấp đầy đủ cho sinh viên, học viên trong quá trình học tập, nghiên cứu.
Ở hầu hết các cơ sở đào tạo, đánh giá việc học tập của sinh viên, học viên giữa kỳ và cuối kỳ thường là các câu hỏi mà giảng viên đã cung cấp; sinh viên, học viên nào trả lời đúng yêu cầu, nội dung mà giảng viên đã truyền đạt thì được đánh giá cao và ngược lại; thậm chí có những sinh viên, học viên tìm hiểu kỹ hơn qua các bài giảng, giáo trình, tài liệu… ở các cơ sở đào tạo khác hay các kênh khác nhưng không đúng yêu cầu của giảng viên nhiều khi không được đánh giá đúng.
Thứ hai, về ứng dụng công nghệ và ngoại ngữ vào giảng dạy, truyền đạt kiến thức. Giảng viên ít sử dụng ngoại ngữ vào giảng dạy, đặc biệt là tiếng Anh. Do đó, chất lượng chuyên môn của giảng viên sẽ giảm, vì việc giảng dạy luật trong bối cảnh mới không chỉ là các kiến thức trong giáo án, bài giảng, giáo trình hay các kiến thức thực tiễn đơn thuần mà các bài giảng cần phải phong phú, đa dạng và chiều sâu hơn. Theo đó, giảng viên phải tìm kiếm các tài liệu trực tuyến, các bài viết, bài nghiên cứu đa chiều của công nghệ số, phần mềm mới chủ yếu được viết bằng tiếng Anh để sử dụng trong giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho sinh viên, học viên. Vì thế khó tiếp cận các tri thức tiến bộ của nhân loại, dẫn tới chất lượng của các bài giảng chưa cao, chưa đảm bảo được yêu cầu (bởi trong bối cảnh hội nhập theo yêu cầu mới, giảng viên cần có khả năng hội nhập và quốc tế hóa rất cao…). Chất lượng đào tạo luật do đó cũng trở nên kém cạnh tranh hơn so với các trường luật trong khu vực và các nước tiến bộ. Một số lượng không nhiều các giảng viên luật ở các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam thiết lập các trang mạng/blog cá nhân để tương tác với sinh viên, học viên hỗ trợ, cung cấp tài liệu và tạo cho hoạt động giảng dạy được hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nhìn chung việc sử dụng tài liệu, sách, giáo trình điện tử thông qua các phần mềm, tài liệu số, “google scholar” thực tế vẫn là những khó khăn, e ngại của không ít các giảng viên luật hiện nay…
Thứ ba, về chuyển đổi hình thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ. Tại một số cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam hiện nay, chương trình môn học, chương trình đào tạo đã có sự chuyển đổi từ đào tạo theo niên chế sang hình thức đào tạo theo hình thức tín chỉ, nhưng vẫn còn rất nhiều bất cập theo kiểu “bình mới, rượu cũ”. Theo đó, hình thức đào tạo thì tín chỉ, nhưng nội dung vẫn là niên chế, các sinh viên, học viên đăng ký học vượt, học trước, nhưng thi và nhận bằng vẫn theo các sinh viên, học viên thông thường; sinh viên, học viên vẫn bị hạn chế trong việc lựa chọn giảng viên, đăng ký giảng viên này, nhưng buộc phải học giảng viên khác (vì đã đủ lớp theo quy định) dù sinh viên, học viên không mong muốn; các sinh viên, học viên phải ngồi hàng giờ, thậm chí thức cả đêm trước mỗi kỳ học để đăng ký lớp, đăng ký học phần và giảng viên mình mong muốn; số lượng sinh viên, học viên trong một lớp học phần thông thường vượt quá số lượng quy định; các lớp tín chỉ được tổ chức chưa tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về giờ lý thuyết, giờ thực hành, thảo luận, tự học…
Thứ tư, về công tác đánh giá giảng viên từ phía học sinh, sinh viên. Trong quá trình giảng dạy, nhiều cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam hiện nay tổ chức việc đánh giá giảng viên thông qua người học bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng chưa hiệu quả (có cơ sở là yêu cầu bắt buộc phải đánh giá mới được đăng ký học). Việc đánh giá giảng viên trong quá trình giảng dạy là cần thiết, vì đây là cơ sở để giảng viên nghiêm túc trong chuẩn bị bài; ý thức trong chấp hành kỷ luật lên lớp và nghỉ giảng; điều chỉnh phương pháp truyền đạt kiến thức… Tuy nhiên, một bất cập dễ nhận thấy là giảng viên càng nghiêm khắc, yêu cầu sinh viên, học viên cao trong học tập, nghiên cứu; đánh giá ý thức học tập và nề nếp… thì nhận được phản hồi không tốt từ sinh viên, học viên và ngược lại. Việc đăng ký học của sinh viên, học viên đối với các giảng viên có trách nhiệm, nghiêm khắc và yêu cầu cao trong học tập, ý thức nề nếp trong học tập, nghiên cứu đối với sinh viên, học viên cao cũng bị khiêm tốn.
Thứ năm, về vấn đề liên kết đào tạo, trao đổi chuyên gia, nhà khoa học và nhất là giảng viên với nước ngoài. Trong hoạt động giảng dạy luật ở các cơ sở đào tạo ở Việt Nam hiện nay, luôn có những vấn đề liên quan với nước ngoài, như: Liên kết đào tạo, trao đổi chuyên gia, giảng viên, thỉnh giảng với nước ngoài; tổ chức hội thảo quốc tế; tập huấn, bồi dưỡng… nhưng chưa được chú trọng, chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số cơ sở đào tạo luật lớn, như Đại học Luật Hà Nội, Đại học Quốc gia, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế Quốc dân; Học viện Ngoại thương, Đại học Vinh, Đại học Huế, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Văn Lang… hàng năm vẫn có các hoạt động làm việc với các chuyên gia, tổ chức hội thảo quốc tế, gửi sinh viên đi thực tập… nhưng nhìn chung ở các cơ sở đào tạo luật các hoạt đồng này vẫn chưa đồng bộ, chưa được đầu tư và đáp ứng được yêu cầu. Số lượng giảng viên quốc tế tham gia thỉnh giảng cho các chương trình đào tạo luật thông thường của các đơn vị đào tạo luật còn rất khiêm tốn (không tính chương trình liên kết, quốc tế). Đây là hạn chế lớn đối với việc quốc tế hóa chất lượng đào tạo cho các cơ sở đào tạo luật hiện nay.
Thứ sáu, về chương trình đào tạo. Có thể thấy ở phần lớn các cơ sở đào tạo luật thì chương trình môn học, chương trình đào tạo luật hiện nay của Việt Nam chưa có sự linh hoạt. Việc xây dựng khung, chương trình đào tạo, chương trình môn học đều phải thực hiện theo đúng quy định, nên chưa tạo sự linh hoạt khi cần thay đổi, các trường chưa được tự quyết trong điều chỉnh giữa các khối kiến thức của chương trình. Sinh viên, học viên về lý thuyết có thể học 3 - 3,5 năm (đối với chương trình đại học) và 2 - 2,5 năm (đối với chương trình cao đẳng) có thể tốt nghiệp nếu hoàn thành các học phần, nhưng thực tế rất ít các sinh viên, học viên được tốt nghiệp theo đúng mong muốn mà phải học 03 năm (đối với cao đẳng) và 04 năm hoặc hơn (đối với đại học). Nhiều môn học, học phần đại cương như Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; Tin học… trên thực tế có thể giảng dạy bằng hình thức trực tuyến với tài liệu vô cùng phong phú, đa dạng và miễn phí… nhưng sinh viên, học viên nhiều cơ sở đào tạo vẫn phải lên lớp để tiếp thu và giảng viên vẫn muốn lên lớp truyền đạt kiến thức. Nhiều môn học/học phần như: Cơ sở văn hóa, xã hội học, tâm lý học đại cương… không còn phù hợp trong đào tạo luật, nhưng vẫn đưa vào giảng dạy vừa mất thời gian đào tạo, vừa ảnh hưởng đến khung chương trình và các môn chuyên ngành. Đây cũng là một trong những yếu tố làm giảm năng lực cạnh tranh của sinh viên, học viên được đào tạo ở Việt Nam so với nhiều cơ sở đào tạo luật ở các quốc gia khác. Ngoài ra, chương trình môn học, chương trình đào tạo luật ở Việt Nam hiện nay vẫn bị chuyên sâu hóa rất cao, không chú trọng đến đào tạo liên ngành, xuyên ngành; đặc biệt là đào tạo những kiến thức mới về công nghệ…
Chương trình đào tạo hiện nay chưa phù hợp và tính hội nhập không cao. Các môn học/học phần nội luật, như: Luật dân sự, luật hình sự, luật tố tụng dân sự, luật tố tụng hình sự… còn chiếm tỷ lệ lớn về số môn và số tín chỉ trong chương trình đào tạo, trong khi đó các môn học/học phần có tính quốc tế và hội nhập, như luật thương mại quốc tế, luật đầu tư quốc tế, tư pháp quốc tế, công pháp quốc tế, luật so sánh, luật ASEAN, luật biển, luật WTO, luật các tổ chức kinh tế quốc tế, thanh toán quốc tế… lại chiếm tỷ lệ khiêm tốn[2]. Trong nội dung các môn học/học phần nội luật cũng rất ít so sánh với nước ngoài dù rằng trong xã hội mới, sự tương tác với thế giới, giao lưu dân sự giữa các quốc gia không còn là trở ngại. Điều này ít nhiều làm giảm năng lực cạnh tranh của các học sinh, sinh viên sau khi được đào tạo trong nước so với đào tạo ở nước ngoài, nhất là các sinh viên, học viên được đào tạo từ các cơ sở giáo dục có uy tín trên thế giới… Trong chương trình đào tạo ở tất cả các cơ sở đều có thiết kế các môn đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ… Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau các môn học/học phần này phần nhiều do các giảng viên của chính cơ sở đào tạo đó giảng dạy, (thậm chí có những cơ sở đào tạo giảng viên trước đó đã giảng rồi tiếp tục được phân công); trong đó có những giảng viên rất hạn chế trong tiếp cận thực tiễn, chưa có kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng hành nghề làm cho hiệu quả, chất lượng học hỏi của sinh viên, học viên bị hạn chế. Ngoài ra, những tri thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, công nghệ số, phương pháp tiếp cận, sử dụng dữ liệu trên mạng, khai thác dữ liệu… chưa được chú trọng trong xây dựng các chương trình đào tạo luật ở các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam hiện nay… Việc thiết kế các môn học/học phần cũng gặp khó khăn khi chia chương trình thành các khối kiến thức theo hướng chuyên sâu dần vào ngành, chuyên ngành nhất định.
Thứ bảy, vấn đề đi thực tế cơ sở của giảng viên. Ở phần lớn các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam hiện nay đều quy định việc đi thực tế và được xem là yêu cầu bắt buộc đối với giảng viên trong năm. Mục đích để củng cố kiến thức, tăng cường hiểu biết kiến thức thực tế và tăng tính thuyết phục khi giảng dạy cho sinh viên, học viên. Rất nhiều giảng viên có được nhiều kiến thức thực tiễn bằng hoạt động thực nghiệm, thực tế của chính mình. Tuy nhiên, hiện nay đây vẫn là một hạn chế đối với giảng viên trong quá trình thực hiện, các giảng viên vì các lý do khác nhau về thời gian, công việc, sức khỏe… đều rất ngại đi thực tế ở cơ sở. Vì thế nhiều tiết học, giờ học thường hàn lâm, lý thuyết và nhiều khi giảng viên còn trả lời, hướng dẫn cho sinh viên, học viên về một tình huống khác so với thực tế.
Thứ tám, về nghiên cứu khoa học của các giảng viên. Trong giáo dục và đào tạo đại học, bên cạnh việc giảng dạy, giảng viên còn phải tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, bao gồm viết bài đăng tạp chí chuyên ngành, viết sách chuyên khảo, viết giáo trình, thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, viết các đề án, dự án... Tại các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam đều quy định trong năm giảng viên đều phải có các bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành, nếu không thực hiện sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Mục đích là nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, năng lực nghiên cứu và khả năng ứng dụng khoa học; tạo ra tri thức, giải pháp mới để phát triển khoa học và giáo dục; tăng cường mối quan hệ, hợp tác khoa học giữa các cá nhân, tổ chức… Tuy nhiên, vẫn có tình trạng giảng viên phải đối phó trong thực hiện, như nhờ viết giúp, hay cùng đứng tên bài viết (dù không viết hoặc không liên quan nội dung đó).
Quản lý nhà nước về đào tạo luật ở các cơ sở cũng chưa linh hoạt. Việc xây dựng khung cứng cho mã ngành, chương trình đào tạo, quy định về các điều kiện sửa đổi chương trình đào tạo, quy định về công tác nhân sự, tổ chức quản lý, kiểm định chất lượng giáo dục, thi cử… chưa khuyến khích sự đổi mới, linh hoạt cho cơ sở đào tạo (trong việc chuyển đổi, đổi mới mô hình quản trị đại học, chương trình, ngành đào tạo, tuyển dụng và định vị nguồn đầu vào phù hợp). Các học phần mới, các phương thức đào tạo mới… cần có nhiều bước để xin phép mới có thể yên tâm áp dụng trong đào tạo mà không bị xử lý vi phạm.
Tổ chức, quản lý đào tạo luật hiện nay ở Việt Nam cũng chậm thích ứng với công nghệ số và bối cảnh hội nhập mới. Phần lớn các cơ sở đào tạo luật thường có bộ máy tổ chức khá cồng kềnh, nhiều đơn vị, phòng, ban, bộ phận quản lý; nhiều số lượng chuyên viên hành chính từ Phòng đào tạo; Phòng hành chính; Phòng công tác chính trị học sinh - sinh viên; khoa, bộ môn, tổ cho đến văn phòng, trợ lý quản lý sinh viên; đoàn, hội, câu lạc bộ... Quản lý về chuyên môn theo các khoa, bộ môn, tổ, ngành theo truyền thống chưa hỗ trợ tốt trong việc tạo tính liên kết, liên thông về học thuật và nhiều khi làm chậm thay đổi để thích ứng với các chương trình, học phần mới, thể hiện sự cục bộ, chậm thay đổi, kém linh hoạt, gia tăng chi phí trong quá trình đào tạo. Mặc dù, ở một số cơ sở đào tạo đã phát triển các trung tâm nghiên cứu gắn với các lĩnh vực đào tạo và tăng tính liên ngành, xuyên ngành, nhưng do nguồn nhân lực, tài chính và nhận thức chưa đúng cho nghiên cứu, phục vụ phát triển các học phần hiện đại bị hạn chế, nên các viện, trung tâm hiện nay chưa phát huy hiệu quả. Trong khi đó, bối cảnh hội nhập mới thì hệ thống với nhiều phòng, ban, tổ chức, bộ phận sẽ không còn phù hợp khi ứng dụng công nghệ số, quản lý phần mềm thông minh.
Thứ chín, về cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu. Mặc dù, một số cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam hiện nay rất coi trọng và đầu tư rất nhiều cho vấn đề này, như: Đại học Luật Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Vinh, Đại học Huế, Đại học Tôn Đức Thắng, Học viện Ngoại thương, Đại học Văn Lang… Tuy nhiên, nhìn chung ở nhiều cơ sở đào tạo khác thì các thiết bị, hệ thống máy tính có kết nối internet, cung cấp mạng wifi chưa đồng bộ và không ổn định; các lớp, phòng học, giảng đường thông minh trên thực tế ở một số đơn vị đã được trang bị nhưng nhiều giảng viên không biết sử dụng, ngại dùng hoặc “không cần dùng”. Về hệ thống thư viện, mặc dù một số cơ sở đào tạo lớn như: Đại học Luật Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Vinh… và một số cơ sở đào tạo đã quan tâm đến thư viện số, nhưng số liệu tài liệu được số hóa không nhiều, nhất là các bài viết, bài nghiên cứu tài liệu luật nước ngoài còn ít. Các tài liệu nếu được số hóa thì cũng là bản chụp các tài liệu hiện có và điều này chỉ giúp dễ hơn trong tiếp cận, lưu trữ, chưa làm cho nguồn tài liệu trở nên hữu ích, cập nhật. Các thư viện ở cơ sở đào tạo chủ yếu chú trọng đến “diện tích”, số lượng đầu sách, tài liệu và chỗ ngồi, phòng đọc, không gian, phục vụ… mà chưa quan tâm ở mức cần thiết, chưa khuyến khích phát triển đến “tài nguyên số”,“thư viện số”, “tài liệu số” và “quốc tế hóa”. Tài liệu ở thư viện chủ yếu là các sách, giáo trình, tạp chí, văn bản luật, các luận văn, luận án… phần lớn tồn tại dưới dạng bản cứng nên rất nhanh lạc hậu, chưa bắt kịp với những thay đổi, bổ sung của pháp luật hiện hành. Ngoài ra, các yếu tố khác như không có thiết bị phù hợp, hệ thống quản trị chưa tốt, tài liệu chưa phong phú… dẫn tới các giảng viên, sinh viên và học viên vẫn chưa sử dụng hiệu quả nguồn tài liệu này, trong khi yêu cầu mới cần nhiều những tài liệu về tình huống pháp lý, bản án, các quyết định, các loại hợp đồng mẫu và phải được cập nhật thường xuyên.
Thứ mười, về vấn đề đi thực tập của sinh viên, học viên. Thời gian đi thực tập của sinh viên, học viên ở các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam hiện nay ngày càng bị cắt ngắn, thậm chí có cơ sở đào tạo còn tiến hành thực tập ngay tại trường. Mặc dù, các chương trình đào tạo tại các cơ sở đào tạo đều có thiết kế các khóa thực tập, thực tế tại các công ty luật, văn phòng luật, văn phòng công chứng, thừa phát lại... rất đa dạng, nhưng việc thực hiện lại rất khiêm tốn. Thực tế, so với đào tạo cử nhân luật trước đây (thời gian thực tập cho đến khi thi tốt nghiệp khoảng 05 tháng) thì hiện nay ở các cơ sở đào tạo luật thời gian đi thực tập chỉ khoảng vài tháng; sau đó quay trở về trường tiếp tục học các môn học thay thế tốt nghiệp, chờ thi tốt nghiệp... Chính vì thế, tính hiệu quả là không cao, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, kiến thức, kỹ năng thực tế của sinh viên, học viên. Rất nhiều sinh viên, học viên khi được phỏng vấn thừa nhận là có đến các cơ sở để thực tập, hoặc thực tập chính chỗ làm của mình (phần lớn là các học viên) nhưng chủ yếu là “cho có” hoặc chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” và “không biết gì nhiều”...
Ngoài ra, trình độ tin học, kỹ năng ứng dụng công nghệ, khả năng có được các thiết bị công nghệ kết nối internet (laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh…), ngoại ngữ không đồng đều. Vì thế, rất khó có thể ứng dụng công nghệ khi rất nhiều sinh viên, học viên không thể trang bị cho mình những thiết bị đó; trong khi các cơ sở đào tạo việc thực hiện tự chủ dẫn tới ngân sách ngày càng thu hẹp, cắt giảm đã ảnh hưởng tới việc trang bị cho sinh viên, học viên những thiết bị hiện đại. Năng lực ngoại ngữ nhất là tiếng Anh của sinh viên, học viên không đồng đều sẽ khó sử dụng công nghệ, tìm kiếm, phân tích tài liệu trực tuyến, tài liệu mở, các bài viết, các bài nghiên cứu chuyên sâu rất khó tìm kiếm để trở thành những sinh viên, học viên xuất sắc khi ra trường sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động toàn cầu, tư vấn luật pháp cho các khách hàng, các dịch vụ pháp lý vượt ra ngoài biên giới quốc gia.
2. Một số giải pháp hoàn thiện về đào tạo luật ở các cơ sở đào tạo luật trong bối cảnh mới
Một là, các cơ sở đào tạo luật cần áp dụng phương thức dạy trực tuyến tích cực. Trong bối cảnh mới, yêu cầu mới và từ hiệu quả thực tiễn giảng dạy trực tuyến khi dịch Covid-19 bùng phát. Theo đó, đối với các môn học/học phần trong chương trình đào tạo ở mức độ nhất định, đặc biệt là các môn học/học phần đại cương (môn học/học phần cơ bản) chuyên về cung cấp kiến thức thuần túy, cơ bản cần thiết kế học trực tuyến là chủ yếu để đảm bảo tiết kiệm kinh phí (vì tài liệu, học liệu đã có sẵn) và người học không phải trả tiền để phải học những kiến thức mà họ hoàn toàn có thể tự học với những tài liệu miễn phí (thư viện số, tài nguyên số). Giảng viên sẽ không phải lên lớp để thuyết giảng, mà có thể ngồi ở nhà và có thể tương tác bình thường với sinh viên, học viên trong các giờ dạy trực tuyến (trực tuyến tích cực). Giải pháp này, phù hợp với bối cảnh công nghệ hiện đại, dữ liệu số… khai thác tài liệu đa dạng, miễn phí. Hình thức học tập này vừa giảm chi phí xã hội cho cả người dạy, người học và đơn vị đào tạo, tiết kiệm thời gian đào tạo, vừa góp phần gia tăng tính cạnh tranh của cơ sở đào tạo đã và đang được nhiều nước tiến bộ trên thế giớ áp dụng[3].
Hai là, cần nâng cao năng lực ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh và tiếng Anh pháp lý cho giảng viên và học sinh, sinh viên. Trong bối cảnh mới, điều kiện mới về không gian, phạm vi hoạt động của người làm việc có thể xuyên quốc gia, quốc tế cần khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh, đặc biệt là tiếng Anh pháp lý để đáp ứng trong việc tìm kiếm tài liệu, giảng dạy và thực hiện công việc khi được tuyển dụng.
Ba là, bổ sung các môn học/học phần kỹ năng, nghiệp vụ thực tế khi xây dựng chương trình môn học, chương trình đào tạo. Bởi vì, giảng dạy không chỉ là việc của các cơ sở đào tạo, mà còn là của người sử dụng lao động (công ty, văn phòng luật, văn phòng công chứng, pháp chế cơ quan, Viện kiểm sát, Tòa án…) đều có thể tham gia vào quá trình đào tạo. Cần liên hệ các chuyên gia, luật sư, người làm thực tiễn tham gia giảng dạy, hỗ trợ đối với các môn học/học phần, với mục đích tạo ra những sản phẩm đầu ra phù hợp với yêu cầu thực tiễn; đảm bảo điều kiện cho học sinh, sinh viên tương tác với thực tiễn; tăng tính hấp dẫn, tính thực tiễn về kiến thức cho sinh viên, học viên đáp ứng yêu cầu công việc và gắn với nhu cầu xã hội[4]; đồng thời giảm áp lực cho các cơ sở đào tạo về chi phí đầu tư cơ sở vật chất, tranh thiết bị phục vụ học tập, thực hành. Yêu cầu mới, đào tạo hàn lâm trong lĩnh vực pháp lý cần gắn chặt chẽ với đào tạo trên thực tiễn, người học cần được thực nghiệm chứ không phải là nghe mô tả[5]. Muốn vậy, các cơ sở đào tạo luật cần hợp tác chặt chẽ với các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực luật để xây dựng chương trình môn học, chương trình đào tạo, kiểm định chất lượng và đào tạo thực tế cho các cơ sở của mình để gia tăng năng lực cạnh tranh.
Bốn là, cần bổ sung các môn học/học phần liên quan nhiều đến quan hệ quốc tế trong xây dựng chương trình đào tạo, như: Luật thương mại quốc tế, tư pháp quốc tế, công pháp quốc tế, luật so sánh, quản lý tài chính quốc tế… để tạo ra các sản phẩm có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp trong bối cảnh mới khi không giới hạn phạm vi lãnh thổ, công việc, dịch vụ pháp lý sẽ thường xuyên vượt ra khỏi biên giới quốc gia.
Năm là, cần điều chỉnh, đổi mới phương pháp giảng dạy. Bởi vì, hiện nay nguồn tài liệu, tri thức ngày càng phong phú và dễ tiếp cận, các hình thức đào tạo ngày càng đa dạng… Vì thế, giảng viên cần phải chuyển từ phương pháp thuyết giảng sang vai trò hướng dẫn, giải thích.
Sáu là, cần thay đổi chương trình đào tạo. Theo đó, tiếp nhận công nghệ giảng dạy trực tuyến, tài liệu giảng dạy trực tuyến và khuyến khích chia sẻ tín chỉ với các cơ sở đào tạo luật uy tín trên thế giới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Ngoài ra, cần mở rộng nguồn chuyên gia, giảng viên quốc tế để tham gia vào quá trình đào tạo luật ở các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam.
Bảy là, cần phải bổ sung các môn học/học phần cung cấp tri thức, kỹ năng về “công nghệ số”, “tư liệu điện tử”, “tài nguyên số”, ứng dụng công nghệ thông tin, sở hữu trí tuệ… cho người học trong chương trình đào tạo ở các cơ sở đào tạo luật đáp ứng yêu cầu và hoạt động thực tiễn, đời sống pháp lý. Từ đó, trang bị cho người học những tri thức quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động và tính năng động, linh hoạt trước yêu cầu mới, bối cảnh mới.
Tám là, cần có sự linh hoạt động hơn về quản lý đào tạo. Quản lý nhà nước theo Danh mục ngành nghề đào tạo hiện nay chưa cho phép liên thông liên kết và khuyến khích xây dựng các chương trình liên ngành, xuyên ngành trong bối cảnh mới. Quy định về mã ngành, chuyên ngành; những quy định về quy mô, điều kiện cơ sở vật chất, thư viện, phòng học, các tiêu chí kiểm định chất lượng… cũng cần có sự điều chỉnh để khuyến khích ứng dụng công nghệ vào đào tạo, giảm chi phí, thời gian cho học sinh, sinh viên và xã hội.
Chín là, cần chuyển dịch sang “thư viện số”, “tài liệu số”, đa dạng hóa nguồn tài liệu. Tài liệu không chỉ tập trung vào giáo trình, luật, bài viết, bài nghiên cứu, luận văn, luận án… mà cần cả các tình huống, các loại hợp đồng, các quyết định, các bản án, phán quyết, các cuốn “casebooks”… cần phải được liên tục cập nhật, bổ sung đầy đủ, toàn diện. Muốn vậy, chỉ có các “tài liệu số” dễ sử dụng, đáp ứng được yêu cầu và cần được tạo điều kiện vừa giảm tải mang vác nặng cho sinh viên, học viên trong bối cảnh càng ngày càng cần nhiều tài liệu cho học tập, nghiên cứu; đồng thời, giảm chi phí tài chính mua tài liệu và các sách, giáo trình kiểu cũ đã trở nên lỗi thời[6]. Từ đó, trường cũng không cần số lượng giảng viên cơ hữu quá lớn giảm bớt áp lực về tuyển dụng, đào tạo và trả lương. Thư viện cũng không cần lớn, nhiều phòng, nhiều bàn, ghế, máy móc, thiết bị… mà quan trọng là hệ thống tư liệu, học liệu điện tử phong phú, đầy đủ, chuẩn quốc tế để người học có thể học ở bất cứ đâu, bất cứ nơi nào và khi nào cần để vừa giúp nhà trường tiết kiệm được kinh phí xây dựng, duy trì hoạt động, trả lương nhân viên, lưu trữ sách vừa bảo quản tài liệu, sách. Trường học cũng không cần thiết phải có trụ sở với cơ sở vật chất hoành tráng với khu nhà điều hành, khu giảng đường, khu vui chơi, khu ký túc xá, nhà ở… như các trường truyền thống để vừa giảm tối đa kinh phí xây dựng, bảo quản, sửa chữa, vận hành vừa gia tăng sức cạnh tranh của trường trong bối cảnh cắt giảm chi phí, cạnh tranh khốc liệt ở trong và ngoài nước.
Mười là, cần chủ động, mạnh dạn về tự chủ đại học để đổi mới. Tự chủ đại học là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam, trước mắt các cơ sở đào tạo công đã, đang và sẽ bị cắt giảm kinh phí từ ngân sách nhà nước. Những khó khăn trước mắt sẽ hiện hữu khi nguồn ngân sách nhà nước bị cắt giảm và sẽ không chỉ dừng lại ở vấn đề tài chính mà sẽ tiếp tục tự chủ cả về công tác cán bộ, chiến lược phát triển, chương trình đào tạo, tuyển sinh… Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo luật đại học sẽ chủ động hơn trong quản lý, điều hành và đào tạo; tạo cơ hội chủ động, phát huy hết những tiềm năng, khả năng, năng lực sáng tạo, chủ động của mỗi cơ sở đào tạo và những bước đột phát mới tới các mô hình quản trị hiện đại./.
Trường Cao đẳng Luật miền Trung