1. Một số bất cập trong quy định và áp dụng pháp luật
Trong Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây viết tắt là Bộ luật Hình sự năm 2015), dấu hiệu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” là dấu hiệu quy định trong cấu thành cơ bản của tội phạm quy định tại 86 điều luật. Cụ thể là 05 điều (Điều 159, 163, 164, 165, 167) trong Chương XV - Các tội xâm phạm quyền tự do của con người; quyền tự do, dân chủ của công dân; 05 điều (Điều 172, 173, 174, 175 và 178) trong Chương XVI - Các tội xâm phạm sở hữu; 05 điều (Điều 181, 182, 183, 185, 186) trong Chương XVII - Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình; 25 điều (Điều 188, 189, 190, 191, 192, 195, 197, 198, 199, 200, 201, 202, 209, 216, 217a, 219, 220, 221, 222, 225, 226, 227, 228, 232, 234) trong Chương XVIII - Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; 07 điều (Điều 235, 240, 242, 243, 244, 245, 246) trong Chương XIX - Các tội phạm về môi trường; 07 điều (Điều 247, 249, 250, 252, 253, 254, 259) trong Chương XX - Các tội phạm về ma túy; 24 điều (Điều 266, 268, 269, 270, 271, 274, 275, 276, 278, 286, 287, 293, 294, 296, 297, 306, 314, 316, 317, 318, 320, 321, 322, 326) trong Chương XXI - Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng; 06 điều (Điều 332, 340, 343, 345, 346, 347) trong Chương XXII - Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính; 02 điều (Điều 380, 388) trong Chương XIV - Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Mặc dù, Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định dấu hiệu đã bị xử phạt vi phạm hành chính đã hết hay chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt, tuy nhiên, quá trình áp dụng cần xác định: Việc xử phạt vi phạm hành chính phải chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt theo quy định tại Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Nếu đã hết thời hạn thì không áp dụng dấu hiệu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” là điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thực tiễn áp dụng dấu hiệu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” là dấu hiệu định tội trong cấu thành cơ bản của tội phạm được quy định tại 05 điều trong Chương XVI - Các tội xâm phạm sở hữu của Bộ luật Hình sự năm 2015 có một số tồn tại sau đây:
Thứ nhất, xác định các hành vi chiếm đoạt tài sản bị xử phạt vi phạm hành chính là điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, tội trộm cắp tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Chiếm đoạt tài sản là hành vi cố ý chuyển dịch tài sản của người này thành tài sản của người khác một cách trái pháp luật. Trong Chương XVI, có 08 tội xâm phạm sở hữu mang tính chất chiếm đoạt tài sản, bao gồm: Tội cướp tài sản; tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, tội trộm cắp tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trong 08 tội phạm này, có 04 tội quy định dấu hiệu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản” là điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp trị giá tài sản bị chiếm đoạt dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự, bao gồm: Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172), tội trộm cắp tài sản (Điều 173), tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174) và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175). Vấn đề đặt ra là hành vi chiếm đoạt tài sản bị xử phạt vi phạm hành chính được bao gồm những hành vi nào?
Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (viết tắt là Bộ luật Hình sự năm 1999) cũng quy định dấu hiệu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt” trong cấu thành cơ bản của 04 tội phạm nêu trên. Tại tiểu mục 1.3, Mục 1 Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật Hình sự năm 1999 xác định có 10 hành vi chiếm đoạt tài sản bị xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm: Cướp tài sản; bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; cưỡng đoạt tài sản; cướp giật tài sản; công nhiên chiếm đoạt tài sản; trộm cắp tài sản; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; tham ô tài sản và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Vậy có vận dụng hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP để xác định các hành vi chiếm đoạt tài sản bị xử phạt vi phạm hành chính trong Bộ luật Hình sự năm 2015 hay không?
Nghiên cứu 10 hành vi chiếm đoạt tài sản nêu trên, chúng tôi cho rằng, Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP xác định hành vi cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản và cướp giật tài sản bị xử phạt vi phạm hành chính là không chính xác. Bởi vì, dấu hiệu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản” chỉ quy định trong cấu thành cơ bản của các tội phạm mà trị giá tài sản bị chiếm đoạt là dấu hiệu bắt buộc để định tội, bao gồm: Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, tội trộm cắp tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Chính vì trị giá tài sản là dấu hiệu bắt buộc để định tội, nên người phạm tội phải chiếm đoạt trên mức tối thiểu (02 triệu đồng hoặc 04 triệu đồng), nếu dưới mức tối thiểu thì một trong các điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm”. Đối với các tội phạm cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản và cướp giật tài sản, trị giá tài sản không phải là dấu hiệu bắt buộc để định tội, nó chỉ có ý nghĩa định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự. Trong các tội phạm này, người phạm tội chỉ cần thực hiện hành vi thì đã cấu thành tội phạm, do vậy, các hành vi này luôn là tội phạm, không thể là vi phạm hành chính và bị xử phạt như trong Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP xác định. Đây cũng chính là lý do Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng như Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định dấu hiệu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản” trong cấu thành cơ bản của tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản và cướp giật tài sản. Theo chúng tôi, các hành vi chiếm đoạt tài sản bị xử phạt không bao gồm 04 hành vi cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản và cướp giật tài sản như trong Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP xác định.
Cùng với dấu hiệu đã bị xử phạt vi phạm hành chính, cả Bộ luật Hình sự năm 1999 và Bộ luật Hình sự năm 2015 đều xác định dấu hiệu đã bị kết án về một số tội phạm chưa được xóa án tích là điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp trị giá tài sản bị chiếm đoạt dưới mức tối thiểu. Trong Bộ luật Hình sự năm 1999, số lượng tội phạm bị kết án này bao gồm 10 tội (theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP là 08 tội xâm phạm sở hữu mang tính chất chiếm đoạt tài sản, cùng với tội tham ô tài sản và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản). Trong Bộ luật Hình sự năm 2015, số lượng tội phạm này là 09 tội (08 tội xâm phạm sở hữu mang tính chất chiếm đoạt tài sản và tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản – Điều 290). Việc Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP xác định 10 tội chiếm đoạt tài sản bị kết án tương ứng với 10 hành vi chiếm đoạt tài sản bị xử phạt hành chính, vậy có xác định hành vi tham ô tài sản và hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản bị xử lý kỷ luật là điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm sở hữu trong Bộ luật Hình sự năm 2015 hay không? Ngoài 04 hành vi chiếm đoạt tài sản bị xử phạt vi phạm hành chính (công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản) còn hành vi chiếm đoạt tài sản nào khác bị xử phạt vi phạm chính hoặc xử lý kỷ luật là điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự?
Thứ hai, so với trường hợp người dưới 18 tuổi bị kết án về một số tội phạm chưa được xóa án tích là điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu áp dụng dấu hiệu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản” sẽ không có lợi đối với người dưới 18 tuổi, trong khi trường hợp người dưới 18 tuổi “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản” có tính chất, mức độ nguy hiểm thấp hơn trường hợp đã bị kết án. Theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015: “Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi” bị kết án; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý” thì không có án tích. Như vậy, người dưới 18 tuổi bị kết án về các tội phạm nói chung, tội phạm xâm phạm sở hữu nói riêng thỏa mãn điều kiện nêu trên thì không bị coi là có án tích, khi đó sẽ không bị áp dụng dấu hiệu “đã bị kết án về tội… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, sử dụng trái phép tài sản và hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
Theo khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính”. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 không loại trừ trách nhiệm đối với người dưới 18 tuổi, người dưới 18 tuổi vẫn có thể bị xử phạt nếu đủ điều kiện. Như vậy, nếu người dưới 18 tuổi “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi…” và chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt theo Điều 7 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì vẫn bị áp dụng dấu hiệu này để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, sử dụng trái phép tài sản và hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
So sánh hai trường hợp trên thấy rằng, trường hợp “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi…” có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội thấp hơn trường hợp “đã bị kết án về tội…”, tuy nhiên, lại áp dụng dấu hiệu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” mà không áp dụng dấu hiệu “đã bị kết án” để truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp trị giá tài sản dưới mức tối thiểu. Việc áp dụng như vậy là đúng theo quy định của pháp luật, nhưng bất hợp lý, bởi lẽ, người dưới 18 tuổi trước đó có hành vi nguy hiểm hơn, nhưng lại có lợi hơn nếu vi phạm về sau trong một số trường hợp.
Thứ ba, dấu hiệu đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong Điều 177 Bộ luật Hình sự năm 2015. Khoản 1 Điều 177 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định cấu thành cơ bản của tội sử dụng trái phép tài sản với nội dung: “Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc dưới 500.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật tại Điều 219 và Điều 220 của Bộ luật này thì bị phạt…”. Như vậy, một trong những điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội sử dụng trái phép tài sản là tài sản bị sử dụng trái phép có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên và trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép tài sản. Theo chúng tôi, việc Bộ luật Hình sự quy định thỏa mãn đồng thời cả 02 điều kiện nêu trên là không hợp lý, bởi lẽ, nếu tài sản bị sử dụng trái phép có trị giá rất lớn cũng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu trước đó chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, điều này không đáp ứng yêu cầu phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm trên thực tiễn. Cùng với đó, quy định ở trên sẽ xung đột với các tội phạm xâm phạm sở hữu cũng quy định dấu hiệu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” (tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, tội trộm cắp tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản) do các tội phạm này đều quy định theo hướng, tài sản có trị giá trên mức tối thiểu, nếu dưới mức tối thiểu thì truy cứu trách nhiệm hình sự nếu trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính, không cần thỏa mãn đồng thời cả hai điều kiện.
2. Kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật
Một là, thời gian tới, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết, hoặc liên ngành tư pháp Trung ương ban hành Thông tư liên tịch xác định, hướng dẫn áp dụng thống nhất các hành vi chiếm đoạt tài sản bị xử phạt vi phạm hành chính là điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự trong Chương các tội xâm phạm sở hữu Bộ luật Hình sự năm 2015, cũng như hướng dẫn giải quyết những vướng mắc khác có liên quan đến các tội phạm xâm phạm sở hữu trong Bộ luật Hình sự.
Hai là, nghiên cứu, sửa đổi quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 theo hướng không áp dụng thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính đối với người dưới 18 tuổi; hoặc sửa đổi dấu hiệu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm” thành “người từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm”.
Sở dĩ tác giả không đề xuất sửa đổi Điều 107 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi, bởi vì, khoản 1 Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định không có án tích chỉ trong một số trường hợp, không phải tất cả các tội phạm quy định trong Bộ luật Hình sự. Nếu sửa đổi sẽ ảnh hưởng tới chính sách hình sự “tăng tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội”, không đạt được nguyên tắc “bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội” quy định tại Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cùng với đó, mặc dù không bị coi là có án tích, tuy nhiên người dưới 18 tuổi vẫn bị kết án và khi đó các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng Công an nhân dân vẫn áp dụng các biện pháp giáo dục, phòng ngừa nghiệp vụ đối với họ.
Ba là, sửa đổi khoản 1 Điều 177 Bộ luật Hình sự năm 2015 theo hướng như sau: “Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là di vật, cổ vật tại Điều 219 và Điều 220 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.
ThS. Bùi Công Thắng
Học viện Cảnh sát nhân dân