Tỉnh Gia Lai những năm qua đã làm tốt công tác hòa giải ngay từ cơ sở. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 2.135 tổ hòa giải cơ sở với 11.413 hòa giải viên. Xuất phát từ vị trí, vai trò của công tác hòa giải, qua 13 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, các tổ hòa giải ngày càng được củng cố, kiện toàn. Đặc biệt, kể từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2014, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo triển khai Luật trên địa bàn tỉnh, có văn bản đề nghị UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Luật ở địa phương, đồng thời chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Luật. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã biên soạn các đề cương, tài liệu, chỉ đạo tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các hòa giải viên. Nội dung tập huấn hướng đến các vấn đề trọng tâm như: Hiến pháp năm 2013; Luật Hòa giải ở cơ sở; các quy định của pháp luật trong lĩnh vực dân sự, đất đai, hôn nhân và gia đình; khiếu nại, tố cáo; kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở,… Thường xuyên cử cán bộ, công chức tiến hành kiểm tra công tác tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở nhằm kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo những khó khăn vướng mắc phát sinh ở cơ sở. Vì vậy, hoạt động hòa giải cơ sở tiếp tục có nhiều khởi sắc.
Hầu hết các tổ hòa giải đều được kiện toàn lại, chất lượng hòa giải được nâng lên rõ rệt. Tổ chức của các tổ hòa giải trên toàn tỉnh cơ bản có đầy đủ các thành phần tham gia như: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Người Cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và những người có uy tín, đủ năng lực được lựa chọn. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc lãnh chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động hòa giải trên địa bàn tỉnh.
Năm 2014, các tổ hoà giải đã thụ lý 1.693 vụ việc, trong đó hòa giải thành 1.365 vụ việc, hòa giải không thành 247 vụ việc, đang hòa giải 65 vụ việc và chưa giải quyết là 16 vụ việc. Số lượng vụ việc hoà giải thành ngày càng tăng; số vụ việc hòa giải không thành giảm rõ rệt so với năm 2013.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, nên hoạt động hoà giải ở cơ sở đã được củng cố về tổ chức và hoạt động, trình tự thủ tục bầu tổ trưởng và thành viên tổ hòa giải được thực hiện theo đúng quy định của Luật. Việc thanh toán thù lao cho hòa giải viên đã được UBND xã quan tâm. Do đó, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần giữ gìn khối đoàn kết trong nội bộ nhân dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Các tổ hoà giải thông qua việc hoà giải đã góp phần tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật của Nhà nước, chủ trương của Đảng đến nhân dân sâu rộng và toàn diện.
Tuy nhiên, công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế, bất cập như:
Thứ nhất, chưa có cơ chế, chính sách cho công tác hòa giải ở cơ sở; vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong công tác hòa giải chưa được quy định rõ; các quy định đảm bảo chức năng quản lý nhà nước của cơ quan tư pháp đối với hoạt động hòa giải chưa đầy đủ.
Thứ hai, phong trào hòa giải chưa thực sự đồng đều trong phạm vi toàn tỉnh; một số tổ hòa giải hoạt động còn mang tính hình thức, chất lượng, hiệu quả chưa cao.
Thứ ba, việc huy động nguồn lực cho công tác hòa giải ở cơ sở chưa được tiến hành một cách đồng bộ và thống nhất, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải phải kiêm nhiệm nhiều việc.
Thứ tư, các hoà giải viên chưa được quan tâm trang bị kiến thức pháp lý và kỹ năng nghiệp vụ cần thiết để thực hiện nhiệm vụ dẫn đến một bộ phận hòa giải còn hạn chế về kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải.
Thứ năm, mạng lưới hòa giải chưa đồng đều; tổ hòa giải ở một số nơi hoạt động chưa hiệu quả; một số tổ hoà giải ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn vận dụng những tập tục lạc hậu trái quy định của pháp luật để hoà giải làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của công dân.
Thứ sáu, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, việc hòa giải ở cơ sở chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của những người làm công tác hòa giải;…
Để công tác hòa giải ở cơ sở đạt kết quả cao hơn nữa, thiết nghĩ việc triển khai, tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải cần được cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, cá nhân và nhân dân trong tỉnh quan tâm đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, phù hợp đối tượng góp phần đưa pháp luật hòa giải vào cuộc sống. Cụ thể:
Một là, Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên, Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, phải được thực hiện thường xuyên để nâng cao nhận thức cho các hòa giải viên về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội và nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải. Vì thế hàng năm, tư pháp các cấp cần có kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho đội ngũ hòa giải viên. Việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật có thể tổ chức định kỳ mỗi năm ít nhất 1 lần, hoặc tổ chức theo chuyên đề để cập nhập kịp thời những văn bản pháp luật mới vừa được thông qua, các văn bản pháp luật này liên quan chặt chẽ đến đời sống nhân dân địa phương. Nội dung tập huấn nên xây dựng mềm dẻo, linh hoạt và phù hợp với đặc thù công tác hoà giải ở địa phương. Có thể tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ hoà giải và phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở hoặc giới thiệu các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động hoà giải ở cơ sở.
Hai là, Tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hoà giải viên giỏi, tuyên truyền viên pháp luật giỏi với những nội dung phong phú, đa dạng và sinh động. Các hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hòa giải viên là một trong các hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật có sức hấp dẫn và hiệu quả. Thông qua các hội thi, những nội dung pháp luật được truyền tải đến các đối tượng một cách đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sinh động hơn, tránh được sự cứng nhắc, khô khan. Đối tượng của hội thi rất rộng rãi, tiếp nhận các kiến thức pháp luật một cách thỏa mái và hoàn toàn chủ động, qua đó khả năng áp dụng pháp luật của đối tượng được nâng cao. Vì vậy, pháp luật có điều kiện lan tỏa, phát huy rộng rãi trong cuộc sống người dân.
Các hội thi này, một mặt khuyến khích, động viên phong trào hoà giải trong cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng, mặt khác còn là dịp tốt để các hoà giải viên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm hoạt động hoà giải. Ngoài ra, có thể tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên môn định kỳ cho các hoà giải viên, đưa công tác hoà giải lồng vào các hoạt động phong trào khác của địa phương, như: phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội...
Ba là, Cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên. Việc cung cấp thông tin pháp luật, tài liệu văn bản pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở. Tài liệu nghiệp vụ, tài liệu pháp luật có thể gồm: Đề cương tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; sổ tay nghiệp vụ hoà giải; báo chí về pháp luật; sách hỏi - đáp pháp luật phổ thông; tờ rơi, tờ gấp và các tài liệu cần thiết khác. Vì vậy, các cơ quan tư pháp ở địa phương cần có kế hoạch và biện pháp cụ thể để cung cấp đầy đủ các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động hoà giải ở cơ sở cho các tổ hoà giải. Cần đẩy mạnh công tác xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật tại xã, phường, thị trấn để có nguồn văn bản cho các hòa giải viên.
Bốn là, Tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết hay tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về hoạt động hoà giải ở cơ sở và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải. Đây là công việc cần thiết phải làm thường xuyên, một mặt theo dõi tổng hợp, đánh giá về tổ chức và đội ngũ hòa giải viên của các Tổ hòa giải, mặt khác còn là diễn đàn để các hòa giải viên có thể trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau, giúp nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác hoà giải. Đồng thời, qua việc sơ kết, tổng kết về hoạt động hòa giải ở cơ sở giúp chính quyền địa phương có điều kiện hiểu rõ những thuận lợi, khó khăn, kết quả cũng như kiến nghị về công tác hòa giải nói riêng và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung.
Năm là, Bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở và phổ biến, giáo dục pháp luật. Để nâng cao vai trò và hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở trong tình hình hiện nay. Ngày 27/01/2014 liên Bộ Tài chính và Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở và Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 của liên Bộ Tài chính và Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Theo đó, căn cứ vào điều kiện kinh tế cụ thể của địa phương, UBND tỉnh Gia Lai cần gấp rút chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã dành khoản kinh phí nhất định để chi cho các hoạt động hòa giải như: Kinh phí cho việc kiện toàn tổ chức; bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải; sơ kết, tổng kết thi đua khen thưởng công tác hòa giải; tài liệu nghiệp vụ cho hòa giải viên; tổ chức thi hòa giải viên giỏi; chế độ thù lao cho hòa giải viên;... nhằm góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương.
Vũ Ngân
Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai