1. Quy định của pháp luật dân sự về di sản dùng vào việc thờ cúng qua các thời kỳ
Người Việt Nam vốn xem thờ cúng tổ tiên là trách nhiệm thiêng liêng của con cháu đối với thế hệ đi trước, thể hiện sự thành kính và biết ơn đối với những người đã có công sinh thành và dưỡng dục. Để phong tục này được duy trì và phát triển, pháp luật Việt Nam từ thời phong kiến đến nay đều có những quy định về hương hỏa nói riêng và di sản thờ cúng nói chung. Văn bản pháp luật cổ xưa nhất có thể kể đến là Bộ luật Hồng Đức có đến 13 điều quy định riêng về hương hỏa. Sau đó, Bộ luật Dân sự Sài Gòn năm 1972 cũng dành hẳn 50 điều luật quy định về vấn đề này. Đã có thời điểm pháp luật quy định về hương hỏa, tức thờ cúng là một nghĩa vụ bắt buộc của con cháu đối với ông bà, tổ tiên[1]. Chẳng hạn như, Điều 388 Bộ luật Hồng Đức quy định rằng: Cha mẹ mất cả, có ruộng đất, chưa kịp để lại chúc thư, mà anh em, chị em tự chia nhau, thì lấy 1/20 số ruộng đất làm phần hương hỏa. Bên cạnh đó, Điều 83 Bộ luật Gia Long cũng quy định phải dành một phần di sản của người quá cố để lập hương hỏa.
Thuật ngữ “hương hỏa” được kế thừa thành thuật ngữ “di sản dùng vào việc thờ cúng” cho đến nay. Tuy nhiên, Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và các Bộ luật Dân sự về sau không quy định chi tiết như trước. Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 chỉ dành duy nhất Điều 21 trong Chương 2 về thừa kế theo di chúc để quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng. Hai Bộ luật Dân sự năm 1995 và năm 2005 cũng chỉ dành duy nhất hai điều luật quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng (Điều 651 và Điều 673 thuộc Chương II về Thừa kế theo di chúc của Bộ luật Dân sự năm 1995; Điều 648 và 670 Bộ luật Dân sự năm 2005 thuộc Chương XXIII về thừa kế theo di chúc của Bộ luật Dân sự năm 2005). Kế thừa các Bộ luật Dân sự trước đây, thuật ngữ “di sản dùng vào việc thờ cúng” cũng chỉ được quy định duy nhất tại hai điều luật là Điều 626 và Điều 645 thuộc Chương XXII về thừa kế theo di chúc của Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, một người trước khi chết có thể lập di chúc để lại một phần di sản của mình dùng vào việc thờ cúng. Như vậy, từ năm 1995 đến nay, thờ cúng không còn là nghĩa vụ bắt buộc của con cháu đối với thế hệ đi trước. Chính vì vậy mà các Tòa án đã xét rằng, nếu không có di chúc thì không có di sản dùng vào việc thờ cúng[2]. Di sản, theo Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2015, bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Theo khoản 2 Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015, tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Điều này cũng có nghĩa là, di sản dùng vào việc thờ cúng bao gồm cả bất động sản như đất đai, nhà thờ tự,… và động sản như bàn thờ, bát hương,… Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả chỉ đề cập đến di sản dùng vào việc thờ cúng là quyền sử dụng đất. Theo khoản 2 Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015, trường hợp di sản của người chết đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì họ mới được dành một phần di sản, trong đó có quyền sử dụng đất, dùng vào việc thờ cúng. Khoản 1 Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định di sản dùng vào việc thờ cúng như sau: Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng. Với quy định này, có thể hiểu rằng, phần di sản dùng vào việc thờ cúng chỉ được dùng cho việc thờ cúng mà không thuộc quyền sở hữu của bất kỳ người thừa kế hoặc người nào khác. Di sản này cũng chỉ được sử dụng cho việc thờ cúng mà không được chia thừa kế. Đồng thời, phần di sản này được giao cho người được chỉ định trong di chúc để quản lý và thực hiện việc thờ cúng. Ngoài ra, Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định cụ thể về việc chỉ định người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng như sau: Một là, người để lại di chúc chỉ định trong di chúc người quản lý phần di sản dùng vào việc thờ cúng; hai là, những người thừa kế cũng có thể giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của người thừa kế. Đối với trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng. Nếu những người thừa kế theo di chúc đều chết thì phần di sản dùng vào việc thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật. Như vậy, với những quy định tại khoản 3 Điều 626 và Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015 có thể thấy rằng, việc để lại di sản thừa kế dùng vào việc thờ cúng, trong đó có quyền sử dụng đất, được thực hiện theo ý chí của người lập di chúc. Phần quyền sử dụng đất này không được chia thừa kế nên không được phép chuyển nhượng, trừ trường hợp để thanh toán nghĩa vụ do người chết để lại mà toàn bộ di sản không đủ để thực hiện.
2. Quy định của pháp luật đất đai về di sản dùng vào việc thờ cúng là quyền sử dụng đất
Tại Việt Nam, có thể thấy rằng, di sản dùng vào việc thờ cúng thường là nhà ở, nhà thờ gắn liền với quyền sử dụng đất nên di sản dùng vào việc thờ cúng có giá trị ngày càng lớn, tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp cao do bản chất phức tạp của các mối quan hệ dòng tộc nhiều đời[3]. Với “tư cách” là luật chuyên ngành điều chỉnh các vấn đề về/liên quan đến đất đai, Luật Đất đai năm 2013 cũng đã có những quy định nhất định đối với di sản dùng vào việc thờ cúng là quyền sử dụng đất dù không trực tiếp.
Căn cứ vào mục đích sử dụng đất, Điều 10 Luật Đất đai năm 2013 phân loại đất đai thành 03 loại như sau:
Thứ nhất, nhóm đất nông nghiệp được xác định gồm: (i) Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác; (ii) Đất trồng cây lâu năm; (iii) Đất rừng sản xuất; (iv) Đất rừng phòng hộ; (v) Đất rừng đặc dụng; (vi) Đất nuôi trồng thủy sản; (vii) Đất làm muối; (viii) Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh.
Thứ hai, nhóm đất phi nông nghiệp: (i) Đất ở gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị; (ii) Đất xây dựng trụ sở cơ quan; (iii) Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; (iv) Đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp; đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác; (v) Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm; (vi) Đất sử dụng vào mục đích công cộng gồm đất giao thông (cảng hàng không, sân bay, cảng đường thủy nội địa, cảng hàng hải, hệ thống đường sắt, hệ thống đường bộ và công trình giao thông khác); thủy lợi; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi, giải trí công cộng; đất công trình năng lượng; đất công trình bưu chính, viễn thông; đất chợ; đất bãi thải, xử lý chất thải và đất công trình công cộng khác; (vii) Đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; (viii) Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng; (ix) Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng; (x) Đất phi nông nghiệp khác gồm đất làm nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động trong cơ sở sản xuất; đất xây dựng kho và nhà để chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đất xây dựng công trình khác của người sử dụng đất không nhằm mục đích kinh doanh mà công trình đó không gắn liền với đất ở.
Thứ ba, nhóm đất chưa sử dụng gồm các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng.
Như vậy, Luật Đất đai năm 2013 không phân loại “đất dùng vào việc thờ cúng” nhưng có thể hiểu rằng, đất được dùng vào việc thờ cúng có thể là một trong các loại đất vừa nêu trên. Tuy nhiên, theo nhóm tác giả, “đất dùng vào việc thờ cúng” thường là “đất phi nông nghiệp”, cụ thể là đất ở đô thị/nông thôn. Bởi lẽ, việc “thờ cúng” gắn liền với “nơi để thờ cúng” nên trên thửa đất dùng vào việc thờ cúng thường sẽ phải xây dựng công trình nhằm mục đích thờ cúng hoặc kết hợp vừa để ở, vừa thờ cúng. Do đó, phải là “đất ở” thì mới có thể xây dựng công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Theo khoản 1 Điều 95 Luật Đất đai năm 2013, đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý. Theo đó, quyền sử dụng đất dùng vào việc thờ cúng cũng phải đăng ký để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như quy định tại Điều 97 Luật Đất đai năm 2013. Bên cạnh đó, điểm h khoản 8 Điều 6 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 6 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai) quy định về việc thể hiện nguồn gốc sử dụng đất trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như sau: “Trường hợp chuyển quyền sử dụng đất mà phải cấp Giấy chứng nhận cho bên nhận chuyển quyền thì ghi lần lượt hình thức nhận chuyển quyền (như nhận chuyển đổi; nhận chuyển nhượng; nhận thừa kế; được tặng cho; nhận góp vốn; trúng đấu giá; xử lý nợ thế chấp; giải quyết tranh chấp; do giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện quyết định (hoặc bản án) của Tòa án; thực hiện quyết định thi hành án;…); tiếp theo ghi nguồn gốc sử dụng đất như trên Giấy chứng nhận đã cấp lần đầu và được thể hiện theo quy định tại Thông tư này. Ví dụ: “Nhận chuyển nhượng đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất”. Tổ chức A đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân trước năm 2005, hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp Giấy chứng nhận, nay sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh, khi công nhận quyền sử dụng đất sẽ ghi trên Giấy chứng nhận là “Công nhận quyền sử dụng đất như giao đất có thu tiền sử dụng đất”. Như vậy, theo quy định hiện hành, trên Giấy chứng nhận tại mục ghi thông tin “Nguồn gốc đất” sẽ không có nguồn gốc là “nhận thừa kế quyền sử dụng đất để dùng vào việc thờ cúng”.
Khoản 1 Điều 11 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quy định về việc thể hiện nội dung tại điểm Ghi chú trên Giấy chứng nhận như sau: “Trường hợp trong quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, hợp đồng hoặc văn bản nhận chuyển quyền sử dụng đất và các giấy tờ khác về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; giấy tờ về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất quy định tại các điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP có nội dung hạn chế về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì ghi nội dung hạn chế theo giấy tờ đó”.
Như vậy, về mặt lý thuyết, nếu người chết để lại di chúc (hoặc trường hợp các đồng thừa kế thỏa thuận trong trường hợp không có di chúc) với nội dung di sản là quyền sử dụng đất được dùng vào việc thờ cúng thì các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất này sẽ bị hạn chế, cụ thể là không được chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp,... Do đó, tại mục Ghi chú của Giấy chứng nhận cần thể hiện nội dung hạn chế này theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Có thể thấy, pháp luật đất đai đưa ra những quy định mang tính “tương đối” nhằm bảo đảm ý chí của người để lại di sản bằng cách ghi các nội dung hạn chế (trong đó có việc hạn chế chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp đối với quyền sử dụng đất là di sản dùng vào việc thờ cúng) vào mục “Ghi chú” trên Giấy chứng nhận. Tuy nhiên, khái niệm về hạn chế quyền sở hữu còn chưa phổ biến tại Việt Nam[4] và vấn đề hạn chế một số quyền đối với quyền sử dụng đất vì mục đích thờ cúng cũng tương tự như vậy.
3. Một số bất cập và kiến nghị
Một là, quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng trong Bộ luật Dân sự hiện nay còn quá “mỏng”.
Không chỉ di sản là quyền sử dụng đất mà đối với di sản là các tài sản khác thì quy định của Bộ luật Dân sự hiện nay còn quá “mỏng”, chưa thiết lập được một nền móng vững chắc cho quy định này[5]. Do đó, thiết nghĩ trong tương lai, các nhà làm luật cần cân nhắc một cách nghiêm túc để bổ khuyết cho sự “thiếu vắng” các quy định này.
Hai là, pháp luật đất đai hiện nay đánh giá chưa đủ tầm quan trọng của di sản dùng vào việc thờ cúng là quyền sử dụng đất.
Việc ghi nhận nội dung hạn chế đối với quyền sử dụng đất chỉ được hướng dẫn ở cấp độ thông tư, cụ thể là khoản 1 Điều 11 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo nhóm tác giả, việc hướng dẫn này có thể bị bỏ qua trong quá trình cấp Giấy chứng nhận, từ đó dẫn đến những tranh chấp không đáng có trong thực tiễn.
Ví dụ như vụ kiện yêu cầu thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp cho ông Huỳnh Ngọc Luyến[6]. Theo nội dung vụ án này thì nguồn gốc các thửa đất số 49 và 50 tờ bản đồ số 10 xã Diên Phú, huyện Diên Khánh do cha mẹ ông Luyến là ông Huỳnh Ngọc Minh và bà Trần Thị Huệ tạo lập. Năm 1992, ông Huỳnh Ngọc Minh chết, không để lại di chúc. Ngày 25/10/1995, mẹ ông Luyến (Trần Thị Huệ) cùng các con (Huỳnh Ngọc Long, Huỳnh Ngọc Luyến, Huỳnh Thị Ngọc Liên, Huỳnh Thị Lý, Huỳnh Thị Lai) lập văn bản thỏa thuận chuyển đất từ đường hương hỏa cho ông Huỳnh Ngọc Luyến với nội dung: Ông Luyến được quyền đăng ký, sử dụng toàn bộ diện tích 880m2 đất; ông Luyến phải bảo quản, quản lý đất gò mã của gia tộc, đồng thời không được sang nhượng với bất cứ hình thức nào. Ông Huỳnh Ngọc Luyến được Ủy ban nhân dân huyện Diên Khánh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00863QSDĐ/DP-DK ngày 14/10/1998 với diện tích 880m2 đất tại các thửa 49, 50 tờ bản đồ số 10 xã Diên Phú. Ngày 01/6/2006, ông Luyến chuyển nhượng 150m2 cho bà Huỳnh Thị Ngọc, bà Ngọc cũng đã được Ủy ban nhân dân huyện Diên Khánh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cũng trong ngày này, ông Luyến chuyển nhượng 148m2 cho bà Huỳnh Thị Lai, Huỳnh Thị Liên. Việc chuyển nhượng đất của ông Luyến đã bị gia đình ông khiếu nại và sau đó Ủy ban nhân dân huyện Diên Khánh phải thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00863QSDĐ/DP-DK đã cấp cho ông Luyến. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho rằng trong vụ án này có sự thiếu sót của cơ quan tham mưu: Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Diên Khánh không phát hiện trong hồ sơ văn bản thỏa thuận ghi “không được quyền sang nhượng với bất cứ hình thức nào” nên đã đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Diên Khánh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Luyến mà không ghi hạn chế về quyền định đoạt đối với diện tích đất cấp cho ông Luyến là không thể hiện đúng ý chí của các bên trong văn bản thỏa thuận về việc “chuyển quyền sử dụng đất từ đường hương hỏa”.
Từ đó cho thấy, quy định về việc ghi nhận nội dung hạn chế tại mục “Ghi chú” trên Giấy chứng nhận hiện nay theo khoản 1 Điều 11 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường là chưa thực sự thỏa đáng đối với di sản thờ cúng là quyền sử dụng đất. Bởi lẽ, khoản 5 Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 có quy định minh thị về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ trong trường hợp không có tranh chấp. Việc ghi nhận cụ thể như khoản 5 Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 là quan trọng “vì theo pháp luật hiện hành, một khi được pháp luật công nhận là người sở hữu hợp pháp thì chủ thể có thể thực hiện quyền định đoạt đối với tài sản (một cách thuận lợi trong trường hợp không có người tranh chấp hoặc trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền không biết về nội dung di chúc về việc dùng tài sản làm di sản thờ cúng), bao gồm cả việc chuyển nhượng cho chủ thể khác với mục tiêu không phải để phục vụ công việc thờ cúng”[7]. Vì vậy, nhóm tác giả kiến nghị, việc ghi nhận di sản thờ cúng là quyền sử dụng đất cần được ghi nhận cụ thể trong Luật Đất đai và cần tương thích với các quy định của pháp luật dân sự trong cùng vấn đề. Do đó, trước mắt cần nâng cấp việc ghi nhận di sản dùng vào việc thờ cúng là quyền sử dụng đất từ cấp độ thông tư lên cấp độ nghị định để “mở đường” cho tiến trình chỉnh lý quy định này trong tương lai.
ThS. Nguyễn Phúc Thiện,
Khoa Luật, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh
TS. Lâm Tố Trang
Trưởng Bộ môn Luật dân sự, Khoa Luật, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh
Ảnh: internet
[1] Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (2021), Giáo trình Pháp luật về tài sản, quyền sở hữu và thừa kế, Nxb. Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam, tr. 524.
[2] Đỗ Văn Đại (2019), tlđd, tr. 356.
[3] Lê Vũ Nam và Lê Bích Thủy (2021), Quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng thông qua công cụ tín thác, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210866, truy cập ngày 09/3/2024.
[4] Lê Vũ Nam và Lê Bích Thuỷ (2021), tlđd.
[5] Xem thêm: Lê Hoàng Nam (2022), Xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng theo pháp luật Việt Nam, Luận văn thạc sĩ, tr. 66 - 72.
[6] Nguyễn Đình Nhựt (2017), VKSND tỉnh Khánh Hòa: Kiến nghị UBND huyện Diên Khánh trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, http://vkskh.gov.vn/vksnd-tinh-khanh-hoa-kien-nghi-ubnd-huyen-dien-khanh-trong-viec-cap-giay-chung_819_238_2_a.html, truy cập ngày 09/3/2024.
[7] Lê Vũ Nam và Lê Bích Thuỷ (2021), tlđd.