Định giá tài sản trong thi hành án dân sự sau khi kê biên là một trong những bước tác nghiệp rất quan trọng của chấp hành viên. Bài viết này đi sâu phân tích một số bất cập trong việc áp dụng các quy định pháp luật trong thực tiễn, đồng thời đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này.
Trong quá trình kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, việc xác định giá hoặc tiến hành ký hợp đồng thẩm định giá (sau đây gọi chung là thẩm định giá) là một trong những bước tác nghiệp hết sức quan trọng của chấp hành viên. Đây là cơ sở để tính toán giá trị tài sản của người phải thi hành án hoặc của người thứ ba, từ đó xác định mức giá khởi điểm của tài sản đã kê biên để đưa ra bán đấu giá theo trình tự, thủ tục về bán đấu giá tài sản. Vấn đề định giá tài sản kê biên được quy định tại Điều 98 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi bổ sung năm 2014 (Luật Thi hành án Dân sự); Điều 25, Điều 26 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, được sửa đổi bởi Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ (Nghị định số 62/2015/NĐ-CP); Điều 2 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự.
Theo Điều 98 Luật Thi hành án dân sự, có ba cách để xác định giá khởi điểm tài sản kê biên, gồm: Định giá bằng sự thỏa thuận của đương sự, định giá do tổ chức thẩm định giá thực hiện và định giá do chấp hành viên xác định. Mặc dù Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có quy định khá cụ thể về từng cách thức xác định giá tài sản kê biên, tuy nhiên, một số quy định pháp luật về vấn đề này vẫn còn tồn tại bất cập.
1. Định giá theo sự thỏa thuận của đương sự
Về thời hạn thỏa thuận về giá và tổ chức thẩm định giá kê biên, đa số ý kiến cho rằng, quy định về thời hạn cho đương sự thỏa thuận xác định giá tài sản hoặc thỏa thuận về tổ chức thẩm định giá hiện nay là chưa rõ ràng. Khoản 1 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự quy định “Ngay khi kê biên tài sản mà đương sự thỏa thuận được về giá tài sản hoặc về tổ chức thẩm định giá…” dẫn đến khi áp dụng luật, chấp hành viên phải thông báo cho đương sự thực hiện ngay lập tức việc thỏa thuận về giá hoặc thỏa thuận về tổ chức thẩm định giá, mà không phải là sau khi kê biên hoặc thỏa thuận trong một thời hạn nhất định sau khi kê biên.
Trên thực tế, chấp hành viên thường phải áp dụng linh hoạt quy định trên bằng cách khi thông báo kê biên tài sản thì đồng thời thông báo về quyền thỏa thuận việc xác định giá tài sản và quyền thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá cho các đương sự và tại buổi kê biên, chấp hành viên giải thích cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, lập biên bản về nội dung thỏa thuận xác định giá tài sản kê biên hoặc thỏa thuận về tổ chức thẩm định giá để thẩm định giá tài sản kê biên.
Mặt khác, việc xác định mốc thời gian ký hợp đồng định giá cũng chưa thực sự hợp lý. Khoản 2 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên tài sản, chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên…”. Quy định thời hạn như vậy dẫn đến trong thực tế, chấp hành viên phải áp dụng giải pháp linh hoạt để phù hợp với quy định này, đó là trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kê biên tài sản, chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên mà không có một khoảng thời gian nhất định để các đương sự thỏa thuận về giá tài sản kê biên hoặc về tổ chức thẩm định giá tài sản kê biên.
Do đó, tác giả đề xuất sửa đổi quy định tại Điều 98 Luật Thi hành án dân sự theo hướng quy định một khoảng thời hạn nhất định (kể từ ngày tổ chức kê biên tài sản) để đương sự, hoặc giữa người được thi hành án và người thứ ba là người có tài sản bảo lãnh có tài sản thế chấp thỏa thuận xác định giá tài sản kê biên hoặc thỏa thuận về tổ chức thẩm định giá để thẩm định giá tài sản kê biên. Mốc thời gian để chấp hành viên ký hợp đồng định giá sẽ tính từ ngày đương sự không thỏa thuận được về giá, về tổ chức thẩm định giá thay cho mốc thời gian “kể từ ngày kê biên” như hiện nay[1].
2. Chấp hành viên định giá tài sản kê biên
Khoản 3 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự đã quy định rõ các trường hợp để chấp hành viên xác định giá tài sản kê biên. Việc xác định giá của chấp hành viên là một trong những tác nghiệp rất khó khăn, phức tạp vì đa số chấp hành viên không có đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết cũng như am hiểu về thị trường, về giá trị tài sản, do đó, pháp luật thi hành án dân sự cũng đã quy định rất hạn chế về những trường hợp chấp hành viên phải thực hiện việc xác định giá tài sản trong 02 trường hợp: (i) Khi không thực hiện được việc ký hợp đồng dịch vụ thẩm định giá; (ii) Tài sản kê biên thuộc loại tươi sống, mau hỏng hoặc có giá trị nhỏ mà đương sự không thỏa thuận được với nhau về giá.
Trường hợp thứ nhất, chấp hành viên không ký được hợp đồng dịch vụ thẩm định giá tài sản. Đây là trường hợp khi đương sự không thỏa thuận được về giá, không thỏa thuận được việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá và tổ chức thẩm định giá do đương sự lựa chọn từ chối việc ký hợp đồng dịch vụ thẩm định giá với cơ quan thi hành án dân sự thì chấp hành viên sẽ phải tự mình xác định giá tài sản đã kê biên. Trước đây, việc xác định giá tài sản do chấp hành viên thành lập Hội đồng định giá tài sản, trên cơ sở tham vấn ý kiến của các cơ quan chuyên môn, chấp hành viên sẽ quyết định giá trị tài sản. Tuy Luật Thi hành án dân sự không còn cơ chế thành lập Hội đồng định giá tài sản[2] nhưng tại Điều 26 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã quy định chấp hành viên được quyền tham khảo ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp hoặc của các cơ quan chuyên môn quản lý ngành, lĩnh vực của tài sản kê biên trước khi xác định giá tài sản kê biên.
Trường hợp thứ hai, tài sản kê biên thuộc loại tươi sống, mau hỏng hoặc có giá trị nhỏ mà đương sự không thỏa thuận được với nhau về giá. Đây là trường hợp rất ít gặp trong thực tiễn thi hành án nhưng khi xác định giá sẽ phát sinh khó khăn, vướng mắc. Hiện nay, chưa có điều luật quy định thế nào là tài sản tươi sống, mau hỏng. Tuy nhiên, theo ngữ nghĩa thì có thể hiểu tài sản tươi sống, mau hỏng là các loại tài sản đặc biệt mà trạng thái hoặc tính chất ban đầu có thể bị hư hỏng khi chịu tác động của sự thay đổi quá mức về nhiệt độ, độ ẩm, thời gian hoặc các điều kiện khách quan khác. Các loại tài sản tươi sống, mau hỏng thường gặp có thể bao gồm các loại: Thịt, cá, hải sản, rau quả tươi hoặc đông lạnh, trứng ấp, cá, cua, tôm sống (đã đánh bắt)... Việc xác định tài sản nào là tài sản tươi sống, mau hỏng tùy từng trường hợp cụ thể để xác định. Ví dụ: Tài sản là con trâu, con bò, con lợn đang sống bình thường thì không được gọi là tài sản tươi sống. Tuy nhiên, thịt trâu, thịt bò, thịt lợn mới bị giết mổ là tài sản tươi sống, mau hỏng. Tài sản có giá trị nhỏ được giải thích là những loại tài sản mà tại thời điểm xác định giá, tài sản giống hệt hoặc tương tự chưa qua sử dụng có giá mua bán trên thị trường không quá 10.000.000 đồng.
Thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật trong trường hợp chấp hành viên xác định giá tài sản kê biên cũng còn một số bất cập như sau:
Một là, đối với tài sản tươi sống, mau hỏng: Sau khi xác định tài sản kê biên thuộc loại tài sản tươi sống, mau hỏng hoặc tài sản có giá trị nhỏ theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, chấp hành viên yêu cầu người được thi hành án, người phải thi hành án thỏa thuận về giá tài sản kê biên. Nếu đương sự thỏa thuận được thì chấp hành viên lập biên bản về việc đương sự thỏa thuận giá tài sản kê biên. Trường hợp đương sự không thỏa thuận được thì chấp hành viên tiến hành xác định giá tài sản. Tuy nhiên, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục xác định giá trong trường hợp này, dẫn đến việc thực hiện còn chưa thống nhất (về các thành phần tham gia, thời gian tiến hành, trình tự, thủ tục tiến hành định giá tài sản kê biên…).
Mặt khác, pháp luật về thi hành án dân sự chưa đề cập đến thời hạn xác định giá đối với loại tài sản này mà chỉ quy định về việc bán tài sản tươi sống, mau hỏng, có giá trị nhỏ được thực hiện trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên theo quy định tại khoản 4 Điều 101 Luật thi hành án dân sự. Do đó, việc xác định giá cũng phải được thực hiện trong thời hạn không được quá 05 ngày làm việc kể từ ngày chấp hành viên tổ chức kê biên tài sản để phù hợp với thời hạn bán đấu giá.
Về thời hạn xin ý kiến của cơ quan chuyên môn, theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì chấp hành viên tham khảo ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp hoặc cơ quan chuyên môn quản lý ngành, lĩnh vực của tài sản kê biên trước khi xác định giá của tài sản kê biên. Việc tham khảo ý kiến của cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn có liên quan phải lập thành văn bản hoặc biên bản có chữ ký của chấp hành viên và cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn đó. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của chấp hành viên mà cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn không có ý kiến bằng văn bản thì thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có ý kiến để chấp hành viên xác định giá tài sản kê biên.
Thực tế trường hợp chấp hành viên không ký được hợp đồng thẩm định giá là ít khi xảy ra do các tổ chức thẩm định giá hiện nay rất phổ biến, tuy nhiên, đối với quy định về việc chấp hành viên tự xác định giá theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP vẫn cần xem xét sửa đổi cho phù hợp. Đa số ý kiến cho rằng, quy định thời gian để chờ đợi cơ quan chuyên môn có ý kiến như trên vẫn là quá dài, bởi trong trường hợp cơ quan chuyên môn không có ý kiến, sau khi có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo, chấp hành viên còn phải mất thêm thời gian chờ đợi. Do đó, cần quy định rút ngắn lại thời hạn này từ 15 ngày xuống còn 03 đến 05 ngày để cơ quan chuyên môn có ý kiến về việc định giá tài sản kê biên. Quy định rút ngắn thời hạn này sẽ rút gọn tổng thời gian xin ý kiến của của cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn về việc định giá tài sản kê biên.
Hai là, đối với tài sản có giá trị nhỏ mà đương sự không thỏa thuận được với nhau về giá: Đây là tài sản mà tại thời điểm xác định giá, tài sản giống hệt hoặc tương tự chưa qua sử dụng có giá mua bán trên thị trường không quá 10.000.000 đồng. Như vậy, để xác định được tài sản có giá trị nhỏ, chấp hành viên phải căn cứ vào giá mua bán tài sản giống hệt hoặc tương tự chưa qua sử dụng trên thị trường chứ không được căn cứ vào giá trị còn lại của tài sản kê biên đó. Việc quy định “căn cứ vào giá mua bán tài sản giống hệt hoặc tương tự chưa qua sử dụng có giá mua bán trên thị trường không quá 10.000.000 đồng” dẫn đến nhiều bất cập. Bởi vì, việc xác định giá trị của một đồ vật đã sử dụng trên cơ sở so sánh giá trị với đồ vật chưa qua sử dụng là không hợp lý. Quy định này cũng hạn chế việc xử lý tài sản của chấp hành viên trong thực tiễn, vì thực tế, có rất nhiều tài sản có thể áp dụng cách xử lý này, tuy nhiên, khi xác định giá trị lại vướng mắc do không tương xứng với “tài sản giống hệt hoặc tương tự chưa qua sử dụng”. Do đó, cần bỏ căn cứ tính giá trị tài sản trên cơ sở tài sản cùng loại chưa qua sử dụng trên thị trường mà quy định tài sản có giá trị nhỏ là tài sản mà tại thời điểm xác định giá, giá trị tài sản ước tính dưới 10.000.000 đồng để mở rộng hơn nữa thẩm quyền của chấp hành viên, góp phần rút gọn thủ tục và nâng cao hiệu quả thi hành án.
3. Định giá do tổ chức thẩm định giá thực hiện
Theo Điều 98 Luật Thi hành án dân sự, trong trường hợp các bên đương sự không thỏa thuận được với nhau về giá tài sản kê biên và cũng không thỏa thuận được về tổ chức thẩm định giá hoặc tổ chức thẩm định giá do đương sự lựa chọn từ chối việc ký hợp đồng dịch vụ và trường hợp thi hành án chủ động thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên tài sản, chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên.
Trường hợp không ký được hợp đồng dịch vụ thẩm định giá theo điểm a khoản 3 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự thì chấp hành viên có thể lựa chọn và ký hợp đồng với tổ chức thẩm định giá ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên.
Có thể thấy, việc xác định giá tài sản kê biên thông qua tổ chức thẩm định giá có rất nhiều ưu điểm, bảo đảm việc định giá khách quan, hiệu quả. Tuy nhiên, một số quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này vẫn còn cần tiếp tục được hoàn thiện.
Về thời hiệu của chứng thư thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá là văn bản do doanh nghiệp thẩm định giá lập để thông báo cho khách hàng và các bên liên quan về những nội dung cơ bản của báo cáo kết quả thẩm định giá. Khoản 3 Điều 32 Luật Giá năm 2012 quy định: Kết quả thẩm định giá chỉ được sử dụng trong thời hạn có hiệu lực được ghi trong báo cáo kết quả thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá. Do đó, giá trị kết quả thẩm định giá được sử dụng làm giá khởi điểm để bán đấu giá tài sản chỉ được áp dụng trong trường hợp chứng thư thẩm định giá còn thời hạn hiệu lực[3].
Trong thực tế, có những trường hợp việc ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản đúng thời hạn quy định nhưng việc bán đấu giá không thực hiện được trong thời hạn còn hiệu lực của chứng thư thẩm định giá do vụ việc bị hoãn, bị tạm đình chỉ theo quy định và hết thời hạn hoãn, tạm đình chỉ lại tiếp tục thi hành án, tiếp tục bán đấu giá tài sản, thì giá khởi điểm để bán đấu giá có được sử dụng giá kết quả thẩm định giá ghi trong chứng thư đã hết thời hạn hay không? Hay phải tổ chức định giá lại hoặc cho các đương sự thỏa thuận xác định lại giá tài sản? Trong trường hợp phải thẩm định giá lại do các nguyên nhân này thì ai là người phải trả chi phí thẩm định giá lại tài sản? Đây là những trường hợp trong thực tế có phát sinh còn có nhiều quan điểm khác nhau. Do đó, tác giả kiến nghị xem xét bổ sung quy định cụ thể đối với những trường hợp này.
4. Về việc định giá lại tài sản kê biên
Theo Điều 99 Luật Thi hành án dân sự, có hai trường hợp định giá lại tài sản kê biên, cụ thể:
- Trường hợp thứ nhất, chấp hành viên có vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 98 Luật Thi hành án dân sự dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản: Đó là những vi phạm về trình tự, thủ tục như hành vi ký hợp đồng dịch vụ thẩm định giá với tổ chức không có chức năng, nhiệm vụ thẩm định giá hoặc khi xác định giá đối với tài sản không ký được hợp đồng thẩm định giá, chấp hành viên đã không tham khảo ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp hoặc cơ quan chuyên môn quản lý ngành, lĩnh vực của tài sản kê biên...
- Trường hợp thứ hai, đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản. Đối với trường hợp này chỉ được xem xét chấp nhận nếu đáp ứng được các điều kiện sau:
(i) Về thời gian yêu cầu: Phải trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản và trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo về kết quả thẩm định giá.
(ii) Về số lần yêu cầu định giá lại: Đương sự chỉ có quyền yêu cầu định giá lại một lần. Đối với điều kiện này hiện nay vẫn đang có những quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản và trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo về kết quả thẩm định giá, nếu đương sự có yêu cầu thì cho dù là cả hai bên cùng yêu cầu định giá lại hay chỉ có một bên yêu cầu, việc định giá lại cũng chỉ được thực hiện một lần. Quan điểm thứ hai cho rằng, người được thi hành án có quyền yêu cầu định giá lại một lần và người phải thi hành án có quyền yêu cầu định giá lại một lần trong quá trình tổ chức thi hành án, nghĩa là việc định giá lại của đương sự có thể sẽ được thực hiện hai lần, một lần cho người phải thi hành án và một lần cho người được thi hành án. Đa số quan điểm đều ủng hộ quan điểm thứ nhất vì Luật đã quy định rõ “Yêu cầu định giá lại chỉ được thực hiện một lần” và việc định giá lại được thực hiện như trình tự, thủ tục chung, do vậy đã đảm bảo tính khách quan cho các bên. Tuy nhiên, vẫn cần có hướng dẫn cụ thể hơn về nội dung này.
5. Bổ sung quy định về việc xác định, thẩm định tài sản hình thành trong tương lai hoặc xác định, thẩm định giá trị tài sản là tài sản vô hình[4]
Tài sản kê biên để thực hiện việc thi hành án trên thực tiễn rất đa dạng, phong phú như bất động sản, động sản, giấy tờ có giá... và đặc biệt là tài sản hình thành trong tương lai, các loại giá trị tài sản vô hình. Theo khoản 2 Điều 108 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì tài sản hình thành trong tương lai bao gồm tài sản chưa hình thành và tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch. Theo đó, tài sản hình thành trong tương lai bao gồm các loại tài sản hình thành từ vốn vay, tài sản chưa hình thành, đang trong giai đoạn hình thành hoặc đang được tạo lập hợp pháp tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm, tài sản đã hình thành và pháp luật có quy định về đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký lưu hành phương tiện nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm thì tài sản đó mới được đăng ký theo quy định của pháp luật. Như vậy, để có thể xác định giá, thẩm định giá được loại tài sản nêu trên đòi hỏi chấp hành viên, thẩm định viên về giá phải thực sự có kiến thức chuyên sâu về tài sản đó.
Thực tiễn thi hành án cho thấy, việc xác định, thẩm định giá tài sản hình thành trong tương lai cũng không nhiều, chủ yếu tập trung tại một vài tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế phát triển phát sinh hoạt động cho vay vốn từ tài sản hình thành trong tương lai. Tuy chỉ chiếm số lượng vụ việc rất ít nhưng giá trị của những loại tài sản này thường khá lớn và rất khó để xác định, thẩm định giá. Hiện nay, đây cũng là một trong những khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc tổ chức thi hành án của chấp hành viên chưa thật sự hiệu quả. Do đó, cần bổ sung các quy định pháp luật về việc xác định, thẩm định tài sản hình thành trong tương lai hoặc xác định, thẩm định giá trị tài sản là tài sản vô hình trong pháp luật về thi hành án dân sự và pháp luật về giá.
Chi cục THADS huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội
[1]. Điều 23 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ quy định về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự
[2]. Điều 32 Luật Giá năm 2012 và điểm 7 mục II Hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05 (Ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BTC ngày 06/3/2015 của Bộ Tài chính ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05, 06, 07).
[3]. Tổng cục Thi hành án dân sự, Tài liệu hội thảo tập huấn nghiệp vụ thi hành án năm 2018, tr. 124.