Có thể thấy, tính đến thời điểm hiện tại, Nhà nước ta đã hết sức nỗ lực trong việc hoàn thiện khung pháp lý nhằm hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong thời gian tới, để những cơ chế, chính sách pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể phát huy hiệu quả, Nhà nước cần nghiên cứu những giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả triển khai những chính sách pháp luật này trên thực tế. Đồng thời, quá trình triển khai thi hành pháp luật cũng cần bám sát một số định hướng cơ bản để vừa có thể đáp ứng hiệu quả cho nhu cầu của đối tượng cần hỗ trợ, vừa đảm bảo tuân thủ các quy luật cơ bản của nền kinh tế thị trường hiện nay.
1. Mục tiêu phát triển lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam
Trong Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết số 10-NQ/TW), Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm phát huy hơn nữa vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong quá trình phát triển đất nước. Trong đó, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp thuộc sở hữu tư nhân, bởi vì doanh nghiệp là một bộ phận quan trọng và chiếm số lượng chủ yếu trong thành phần kinh tế này. Doanh nghiệp phát triển sẽ thúc đẩy sự phát triển của thành phần kinh tế tư nhân mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cụ thể: “Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân. Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 01 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 02 triệu doanh nghiệp”. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể được đưa ra trong Nghị quyết số 10-NQ/TW, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định là một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng hàng đầu. Vấn đề này cũng được đặt ra trong Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa khi nhấn mạnh một trong những giải pháp để tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp là hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc Đảng ta quan tâm phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phát triển doanh nghiệp thuộc sở hữu tư nhân nói riêng, kinh tế tư nhân nói chung bắt nguồn từ nhận thức về quy luật phát triển của doanh nghiệp. Cụ thể, khi nghiên cứu về quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản, C. Mác cho rằng, nền sản xuất tư bản chủ nghĩa đi từ quy mô nhỏ lên quy mô lớn. Quá trình đó cũng là quá trình tích tụ và tập trung tư bản[1]. Tương tự như vậy, quy luật của sự phát triển doanh nghiệp được chứng minh cũng đi từ quy mô nhỏ đến quy mô vừa và quy mô lớn. Theo đó, không thể có doanh nghiệp hoạt động với quy mô lớn ngay từ khi thành lập. Sự phát triển quy mô doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn phụ thuộc không chỉ vào chính bản thân doanh nghiệp đó mà còn phụ thuộc nhiều vào cơ chế chính sách của từng quốc gia. Một quốc gia càng chú trọng đến việc xây dựng “không gian” thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, thì cộng đồng doanh nghiệp ở quốc gia đó càng lớn nhanh, mạnh và bền vững hơn bao giờ hết. Trên thực tế, ở hầu hết các nước trên thế giới, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa thường chiếm trên 90% tổng số các doanh nghiệp và đóng góp trên dưới 50% GDP của cả nước[2]. Với số lượng đông đảo được thành lập qua các năm, doanh nghiệp nhỏ và vừa đã góp phần tích cực trong việc tạo thêm nhiều việc làm, giải quyết thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo ở mức độ rộng khắp... Bên cạnh đó, xuất phát từ sự nhạy bén, năng động và sẵn sàng đổi mới để thích nghi với những biến đổi liên tục của nền kinh tế thị trường, khu vực doanh nghiệp này còn được coi là động lực thúc đẩy cạnh tranh và môi trường kinh doanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh chuyên môn hóa trong sản xuất nhằm tăng năng suất lao động và hiệu quả tiêu thụ. Theo số liệu thống kê năm 2018, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có quy mô nhỏ và vừa, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm đến 98% trong tổng số hơn 600.000 doanh nghiệp trên cả nước, đóng góp khoảng 48% GDP và tạo ra hơn 50% việc làm cho xã hội[3]. Như vậy, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đang ngày càng gia tăng về số lượng, phát triển ngày càng mạnh mẽ và tạo ra những tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế ở Việt Nam nói riêng và ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới nói chung. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, bản thân các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do những hạn chế về quy mô nhỏ, thiếu vốn và khó tiếp cận nguồn vốn, trình độ công nghệ còn lạc hậu, thiếu mặt bằng để phát triển sản xuất kinh doanh, trình độ quản lý và chất lượng nguồn lao động thấp. Với những khó khăn này, doanh nghiệp nhỏ và vừa trở thành đối tượng dễ chịu tổn thương do những tác động tiêu cực từ các quy luật của nền kinh tế thị trường, sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp lớn hay sự thay đổi bất ngờ của các cơ chế, chính sách trong và ngoài nước. Có thể nói, tất cả những hạn chế nêu trên đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả sản xuất kinh doanh, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và là nguyên nhân chủ yếu khiến cho khu vực doanh nghiệp này khó phát huy hết vai trò là động lực quan trọng để phát triển kinh tế tư nhân. Một đất nước sẽ không thể có những doanh nghiệp lớn, những tập đoàn kinh tế tư nhân hùng mạnh đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nếu như những doanh nghiệp nhỏ và vừa mãi “không thể lớn”. Chính vì vậy, việc quan tâm hỗ trợ lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp này trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế được Đảng và Nhà nước ta coi là một trong những nhiệm vụ và giải pháp then chốt, qua đó thực hiện mục tiêu tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đưa khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung ở hầu hết các quốc gia trên thế giới và được cụ thể hóa trong Báo cáo đánh giá của Chính phủ Việt Nam về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2016 - 2020, theo đó, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tăng cường trợ giúp để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ gia đình; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. khuyến khích hình thành doanh nghiệp lớn, thương hiệu mạnh.
2. Định hướng cơ bản góp phần phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam
Để sự hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào cụ thể và thực chất, một trong những giải pháp hàng đầu được đưa ra là hoàn thiện các chính sách pháp luật hỗ trợ lực lượng doanh nghiệp này phát triển. Thực tiễn trong những năm qua, Nhà nước Việt Nam đã tích cực ban hành các chính sách cần thiết, hoàn thiện văn bản pháp luật có liên quan và xây dựng khung pháp lý chính thức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, bên cạnh những văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp được sửa đổi bổ sung như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đất đai...; những văn bản pháp luật quy định trực tiếp các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng dần được xây dựng và hoàn thiện. Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Nghị định số 90) là một trong những khung pháp lý đầu tiên được xây dựng nhằm khuyến khích và tạo thuận lợi cho việc phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước ta. Sau hơn 07 năm thi hành, Nghị định số 90 được thay thế bằng Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/06/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tiếp theo đó, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 được ban hành và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018 (Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa), là văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất quy định các nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thực tế. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời đã khắc phục những hạn chế, bất cập trong các chính sách trước đây về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thể hiện chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân nói chung, phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân nói riêng, đồng thời phù hợp với xu hướng chung của thế giới trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sau khi Luật này có hiệu lực thi hành, Chính phủ và các bộ, ban, ngành cũng đã phối hợp để ban hành các nghị định hướng dẫn, trong đó phải kế đến Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Thông tư số 06/2019/TT-BKHĐT ngày 29/3/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn quy chế tổ chức và hoạt động của mạng lưới tư vấn viên, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua mạng lưới tư vấn viên; Thông tư số 05/2019/TT-BKHĐT ngày 29/03/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa… Có thể thấy, tính đến thời điểm hiện tại, Nhà nước ta đã hết sức nỗ lực trong việc hoàn thiện khung pháp lý nhằm hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sự nỗ lực này thể hiện quyết tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời đại mới, góp phần đưa lực lượng doanh nghiệp này trở thành trụ cột, xương sống của nền kinh tế Việt Nam. Trong thời gian tới, để những cơ chế, chính sách pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể phát huy hiệu quả, Nhà nước cần nghiên cứu những giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả triển khai những chính sách pháp luật này trên thực tế. Đồng thời, quá trình triển khai thi hành pháp luật cũng cần bám sát một số định hướng cơ bản để vừa có thể đáp ứng hiệu quả cho nhu cầu của đối tượng cần hỗ trợ, vừa đảm bảo tuân thủ các quy luật cơ bản của nền kinh tế thị trường hiện nay. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, Nghị quyết số 10-NQ/TW đã chỉ ra rằng, để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân nhanh, mạnh, bền vững, cần bắt đầu từ việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển. Trong đó, cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp thông qua các chính sách hỗ trợ thiết thực. Đồng thời, hoàn thiện và bảo đảm thực thi minh bạch, hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tạo tiền đề hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân sở hữu hỗn hợp, bao gồm cả việc góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước có tiềm lực vững mạnh, đủ sức cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, nông nghiệp. Như vậy, theo quan điểm của Đảng, sự hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng với các chủ thể kinh doanh nhỏ như hộ kinh doanh là thực sự cần thiết. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này không chỉ hướng đến mục tiêu gia tăng số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong nền kinh tế thị trường mà còn phải đảm bảo những doanh nghiệp đó đủ lớn mạnh để tạo tiền đề hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực mạnh, có năng lực cạnh tranh nhằm tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Thực tế, định hướng hỗ trợ doanh nghiệp nêu trên cũng đã được đưa ra trong Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Theo đó, Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 01 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh, đóng góp khoảng 48 - 49% GDP của cả nước và khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Có thể thấy, khi xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ không chỉ chú trọng đến việc tăng nhanh số lượng, quy mô doanh nghiệp mà còn tập trung hơn vào chất lượng tăng trưởng bền vững và năng lực cạnh tranh thực chất của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Với số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang chiếm chủ yếu trong tổng số doanh nghiệp trong nước, sự phát triển doanh nghiệp nói chung phải gắn với những hỗ trợ cụ thể và thực chất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chỉ khi đó, lực lượng doanh nghiệp này mới có thể phát triển theo đúng quy luật (từ doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp vừa, từ doanh nghiệp vừa phát triển thành doanh nghiệp lớn), thay vì cứ mãi “còi cọc”, “bé nhỏ”, không đủ sức cạnh tranh với các chủ thể kinh doanh khác dẫn đến hậu quả phải giải thể, phá sản từ năm này qua năm khác.
Thứ hai, theo quan điểm chỉ đạo được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đưa ra trong Nghị quyết số 11-NQ/TW, việc cải cách môi trường kinh doanh, xây dựng thể chế chính sách thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Nhà nước cần nhất quán một chế độ pháp lý kinh doanh cho các doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu, thành phần kinh tế. Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật. Xét về bản chất, doanh nghiệp nhỏ và vừa không phải là một loại hình doanh nghiệp độc lập tồn tại song song với các loại hình doanh nghiệp khác được pháp luật quy định. Pháp luật quy định tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp thông thường chủ yếu dựa vào số lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, tổng nguồn vốn và tổng doanh thu của năm trước liền kề (Điều 4 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa). Với những hạn chế nhất định về vốn, lao động và quy mô hoạt động, doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần đến sự hỗ trợ từ phía Nhà nước và các tổ chức, cá nhân trong xã hội để có thể mở rộng quy mô kinh doanh và phát triển bền vững thành các doanh nghiệp lớn mạnh hơn. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn là một trong những chính sách cơ bản nằm trong tổng thể những chính sách chung về phát triển doanh nghiệp. Cho đến nay, Nhà nước Việt Nam đã ban hành và sửa đổi rất nhiều chính sách có liên quan đến vấn đề hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó sự ra đời của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được xem như dấu ấn trên chặng đường 16 năm kể từ khi văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có những quy định cụ thể về những nội dung hỗ trợ của Nhà nước đối với những doanh nghiệp này, thể hiện đúng đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển doanh nghiệp và tiếp thu những kinh nghiệm quý báu của các quốc gia đi trước. Vấn đề đặt ra là, trong quá trình triển khai thực hiện những chính sách hỗ trợ, Nhà nước và các cơ quan, ban, ngành cần đảm bảo sự đối xử bình đẳng giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với những doanh nghiệp khác, thể hiện qua một số nội dung chủ yếu như sau:
- Việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải tôn trọng quy luật của thị trường, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Xét cho cùng, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế thị trường, phải tuân theo quy luật của thị trường và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các chủ thể kinh doanh khác. Do đó, nếu bản thân doanh nghiệp nhỏ và vừa không tự nỗ lực mà chỉ trông chờ vào các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, hay các cơ quan nhà nước thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo kiểu bao cấp, can thiệp hành chính, thì tất yếu sẽ không thể phát triển lực lượng doanh nghiệp này trở nên lớn mạnh hơn. Để làm được điều này, sự hỗ trợ của Nhà nước nên chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp thông qua các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ để không làm méo mó thị trường và vi phạm các cam kết quốc tế[4].
- Để đảm bảo nguyên tắc bình đẳng khi thực thi các chính sách pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ quan nhà nước cũng cần đảm bảo không áp dụng những nội dung hỗ trợ doanh nghiệp một cách tràn lan, tùy tiện mà cần phải xác định đúng đối tượng, nội dung, trình tự, thủ tục, nguồn lực, mức hỗ trợ và thời hạn thực hiện hỗ trợ. Nguồn lực Nhà nước khi hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam có hạn và buộc phải huy động sử dụng thêm những nguồn lực ngoài Nhà nước. Chính vì vậy, nếu hỗ trợ tràn lan, tùy tiện thì Nhà nước sẽ không thể cân đối các nguồn lực để hỗ trợ lâu dài đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng tới nhu cầu phát triển của cộng đồng doanh nghiệp này mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn lực để hỗ trợ những doanh nghiệp và các chủ thể kinh doanh khác cũng đang hoạt động trong nền kinh tế.
- Theo quy định pháp luật, nội dung hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm hỗ trợ chung đối với tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Như vậy, để tạo sự bình đẳng trong quá trình hỗ trợ, các cơ quan nhà nước không nên chỉ tập trung sự hỗ trợ đối với một số nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong những lĩnh vực ngành nghề nhất định mà cần đảm bảo cân đối nguồn lực để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Đặc biệt, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần gắn liền với chủ trương đường lối của Đảng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ. Hiện nay, theo quan điểm của Đảng và Chính phủ, các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nên tập trung vào các phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, nông nghiệp. Cùng với đó, trong Quyết định số 1231/QĐ-TTg ngày 07/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2011 - 2015, Chính phủ cũng xác định: “Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa theo phương châm tích cực, vững chắc, nâng cao chất lượng, phát triển về số lượng, đạt hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng địa phương, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, làng nghề truyền thống; chú trọng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; ưu tiên phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do đồng bào dân tộc, phụ nữ, người tàn tật... làm chủ doanh nghiệp; chú trọng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ, sản xuất một số lĩnh vực có khả năng cạnh tranh cao”.
- Hiện nay, việc triển khai các nội dung hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được thực hiện bởi các cơ quan, ban, ngành ở tất cả các địa phương trên cả nước. Nếu việc triển khai thi hành Luật này chỉ được thực hiện ở một số địa phương lớn sẽ không đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật, khiến cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa không nhận được sự hỗ trợ đồng đều từ phía Nhà nước và xã hội, qua đó làm ảnh hưởng tới hiệu quả thực thi chính sách pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa .
Đại học Luật Hà Nội
[1]. TS. Đào Xuân Thủy, Điều kiện và giải pháp hình thành các tập đoàn kinh tế từ các tổng công ty 91, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2009, tr.16.
[2]. TS. Phạm Thế Tri, Định hướng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chiến lược phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam, Tạp chí Phát triển và Hội nhập, số 9/2011, tr. 10.
[3]. Hồng Sơn, Doanh nghiệp nhỏ và vừa là lực lượng sản xuất trụ cột của nền kinh tế, https://baodautu.vn/doanh-nghiep-nho-va-vua-la-luc-luong-san-xuat-tru-cot-cua-nen-kinh-te-d86812.html, truy cập ngày 02/5/2019.
[4]. Trần Kiên, Đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo phương thức gián tiếp, http://baodauthau.vn/thoi-su/de-xuat-ho-tro-dnnvv-theo-phuong-thuc-gian-tiep-29151.html, truy cập ngày 03/5/2019.