Toàn cảnh Tọa đàm
Tham dự Tọa đàm có ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Uyên Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Ban Nội chính Trung ương; ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; ông Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp luật, Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Phước Thọ, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ; bà Dương Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp; bà Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp và các chuyên gia, các nhà khoa học, các đồng chí Lãnh đạo đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu khai mạc Tọa đàm
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, tại buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã có những chỉ đạo sâu sát với Bộ Tư pháp trong công tác xây dựng pháp luật, theo đó xác định: “đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”…”. Nhằm triển khai hiệu quả nội dung này, Bộ Tư pháp đã gấp rút chủ trì, phối hợp cùng các bộ, cơ quan ngang bộ, các đơn vị có liên quan nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và các luật tổ chức khác. Về nội dung thảo luận tại Tọa đàm, Thứ trưởng nhấn mạnh, Tọa đàm được tổ chức nhằm trao đổi, chia sẻ về nội dung đổi mới quy trình xây dựng pháp luật. Vì vậy, các đại biểu cần tập trung cho ý kiến đối với 02 nội dung sau: (i) đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, trong đó phân biệt rõ quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, các giải pháp thực hiện trong bối cảnh yêu cầu đổi mới như hiện nay, ưu điểm, nhược điểm của các giải pháp này; (ii) đề xuất đổi mới quy trình xây dựng pháp luật phù hợp với kinh nghiệm quốc tế và điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp phát biểu tại Tọa đàm
Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về quy trình xây dựng pháp luật
Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp đã trao đổi về quy trình xây dựng pháp luật ở một số quốc gia trên thế giới. Theo đó, văn bản luật ở các quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý cho cá nhân, tổ chức trong xã hội thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, đồng thời, cung cấp cơ sở pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền thực thi quyền lực công. Vì vậy, hầu hết các quốc gia đều rất coi trọng việc tìm ra cách thức xây dựng luật phù hợp để cho ra đời những văn bản luật có chất lượng cao nhất. Mặc dù vậy, ở các quốc gia khác nhau, quy trình xây dựng luật cũng không hoàn toàn giống nhau. Trong 03 hình thức chính thể phổ biến là Chính thể Tổng thống, Chính thể Đại nghị và Chính thể Tổng thống lưỡng tính, vai trò và quy trình xây dựng luật cũng không giống nhau. Trong Chính thể Tổng thống (kiểu Hoa Kỳ), Tổng thống không được trực tiếp trình các dự án luật trước Quốc hội nên phải có cách thức đặc thù để truyền tải ý tưởng, yêu cầu lập pháp của Tổng thống tới Quốc hội. Tổng thống giữ quyền phủ quyết đối với dự án luật đã được Quốc hội ban hành. Trong Chính thể Đại nghị (kiểu Anh), Chính phủ có quyền trình dự án luật và thực tế, Chính phủ là chủ thể chủ yếu trình các dự luật trước Quốc hội. Nguyên thủ quốc gia trong Chính thể Đại nghị không có quyền phủ quyết đối với các luật đã được Quốc hội ban hành. Trong Chính thể Tổng thống lưỡng tính (kiểu Pháp, Đức), Chính phủ có quyền trình dự án luật và cũng là tác giả chủ yếu của các dự án luật được trình cho Quốc hội, tuy nhiên, Tổng thống trong Chính thể này vẫn có quyền phủ quyết dự luật đã được Quốc hội thông qua. Xét về góc độ tổ chức quyền lực nhà nước, trong hầu hết trường hợp, hoạt động xây dựng luật đều có sự tương tác giữa cơ quan thực hiện quyền hành pháp (Chính phủ) với cơ quan thực hiện quyền lập pháp (Quốc hội).
Ông Trần Anh Đức, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp phát biểu tại Tọa đàm
Đổi mới quy trình xây dựng pháp luật
Về đề xuất đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, ông Trần Anh Đức, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, trên cơ sở Thông báo số 108-TB/VPTW ngày 18/11/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng về Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội; đồng thời, bám sát các nội dung trong dự thảo Đề án “Đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả”, các yêu cầu về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, yêu cầu về quy trình xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đề xuất quy trình xây dựng luật theo tinh thần đổi mới triệt để, mạnh mẽ đối với các công tác xây dựng pháp luật gồm: lập đề nghị của Chính phủ về Chương trình lập pháp hằng năm; quy trình chính sách; quy trình soạn thảo (soạn thảo, chuẩn bị hồ sơ dự thảo 2 và trình Quốc hội thông qua Luật). Theo đó, quy trình xây dựng luật mới sẽ có những ưu điểm như: xây dựng chương trình lập pháp hằng năm nhanh chóng, các bộ, ngành chỉ cần đề xuất đơn giản; tách bạch được rõ quy trình chính sách và quy trình soạn thảo, làm chính sách rõ ràng cụ thể, đánh giá tác động chính sách thực chất; chuyên nghiệp hóa một số hoạt động như soạn thảo, thẩm định…
Đại biểu trao đổi tại Tọa đàm
Trao đổi tại Tọa đàm, một số đại biểu cho rằng, để đổi mới quy trình xây dựng pháp luật cần quan tâm sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo các hướng sau: (i) nên sửa đổi chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội hằng năm thành dự kiến chương trình kỳ họp của Quốc hội. Trên cơ sở đó, Chính phủ có thể xây dựng kế hoạch xây dựng pháp luật của mình hằng năm bảo đảm tính khoa học hơn; (ii) giai đoạn lập đề án chính sách cần được tách ra thành giai đoạn độc lập và giai đoạn này nên chỉ dừng lại ở việc trình Chính phủ; (iii) về nội dung đánh giá tác động chính sách, cần bổ sung quy định về việc xin ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác ngoài các cơ quan có thẩm quyền; (iv) nghiên cứu thay cơ chế ban soạn thảo bằng cơ chế tham vấn ý kiến, tìm kiếm sự đồng thuận; (v) nghiên cứu bỏ quy trình trình Quốc hội 02 lần; (vi) đối với dự án luật đã được Quốc hội thảo luận xong và đang trong quá trình chuẩn bị biểu quyết, nghiên cứu bổ sung nội dung quy định về việc Chính phủ có quyền rút dự án luật này trong trường hợp thấy chưa bảo đảm được các mục đích xây dựng.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu kết luận Tọa đàm
Phát biểu kết luận Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) tiếp thu đầy đủ các nội dung, cụ thể: nghiên cứu quy trình xây dựng pháp luật phải bám sát các chủ trương của Đảng như Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; các chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội; nghiên cứu bổ sung quy định liên quan đến hướng dẫn áp dụng pháp luật đối với những văn bản dưới luật; bổ sung cơ chế ủy quyền hợp pháp nhằm tránh tình trạng xuất hiện khoảng trống pháp lý; trong quá trình xây dựng pháp luật phải có sự tham gia của các bên có liên quan…
Thùy Dung