Toàn cảnh buổi làm việc
Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính cho biết, trên cơ sở các ý kiến thẩm định, Cục đã tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự án Luật, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính như sau: bổ sung Điều 16a về ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý vi phạm hành chính, quy định chung về xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử và giao Chính phủ quy định chi tiết, bãi bỏ một số quy định có liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin đang được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012), như khoản 7 Điều 58; bổ sung chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại Điều 37a, cụ thể là đối với Chánh Văn phòng bộ hoặc người đứng đầu tổ chức thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, trưởng đoàn kiểm tra chuyên ngành hoặc liên ngành trong thời hạn kiểm tra; bỏ quy định về việc trích tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính sau khi nộp vào ngân sách nhà nước tại khoản 3 và khoản 4 Điều 83.
Đồng chí Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính báo cáo tại buổi làm việc
Về mức phạt tối đa trong các lĩnh vực, Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước tương ứng với từng lĩnh vực, dự thảo Luật dự kiến bổ sung một số lĩnh vực và mức phạt tiền tối đa tương ứng như sau: bổ sung mức tiền phạt tối đa đối với một số lĩnh vực mới (giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; công nghiệp công nghệ số; bảo vệ dữ liệu cá nhân; quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo) theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương liên quan đến việc xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và để đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong quản lý nhà nước về biển và hải đảo; an toàn, an ninh mạng; bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thời đại công nghệ số toàn cầu hiện nay. Dự thảo Luật đang dự kiến chỉ bổ sung các lĩnh vực quản lý nhà nước để phù hợp với việc phát sinh các trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức đã được quy định trong các đạo luật tương ứng và dự kiến lấy mức tiền phạt tối đa trên cơ sở các lĩnh vực có tính chất tương tự. Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, một số bộ, ngành đề xuất tăng mức tiền phạt tối đa trong một số lĩnh vực so với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Theo đó, Bộ Công an đề xuất tăng mức tiền phạt tối đa trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ, an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng cháy, chữa cháy; Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất tăng mức tiền phạt tối đa trong lĩnh vực khoáng sản vì một số quy định về mức phạt tiền tối đa đã lạc hậu so với thực tiễn phát triển, thu nhập của người dân, giá trị hàng hóa và mức độ vi phạm tăng lên khiến các mức phạt hiện tại không bảo đảm tính răn đe, làm nhiều mức phạt tiền tối đa hiện nay được xây dựng từ giai đoạn trước trở nên quá thấp, không phản ánh đúng tính chất, mức độ vi phạm trong thời kỳ mới.
Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, dự thảo Luật đã sửa đổi căn bản cách tiếp cận quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo hướng bãi bỏ các quy định chi tiết từ Điều 38 đến Điều 51 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, bổ sung Điều 37a xác định các nhóm cơ quan, lực lượng chức danh có thẩm quyền xử phạt theo phân loại các cấp và lĩnh vực quản lý. Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ quy định chi tiết về chức danh cụ thể và thẩm quyền xử phạt áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng chức danh. Riêng đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội nắm giữ phạm vi quản lý của ngành Tòa án, Viện kiểm sát và Kiểm toán nhà nước, còn các cơ quan khác do Chính phủ quy định. Trường hợp phát sinh cơ quan, đơn vị mới quản lý các chức danh có thẩm quyền xử phạt chưa được quy định trong Luật thì Chính phủ quy định thẩm quyền xử phạt sau khi có ý kiến đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự kiến báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Việc sáp nhập, hợp nhất, tổ chức lại các cơ quan, đơn vị trong bộ máy hành chính, sự chuyển giao nhiệm vụ quản lý giữa các bộ, ngành, đặc biệt là việc tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, tổ chức hệ thống Công an 03 cấp, tổ chức lại hệ thống cơ quan Thanh tra 02 cấp đã tác động lớn đến các quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, thẩm quyền quyết định cưỡng chế, thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính của các chức danh và các quy định về quy trình áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, tổ chức thi hành các quyết định trong xử lý vi phạm hành chính; dự thảo Luật dự kiến quy định một số nhóm các chức danh mới là Chánh Văn phòng bộ và người đứng đầu tổ chức thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được giao thực hiện chức năng, nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Về việc bổ sung quy định ứng dụng công nghệ thông tin, dự kiến 02 phương án xử lý như sau: (i) dự thảo Luật dự kiến bổ sung quy định chung về ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý vi phạm hành chính và giao Chính phủ quy định chi tiết; (ii) bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về nguyên tắc trong xử phạt vi phạm hành chính, khẳng định việc xử lý vi phạm hành chính có thể thực hiện trên môi trường mạng, môi trường điện tử, dữ liệu điện tử và giao Chính phủ quy định chi tiết, đồng thời, giữ lại cấu trúc hiện hành, đưa các quy định chi tiết về ứng dụng công nghệ thông tin tại từng điều, khoản có liên quan.
Trao đổi tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến góp ý đối với một số vấn đề cơ bản về sự cần thiết ban hành dự thảo Luật; quy định về tăng mức xử phạt hành chính tối đa cần có căn cứ, lý giải cụ thể; tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật của dự thảo Luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; kịp thời điều chỉnh bảo đảm phù hợp với sự thay đổi khi sắp xếp tổ chức bộ máy, chuyển giao nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị, đặc biệt, việc tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp và một số hệ thống cơ quan, đơn vị đang có lực lượng lớn thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đều tổ chức lại (như Công an, Thanh tra, Quản lý thị trường…); thực hiện chủ trương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, qua đó, giúp đơn giản hóa thủ tục xử phạt vi phạm hành chính…
Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu kết luận buổi làm việc
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đề nghị Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính chủ động rà soát, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Về quy định tăng mức phạt tối đa, cần có căn cứ rõ ràng, cụ thể như lạm phát, lương cơ sở,... để sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào quản lý trở thành một yêu cầu tất yếu./.
Song An