Toàn cảnh Hội nghị
Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị. Cùng dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Mai Lương Khôi, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và các Bí thư, Phó Bí thư các Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc Đảng bộ Bộ Tư pháp.
Quán triệt và triển khai Kết luận của Tổng Bí thư về công tác xây dựng pháp luật
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp quán triệt nội dung Thông báo số 108-TB/VPTW ngày 18/11/2024 về kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp. Theo đó, Thứ trưởng cho biết, thời gian vừa qua, công tác của Bộ, ngành Tư pháp đạt được nhiều kết quả tích cực, có nhiều đóng góp quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước, được Đảng, Nhà nước và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao. Bên cạnh đó, Bộ, ngành Tư pháp đã chủ động, tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện hệ thống lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đóng góp vào việc ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc quán triệt Thông báo số 108-TB/VPTW ngày 18/11/2024 về kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp.
Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác hoàn thiện thể chế, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện pháp luật vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, tập trung vào 03 nhóm vấn đề lớn: (i) một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi không cao; (ii) chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; (iii) dấu hiệu bị tác động, “lợi ích nhóm” trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật là đáng lo ngại, gây ra thiệt hại, thậm chí tạo khúc quanh đối với phát triển.
Trên cơ sở đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ 05 nhóm nhiệm vụ mà Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt trong thời gian tới để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, cụ thể:
Thứ nhất, đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật.
Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích đổi mới sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, tuyệt đối không luật hóa các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành.
Đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật với 03 bảo đảm: (i) bảo đảm dân chủ, minh bạch, kịp thời, khả thi, hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao “năng suất và chất lượng” xây dựng pháp luật; (ii) bảo đảm đánh giá tác động chính sách thực chất; (iii) bảo đảm thực hiện cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động là người dân, doanh nghiệp, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thiết kế chính sách và các quy định pháp luật.
Xây dựng Chương trình xây dựng pháp luật hằng năm cần bám sát 02 yêu cầu: (i) phải trên cơ sở thực tiễn phát triển của Việt Nam và thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng; phải phản ánh hơi thở thực tiễn, bám sát, giải quyết vấn đề thực tiễn; tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt có nguyên nhân từ quy định của pháp luật, khẩn trương đưa các nguồn lực xã hội bị đình trệ, lãng phí hoạt động trở lại; thể chế hóa kịp thời những chủ trương mới của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; (ii) tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới như cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…; từ đó, hình thành các động lực tăng trưởng mới, các quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất mới, các ngành công nghiệp mới.
Thứ hai, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng, thi hành pháp luật.
Phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật, “tập trung hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, gắn với việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cải cách tối đa thủ tục hành chính. Phải coi việc lãnh đạo thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật và lãnh đạo công tác thi hành pháp luật để bảo đảm thượng tôn Hiến pháp, pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng, của mỗi đảng viên, trước hết là cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên trong Bộ, ngành Tư pháp. Quy định pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị phải bảo đảm phân cấp, phân quyền tối đa. Triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, giảm chi phí, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.
Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tập trung xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, trước hết là trong cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ, đảng viên ngành Tư pháp nói riêng. Thường xuyên đánh giá hiệu quả pháp luật sau ban hành; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và xây dựng cơ chế hữu hiệu để chủ động phát hiện, tháo gỡ nhanh nhất những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật. Hoàn thiện quy định giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật theo hướng ban hành các nguyên tắc, tiêu chí, cơ sở giải thích, áp dụng pháp luật để bảo đảm sức sống của pháp luật thay vì thường xuyên thay đổi pháp luật. Đề cao hơn nữa trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong đổi mới hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự, hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động hành nghề luật sư; bảo đảm công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp phải thiết thực, hiệu quả, vì lợi ích cao nhất của đất nước, của người dân, doanh nghiệp. Phát huy vai trò của trợ giúp pháp lý trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật.
Phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư cách đạo đức tốt, thành thạo chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Thường xuyên sàng lọc, thay thế, chuyển đổi vị trí công việc đối với những cán bộ, công chức tham mưu xây dựng pháp luật có biểu hiện, động cơ không trong sáng, có dấu hiệu gây khó khăn, cản trở. Tăng nguồn lực đầu tư, có cơ chế tài chính đặc thù cho công tác nghiên cứu chính sách, xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị ngày càng cao trong kỷ nguyên mới. Hiện đại hóa môi trường và điều kiện làm việc để đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu xây dựng pháp luật yên tâm công tác, tận tụy cống hiến cho sự nghiệp chung. Có cơ chế phù hợp thu hút nhân lực chất lượng cao cho công tác xây dựng pháp luật. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật.
Thứ năm, xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế.
Nâng cao vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong tham gia xây dựng thể chế và pháp luật quốc tế, nâng cao trách nhiệm phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, xử lý hiệu quả các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế, kịp thời bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước Việt Nam.
Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương trình bày dự thảo Kế hoạch triển khai Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Thông báo số 108-TB/VPTW.
Trên cơ sở Kết luận của Tổng Bí thư, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Thông báo số 108-TB/VPTW. Kế hoạch nhằm quán triệt sâu sắc nhận thức và đổi mới mạnh mẽ cách nghĩ, cách làm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; đảng viên, công chức, người lao động để triển khai, thực hiện đúng đắn, đầy đủ nội dung Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, gắn với việc quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Đồng thời, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhằm triển khai nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả cao Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp; phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật; đưa công tác tư pháp, pháp luật lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong “kỷ nguyên mới”, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Tổ chức bộ máy phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, sứ mệnh trong kỷ nguyên mới
Ngay sau Hội nghị, Bộ Tư pháp đã tổ chức Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo của Bộ Tư pháp tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW cần đánh giá nghiêm túc, toàn diện, sâu sắc, phản ánh đúng thực tế các kết quả đã đạt được; nhìn nhận khách quan, chính xác những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp trong 04 nhiệm kỳ Chính phủ từ khóa XII đến khóa XV đặt trong tổng thể hệ thống chính trị và cơ cấu tổ chức của Chính phủ; đề xuất quan điểm, mục tiêu, giải pháp tiếp tục đổi mới, sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp trong nhiệm kỳ Chính phủ khóa XVI và giai đoạn tiếp theo bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Bám sát các chủ trương, quan điểm, yêu cầu của Đảng, Bộ Chính trị và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong quá trình tổ chức tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy Chính phủ từ khóa XII đến khóa XV.
Xác định đầy đủ nội dung công việc, thời hạn hoàn thành, trách nhiệm của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện tổng kết. Công tác tổng kết của Bộ và tại các đơn vị phải được tiến hành với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, quyết tâm cao, đồng bộ, thống nhất, tiết kiệm và hiệu quả; kịp thời đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để bảo đảm thời hạn, chất lượng và hiệu quả theo yêu cầu.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh
phát biểu kết luận Phiên họp.
Kết luận Phiên họp, đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp yêu cầu từng thành viên Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy viên, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ phải gương mẫu, đoàn kết, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân trong nghiên cứu, tổng kết, đề xuất phương án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy phù hợp với chủ trương chung của Đảng, Bộ Chính trị và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, quyết tâm cao, hành động khẩn trương, quyết liệt với tinh thần “dấn thân cho việc khó, việc có giá trị, không chọn việc dễ, việc không có giá trị”. Trong quá trình tổng kết, nghiên cứu, đề xuất phải thực sự lắng nghe với tinh thần cầu thị, khách quan, dân chủ, khoa học để đưa ra các phương án sắp xếp khả thi, hiệu quả nhất. Các đơn vị phải chịu trách nhiệm thực hiện các công việc cụ thể theo kế hoạch, đúng thời hạn, bảo đảm chất lượng, tính dân chủ, khoa học, cụ thể, bám sát thực tế. Các đồng chí Tổ trưởng, Tổ giúp việc, các thành viên, các đơn vị được giao chủ trì xây dựng báo cáo nghiên cứu phải chịu trách nhiệm với các sản phẩm của mình.
Đối với việc nghiên cứu hoàn thiện chức năng nhiệm vụ, bộ máy của Bộ, ngành Tư pháp, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị trước hết phải nhận thức và hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ của mình; từ đó, đề xuất thiết kế tổ chức bộ máy phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, sứ mệnh trong bối cảnh mới. Bộ trưởng đề nghị các nghiên cứu, đề xuất phải dựa trên nguyên lý cơ bản, tuy nhiên lựa chọn phương án thì phải cân nhắc thêm kinh nghiệm quốc tế, truyền thống lịch sử, điều kiện thực tế đất nước và yêu cầu trong bối cảnh, thời đại mới.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc đổi mới tư duy về vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác tham mưu cho Chính phủ; cùng với đó yêu cầu các đơn vị xây dựng và thi hành pháp luật sắp xếp tổ chức bộ máy theo quan điểm, chỉ đạo mới của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong kỷ nguyên mới; nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng ý kiến, báo cáo thẩm định; yêu cầu các đơn vị hành chính tư pháp thực hiện tinh gọn đầu mối, đa nhiệm vụ; yêu cầu hệ thống Thi hành án dân sự bảo đảm vận hành thông suốt và tăng cường xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự./.
Hoàng Trung