Toàn cảnh phiên họp
Tham dự phiên họp có các thành viên đại diện của một số Bộ, ngành: Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam… và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, đại diện Bộ Công an đã báo cáo về sự cần thiết phải xây dựng Luật. Theo đó, qua hơn 15 năm triển khai thực hiện Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù đã đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần tạo điều kiện tốt hơn cho người đang chấp hành án phạt tù và nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân. Bên cạnh đó, quy định về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Luật Tương trợ tư pháp điều chỉnh chung cả bốn lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù nhưng mỗi lĩnh vực lại có đối tượng, phạm vi điều chỉnh với tính chất đặc thù riêng, mục đích và nguyên tắc hợp tác khác nhau; chủ thể yêu cầu, chủ thể thực hiện, trình tự, thủ tục, thời gian thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp trong từng lĩnh vực hoàn toàn độc lập và khác nhau; hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tương trợ tư pháp được thực hiện chủ yếu thông qua các điều ước quốc tế… Do đó, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, việc xây dựng dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là cần thiết.
Đại diện Bộ Công an phát biểu tại phiên họp
Dự thảo Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định còn hợp lý của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 và bổ sung các quy định mới để đáp ứng yêu cầu công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù trong giai đoạn hiện nay. Dự thảo Luật gồm 05 chương, 63 điều, cụ thể: chương I (quy định chung) gồm 13 điều (từ Điều 1 đến Điều 13), chương II (tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam) gồm 21 điều (từ Điều 14 đến Điều 34), chương III (chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài) gồm 18 điều (từ Điều 35 đến Điều 52); chương IV (trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù) gồm 09 điều (từ Điều 53 đến Điều 61); chương V (điều khoản thi hành) gồm 02 điều (Điều 62 và Điều 63) quy định một số nội dung cơ bản như: phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong hợp tác quốc tế về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; thời điểm người đang chấp hành án phạt tù có quyền rút lại nguyện vọng được chuyển giao; kinh phí trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; thẩm quyền xem xét tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam; điều kiện tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù...
Trao đổi tại phiên họp, đại diện Bộ Ngoại giao nhất trí về sự cần thiết, mục đích ban hành và quan điểm xây dựng Luật. Đối với quy định về áp dụng nguyên tắc có đi có lại tại Điều 6 dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc bổ sung một số nội dung về việc đồng ý hoặc từ chối áp dụng nguyên tắc này. Về tính tương thích của dự thảo Luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đại biểu cho biết, hiện nay, nội dung về chuyển giao người bị kết án được ghi nhận trong hiệp định song phương của Việt Nam với một số nước như Ấn Độ, Thái Lan, Sri Lanka, theo đó, quy định yêu cầu chuyển giao người bị kết án sẽ bị từ chối trong trường hợp người bị kết án về tội xâm phạm an ninh quốc gia, chống lại người đứng đầu Nhà nước hoặc thành viên gia đình của người đứng đầu Nhà nước hoặc xâm phạm pháp luật về bảo vệ quốc bảo theo pháp luật của nước chuyển giao. Trong khi đó, Điều 16 và Điều 36 dự thảo Luật lại chưa bao quát được các nội dung này. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo.
Đại biểu phát biểu tại phiên họp
Theo đại diện Bộ Quốc phòng, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung việc xử lý yêu cầu chuyển giao đối với các phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các cơ sở giam giữ do Bộ Quốc phòng quản lý. Các phạm nhân trên bao gồm cả những công dân không thuộc lực lượng quân đội, bị xét xử về các tội phạm thông thường không liên quan đến bí mật quân sự, chính trị hoặc an ninh quốc gia. Theo nguyên tắc thẩm quyền về thi hành án, công tác xét giảm, tha tù trước thời hạn, đặc xá... đối với các phạm nhân này thuộc thẩm quyền của các Tòa án quân sự, hồ sơ do các cơ quan thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng lập và đề nghị.
Đối với dự thảo Báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo chỉ đưa vào dự thảo Luật các quy định có tính ổn định cao, có giá trị lâu dài; không luật hóa các quy định của nghị định và thông tư; dự thảo Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài để bảo đảm thực hiện đúng đề nghị của Tổng Bí thư Tô Lâm. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần thiết phải bổ sung Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 và Nghị định số 98/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Tương trợ tư pháp vào danh mục rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù của Phụ lục 2 Báo cáo rà soát.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu kết luận phiên họp
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, dự thảo Luật cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát lại các quy định của dự thảo Luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhằm bảo đảm tính tương thích; làm rõ một số thủ tục gửi đến Bộ Công an hay các cơ quan đại diện tại nước ngoài có phải là thủ tục hành chính không. Ngoài ra, cần điều chỉnh lại dự án Luật phù hợp với tư tưởng chỉ đạo mới của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội trong việc thay đổi tư duy xây dựng pháp luật, trong đó xác định, luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các quy định nghị định, thông tư...
Thùy Dung