Bao quanh làng tôi là một con sông nhỏ uốn lượn quanh cánh đồng, gắn bó với tôi cả một thời thơ ấu, với bao ước mơ và cả những hoài bão nữa. Thời gian tôi rời quê hương đi thoát ly, thấm thoắt đã hơn hai mươi năm. Vì công việc bận rộn, cho nên mỗi lần về thăm quê và gia đình cũng chỉ chớp nhoáng rồi lại đi, chẳng mấy khi có thời gian ở lâu để ngắm nhìn quê hương mình đã thay đổi ra sao, con sông giờ thế nào, có còn những con thuyền đi lại nữa hay không, bến đò xưa giờ có còn đón khách. Quanh năm, người dân quê tôi bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, ngoài ruộng đồng ra chẳng có cái nghề gì khác, cho nên có muốn thay đổi thì cũng khó. Có chăng bây giờ, không còn ai bị đói nữa cũng là tốt lắm rồi.
Qua một chuyến dài đi công tác với bao công việc khiến tôi thấy ngột ngạt giữa phố phường đông đúc, tôi quyết định về quê thăm ông bà và ở lại chơi vài ngày cho khuây khỏa. Tôi xuống xe sau ba tiếng đồng hồ rong ruổi trên con đường từ Hà Nội về và từ bến xe, tôi quyết định đi bộ. Con đường dẫn về quê tôi vẫn ngoằn nghèo, gồ ghề như chính cuộc đời của những người dân quê vậy. Trời mùa thu trải dài ánh nắng vàng thơ mộng trên cánh đồng đang qua những ngày đổ ải. Tôi vừa về đến đầu làng thì gặp một tốp trẻ con, chúng nhìn tôi xa lạ. Tôi hỏi một đứa:
- Cháu tên gì? Con nhà ai?
Nó ngơ ngác nhìn tôi rồi buông ra một câu:
- Con ông giời.
Rồi cả tốp trẻ cười phá lên cùng nhau chạy khuất vào một con ngõ nhỏ. Tôi nhìn theo, bỗng thấy mình của bốn mươi năm về trước.
Sau bữa cơm tối cùng gia đình, như một thói quen của những ngày niên thiếu đã đưa chân tôi ra bến sông gần nhà. Ngày xưa, cứ chiều đến là bến sông đông vui, nhộn nhịp, người thì ra tắm giặt, người thì ra gánh nước. Nhiều người sau bữa ăn lại ra hóng mát nhìn dòng nước triều cường chảy xiết, họ trò chuyện, hỏi han nhau về những chuyện đồng áng râm ran cả một bến sông. Niềm vui thuở ấu thơ sao hôm nay không còn thấy, dù chỉ một bóng người - tôi đã ra đến bến sông.
Dưới ánh sáng non nớt còn sót lại của buổi chiều thu, tôi nhận ra bến sông này đã lâu không còn ai lui tới. Tôi nhìn sang bến bên kia cũng không còn chiếc đò cũ kỹ cắm sào đợi khách. Dòng sông vẫn lặng lẽ chảy nhưng nó không còn trong lành như ngày xưa nữa. Thay vào đó là một màu đen kịt sủi bọt trông chẳng khác gì những con quái vật đang nối đuôi nhau há mồm, lao vào hai bên bờ ngạm lấy những cuống cỏ còn sót lại. Những cuống cỏ ấy như đang gào thét kêu cứu bởi sự hung dữ của những con quái vật.
Ngày xưa, cứ trước khi đi học, tụi tôi lại ùa ra bến sông này để thả mình xuống dòng sông vừa trong, vừa mát, rồi chơi đủ các trò chơi dưới nước. Hai bên bờ sông là những bụi cỏ các loại. Mùa nước lên, tôm, cá rất nhiều, nhưng sao bây giờ, hai bên bờ trơ trụi. Tôi bỗng phát hiện thấy một chú cá mương đang há to miệng trôi theo dòng nước, toàn thân bất động. Hai mắt lồi ra nhìn tôi chằm chằm như muốn nói: “Hãy cứu tôi”. Tôi thấy rùng mình khi hít phải một cái mùi mà ở thành phố, thỉnh thoảng ta đi qua những chiếc xe chở rác đỗ bên đường, hay đi qua những dòng sông chết ở các khu công nghiệp. Tôi hốt hoảng nhìn xung quanh, mọi thứ đều im ắng, chỉ thấy tiếng muỗi vo ve bên những hốc tre cũng đang nằm hấp hối. Sao không còn tiếng con nhái, con ếch hay những con ngóe ngày xưa đâu? Tôi như đang đi vào một cõi hư vô tiền kiếp, xung quanh tôi mọi thứ như nhầy nhụa, hôi tanh. Tôi bật ra miệng:
- Trời ơi! Dòng sông quê tôi đây ư?
Cái dòng sông mà khi ra đi, tôi luôn nhớ về nó và chính nó đã gợi cho tôi bao cảm hứng, tự hào. Tôi ấp ủ, nâng niu tận trong đáy lòng mình. Tôi thầm mong có ngày về để ôm lấy nó, hôn nó thật nhiều, để nũng nịu quay cuồng trong lòng nó, cho vơi đi nỗi nhớ của những ngày xa cách. Trong tôi, dòng sông này chẳng khác nào một cô gái đẹp, vừa dịu hiền, vừa đằm thắm, đảm đang. Vậy mà, mới từng ấy năm thôi, nay gặp lại cô gái ấy lại xác xơ, tiêu điều như vừa bị tra tấn đủ mọi cực hình, biến dạng, sinh ra bệnh tật và bốc mùi hôi thối mà không thấy ai thương xót. Tôi thấy lòng mình trào dâng lên một nỗi xót xa.
Tôi đang gặm nhấm nỗi buồn ấy, thì bỗng có một bàn tay vỗ nhẹ lên vai làm tôi giật mình quay lại.
- Mới về hả, định tự tử hay sao mà lại đứng ở đây?
Thì ra là anh hàng xóm, dưới ánh trăng lờ mờ, tôi vẫn nhận ra anh. Khi tôi đi, anh còn rất trẻ và đẹp trai nữa, vậy mà bây giờ, chỉ có nụ cười và tiếng nói của anh là không thay đổi, còn lại đều đã nhuốm bụi thời gian.
Sau cái bắt tay với anh, anh lại cởi mở nói tiếp:
- Em thấy sao, có kinh khủng lắm không? Bây giờ ở đâu cũng thế, ô nhiễm lắm cho nên chết vì ung thư cứ gọi là vô kể. Ngay làng mình đây thôi, mấy năm qua cũng hơn chục người đi rồi.
Nghe anh nói, tôi mới chợt nhận ra rằng, mình đã đi nhiều nơi, ít nhất là cái đất nước hình chữ S này. Không thấy đâu là không kêu vì ô nhiễm, không còn con sông nào trong mát như ngày xưa. Tôi luôn nghĩ, chỉ có dòng sông quê mình may ra là còn nguyên vẹn, vậy mà… Tôi bỗng nhớ đến bài hát “Khúc hát sông quê” của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo. Mỗi lần hát, tôi đều nhớ về con sông này.
Anh hàng xóm lại nói tiếp, anh nói như khoe với tôi nhưng lại bằng một giọng vừa hài hước vừa cay đắng:
- Ngày xưa, cứ giờ này thì cái bến sông này đông vui lắm, chắc chú còn nhớ chứ?
Tôi gật đầu.
- Còn bây giờ, chỉ ai muốn chết thì mới nhảy xuống đây thôi.
Thì ra lúc nãy thấy tôi đứng đây, anh ấy tưởng có người tự tử nên mới đến để can. Tôi hỏi anh:
Sao sông quê mình lại trở nên ô nhiễm đến mức thảm hại như thế này hả anh?
Từ bên đường, có một giọng của phụ nữ.
- Chú hãy ngước mắt lên mà hỏi ông xanh (ông trời).
Tôi chào chị, rồi chị lại nói tiếp:
- Gây nên thế này là do hàng loạt các nhà máy khu công nghiệp nằm dọc hai bờ sông. Lúc họ mới về, họ hứa đủ điều nên dân tin, dân hiến đất cho họ làm, đến bây giờ mới biết mình bị lừa. Bao nhiêu người đã chết vì bệnh ung thư, rồi các bệnh nan y khác. Dân biết, dân kêu thì chính quyền hứa là sẽ giải quyết ngay. Nhưng đến nay cũng đã sáu năm rồi.
Anh hàng xóm nói chen vào:
- Chú biết không, năm ngoái con bà Sáu - cái thằng Tám ấy, nó bị bọn đầu gấu đánh cho một trận gần chết, sau mới biết là do bà Sáu cầm đơn đi kiện. Từ đấy, chẳng ai dám nói năng, kiện tụng gì nữa, đành chấp nhận vậy thôi chú ạ.
Bỗng nhiên, có tiếng quát từ phía một căn nhà bên kia sông, rồi lại tiếng cười như của một người tâm thần. Tôi hỏi hai người hàng xóm:
- Ai vậy?
Chị hàng xóm reo lên:
- À phải rồi, thủ phạm đấy.
Tôi còn đang ngơ ngác chưa hiểu đầu đuôi ra sao thì anh hàng xóm hào hứng nói tiếp, khiến cho câu chuyện của ba chúng tôi càng thêm sôi nổi:
- Chả là thế này chú ạ, nhà ông đấy rất nổi tiếng, mới đây thôi còn là tổng giám đốc của một công ty lớn, tiền nhiều tiêu không hết, giàu có nhất cái vùng này. Con cái đứa nào cũng có nhà lầu, xe hơi sung sướng lắm. Nhà ở trên tỉnh, biệt thự to lắm, ông ấy sinh hoạt ăn uống toàn bằng nước lavie, kể cả tắm giặt. Ông ấy bảo mình làm doanh nghiệp, mỗi ngày nhà máy của mình thải ra hàng nghìn mét khối nước ô nhiễm chưa qua xử lý ra môi trường. Cho nên, mình biết là nước vùng này là nó ô nhiễm lắm, chả dại gì mà dùng, kể cả nước máy. Còn các loại rau, củ, quả, ông ấy về quê - đấy chính là bên đấy, quê ông ấy đấy. Ông ấy thuê người trồng rau rồi đem lên thành phố để ăn. Ai ngờ khôn lắm, dại nhiều, chúng nó toàn múc nước ở sông này lên nó tưới. Thế rồi tai họa ập xuống nhà ông ấy. Cách đây hai năm, đầu tiên là hai ông bà sinh ra ông ấy chết trong có hai tháng đều do bị bệnh ung thư. Tiếp đến là vợ ông ấy, bị ung thư vú chết sau ông bà mấy tháng. Họ hàng sợ quá đi xem bói, thì thầy bói bảo bị trùng tang nên phải làm lễ tế thần hết cả tỷ đồng. Vừa mới lễ xong thì thằng con trai cả bắt được vợ ngoại tình, chán đời, uống rượu say lái xe lao xuống vực rồi tử nạn.
Tôi chợt hiểu ra một điều thay đổi trên bến sông này là, ngày xưa, những câu chuyện trên bến sông này toàn là những chuyện vui, nó để lại nhiều ấn tượng và hoài niệm về một dòng sông quê đầy thơ mộng cho những người đi xa như tôi.
Vậy mà, giờ đây, cũng nơi này, tôi đang nghe về những câu chuyện buồn và những cái chết đau thương, thê thảm. Qua lời kể của người hàng xóm, tôi thấy họ không hề thương xót cho những cái chết kia, mà ngược lại, họ cho rằng, như thế còn chưa đủ cho những gì mà ông giám đốc đã gây ra.
Anh hàng xóm vừa mới dừng lời thì chị hàng xóm lại nói tiếp:
- Cho thế mới đáng đời, chú có biết không, ông ấy có mấy cái nhà máy lớn lắm, thế mà chả có cái nào có hệ thống xử lý nước thải, hình như cũng có nhà máy có.
Anh hàng xóm nói chen vào.
- Nhưng không hoạt động, toàn là hóa chất cứ thải thẳng ra sông. Vì hoạt động nó tốn kém chứ sao.
- Vậy sao người dân không có ý kiến. Tôi nói chen vào.
- Có, có. Nhưng con kiến mà kiện củ khoai, đâu lại vào đấy, chả ăn thua gì hết.
Bỗng lại có tiếng kêu thất thanh, rồi lại tiếng cười khả ố từ ngôi nhà đó vọng ra.
- Sao thế nhỉ?
- Chả sao cả, ở đây mọi người quen rồi.
- Nhưng sao ông ấy lại ra nông nỗi như thế?
- À, chả là sau khi vợ chết, ông này lại lằng nhằng với cô thư ký, cô này đã có chồng.
Chị hàng xóm lại kể với cái giọng thỏa mãn như vừa trả được một mối thù:
- Hai người rủ nhau đi Tam Đảo chơi thì bị thằng chồng nó theo dõi bắt được quả tang, rồi nó quay phim, chụp ảnh đưa lên mạng, rồi nó tố cáo với cơ quan công an, Tòa án phạt cho ba năm tù. Công ty thì bị tịch thu vì làm ăn thua lỗ, phải bán hết nhà cửa để trả nợ mà vẫn chưa đủ, khổ nhất là cái thằng con trai út, đang học đại học ở ngoài Hà Nội, hy vọng là có một tương lai tốt. Vậy mà! Khi nghe tin thấy bố như vậy, nó xấu hổ với bạn bè thầy cô, không dám đi học nữa, lang thang một thời gian rồi uống thuốc sâu tự tử, may mà không chết.
- Thà chết còn hơn sống như thế. Anh hàng xóm nói chen vào:
- Chú có biết không, sống mà chẳng biết gì thì sống làm gì. Nó bị tâm thần chú ạ. Còn ông bố ở tù hơn một năm thì được ra, ông ấy về quê làm cái nhà nhỏ, đấy cái nhà đấy.
Chị hàng xóm chỉ cho tôi.
Dưới ánh trăng sáng phủ chút sương của buổi tối, tôi hướng mắt nhìn kỹ hơn. Đúng là một căn nhà nhỏ được dựng trên một khoảng vườn chừng hai trăm mét vuông, cạnh con mương dẫn từ sông vào. Chị hàng xóm lại nói tiếp:
- Cô, dì, chú, bác, họ hàng cũng chẳng còn được mấy ai, với lại, khi ông ấy còn đương chức, đương quyền, lắm tiền, nhiều của, ông ấy cũng chẳng coi ai ra gì. Ngay đến họ hàng, ông ấy cũng chẳng giúp đỡ ai chứ huống chi làng xóm. Thế cho nên, từ khi cha con về đây sống, chẳng mấy ai đến thăm nom chăm sóc.
Anh hàng xóm lại nói tiếp:
- Từ khi ra tù, ông ấy đón thằng con trai điên dại về sống cùng, rồi ngày ngày nó bắt ông ấy phải cười theo nó thì ông ấy phải cười theo nó, mà bắt khóc là ông ấy cũng phải khóc theo nó. Cứ như thế lâu ngày rồi cũng quen, có khi ông ấy cũng tự khóc, tự cười chẳng cần phải thằng con nó bắt. Cũng như hàng xóm, lúc đầu thì thấy khó chịu, sau rồi cũng thấy quen, người ta còn nhìn thấy ông ấy ngồi lặng cả buổi chiều bên dòng sông, hai hàng nước mắt chảy dài rơi xuống sông tạo thành từng vòng tròn, nó cứ to dần ra khiến cho cái bóng của ông in dưới mặt nước cứ đung đưa méo mó. Ông ấy nhìn thấy thế lại phá lên cười đau xót. Thằng con thấy vậy chạy ra xem và hỏi: “Bố đang chơi trò gì mà vui thế?”. “Con nhìn kìa, dòng sông nó đang khóc”, ông đáp. “Bố ơi, sao dòng sông nó lại khóc nhè thế hả?”. “Vì nó giận bố” - Ông nói với giọng đau xót, rồi ông đứng dậy nhìn về phía chân trời. Hình như ông đang nghĩ, hay đang hối hận về một điều gì đó nhưng tất cả đã muộn rồi.
Anh hàng xóm hạ giọng. Anh cũng đang buổn, cũng đang muốn khóc cùng dòng sông.
Còn tôi, sau khi chia tay hai người hàng xóm, từng bước chân quay về như nặng nề hơn. Tôi thấy hối tiếc cho dòng sông quê tôi và cả những dòng sông khác nữa. Còn ông giám đốc kia, người ta cho ông ấy là thủ phạm gây nên cái chết cho những con sông. Nhưng tôi lại nghĩ khác, ông ấy không phải là thủ phạm duy nhất, vậy còn ai là thủ phạm và thủ phạm chính là ai. Câu hỏi ấy cứ luẩn quẩn trong đầu tôi cả khi đi vào giấc ngủ tĩnh lặng trong đêm cuối mùa thu giữa miền quê nghèo yêu dấu.
Ý kiến bạn đọc (0)
Các tin khác
Quyết liệt áp dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 129/CĐ-TTg ngày 09/12/2024 về tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, nâng cao hiệu quả công tác thu thuế đối với thương mại điện tử.
Quy định cụ thể, phù hợp ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh tránh tác động tiêu cực cho người dân, doanh nghiệp
Đây là một nội dung mới, nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp trong Luật số 56/2024/QH15 vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và dự thảo Nghị định quy định về ngưỡng áp dụng tạm hoãn xuất cảnh.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - động lực vươn mình cho các doanh nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, xu thế chung của...
Xuất khẩu trực tuyến - “sân chơi mới” dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam
Chia sẻ tại Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới Amazon 2024 diễn ra ngày...
Bỏ hạn mức đầu tư tối thiểu đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư
Đây là quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, quy định này nhằm tạo điều kiện để các cơ quan chủ động, linh hoạt khi áp dụng phương thức đối tác công tư trong từng dự án cụ thể.