Theo Từ điển Hán Nôm[1] “Vi bằng” có gốc từ chữ Hán 爲憑 (trong đó 爲 (vi) có nghĩa là hành vi và 憑 (bằng) có nghĩa là bằng chứng) kết hợp 02 từ trên có nghĩa là “làm chứng cớ để tin”, theo đó, lập Vi bằng được hiểu là hoạt động tạo lập bằng chứng/chứng cứ nhằm củng cố sự tin tưởng giữa các bên khi tham gia vào các mối quan hệ mang tính pháp lý. Theo khoản 3 Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại (Nghị định số 08/2020/NĐ-CP) thì: “Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này”.
Có thể hiểu, hoạt động lập Vi bằng của Thừa phát lại là việc mô tả lại chính xác những sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy... nghĩa là Thừa phát lại sử dụng những giác quan của một người bình thường để ghi nhận lại một sự thật khách quan. Bên cạnh đó, Thừa phát lại có thể sử dụng những phương tiện khác như quay phim, chụp hình, ghi âm, đo đạc... để làm rõ thêm sự kiện, diễn biến của hành vi đó trong quá trình lập Vi bằng.
Hiện nay, hoạt động lập Vi bằng của Thừa phát lại được thực hiện theo quy định từ Điều 36 đến Điều 42 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.
1. Giá trị pháp lý của Vi bằng
Ở góc độ pháp lý, Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật[2], giúp người dân, cơ quan, tổ chức tự bảo vệ mình trong các quan hệ dân sự và quan hệ pháp lý. Trong một số trường hợp, Vi bằng là nguồn chứng cứ quan trọng đã được Tòa án xem xét, giải quyết trong một số vụ kiện lớn, có yếu tố nước ngoài, được dư luận quan tâm[3]. Để có giá trị chứng cứ, Vi bằng phải đảm bảo được các thuộc tính sau:
Một là, tính khách quan: Nội dung ghi nhận của Vi bằng phải là những gì có thật, được hình thành và tồn tại một cách khách quan không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người. Như vậy, Vi bằng do Thừa phát lại lập phải ghi nhận sự kiện, hành vi có thật mà Thừa phát lại chứng kiến trực tiếp, trong đó, Thừa phát lại mô tả lại những gì mình thấy được, nghe được, ngửi được... hoặc thông qua các dụng cụ chuyên dụng kèm theo có thể là quay phim, ghi âm, đo đạc… để ghi lại những kết quả nhất định làm rõ thêm sự kiện, diễn biến lập Vi bằng. Chính vì thế, Vi bằng của Thừa phát lại phải đảm bảo tính khách quan của sự kiện hành vi mà Thừa phát lại ghi nhận.
Hai là, tính liên quan: Vi bằng phải bao gồm các tình tiết, sự kiện có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp đến vụ việc. Vi bằng được Thừa phát lại tạo lập căn cứ theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp theo quy định không được lập Vi bằng. Để đảm bảo tính khách quan cũng như tính liên quan của nguồn chứng cứ thì tại khoản 8 Điều 37 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định một trong các trường hợp Thừa phát lại không được lập Vi bằng đó là ghi nhận sự kiện, hành vi không do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến.
Ba là, tính hợp pháp: Vi bằng phải được thu thập, bảo quản, xem xét, đánh giá, nghiên cứu theo trình tự, thủ tục luật định. Trách nhiệm của Thừa phát lại phải gắn liền với nội dung Vi bằng mà Thừa phát lại đã ghi nhận, nếu Vi bằng trong quá trình tạo lập không được đảm bảo theo trình tự, thủ tục luật định hay nội dung ghi nhận không đúng so với thực tế, thì trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị nguồn chứng cứ của Vi bằng, nếu thấy cần thiết, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của Vi bằng[4].
Thực tế hiện nay, không ít người nhầm lẫn Vi bằng do Thừa phát lại lập có giá trị như văn bản công chứng hoặc nhầm tưởng Vi bằng do Thừa phát lại lập có thể thay thế việc công chứng hoặc thay thế các văn bản khác, thực tế đã có một số trường hợp mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy viết tay, thông qua hình thức lập Vi bằng dẫn đến tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho bên mua[5]. Theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP thì “Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác”. Như vậy, văn bản công chứng, Vi bằng và các văn bản hành chính khác là các loại giấy tờ có giá trị pháp lý khác nhau. Do đó, cần có sự phân biệt giữa Vi bằng và các loại văn bản này, đặc biệt là văn bản công chứng. Sự phân biệt này có ý nghĩa quan trọng giúp cho người có thẩm quyền thiết lập văn bản như Công chứng viên, Thừa phát lại... nhận thức rõ về các loại văn bản này. Việc phân biệt cũng giúp cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp áp dụng đúng và chính xác pháp luật trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự có liên quan đến Vi bằng hoặc văn bản khác. Đồng thời, điều này còn giúp giải thích, tuyên truyền pháp luật cho người dân, tránh nhầm lẫn giữa các loại văn bản pháp lý trên, góp phần hạn chế rủi ro và tranh chấp.
Để làm rõ hơn giá trị pháp lý của Vi bằng, có thể phân tích đặc điểm của Vi bằng trên góc độ so sánh với các văn bản pháp lý khác, cụ thể như sau:
1.1. Giá trị pháp lý giữa Vi bằng và văn bản công chứng
Theo khoản 1 và khoản 4 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014, Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng. Văn bản công chứng là hợp đồng, giao dịch, bản dịch đã được công chứng viên chứng nhận theo quy định của Luật Công chứng năm 2014.
Theo đó, có thể thấy một số điểm tương đồng giữa Vi bằng và văn bản công chứng như sau:
Một là, Vi bằng và văn bản công chứng đều là hai loại văn bản pháp lý được lập bởi những người có thẩm quyền theo yêu cầu của các cá nhân, tổ chức để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo đúng trình tự của quy định pháp luật. Nếu Vi bằng được lập bởi Thừa phát lại theo những thủ tục luật định thì văn bản công chứng là hợp đồng, giao dịch, bản dịch đã được công chứng viên, là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật công chứng, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng, chứng nhận theo quy định của pháp luật công chứng.
Hai là, Vi bằng và văn bản công chứng đều được thiết lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Thừa phát lại lập Vi bằng theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân để tổ chức, cá nhân tùy nghi sử dụng trong khuôn khổ pháp luật. Công chứng viên lập văn bản công chứng đối với những trường hợp theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
Ba là, khi xảy ra tranh chấp trong việc lập Vi bằng và văn bản công chứng thì đều do Tòa án giải quyết.
Tuy nhiên, việc lập Vi bằng của Thừa phát lại khác hoàn toàn với việc chứng nhận hợp đồng, giao dịch của công chứng viên. Sự khác biệt này thể hiện ở những điểm sau:
- Về thẩm quyền lập văn bản: Vi bằng do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi có thật mà Thừa phát lại chứng kiến. Thừa phát lại phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của những nội dung đã được ghi nhận trong Vi bằng, do đó, Vi bằng của Thừa phát lại phải đảm bảo tính khách quan của sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại ghi nhận, còn văn bản công chứng là hợp đồng, giao dịch, bản dịch đã được công chứng viên, là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật công chứng, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng, chứng nhận theo quy định của pháp luật công chứng.
- Phạm vi lập văn bản: Thừa phát lại được lập Vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp không được lập Vi bằng theo quy định của pháp luật, còn công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản (Điều 42 Luật Công chứng năm 2014).
- Phương thức thực hiện: Khi lập Vi bằng, Thừa phát lại ghi nhận, mô tả lại sự kiện, hành vi bằng các giác quan của một người bình thường, kết hợp với các phương tiện kỹ thuật như quay phim, chụp hình, đo đạc... nhằm mục đích mô tả lại sự kiện, hành vi một cách chính xác nhất có thể mà không được phép đánh giá, bình luận. Thừa phát lại không can thiệp vào sự kiện, hành vi, chỉ đóng vai trò ghi nhận lại sự kiện, hành vi đó. Trong khi đó, công chứng viên có thể thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch đã được soạn thảo sẵn hoặc công chứng hợp đồng, giao dịch do công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người yêu cầu công chứng. Công việc của công chứng viên là chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản, còn công việc của Thừa phát lại là mô tả lại những gì Thừa phát lại chứng kiến, tức là xác nhận một sự việc có thật
- Mục đích thực hiện: Việc lập Vi bằng với mục đích là tạo lập chứng cứ chứng minh có sự kiện, hành vi xảy ra trên thực tế. Cần phân biệt mục đích lập Vi bằng với việc sử dụng Vi bằng của người yêu cầu. Trên thực tế, Vi bằng có thể được sử dụng trong xét xử, để thương lượng, hòa giải hoặc để lưu giữ hoặc đơn giản chỉ nhằm mang lại niềm tin cho nhau mà không cần đem ra sử dụng. Còn mục đích của công chứng là xác định tính hợp pháp của các hợp đồng, giao dịch dân sự. Xác nhận tính chính xác, tính hợp pháp và không trái với đạo đức xã hội của các bản dịch giấy tờ, của các văn bản. Theo quy định của pháp luật, có một số loại hợp đồng, giao dịch bắt buộc phải công chứng. Trong các trường hợp các bên không thực hiện công chứng, hợp đồng đó được coi là vô hiệu và không có giá trị pháp lý. Thông thường, các giao dịch liên quan đến bất động sản như mua bán, tặng cho, thế chấp, góp vốn… đều phải công chứng[6].
- Giá trị pháp lý: Vi bằng có giá trị nguồn chứng cứ trong xét xử, trong các quan hệ pháp lý khác và là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Vi bằng không phải là hợp đồng, giao dịch nên không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia vào quá trình lập Vi bằng. Chỉ những hành vi, những tuyên bố, cam kết, thỏa thuận, xác nhận... của các bên tham gia vào quá trình lập Vi bằng, tương ứng với những quy định pháp luật có liên quan mới làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật và họ tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước sự ghi nhận của Thừa phát lại. Vi bằng của Thừa phát lại đảm bảo một nội dung duy nhất đó là tính khách quan của sự việc mà Thừa phát lại chứng kiến ghi lại. Vi bằng không có giá trị thi hành đối với các bên mà chỉ là nguồn chứng cứ để cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá trong quá trình đưa ra phán quyết của mình.
Khác với Vi bằng, văn bản công chứng có giá trị chứng cứ và thi hành. Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu[7]. Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác[8].
1.2. Giá trị pháp lý giữa Vi bằng và văn bản chứng thực
Nếu Vi bằng là văn bản ghi nhận hành vi, sự kiện đã xảy ra được lập bởi Thừa phát lại sau khi trực tiếp chứng kiến sự việc khách quan, trung thực thì các loại văn bản chứng thực được tạo lập bởi Phòng Tư pháp; Ủy ban nhân dân cấp xã; Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài; công chứng viên, bao gồm[9]:
- Loại văn bản chứng nhận sự việc, bảo đảm và xác nhận về tính chính xác, giống nhau, là căn cứ để “chứng thực bản sao đúng với bản chính”, bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
- Loại văn bản “chứng thực chữ ký” trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực, để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản;
- Loại văn bản “chứng thực hợp đồng, giao dịch”, dùng để chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch, năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
1.3. Giá trị pháp lý giữa Vi bằng và các loại biên bản khác
Vi bằng và các loại biên bản khác đều là hai đoạn văn bản ghi nhận hành vi, sự kiện đã xảy ra và đều do người có thẩm quyền lập chứng kiến trực tiếp trung thực, khách quan, chịu trách nhiệm về mặt nội dung ghi nhận. Tuy nhiên, phạm vi đối tượng ghi nhận của Vi bằng hướng đến đối tượng đại chúng trong xã hội hơn là những đối tượng ghi nhận của biên bản dựa trên từng nhiệm vụ chuyên biệt được giao. Ví dụ: Vi bằng ghi nhận việc bàn giao tài sản, giấy tờ; Vi bằng ghi nhận buổi làm việc, cuộc họp; Vi bằng ghi nhận việc gửi thông báo, văn bản, tài liệu... để thực hiện quyền/nghĩa vụ/thủ tục...; Vi bằng ghi nhận nội dung trên internet, mạng xã hội, các phương tiện truyền thông; Vi bằng ghi nhận việc trích xuất dữ liệu từ các thiết bị điện tử, internet; Vi bằng ghi nhận hiện trạng/kiểm kê tài sản...; Vi bằng ghi nhận việc lấy mẫu, mua hàng, thu thập vật phẩm...; Vi bằng ghi nhận việc thu giữ tài sản bảo đảm; Vi bằng ghi nhận sự kiện biểu diễn... và các sự kiện khác. Chính vì vậy, Vi bằng phải trải qua quy trình, thủ tục tiếp nhận hồ sơ, yêu cầu, thỏa thuận về việc lập Vi bằng và phải đăng ký tại Sở Tư pháp sau khi phát hành, còn biên bản thì không thực hiện những bước trên. Có thể thấy, trách nhiệm của Thừa phát lại được đề cao, đảm bảo tính khách quan, trung thực khi thực hiện công việc lập Vi bằng. Trên cơ sở đó, giá trị chứng minh của Vi bằng lớn hơn so với các loại biên bản khác và được sử dụng như một nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật và là căn cứ để thực hiện giao dịch trong các mối quan hệ pháp luật khác.
Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác. Thực tế đối chiếu với các quy định của pháp luật công chứng - chứng thực có thể thấy, việc Thừa phát lại lập Vi bằng không làm ảnh hưởng, chồng chéo với hoạt động công chứng, chứng thực, trái lại, còn hỗ trợ, tạo cơ sở cho việc thực hiện các hợp đồng, giao dịch đã được công chứng. Vi bằng được lập chỉ là chứng cứ chứng minh các bên đã thực hiện những hành vi nhất định như hành vi giao nhận tiền, giao nhận nhà, đất... mà không thể thay thế văn bản bắt buộc phải có tại cơ quan có thẩm quyền là hợp đồng mua bán, chuyển nhượng như các tổ chức hành nghề công chứng, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản, do đó, cần hiểu rõ điều này để tránh trường hợp người yêu cầu hiểu nhầm Vi bằng của Thừa phát lại thay thế văn bản công chứng của công chứng viên hoặc các văn bản pháp lý khác, từ đó thực hiện các giao dịch không đảm bảo an toàn pháp lý và có thể phải gánh chịu thiệt hại.
2. Một số vướng mắc từ thực tiễn
Trong thực tiễn, quy định pháp luật về giá trị pháp lý của Vi bằng còn có những điểm chưa rõ ràng, dẫn đến một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện, cụ thể như sau:
Một là, về giá trị chứng cứ của Vi bằng:
Mặc dù khoản 3 Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định: “Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật”, tuy nhiên, giá trị chứng cứ của Vi bằng chưa được thừa nhận và quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật liên quan. Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây: “… 8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập. 9. Văn bản công chứng, chứng thực. 10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định”. Theo đó, giá trị chứng cứ của Vi bằng có thể được hiểu theo khoản 8 hoặc khoản 10 Điều 94 Bộ luật này, tuy nhiên để khẳng định được giá trị của chứng cứ, vẫn cần quy định rõ hơn về vấn đề trên.
Bên cạnh đó, Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh cũng không đề cập đến Vi bằng một cách cụ thể, trong khi Vi bằng là văn bản ghi nhận những sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, được thiết lập theo một trình tự, thủ tục nghiêm ngặt, được đăng ký tại Sở Tư pháp, có giá trị là nguồn chứng cứ, nhưng vẫn không thuộc các trường hợp không cần phải chứng minh.
Do đó, để làm rõ giá trị chứng cứ của Vi bằng, cần nhấn mạnh Vi bằng là nguồn chứng cứ không cần xác minh trừ trường hợp có nghi ngờ về nội dung Vi bằng, đồng thời, khẳng định giá trị chứng cứ của Vi bằng trong các quy định có liên quan, cụ thể như xem xét sửa đổi, bổ sung quy định về nguồn chứng cứ là Vi bằng tại Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Hai là, về phạm vi, quyền hạn lập Vi bằng của Thừa phát lại:
- Theo khoản 4 Điều 37 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, Thừa phát lại không được lập Vi bằng trong trường hợp xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực; xác nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; xác nhận chữ ký, bản sao đúng với bản chính. Tuy nhiên, về vấn đề này vẫn còn nhiều quan điểm và cách hiểu không thống nhất về các giao dịch thuộc phạm vi hoạt động của công chứng, chứng thực.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014: Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản, tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng. Do đó, loại hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực tại khoản 4 Điều 37 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP được hiểu là tất cả các hợp đồng, giao dịch.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Quy định này chỉ bao gồm các hợp đồng, giao dịch mà theo quy định của pháp luật phải công chứng. Đối với loại hợp đồng, giao dịch mà pháp luật không bắt buộc phải công chứng thì Thừa phát lại có quyền lập Vi bằng.
Do còn có nhiều quan điểm khác nhau nên việc áp dụng pháp luật còn chưa thống nhất, dẫn đến nhiều lúng túng trong quá trình thực hiện và khó khăn trong việc tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn người dân khi sử dụng Vi bằng, do đó, cần tiếp tục hướng dẫn cụ thể hơn về những vấn đề này[10].
- Theo khoản 5 Điều 37 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, Thừa phát lại không được lập Vi bằng “ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật”.
Thực tiễn áp dụng quy định này đặt ra một số vấn đề vướng mắc, cụ thể như đối với những trường hợp bố mẹ muốn để lại cho con căn nhà trên thửa đất không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng thì có lập Vi bằng được không? Hoặc trường hợp ghi nhận việc giao nhận tiền chỉ là một hành vi trong việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản thì Thừa phát lại có được lập Vi bằng hay không? Đây cũng là những trường hợp phát sinh trong thực tiễn mà chưa có hướng dẫn cụ thể.
Xác định giá trị pháp lý của Vi bằng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cả về pháp lý và thực tiễn, do đó cần có quy định hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này trên cơ sở phân biệt với các loại văn bản pháp lý khác để thống nhất và thuận lợi cho người dân trong việc áp dụng pháp luật.
ThS.NCS. Hoàng Thị Thanh Hoa
Học viện Tư pháp; Nghiên cứu sinh Đại học Luật, Đại học Quốc Gia Hà Nội
[1] Từ điển Nguyễn Quốc Hùng, https://hvdic.thivien.net/whv/爲憑#pl29c24a9874.
[2] Khoản 3 Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.
[3] Nguyễn Sáng, 09 bản án có sử dụng vi bằng để làm chứng cứ trước Tòa, https://thuvienphapluat.vn/banan/tin-t:uc/09-ban-an-co-su-dung-vi-bang-de-lam-chung-cu-truoc-toa-2446, truy cập ngày 11/3/2024.
[4] Khoản 4 Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.
[5] Nguyễn Thị Thu Trang, Phân biệt giữa Vi bằng và văn bản công chứng, https://vksbacninh.gov.vn/kiem-sat-vien-viet/nghien-cuu-trao-doi/phan-biet-giua-vi-bang-va-van-ban-cong-chung-15118.html, truy cập ngày 10/3/2024.
[6] Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013; Điều 459 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014; Điều 8 Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản…
[7] Khoản 3 Điều 5 Luật Công chứng năm 2014.
[8] Điều 5 Luật Công chứng năm 2014.
[9] Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, được quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều bởi Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
[10] Tham luận tại Tọa đàm về đạo đức hành nghề Thừa phát lại và khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thi hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP tổ chức tại Quảng Ninh ngày 21/6/2023.