Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh), hoạt động thương mại điện tử thời gian qua đã và đang bị các đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ xuất xứ và lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các hành vi ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động; việc kiểm tra hàng hóa của các doanh nghiệp kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn, vì cần sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã chỉ ra 03 thách thức lớn trong giao dịch thương mại điện tử, đó là: (i) người tiêu dùng phải đối mặt với mất an toàn dữ liệu cá nhân; (ii) nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, tính an toàn thấp chưa được kiểm soát chặt chẽ đã và đang bao vây, sẵn sàng đổ bộ vào nước ta, ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp sản xuất cũng như người tiêu dùng; (iii) thất thu thuế của Nhà nước. Giải pháp được Bộ trưởng Bộ Công Thương đưa ra là: triển khai cơ chế trực tuyến 24/7 để tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng cả nước; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng qua thương mại điện tử; tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử, chia sẻ liên thông với các bộ, ngành liên quan để phục vụ công tác quản lý thuế và hải quan; tăng cường phối hợp với Bộ Công an trong áp dụng định danh điện tử cho người bán trên sàn giao dịch để tăng cường hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế; tích cực thanh kiểm tra, xử lý vi phạm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân hoạt động trên thương mại điện tử không kê khai thuế… Bên cạnh những giải pháp nâng cao công tác quản lý, kiểm soát thương mại điện tử nêu trên, cần có giải pháp hoàn thiện pháp luật xử lý vi phạm hành chính về thương mại điện tử để góp phần bảo đảm hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống các vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
1. Thực trạng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính về thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay
Hệ thống pháp luật của Việt Nam về hoạt động thương mại điện tử được điều chỉnh bởi: Bộ luật Dân sự năm 2015; Luật Thương mại năm 2005; Luật Giao dịch điện tử năm 2023 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Ngoài ra, ở hoạt động này còn chịu sự điều chỉnh bởi một số luật, bộ luật có liên quan như: Luật Công nghệ thông tin năm 2006; Luật Viễn thông năm 2023; Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Luật Quảng cáo năm 2012; Luật Đầu tư năm 2020; Luật Doanh nghiệp năm 2020. Trực tiếp quy định về hoạt động thương mại điện tử có Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 (Nghị định số 52/2013/NĐ-CP). Theo đó, có 02 (hai) hình thức hoạt động thương mại điện tử (khoản 1, khoản 2 Điều 25 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định số 85/2021/NĐ-CP), gồm: (i) website thương mại điện tử bán hàng là website thương mại điện tử do các thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình; (ii) website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại. Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm các loại sau: sàn giao dịch thương mại điện tử; website đấu giá trực tuyến; website khuyến mại trực tuyến và các loại website khác do Bộ Công Thương quy định.
Văn bản pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại điện tử có Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Nghị định số 98/2020/NĐ-CP), được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 (Nghị định số 17/2022/NĐ-CP). Theo đó, việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại điện tử tập trung vào các nhóm hành vi cụ thể như: (i) nhóm hành vi vi phạm về thiết lập website thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động; (ii) nhóm hành vi vi phạm về thông tin và giao dịch trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động; (iii) nhóm hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; (iv) nhóm hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động thương mại điện tử; (v) nhóm hành vi vi phạm về hoạt động đánh giá, giám sát và chứng thực trong thương mại điện tử.
Qua nghiên cứu cho thấy, pháp luật xử phạt vi phạm hành chính về thương mại điện tử còn một số bất cập, gây khó khăn trong việc áp dụng. Cụ thể:
Thứ nhất, hành vi bị cấm trong hoạt động thương mại điện tử được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử: “tổ chức mạng lưới kinh doanh, tiếp thị cho dịch vụ thương mại điện tử, trong đó mỗi người tham gia phải đóng một khoản tiền ban đầu để mua dịch vụ và được nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc vận động người khác tham gia mạng lưới” đã được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 như sau: “lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp”, tuy nhiên, trong Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn áp dụng để xử phạt. Cụ thể, tại khoản 6 Điều 64 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP vẫn quy định phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi “tổ chức mạng lưới kinh doanh, tiếp thị cho dịch vụ thương mại điện tử trong đó mỗi người tham gia phải đóng một khoản tiền ban đầu để mua dịch vụ và được nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc vận động người khác tham gia mạng lưới” là không phù hợp với hành vi bị cấm trong các văn bản quản lý nhà nước về thương mại điện tử. Do vậy, cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2020/NĐ-CP theo hướng cập nhật các quy định đã được sửa đổi tại Nghị định số 85/2021/NĐ-CP.
Thứ hai, về biện pháp khắc phục hậu quả, tại khoản 8 Điều 63 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định: “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3, điểm a, b và c khoản 4 và điểm a khoản 5 Điều này”, tuy nhiên đến nay chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn về thủ tục áp dụng đối với biện pháp khắc phục hậu quả. Do vậy, các cơ quan chức năng bị “lúng túng” khi áp dụng pháp luật; các cơ quan chức năng thường chỉ áp dụng điểm a khoản 4 Điều 63 về “sử dụng các đường dẫn, biểu trưng hoặc công nghệ khác để gây nhầm lẫn về mối liên hệ với thương nhân, tổ chức, cá nhân khác” để xử phạt, dẫn đến việc xử lý vi phạm hành chính chưa triệt để đối với hành vi đăng thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn trên website.
Thứ ba, hiện chưa có quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp” quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 85/2021/NĐ-CP.
Thứ tư, hành vi vi phạm về thương mại điện tử tại Điều 62 và Điều 63 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP chủ yếu áp dụng đối với đối tượng là tổ chức, cá nhân có hành vi thiết lập website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều chủ sở hữu website không phải là đối tượng thiết lập website (có thể thuê người thiết lập) hoặc có website được thiết lập để sử dụng chung cho nhiều đối tượng tại nhiều nơi khác nhau (như chi nhánh, điểm kinh doanh, hộ kinh doanh... ở nhiều địa phương khác nhau), dẫn đến việc kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính rất khó khăn, thậm chí không thể thực hiện được.
Bên cạnh đó, thực tiễn thi hành pháp luật xử phạt vi phạm hành chính về thương mại điện tử đã bộc lộ một số khó khăn, như: các đối tượng vi phạm có nhiều thủ đoạn tinh vi, khó quản lý, điển hình là: lập nhiều tài khoản trên mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok…), bán hàng theo hình thức livestream (trực tiếp) hoặc đăng bán nhưng không cho biết địa chỉ cơ sở kinh doanh cụ thể, khi khách mua chốt đơn trực tiếp hoặc thông qua inbox (đối tượng giao dịch bằng nhắn tin riêng), cơ quan chức năng khó phát hiện kịp thời. Ngoài ra, các đối tượng còn tìm mọi cách để “lách” qua các bộ lọc kỹ thuật của sàn thương mại điện tử, cố tình thay đổi tên sản phẩm khi đăng bán để tránh bị cơ quan chức năng kiểm soát. Ví dụ, sản phẩm Dior, Chanel, Gucci được các đối tượng viết thành D.I.O.R, Cha nel, DIO, gu.ci... Khi bị phát hiện vi phạm, các đối tượng lại tiếp tục đổi thành tên khác, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng khi kiểm soát người bán hàng trên môi trường thương mại điện tử. Mặt khác, các trang bán hàng (online) thường không thông tin cụ thể địa chỉ hoặc khi cơ quan chức năng phát hiện ra thì trang đã xóa và lập trang mới. Một số đối tượng thường sử dụng nơi bán hàng, nơi quảng cáo, chốt đơn và kho hàng ở các khu vực khác nhau, địa phương khác nhau, gây khó khăn trong việc theo dõi, phát hiện và xử lý, tốn nhiều thời gian và nguồn nhân lực của các lực lượng chức năng, thậm chí không đủ nguồn nhân lực để thực hiện.
2. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay
Để hoàn thiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử, cần có giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, sớm đánh giá tổng thể hệ thống các chính sách, pháp luật về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nhãn hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử để tiếp tục nghiên cứu và sửa đổi, bổ sung pháp luật trong giao dịch thương mại điện tử, như Luật Giao dịch điện tử năm 2023, Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2023, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30/10/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế… theo hướng tăng chế tài xử phạt đủ mạnh đối với những hành vi làm lộ thông tin cá nhân của người tiêu dùng, những hành vi lừa đảo, mua, bán hàng gian, hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ… nhằm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh thương mại điện tử.
Thứ hai, trên cơ sở các bất cập gây khó khăn trong việc áp dụng quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử, cần tiếp tục nghiên cứu và ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP nhằm tiếp tục tăng cường chế tài xử lý hành vi vi phạm về lưu trữ và cung cấp thông tin đối với các chủ thể hoạt động thương mại điện tử.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, lồng ghép với việc hướng dẫn doanh nghiệp nâng cao tinh thần tuân thủ pháp luật và bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng; đặc biệt là môi trường thương mại điện tử. Các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ để kiểm tra, kiểm soát và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm; sử dụng lực lượng quản lý thị trường để phát hiện, đấu tranh làm rõ những hành vi sai phạm, nhất là tìm các địa điểm mà đối tượng tập kết hàng hóa, thường xuyên giao dịch nhằm phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân theo quy định pháp luật, đồng thời, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của đất nước trong tình hình mới.
Thứ tư, tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử. Nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan như: quản lý thị trường, công an, thuế, hải quan,… Đề cao yếu tố con người trong công tác đào tạo, bồi dưỡng theo hướng thực chất, hiệu quả hơn; lựa chọn, sử dụng và đánh giá nhân sự phải hợp lý, khoa học gắn với năng lực thực thi nhiệm vụ, công vụ. Cần có chính sách đãi ngộ, trọng dụng, khen thưởng và tôn vinh các giá trị nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp của công chức thực thi nhiệm vụ về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là công chức thuộc lực lượng quản lý thị trường.
Kết luận
Bối cảnh công nghệ số đang chiếm lĩnh thị trường, thương mại điện tử bùng nổ đã mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng và cả doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử. Tuy nhiên, kéo theo đó là các đối tượng lợi dụng kinh doanh thương mại điện tử để kinh doanh hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng nhập lậu… gây thiệt hại cho người tiêu dùng và cho các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh chân chính. Để hạn chế tình trạng này, bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử, cần có những chế tài xử phạt đủ mạnh để răn đe các đối tượng vi phạm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do đó, việc hoàn thiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử, cụ thể, sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP và Nghị định số 17/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động thương mại điện tử là rất cần thiết và “cấp bách”. Đây là một nội dung quan trọng trong Công điện số 56/CĐ-TTg ngày 06/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
ThS. Lê Quang Kiệm
Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai
Ảnh: internet
Tài liệu tham khảo
1. Giang Thị Thu Huyền (2023), Nghiên cứu thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ kinh tế.
2. Dương Thị Mai Ngọc (2009), Pháp luật về thương mại điện tử ở Việt Nam - Thực trạng và phương hướng hoàn thiện, Luận văn Thạc sĩ Luật học.
3. Lê Văn Thiệp (2016), Pháp luật thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ Luật học.
4. Phí Mạnh Cường (2022), Pháp luật về thương mại điện tử ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Luật học.
5. PGS.TS. Nguyễn Cửu Việt (2013), Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
6. Đặng Thanh Sơn (2008), Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp, Vi phạm hành chính và xử lý vi phạm hành chính, Hà Nội.
6. Trường Đại học Luật Hà Nội (2017), Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội.
7. https://dangcongsan.vn/thoi-su/can-co-che-tai-xu-ly-vi-pham-trong-thuong-mai-dien-tu-666424.html.
8. https://daibieunhandan.vn/nghi-vien-the-gioi-viet-nam-va-the-gioi/Phan-dinh-ro-xu-ly-hanh-chinh-va-hinh-su-i209455/.
9. https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/ttpltc/pages_r/l/chi-tiet-tin-ttpltc?dDocName=MOFUCM274942.
10. https://vioit.org.vn/vn/chien-luoc-chinh-sach/thuong-mai-dien-tu---mot-chang-duong-nhin-lai-5829.4050.html.
11. OECD Guide to Measuriing the Information Society. Paris.
12. US Census Bureau. E-commerce statistics (E-STATS), https://www.census.gov/programs-surveys/e-stats/about/faqs.html. 2018.
13.https://www.wto.org/english/thewto_e/minist_e/mc11_e/briefing_notes_e/bfecom_e.htm.
14. https://www.adb.org/sites/default/files/publication/185050/adbi-pb2016-2.pdf.