Tóm tắt: Trong bài viết này, nhóm tác giả phân tích, đánh giá thực trạng thực hiện pháp luật của người dân vùng Tây Nam Bộ, từ đó, đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả tuân thủ pháp luật của người dân vùng Tây Nam Bộ.
Abstract: In this article, the authors analyze and evaluate the reality of law implementation of people in the Southwest region, thereby proposing some solutions to improve the efficiency of law compliance of people in the Southwest region.
1. Đặt vấn đề
Thực hiện pháp luật là quá trình làm cho những quy tắc của pháp luật trở thành hoạt động thực tế của các chủ thể pháp luật. Căn cứ vào tính chất của hoạt động thực hiện pháp luật, một số nhà nghiên cứu khoa học pháp lý đã chia hình thức thực hiện pháp luật thành: Tuân thủ pháp luật, thi hành pháp luật và sử dụng pháp luật. Có thể hiểu, tuân thủ pháp luật cũng như một hành vi của con người, được biểu hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động để thực hiện đúng các quy phạm pháp luật, qua đó góp phần bảo đảm cho các quy định được thực hiện đồng bộ, giúp cho công tác quản lý nhà nước đối với nền kinh tế, xã hội được dễ dàng, khoa học, hiệu quả, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh. Với vai trò và ý nghĩa đó, rất cần thiết phải có các giải pháp để nâng cao hiệu quả tuân thủ pháp luật của người dân. Có các giải pháp khả thi sẽ góp phần nâng cao nhận thức, ý thức thực hiện pháp luật của người dân.
Đối với khu vực Tây Nam Bộ, đây là vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế, nhất là về sản xuất lương thực, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, có những hạn chế, vướng mắc, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, trình độ người dân còn hạn chế, do đó, kiến thức, nhận thức pháp luật của họ sẽ không cao. Ví dụ: một thống kê năm 2014 cho thấy, đây là “vùng có tỷ lệ tốt nghiệp tốt nghiệp trung học cơ sở thấp nhất cả nước với 19,1% (bình quân cả nước 29,5%). Tương tự, tỷ lệ người dân tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên (bao gồm cả trung cấp, cao đẳng và đại học) của vùng thấp nhất cả nước với 12% (cả nước là 23,1%)”[1].
2. Thực trạng thực hiện pháp luật của người dân vùng Tây Nam Bộ
Với mặt bằng dân trí còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước, đã có tác động và ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức nói chung và nhận thức, thực hiện pháp luật nói riêng của người dân vùng Tây Nam Bộ. Một trong những minh chứng có thể thấy là tình trạng vi phạm pháp luật của khu vực này trong thời gian qua vẫn còn diễn biến khá phức tạp. Các thế lực thù địch và phản động, cực đoan trong tôn giáo, dân tộc lợi dụng sự sơ hở, ý thức, nhận thức hạn chế của người dân để thực hiện các hoạt động chống phá, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình, kích động “tự diễn biến” trong nội bộ, lợi dụng những vấn đề nhạy cảm trong xã hội để gây mâu thuẫn nội bộ, làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước… Tình hình tội phạm, tai nạn giao thông và các tệ nạn xã hội khác vẫn còn ở mức cao. Tình hình khiếu kiện, khiếu nại đông người, vượt cấp, nghỉ việc tập thể còn xảy ra ở nhiều địa phương, chưa được giải quyết dứt điểm[2].
Như vậy, có thể thấy, tại khu vực Tây Nam Bộ, với mặt bằng chung về trình độ nhận thức, ý thức pháp luật còn thấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng tội phạm, gây mất trật tự, an toàn xã hội, cơ quan chức năng phải mất nhiều công sức, thời gian giải quyết, xử lý, ảnh hưởng chung đến sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Xuất phát từ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và từ thực tiễn, rất cần thiết phải xây dựng hệ thống các giải pháp để nâng cao hiệu quả tuân thủ pháp luật của người dân ở khu vực này.
Bên cạnh đó, thực trạng chấp hành, theo dõi, thi hành pháp luật cũng là một trong những cơ sở thực tiễn quan trọng để trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả tuân thủ pháp luật của người dân trong vùng. Thực trạng này thường được thể hiện trong các báo cáo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; báo cáo kết quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật hàng năm của các tỉnh, thành phố. Ví dụ: Để đưa ra các giải pháp tăng cường thực hiện công tác theo dõi, thi hành pháp luật, nâng cao vai trò của các cơ quan chức năng trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm để thông qua đó, hạn chế vi phạm, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật thì việc đề xuất giải pháp phải dựa trên cơ sở thực tiễn là tình hình vi phạm vẫn còn diễn biến phức tạp, chẳng hạn, dựa vào Báo cáo kết quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang kỳ họp thứ 19, Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang khóa IX, để thấy tình hình tội phạm tăng cao hơn so cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo, năm 2020, toàn tỉnh Hậu Giang đã xảy ra 270 vụ án về trật tự xã hội, tăng 36 vụ so năm 2019, trong đó, tội phạm trộm cắp tài sản, đánh bạc và cố ý gây thương tích chiếm tỷ lệ cao. Hậu quả, có 03 người tử vong, 63 người bị thương, tổng thiệt hại tài sản gần 29 tỷ đồng. Đáng quan tâm là tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra 57 vụ, tăng 17 vụ so với năm 2009[3]. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức người dân chưa cao, cơ quan chức năng vào cuộc chưa quyết liệt, từ đó, đề xuất các giải pháp phù hợp.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, để bảo đảm cho việc xây dựng, đề xuất các giải pháp có cơ sở, có căn cứ thì người đề xuất cần tham khảo các cơ sở, căn cứ cụ thể, kể cả từ lý luận, thực tiễn để các giải pháp mang tính khả thi, đồng bộ, thực sự hiệu quả khi áp dụng. Ngoài cơ sở lý luận, khi xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tuân thủ pháp luật của người dân cũng cần dựa vào cơ sở thực tiễn, bởi lẽ, lý luận và thực tiễn có mối quan hệ biện chứng với nhau. Đặc biệt, đối với việc đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tuân thủ pháp luật của người dân ở một khu vực nhất định là Tây Nam Bộ thì rất cần thiết phải dựa trên thực tiễn của địa phương, khu vực, từ đó, các giải pháp đưa ra mới bảo đảm tính khả thi áp dụng riêng cho khu vực đó.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật của người dân vùng Tây Nam Bộ
Để nâng cao hiệu quả tuân thủ pháp luật, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như sau:
Một là, hoàn thiện về thể chế phù hợp với tình hình thực tiễn.
Để có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học pháp lý để cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng chiến lược pháp luật, các chương trình, kế hoạch xây dựng và hoàn thiện pháp luật của trung ương và địa phương; tăng cường sự chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo trung ương và địa phương đối với công tác theo dõi, thi hành pháp luật, công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của trung ương và địa phương; nâng cao chất lượng, năng lực của các cơ quan pháp chế sở, ngành trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thường xuyên tổ chức công tác rà soát, hệ thống hóa pháp luật và tổng kết kinh nghiệm xây dựng và hoàn thiện pháp luật.
Hai là, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật quy phạm pháp luật.
Để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, cần tổ chức cho nhân dân thực hiện nghiêm chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Thông qua quá trình tổ chức thực hiện pháp luật, nhân dân sẽ được trang bị thêm kiến thức pháp luật và ý thức tôn trọng, thực hiện pháp luật. Đối với hoạt động áp dụng pháp luật, đây là hình thức Nhà nước thông qua các cơ quan và người có thẩm quyền tổ chức cho các chủ thể khác thực hiện pháp luật, phải bảo đảm tính sáng tạo, tính tổ chức cao và chặt chẽ. Về nguyên tắc, hoạt động áp dụng pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện, tuy nhiên, hoạt động này sẽ đạt hiệu quả cao hơn nếu có sự tham gia rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân. Hoạt động của các cơ quan tư pháp trong quá trình tiến hành tố tụng để xét xử các hành vi vi phạm pháp luật sẽ tác động đến nhận thức của các đối tượng trong nhân dân, từ đó có tác dụng giáo dục đối với nhân dân, khiến nhân dân có ý thức tuân thủ pháp luật cao hơn[4].
Ba là, nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân trong việc tuân thủ pháp luật.
Để nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là sự tác động một cách có hệ thống, thường xuyên tới nhận thức của con người nhằm trang bị cho mỗi người một trình độ kiến thức pháp lý nhất định để từ đó có ý thức đúng đắn về pháp luật, tôn trọng và tự giác xử sự theo yêu cầu của pháp luật. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích pháp luật để nhân dân hiểu đầy đủ nội dung của các văn bản pháp luật được ban hành trong từng giai đoạn; Đưa việc giảng dạy pháp luật vào hệ thống các trường học. Công tác giảng dạy pháp luật cần được tổ chức sâu rộng, cho mọi đối tượng và mọi ngành nghề, lĩnh vực. Để công tác giảng dạy pháp luật đạt hiệu quả, cần xây dựng chương trình, nội dung, giáo trình phù hợp cho từng loại đối tượng theo từng cấp học khác nhau. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ pháp lý có năng lực và trình độ, có phẩm chất chính trị và phong cách làm việc tốt để bố trí vào các cơ quan tư pháp; Mở rộng dân chủ, công khai tạo điều kiện cho nhân dân tham gia một cách tích cực vào việc thảo luận đóng góp ý kiến về các dự án luật, qua đó nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân; Thực hiện kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức, văn hóa, nâng cao trình độ chung của nhân dân. Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và sự phối hợp, kết hợp của các ban, ngành, đoàn thể đối với công tác phổ biến pháp luật. Đầu tư phương tiện, điều kiện cần thiết để thực hiện công tác phổ biến pháp luật. Bên cạnh đó, huy động nguồn kinh phí từ nhiều cơ quan, trước hết phải là nguồn lực từ cơ quan nhà nước.
TS. Nguyễn Văn Phụng
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Luật miền Nam
ThS. Thái Quốc Phong
Trưởng phòng Phòng Đào tạo và Công tác học sinh, sinh viên, Trường Cao đẳng Luật miền Nam
[1]. Hồ Sỹ Anh, Giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long chậm hơn... 42 năm so với cả nước, https://thanhnien.vn/giao-duc-dbscl-cham-hon42-nam-so-voi-ca-nuoc-185755243.html, đăng tải ngày 08/5/2018.
[2]. Ngọc Thiện, Giữ vững an ninh quốc phòng vùng Tây Nam Bộ trong tình hình mới, https://www.vietnamplus.vn/giu-vung-an-ninh-quoc-phong-vung-tay-nam-bo-trong-tinh-hinh-moi/362845.vnp, đăng tải ngày 25/12/2015.
[3]. Châu Anh, Hậu Giang, Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng tăng, https://plo.vn/hau-giang-toi-pham-dac-biet-nghiem-trong-tang-post604099.html, đăng tải ngày 03/12/2020.
[4]. Vũ Thị Hoài Phương, Nâng cao ý thức pháp luật nhằm xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật của nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” http://thanhtravietnam.vn/nghien-cuu-trao-doi/nang-cao-y-thuc-phap-luat-nham-xay-dung-loi-song-tuan-thu-phap-luat-cua-nhan-dan-trong-nha-nuoc-phap-quyen-xhcn-viet-nam-190707.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 378), tháng 4/2023)