Ngày nay, chế định hợp đồng nói chung và những vấn đề của hiệu lực hợp đồng nói riêng đã trở thành một chế định quan trọng trong hệ thống pháp luật về hợp đồng của Việt Nam, đặc biệt là trong pháp luật dân sự. Vì vậy, đã có nhiều nhà khoa học nghiên cứu và đưa ra những quan điểm khoa học về chế định hợp đồng. Hiệu lực của hợp đồng được bàn luận ở đây chính là sự tạo lập ra quyền và nghĩa vụ giữa các bên giao kết, là hiệu lực ràng buộc về mặt pháp luật khi các bên giao kết hợp đồng, nghiên cứu hiệu lực của hợp đồng cho thấy bao quát ba vấn đề cơ bản sau: (i) Vấn đề thi hành các hợp đồng; (ii) Giải thích ý chí của các bên tham gia quan hệ hợp đồng; (iii) Kiềm chế hoặc bảo đảm cho việc biểu lộ ý chí. Để đáp ứng yêu cầu về mặt lý thuyết có thể áp dụng được trên thực tiễn, pháp luật về hợp đồng càng hoàn thiện thì việc giao kết và thực hiện hợp đồng của các chủ thể càng thuận lợi[1].
Tuy nhiên, xét trên nhiều phương diện, vấn đề hiệu lực của hợp đồng là một vấn đề pháp lý rất phức tạp cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn áp dụng, đặc biệt là vấn đề giải thích hợp đồng. Về mặt lý luận, các nhà làm luật của Việt Nam vẫn chưa có quan điểm thống nhất được với nhau trong việc xác định nội dung và dung hòa các học thuyết phát triển của giải thích hợp đồng. Đặc biệt, trong hoàn cảnh đất nước ta đã trải qua nhiều truyền thống pháp luật trong suốt chiều dài lịch sử, chưa có sự kế thừa và chọn lọc giữa các truyền thống pháp luật đó và kết hợp với điều kiện hoàn cảnh kinh tế, xã hội hiện tại, nên có thể thấy, Luật Hợp đồng nói chung và hiệu lực của hợp đồng đó là giải thích hợp đồng nói riêng vẫn còn thiếu tính kế thừa và thiếu đồng bộ.
Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định các vấn đề liên quan đến giải thích hợp đồng ở hai điều cơ bản đó là Điều 121 về giải thích giao dịch dân sự và Điều 404 về giải thích hợp đồng, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện pháp luật vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, gây khó khăn trong quá trình giải quyết các vấn đề trên thực tiễn.
1. Khái niệm giải thích hợp đồng
Hiệu lực của hợp đồng đóng vai trò quan trọng đối với sự tồn tại của hợp đồng, một hợp đồng không có hiệu lực cũng đồng nghĩa giữa các bên không tồn tại quan hệ hợp đồng. Theo quan điểm của PGS.TS. Ngô Huy Cương, sự hỗ trợ của hợp đồng được thể hiện ở sự tác động của Luật Hợp đồng vào quan hệ hợp đồng và được thể hiện ở bốn khía cạnh: (i) Tạo lập hợp đồng; (ii) Vấn đề thi hành các hợp đồng; (iii) Giải thích ý chí của các bên tham gia quan hệ hợp đồng; (iv) Kiềm chế hoặc bảo đảm cho việc thể hiện ý chí. Và, hiệu lực của hợp đồng theo nghĩa rộng bao quát ba khía cạnh sau của bốn khía cạnh nói trên[2].
Nghiên cứu về giải thích hợp đồng, có nhiều tác giả đưa ra những khái niệm khác nhau. TS. Đỗ Văn Đại cho rằng: “Giải thích hợp đồng là việc xác định nội dung của hợp đồng và việc giải thích thường được tiến hành ở Việt Nam để giải quyết vấn đề giao kết hợp đồng… và thực hiện hợp đồng để biết quyền và nghĩa vụ của các bên”, tuy nhiên, cách định nghĩa này của TS. Đỗ Văn Đại chỉ mới đề cập đến một chức năng của giải thích hợp đồng đó là xác định các điều khoản mập mờ, không rõ nghĩa, chứ chưa đề cập đến chức năng khác của hoạt động này, đó là bổ sung lỗ hổng cho hợp đồng[3].
Bên cạnh đó, theo quan điểm của một số học giả nước ngoài, tác giả người Nga E.A.Berezina cho rằng: “Đó là một dạng đặc biệt của giải thích luật, được thực hiện bằng các phương pháp truyền thống của kỹ thuật pháp lý và các phương pháp xuất phát từ nội dung hợp đồng riêng biệt của những hoạt động pháp luật đặc thù của các bên trong hợp đồng, người đại diện của họ, cơ quan Tòa án và các chủ thể pháp luật khác, theo hướng làm rõ nghĩa của các điều khoản từng hợp đồng riêng biệt trong mục đích của việc thực hiện nó”[4]. Cách nhìn nhận này có một điểm hạn chế cơ bản, theo PGS.TS. Vũ Văn Mẫu: “Dù hợp đồng có hiệu lực cũng như các nghĩa vụ do pháp luật phát sinh ra song không thể đồng hóa hợp đồng với pháp luật được”. Luật pháp có tầm hiệu lực bao quát hơn không thể quan niệm giải thích hợp đồng dưới dạng là một biến thể của giải thích pháp luật. Cách hiểu như trên sẽ dẫn đến nhầm lẫn trong việc phân biệt chủ thể của giải thích hợp đồng. Dưới góc độ tiếp cận khác, một số học giả cũng trích dẫn quan điểm của tác giả N.V.Ctepanjik cho rằng: “Sự cần thiết phải giải thích hợp đồng có thể do nhiều nguyên nhân. Đối với một bên có thể xuất hiện sự cần thiết phải xác định nội dung của một điều khoản này hoặc để bổ sung điều khoản của hợp đồng trong trường hợp tồn tạị thiếu sót đối với nội dung của hợp đồng hoặc để khắc phục những điều khoản có sự mâu thuẫn”.
Trong cuốn Từ điển Luật học của Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp không có định nghĩa cụ thể về giải thích hợp đồng mà chỉ có giải nghĩa về giải thích giao dịch dân sự, nếu hiểu theo cách thức mối liên quan tại Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”, thì cách diễn giải của Từ điển Luật học: “Giải thích giao dịch dân sự là việc thẩm phán làm rõ nghĩa nội dung của giao dịch dân sự đó”[5], dễ nhận thấy rằng, khái niệm này của Từ điển Luật học xuất phát từ cách thức thể hiện tại điều khoản về giải thích giao dịch dân sự, cách thức diễn đạt này đã thể hiện một điểm hạn chế khá rõ đó là mới chỉ đề cập tới chức năng làm rõ nghĩa của hợp đồng, trong khi chức năng khác nữa của giải thích giao dịch hợp đồng đó là bổ sung những thiếu sót của hợp đồng thì chưa được nhắc đến trong định nghĩa này. Khoản 3 Điều 404 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định là: “Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu thì phải được giải thích theo tập quán tại thời điểm giao kết hợp đồng”.
Từ những phân tích trên, có thể đưa ra khái niệm: “Giải thích hợp đồng là hoạt động của chủ thể có thẩm quyền nhằm làm rõ những nội dung, điều khoản không rõ ràng của hợp đồng hoặc định danh hợp đồng dựa trên những nguyên tắc và căn cứ luật định”.
2. Quy định của pháp luật Việt Nam về giải thích hợp đồng
Khi hợp đồng được hình thành và có hiệu lực, các bên phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đó. Tuy nhiên, trên thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, hợp đồng được xác lập có nội dung không rõ ràng dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện[6]. Trong trường hợp này, hợp đồng cần phải giải thích làm rõ, tạo thuận lợi và hiệu quả trong việc áp dụng và thực hiện.
Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về “giải thích hợp đồng dân sự” tại Điều 409 với 08 khoản, Bộ luật Dân sự năm 2015 rút gọn chỉ còn 06 khoản quy định về 06 trường hợp cụ thể của giải thích hợp đồng[7]:
Một là, khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì việc giải thích phải dựa vào hai yếu tố là ngôn từ của hợp đồng và ý chí của các bên thể hiện trước và tại thời điểm xác lập thực hiện hợp đồng. Rõ ràng, ý chí của các bên sẽ được bày tỏ suốt quá trình đàm phán, thỏa thuận và ký kết hợp đồng. Do đó, ý chí của các bên cần phải được tôn trọng và áp dụng để giải thích hợp đồng.
Hai là, khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với mục đích, tính chất của hợp đồng. Khái niệm mục đích, tính chất của hợp đồng không được Bộ luật Dân sự năm 2015 định nghĩa, vì thế, nó có thể được hiểu là toàn bộ các đặc tính của hợp đồng, chẳng hạn như trong hợp đồng cho vay tài sản thì tính chất của hợp đồng là có sự chuyển giao quyền sở hữu tài sản trong một thời hạn và có sự hoàn trả.
Ba là, khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu thì phải được giải thích theo tập quán tại thời điểm giao kết hợp đồng. Quy định này thường được áp dụng để giải thích nội dung của hợp đồng sử dụng các ngôn từ địa phương, theo thói quen, tập quán của từng vùng hoặc từng lĩnh vực cụ thể.
Bốn là, khi giải thích hợp đồng cần lưu ý đặt các điều khoản của hợp đồng trong mối liên hệ với nhau sao cho nội dung và ý nghĩa của các điều khoản phù hợp với nhau và phù hợp với toàn bộ nội dung của hợp đồng.
Năm là, khi hợp đồng có nội dung không rõ ràng, cả ý chí chung của các bên và ngôn từ trong hợp đồng đều được sử dụng để giải thích hợp đồng. Tuy nhiên, trường hợp ý chí của các bên lại mâu thuẫn với ngôn từ sử dụng trong hợp đồng thì ý chí chung của cá bên sẽ được ưu tiên áp dụng. Quy định này đã hình thành nên một nguyên tắc áp dụng thứ tự ưu tiên khi giải thích hợp đồng trong pháp luật dân sự.
Sáu là, trường hợp bên soạn thảo đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên kia thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên kia. Quy định này là một sự tiến bộ so với khoản 8 Điều 409 Bộ luật Dân sự năm 2005. Khoản 8 Điều 409 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Trường hợp bên mạnh thế đưa vào giao dịch dân sự nội dung bất lợi cho bên yếu thế hoặc nội dung điều khoản không rõ ràng thì khi giải thích giao dịch dân sự phải theo hướng có lợi cho bên yếu thế”. Quy định này không phù hợp ở chỗ, đây không phải là một trường hợp cần phải được giải thích vì khi xảy ra trường hợp này, chỉ cần một trong hai bên không muốn thỏa thuận để tiếp tục thực hiện nội dung này thì điều khoản này đã tạo ra sự bất bình đẳng, vi phạm nguyên tắc chung của pháp luật dân sự nên sẽ không có hiệu lực và cần được loại bỏ.
3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về giải thích hợp đồng
Thứ nhất, hiện nay, còn có bất cập về mối tương quan giữa quy định chung về giải thích giao dịch dân sự với quy định riêng về giải thích hợp đồng. Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành thiết kế một điều luật về giải thích giao dịch dân sự, một điều luật về giải thích hợp đồng. Hai điều luật này hoàn toàn độc lập và loại trừ phạm vi điều chỉnh của nhau. Điều 121 về giải thích giao dịch dân sự chỉ áp dụng để giải thích các giao dịch dân sự không phải là hợp đồng và di chúc, Điều 404 về giải thích hợp đồng. Quy định này trở nên mâu thuẫn với cấu trúc Pandekten của Bộ luật Dân sự, bởi vì hợp đồng chính là một loại giao dịch dân sự. Vì vậy, cần xây dựng quy định pháp luật về giải thích dân sự theo hướng quy định các nguyên tắc giải thích. Nguyên tắc này áp dụng cho việc giải thích giao dịch dân sự là hợp đồng và các giao dịch dân sự không phải là hợp đồng. Còn quy định pháp luật về giải thích hợp đồng cần thiết kế theo hướng đầy đủ hơn, trong đó ít nhất phải quy định được các trường hợp giải thích, chủ thể giải thích, căn cứ giải thích, hậu quả pháp lý của việc giải thích.
Thứ hai, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định các trường hợp giải thích tương ứng, dẫn đến quy định bị trùng lặp. Hợp đồng chỉ phải giải thích khi có nội dung hoặc điều khoản không rõ ràng nên Điều 404 Bộ luật Dân sự năm 2015 có thể quy định khái quát trường hợp phải giải thích hợp đồng là khi hợp đồng có nội dung, điều khoản không rõ ràng. Trường hợp nội dung, điều khoản không rõ ràng đó đã bao hàm điều, khoản, ngôn từ khó hiểu và điều khoản, ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Lý do có thể dẫn đến nội dung, điều khoản không rõ ràng có thể là lý do khách quan hoặc chủ quan. Chỉ cần các bên không thống nhất được cách hiểu nội dung, điều khoản đó của hợp đồng thì hợp đồng cần phải được giải thích.
Thứ ba, quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về giải thích hợp đồng chưa thể hiện đầy đủ các nguyên tắc về giải thích hợp đồng. Vì thế, cần phải xây dựng hệ thống các nguyên tắc giải thích hợp đồng. Điều 404 Bộ luật Dân sự năm 2015 có 06 khoản vừa là các nguyên tắc giải thích hợp đồng, vừa là các căn cứ giải thích hợp đồng, mà hoạt động giải thích hợp đồng phụ thuộc rất nhiều vào ý chí chủ quan của chủ thể giải thích. Các nguyên tắc giải thích hợp đồng phải được xây dựng dựa trên nền tảng lý thuyết của Luật Hợp đồng nói chung và chế định giải thích hợp đồng nói riêng đó là học thuyết tự do ý chí trong luật hợp đồng (nhằm bảo đảm hợp đồng là kết quả của sự thống nhất ý chí của các bên chủ thể), học thuyết trung dung trong giải thích hợp đồng (nhằm bảo đảm chế định giải thích hợp đồng phải dựa trên các học thuyết ý chí và học thuyết thể hiện ý chí).
Thứ tư, Bộ luật Dân sự năm 2015 về giải thích hợp đồng liệt kê các căn cứ giải thích hợp đồng nhưng vẫn chưa đầy đủ. Việc bổ sung các căn cứ giải thích hợp đồng nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho các chủ thể giải thích hợp đồng trong việc giải thích. Bộ luật Dân sự hiện hành quy định các căn cứ giải thích bao gồm: Ý chung của các bên, ngôn từ của hợp đồng, mục đích, tính chất của hợp đồng, mối liên hệ giữa các điều khoản của hợp đồng, các thông tin tiền hợp đồng và lợi ích của bên không soạn thảo hợp đồng. Vì vậy, ngoài các căn cứ giải thích được quy định tại Điều 404 Bộ luật Dân sự năm 2015, thì cần sửa đổi, bổ sung thêm các căn cứ sau: (i) Những đàm phán, thư từ trao đổi tiền hợp đồng; (ii) Những thói quen đã hình thành giữa các bên trước khi hợp đồng cần giải thích được giao kết; (iii) Hành vi của các bên sau khi hợp đồng được giao kết; (iv) Tính chất và mục đích của hợp đồng; (v) Tập quán địa phương; (vi) Tập quán quốc tế; (vii) Nghĩa thông thường của ngôn từ được sử dụng và cách diễn đạt trong hợp đồng; (viii) Hoàn cảnh thực tế tại thời điểm giao kết hợp đồng.
Thứ năm, quy định về giải thích hợp đồng tại Điều 404 Bộ luật Dân sự năm 2015 có một số điểm chưa thống nhất với các quy định khác của Bộ luật này và các văn bản pháp luật khác có liên quan, đó là quy định về giải thích hợp đồng theo mẫu. Bởi, việc giải thích hợp đồng theo hướng có lợi cho bên không soạn thảo hợp đồng tại khoản 6 Điều 404 là không hợp lý. Trong hợp đồng, không quan trọng ai là bên soạn thảo hợp đồng, mà quan trọng là nội dung hợp đồng do một bên đưa ra do bên kia chấp nhận hay do các bên thoả thuận. Bên cạnh đó, việc quy định giải thích hợp đồng trong trường hợp bên soạn thảo hợp đồng đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên kia là mâu thuẫn với quy định tại khoản 3 Điều 405 và khoản 3 Điều 406 Bộ luật Dân sự năm 2015. Vì vậy, nên bỏ khoản 6 Điều 404 Bộ luật Dân sự năm 2015, bởi việc giải thích hợp đồng theo mẫu đã được điều chỉnh tại Điều 405 Bộ luật Dân sự năm 2015 nên việc quy định tại khoản 6 Điều 404 là thừa. Bên cạnh đó, mặc dù Bộ luật Dân sự năm 2015 lần đầu tiên quy định về các điều kiện giao dịch chung nhưng lại chưa đưa ra quy định giải thích điều kiện giao dịch chung khi điều kiện giao dịch chung này có những nội dung không rõ ràng. Chính vì vậy, cần bổ sung quy định về giải thích điều kiện giao dịch chung theo hướng bất lợi cho bên đưa ra điều kiện giao dịch chung, có lợi cho bên đối tác. Bổ sung thêm trường hợp khi điều kiện giao dịch chung và điều khoản do các bên thỏa thuận mâu thuẫn nhau thì phải căn cứ vào điều khoản do các bên thỏa thuận để giải thích hợp đồng.
Thứ sáu, Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa giải quyết được vấn đề xác định thứ tự ưu tiên áp dụng các căn cứ giải thích trong quá trình giải thích hợp đồng. Để giải quyết được vấn đề thứ tự ưu tiên áp dụng các căn cứ giải thích hợp đồng thì cần phải giải quyết một loạt các căn cứ liên quan: Một là, trong việc giải thích hợp đồng, mỗi trường hợp giải thích chỉ áp dụng căn cứ giải thích tương ứng hay có thể áp dụng đồng thời nhiều căn cứ giải thích? Hai là, nếu mỗi trường hợp giải thích có thể áp dụng đồng thời nhiều căn cứ giải thích thì thứ tự ưu tiên áp dụng các căn cứ sẽ như thế nào? Có thể thấy, một căn cứ giải thích không thể đủ để giải thích hợp đồng cho một trường hợp giải thích. Hay nói cách khác, một trường hợp giải thích nếu chỉ giải thích dựa trên một căn cứ được liệt kê tại Điều 404 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì hợp đồng đó không thể giải thích được. Chính vì vậy, một trường hợp giải thích phải áp dụng nhiều căn cứ giải thích để giải thích. Trong thực tiễn giải thích hợp đồng ở Việt Nam hiện nay, chủ thể giải thích cũng áp dụng đồng thời nhiều căn cứ giải thích để giải thích. Vấn đề quan trọng đặt ra là, thứ tự ưu tiên nào được xác lập để xác định thứ tự ưu tiên áp dụng các căn cứ giải thích để giải thích nếu như việc vận dụng mỗi căn cứ khác nhau lại đưa ra các kết quả khác nhau.
Thứ bảy, giải quyết vấn đề thì có cần giải thích hợp đồng hay không khi ngôn từ và cách diễn đạt đã rõ ràng? Tức là khi các ngôn từ và cách diễn đạt của hợp đồng đã rất rõ ràng nhưng một hoặc các bên lại viện dẫn một cách hiểu hoàn toàn khác với ngôn từ và cách diễn đạt được thể hiện trong hợp đồng.
Trong Luật La Mã, sự không cần thiết phải giải thích hợp đồng trong trường hợp tồn tại sự rõ ràng về ngôn ngữ của hợp đồng đã được đề cập đến. Quan điểm của các nhà luật học La Mã cổ đại là “ngôn từ không gây ra bất kỳ sự không thống nhất nào, thì không cho phép nêu ra vấn đề về ý chí”[8]. Vào giai đoạn cuối của sự phát triển Luật La Mã, quan điểm trên đã bị phê phán. Sự không được phép đặt ra vấn đề về ý nghĩa của ý chí trong trích dẫn nêu trên của Luật gia La Mã - Paul thực ra là thiết lập giới hạn của việc giải thích của ngôn từ. Theo đó, không thể khẳng định rằng, quy tắc không được giải thích hợp đồng khi ngôn từ đó rõ ràng chỉ đúng trong giai đoạn đầu của lịch sử La Mã, khi mà hình thức giao kết giao dịch còn được quy định chặt chẽ. Ở giai đoạn sau, nhân loại đã chỉ ra rằng, giới hạn của việc giải thích hợp đồng là một hệ thống pháp lý hiện đại và cấp thiết trên nhiều hình thức khác nhau.
Ngày nay, pháp luật một số nước ghi nhận quy tắc không được giải thích hợp đồng đã rõ ràng. Điều 1192 Bộ luật Dân sự Pháp quy định: “Không được giải thích diễn giải các điều khoản đã rõ ràng và cụ thể, nếu không sẽ làm thay đổi tính chất của điều khoản đó”. Ở Việt Nam, trường hợp này xuất hiện khá phổ biến, chẳng hạn như, trong hợp đồng ghi là hợp đồng mua bán nhà, các điều khoản của hợp đồng cũng thể hiện nội dung các bên mua bán nhà. Sau đó, một bên lại kiện ra Tòa án và chứng minh rằng, ý chí đích thực của các bên trong hợp đồng là thế chấp hoặc cầm cố nhà để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ vay. Pháp luật Việt Nam cũng nên theo hướng không cho phép giải thích hợp đồng khi nội dung hợp đồng đã rõ ràng. Bởi vì, sự cần thiết phải giải thích hợp đồng chỉ xuất hiện khi hợp đồng có những nội dung, điều khoản không rõ ràng dẫn đến cách hiểu khác nhau hoặc việc giải thích bắt buộc phải được tiến hành nhằm định danh hợp đồng. Khi các điều khoản, nội dung của hợp đồng đã rõ ràng thì việc giải thích hợp đồng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy: (i) Việc giải thích trong trường hợp này có thể làm bóp méo nội dung của hợp đồng; (ii) Các bên có thể lợi dụng việc giải thích hợp đồng, viện dẫn cách hiểu khác với nghĩa của các ngôn từ, cách diễn đạt trong hợp đồng nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ với người thứ ba. Do đó, sẽ không bảo đảm được tính ổn định trong giao lưu dân sự, cũng như không bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
Thứ tám, Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa quy định hậu quả pháp lý của hợp đồng không giải thích được. Trong thực tế, không hiếm chủ thể giải thích đã vận dụng hết các nguyên tắc, căn cứ giải thích nhưng vẫn không xác định được một nội dung của điều khoản cần giải thích, nếu như Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định giải thích di chúc, khi phần di chúc không giải thích được thì phần di chúc đó không có hiệu lực pháp luật và phần di sản có liên quan sẽ được chia theo pháp luật, thì Bộ luật Dân sự năm 2015 lại chưa có quy định về hậu quả pháp lý của trường hợp hợp đồng không giải thích được. Khi hợp đồng không giải thích được có nghĩa là không xác định được nội dung của điều khoản cần giải thích. Vì vậy, hướng quy định tương tự cũng nên áp dụng cho hợp đồng không giải thích được. Khi hợp đồng không giải thích được, có nghĩa là không xác định được nội dung của điều khoản cần giải thích. Lúc này, cần xem như không có điều khoản đó. Nếu điều khoản không giải thích được là điều khoản cơ bản thì hợp đồng xem như chưa được giao kết, còn nếu điều khoản không giải thích được là điều khoản không cơ bản thì áp dụng các quy định pháp luật tương ứng để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên.
Trường Đại học Trưng Vương