1. Sự cần thiết đưa ra giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại liên quan đến điều khoản thanh toán bằng ngoại tệ ở Việt Nam hiện nay
Thỏa thuận thanh toán trong hợp đồng là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với các bên chủ thể hợp đồng. Thông thường, các bên chủ thể đưa ra điều khoản thanh toán được thể hiện bằng tiền nội tệ, nhưng cũng có những trường hợp các bên thỏa thuận thanh toán bằng tiền ngoại tệ. Có thể hiểu ngoại tệ là đồng tiền của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực. Trên thực tế giao thương, thường coi trọng ngoại tệ mạnh là những đồng tiền được sử dụng rộng rãi trong giao dịch quốc tế như USD (đô la Mỹ); EURO (đồng tiền chung châu Âu); GBP (Bảng Anh); CAD (đô la Canada); CHF (Phrăng Thụy Sỹ); YIP (Yên Nhật)[1]. Như vậy, việc thanh toán hợp đồng trong hoạt động thương mại có thể bằng tiền nội tệ hoặc ngoại tệ. Tuy nhiên, điều khoản thanh toán bằng ngoại tệ bị giới hạn ở nhiều quốc gia, chẳng hạn, Indonesia cấm sử dụng ngoại tệ thanh toán giao dịch trong nước[2], Zimbabwe (quốc gia ở Nam Phi) cấm sử dụng ngoại tệ trong các giao dịch tại nước này ngoại trừ việc thanh toán vé máy bay cho các hãng hàng không nước ngoài[3], ở Nga, các hợp đồng có thể được ký kết liên quan đến ngoại tệ nhưng thanh toán thực tế phải được thực hiện bằng đồng Rúp (tiền nội tệ của nước này)[4]… Quy định giới hạn tự do hợp đồng liên quan điều khoản thanh toán bằng ngoại tệ ở mỗi một quốc gia được thể hiện ở các mức độ khác nhau, nhưng nhìn chung, việc đưa ra giới hạn tự do hợp đồng ở khía cạnh này theo quan điểm của tác giả có ý nghĩa quan trọng bởi các lý do sau:
- Giảm sự phụ thuộc của các quốc gia vào đồng ngoại tệ của các quốc gia khác. Thừa nhận rộng rãi tiền ngoại tệ trong các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch trong nước sẽ làm gia tăng sự suy thoái của đồng nội tệ, xuất hiện trường hợp các bên thỏa thuận thanh toán bằng ngoại tệ mạnh, tỷ giá quy đổi giữa nội tệ và ngoại tệ có sự phân biệt cao thấp, đồng tiền nội tệ có thể bị mất giá. Vì vậy, việc hạn chế thanh toán bằng ngoại tệ phần nào giúp các quốc gia cải thiện đồng tiền nội tệ của mình.
- Bảo đảm sự ổn định cho nền kinh tế. Tiền nội tệ do Nhà nước ban hành, khi giá trị đồng nội tệ được bảo đảm hay nói cách khác được kiểm soát tốt trong mối quan hệ với đồng ngoại tệ sẽ là một trong những điều kiện quan trọng bảo đảm cho nền kinh tế ổn định phát triển, hạn chế được lạm phát cũng như sự suy thoái kinh tế.
- Tạo ra cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể, nhằm xử lý đối với các giao dịch vi phạm quy định về ngoại tệ. Xu hướng lựa chọn ngoại tệ làm phương tiện thanh toán trong các hợp đồng trong giai đoạn hiện nay ngày càng nhiều. Vì vậy, các quy định của pháp luật sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết các vấn đề liên quan đến ngoại tệ, trong đó có cả những tranh chấp và xung đột phát sinh từ những giao dịch này. Trong một số trường hợp, các bên thỏa thuận dùng ngoại tệ để xác định tỷ giá quy đổi khi thanh toán, nếu pháp luật không có quy định cụ thể về vấn đề này thì thực tế cũng có khả năng phát sinh tranh chấp giữa các bên và cần phải được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu các bên không thể tự thỏa thuận.
2. Thực trạng pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng liên quan đến hình thức hợp đồng ở Việt Nam hiện nay
Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối năm 2013 đã có những quy định cụ thể liên quan đến việc các bên chủ thể sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán. Điều 22 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) quy định: “Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”. Bên cạnh đó, Điều 4 Thông tư số 32/2013/TT-NHNN ngày 26/12/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam (Thông tư số 32/2013/TT-NHNN) và Điều 1 Thông tư số 03/2019/TT-NHNN ngày 29/3/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2013/TT-NHNN (Thông tư số 03/2019/TT-NHNN) cũng quy định cụ thể các trường hợp được sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, nếu không thuộc các trường hợp được sử dụng ngoại hối theo quy định tại Thông tư số 32/2013/TT-NHNN và Thông tư số 03/2019/TT-NHNN thì việc các bên chủ thể trong hợp đồng thỏa thuận thanh toán bằng ngoại hối sẽ bị coi là vi phạm quy định của Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013). Sự vi phạm này được đặt trong mối liên hệ với Bộ luật Dân sự năm 2015 thì không bị coi là vô hiệu, bởi Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định rõ ràng: “Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu”. Đối chiếu với quy định này thì quy định cấm giao dịch thanh toán bằng ngoại tệ là quy định trong pháp lệnh mà không phải là quy định của luật. Nếu giao dịch vi phạm pháp lệnh về ngoại hối được các bên xác lập trước thời điểm Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực pháp luật, tức là được xác lập trước ngày 01/01/2017 thì căn cứ điểm b khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015 để giải quyết, đó là “giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật này”. Hợp đồng do các bên xác lập trong trường hợp này không thể bị tuyên bố vô hiệu nữa. Tuy nhiên, nếu các bên vẫn thực hiện thì sẽ áp dụng hình thức xử phạt hành chính quy định tại Điều 23 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Thực tế còn cho thấy, có một số trường hợp, các bên chủ thể trong hợp đồng sử dụng ngoại tệ khi giao dịch nhưng không dùng ngoại tệ để thanh toán, nghĩa là ngoại tệ được sử dụng làm phương tiện quy đổi sang tiền Việt Nam. Quy định pháp luật hiện hành và hướng giải quyết của Tòa án đều thừa nhận hợp đồng vẫn có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, tỷ giá để quy đổi thành tiền Việt Nam được xác định như thế nào thì pháp luật không quy định rõ. Vì vậy, trong quá trình giải quyết tranh chấp liên quan đến vấn đề này, Tòa án đã phải thực hiện theo một trong các phương hướng sau:
(i) Nếu các bên trong hợp đồng tự thỏa thuận với nhau về tỷ giá giữa ngoại tệ với tiền Việt Nam thì Tòa án ưu tiên áp dụng thỏa thuận đó. Ví dụ: Bản án số 09/2019/DS-PT của Tòa án nhân dân huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang ngày 27/3/2019 về tranh chấp kiện đòi tài sản và yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu. Theo bản án này, anh Kim Ngọc T (nguyên đơn) cho chị Trần Thị H (bị đơn) vay một số tiền với nhiều lần như sau: Lần 01 vào ngày 22/8/2011 chị H nhận số tiền 12.000.000 đồng; lần 02 ngày 17/10/2011 chị H nhận số tiền 30.000.000 đồng; lần 03 ngày 25/10/2011 chị H nhận số tiền 38.000.000 đồng; lần 04 ngày 26/02/2011 chị H nhận số tiền 29.000.000 đồng; lần 05 ngày 10/12/2011 chị H nhận số tiền 8.000 USD (tám nghìn đô la Mỹ); lần 06 ngày 22/10/2011 chị H nhận số tiền 80.000.000 đồng; lần 07 ngày 20/2/2012 chị H nhận số tiền 59.000.000 đồng; lần 08 ngày 01/02/2012 chị H nhận số tiền 3.000 USD (ba nghìn đô la Mỹ). Tổng số tiền chị H đã nhận là 248.000.000 đồng (hai trăm bốn mươi tám triệu đồng) tiền Việt Nam và 11.000 USD (mười một nghìn đô la Mỹ). Trong quá trình kinh doanh, anh T đã đòi chị H trả tiền rất nhiều lần, nhưng chị H không trả. Hai bên xảy ra tranh chấp và vụ việc được giải quyết tại Tòa án nhân dân huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Căn cứ vào nội dung vụ việc và các chứng cứ có liên quan, Tòa án khẳng định giao dịch bằng ngoại tệ với số tiền là 11.000 USD là giao dịch dân sự vô hiệu căn cứ vào Điều 22 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 và Điều 29 Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Ngoại hối. Tòa án yêu cầu chị H phải trả cho anh T số tiền 11.000 USD đổi sang tiền Việt Nam. Tại thời điểm xét xử sơ thẩm ngày 27/3/2019, theo thông tin tỷ giá đồng đô la Mỹ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam niêm yết thì tỷ giá hối đoái giữa đồng đô la Mỹ sang tiền Việt Nam là 1 USD = 23.160 đồng Việt Nam. Do việc anh T tự nguyện thỏa thuận 1 USD = 20.000 đồng Việt Nam, không cao hơn so với giá hiện tại, lại có lợi cho chị H, nên Hội đồng xét xử đã chấp thuận sự thỏa thuận này. Vậy chị H có trách nhiệm trả lại cho anh T số tiền 248.000.000 đồng Việt Nam + 11.000 USD (= 220.000.000 đồng Việt Nam) = 468.000.000 đồng Việt Nam[5].
(ii) Trong trường hợp các bên không có sự thỏa thuận về tỷ giá ngoại tệ với tiền Việt Nam, Tòa án sẽ phải xác định thời điểm hợp lý để tính giá quy đổi giữa ngoại tệ với tiền Việt Nam. Ví dụ: Theo Quyết định số 06/2012/KDTM-GĐT ngày 30/5/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, giữa Công ty An Bình và Công ty Hà Anh ký hợp đồng mua bán hàng hóa là sắn khô, đơn giá và giá trị thanh toán được thể hiện trong hợp đồng là tiền đô la Mỹ và không đề cập đến tỷ giá USD. Quá trình giải quyết vụ việc này không có đầy đủ căn cứ để kết luận hợp đồng giữa các bên vô hiệu. Tuy nhiên, hợp đồng hai bên ký kết lại không thể hiện tỷ giá quy đổi giữa USD với tiền Việt Nam nhưng trong hóa đơn Công ty An Bình phát hành cho Công ty Hà Anh lại tính bằng USD trên cơ sở quy đổi tỷ giá giữa USD và tiền Việt Nam. Tỷ giá quy đổi được thể hiện trong hóa đơn là tỷ giá tại thời điểm viết hóa đơn, không phải tỷ giá tại thời điểm thanh toán mà các bên đã thừa nhận trong biên bản đối chất tại phiên tòa. Thực tế, tỷ giá tại thời điểm phát hành hóa đơn và tỷ giá tại thời điểm thanh toán thường khác nhau, có thể chênh lệch một khoản tiền lớn. Bên phải thanh toán muốn xác định tỷ giá ở thời điểm phát hành hóa đơn, còn bên nhận thanh toán lại muốn xác định tỷ giá ở thời điểm thanh toán. Vụ việc này được Tòa án giải quyết trên cơ sở tỷ giá tại thời điểm thanh toán nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho các bên[6].
Tuy còn tồn tại một vài hạn chế, nhưng quy định pháp luật liên quan đến việc sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán đã có sự thay đổi tích cực, góp phần giảm bớt một số lượng đáng kể hợp đồng do các chủ thể xác lập bị tuyên bố vô hiệu, đặc biệt là sau khi Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành. Những quy định này cần tiếp tục được duy trì, bổ sung, hoàn thiện nhằm thúc đẩy hơn nữa sự ổn định và phát triển của giao lưu dân sự nói chung và hoạt động thương mại nói riêng trong thời gian tới.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng liên quan đến hình thức hợp đồng trong hoạt động thương mại hiện nay
Xu hướng sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán quy đổi sang tiền Việt Nam được nhiều chủ thể hợp đồng lựa chọn. Pháp luật hiện hành không tuyên bố hợp đồng vô hiệu trong trường hợp này, nhưng cũng chưa có quy định cụ thể để xác định tỷ giá ngoại tệ với tiền Việt Nam, gây ra không ít khó khăn trong thực tiễn xét xử của Tòa án. Vì vậy, tác giả xin đưa ra một vài kiến nghị để bổ sung các vấn đề có liên quan Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) như sau:
Thứ nhất, nếu các bên tranh chấp hợp đồng tự thỏa thuận được tỷ giá quy đổi giữa ngoại tệ với tiền Việt Nam thì pháp luật công nhận sự thỏa thuận đó. Trong quá trình giải quyết vụ việc cụ thể, một số Tòa án cũng đã giải quyết theo hướng công nhận sự tự thỏa thuận của các bên. Điều này là phù hợp với thực tiễn, tuy nhiên, việc công nhận sự tự thỏa thuận này cần phải dựa vào tỷ giá quy đổi ngoại tệ sang tiền Việt Nam mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố. Nếu các bên giao kết hợp đồng thỏa thuận mức quy đổi thấp hơn tỷ giá quy đổi của Ngân hàng Nhà nước thì các cơ quan tài phán nên chấp nhận sự tự thỏa thuận này. Trong trường hợp sự tự thỏa thuận giữa các bên về tỷ giá quy đổi cao hơn mức quy đổi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì các cơ quan tài phán cần ra phán quyết các bên phải tuân theo mức quy đổi mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố tại thời điểm thanh toán. Quy định này có tác dụng tránh được sự nâng giá trong thỏa thuận quy đổi giữa các bên, gây ảnh hưởng xấu đến quyền, lợi ích của các bên, đặc biệt là đối với bên phải thực hiện nghĩa vụ phải thanh toán.
Thứ hai, nếu các bên tranh chấp không thỏa thuận được tỷ giá quy đổi ngoại tệ với tiền Việt Nam mà xảy ra tranh chấp, văn bản pháp lý về ngoại tệ cần được quy định theo hướng “việc quy đổi ngoại tệ thành tiền Việt Nam sẽ được thực hiện theo tỷ giá tại thời điểm thanh toán”. Tác giả đã phân tích trường hợp các bên tranh chấp xác định giá quy đổi thanh toán được thực hiện vào thời điểm viết hóa đơn, nhưng Tòa án không thừa nhận bởi giá quy đổi tại thời điểm viết hóa đơn với thời điểm có tranh chấp là khác nhau, có sự chênh lệch một khoản tiền khá lớn. Vì vậy, khi giải quyết tranh chấp, Tòa án đã theo hướng các bên phải thanh toán cho nhau giá quy đổi tại thời điểm thanh toán, dựa trên tỷ giá quy đổi ngoại tệ với tiền Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước công bố. Tác giả đồng tình với hướng giải quyết của Tòa án bởi đồng tiền có sự thay đổi giá trị theo thời gian; việc con nợ chậm trễ trong việc thanh toán thường dẫn đến thiệt hại cho chủ nợ vì giá trị đồng tiền bị giảm sút do lạm phát. Vì vậy, việc quy đổi ngoại tệ sang tiền Việt Nam được thực hiện theo tỷ giá tại thời điểm thanh toán là hợp lý. Liên quan đến vấn đề này khoản 2 Điều 7:108 Bộ nguyên tắc châu Âu năm 1998 về hợp đồng cũng giải quyết trường hợp này theo hướng “sử dụng tỷ giá ở thời điểm nghĩa vụ thanh toán đến hạn” (tức đến thời điểm phải thanh toán). Như vậy hướng giải quyết tranh chấp liên quan đến việc thanh toán bằng ngoại tệ ở Việt Nam trong thời gian qua đã thể hiện sự tương thích với quy định của Bộ nguyên tắc Châu Âu năm 1998.
ThS. Nguyễn Thị Kim Thanh
Đại học Thương mại Hà Nội
Đại học Thương mại Hà Nội