Lời xin lỗi của một người cha
Ngày nhận được thư con từ phương Bắc xa xôi, đêm, gã chong mắt lên trần nhà. Cười rồi khóc, đảo điên. Bức thư chỉ hai dòng vỏn vẹn mà làm tim gã nhói lên từng cơn: “Chị em con mong bố về từng ngày. Con muốn được kể thành tích học tập của chị em con cho bố nghe lắm”. Nước mắt gã trào ra. Sao khi buôn “cái chết trắng” cho hàng trăm người, tim gã không nhói như thế? Sao khi đánh hộc máu đám bạn tù, gã không oằn oại như thế? Sao khi mẹ già gào khóc, bước xiêu bước vẹo khi gã bị luân chuyển từ ngoài Bắc vào Nam, gã không thấy đau?
Gã điên quá, gã cấu mạnh lên ngực như muốn móc tim của mình ra để xem nó lạnh hay nóng. Gã nhớ, khi ấy gã cuồng dại vì tiền, thật nhiều tiền. Gã nhớ, khi ấy gã muốn cho lũ nhãi ranh xăm trổ đầy mình kia một trận để biết kẻ tù phương Bắc là ai. Gã nhớ, khi ấy đôi mắt vằn đầy tia máu không nhìn mẹ mà in ngút trên màu áo giám thị...
So với đất Bình Thuận này, quê gã xa lắm. Căn nhà nhỏ trên phố Đê La Thành, Hà Nội hằng ngày đón bước chân gã về trong ánh mắt mẹ già giờ chỉ là chuyện quá vãng. Đám con thơ líu ríu. Vợ vò võ đêm thâu. 20 năm tù với gã dài đằng đẵng. 20 năm đủ tạo một kiếp người vào đời. Ngày ngày vác cuốc lao động, lên lớp học tập cải tạo không thắng nổi khát khao tự do giằng xé. Và gã tìm về nó theo cái cách của mình. “Tôi hơn thua với anh em phạm nhân cùng phân trại. Tôi đã vi phạm nội quy và bị kỷ luật. Thế rồi kể từ đó tôi cứ buông trôi, trượt dài như chiếc xe lao xuống dốc không phanh”.
Một gã tù miền Bắc quậy tung trời, gã không muốn bất cứ ai xem thường gã. Như con ngựa bất kham, 15 năm trời gã vi phạm nội quy liên tục. Bị tra chân vào cùm, bị nhốt riêng trong buồng tối, gã vẫn ương ngạnh. Để đến một ngày, sau một lần nổi loạn tưng bừng, gã bị chuyển trại. Nhìn từng gốc cây, ngọn cỏ của Phân trại số 5 thu nhỏ sau chấn song xe, gã ngẩn người: “Không lẽ cuộc đời mình cứ thế này mãi sao? Không chốn nào cho mình dung thân sao?”.
Gã bước chân vào Phân trại số 4. Lòng trống rỗng. Bước chân đeo chì. Những ánh mắt lạ nhìn gã. Ánh mắt đưa ra lời chào, nụ cười vỗ về. Không! Cuộc đời mình phải khác! Và đến khi nhận được thư con, gã bật khóc. Giọt nước mắt ướt nhòa trên đôi má đỏ hỏn thuở nào nay tuôn ròng trên gò má gió bụi. Gần 50 năm đời người… Lời người giám thị văng vẳng bên tai: “Hãy sống vì mọi người, đừng để mọi người phải sống vì mình”. “Sống đúng ở tuổi 47 đi Sơn”. Tờ giấy trắng, cây bút trao tay gã. Cái vỗ vai nhẹ bẫng mà gã nghe nặng trĩu tâm can. Và lá thư rụt rè từng chữ từng chữ rồi vội vàng như thể ngay sau phút đó, gã vĩnh viễn chẳng thể còn cơ hội mà viết nữa. Con chữ xô nghiêng, ào ạt gửi về cho đàn con thơ, gửi đến mẹ, gửi đến những màu áo xanh ngày đêm mệt nhoài, trăn trở vì gã: “Tôi đã được cán bộ giáo dục dành rất nhiều thời gian để động viên khuyên bảo như thấu hiểu được nỗi lòng của một phạm nhân xa xứ như tôi. Tôi thầm cảm nhận được đây là tình cảm của một con người với một con người, một người thầy với một người trò, không còn là khoảng cách của một người đang thi hành pháp luật với một người phạm tội nữa. Đã rất nhiều đêm tôi không sao ngủ được và luôn tự hỏi: “Sao tôi lại ích kỷ như vậy, sao tôi lại có thể lãng quên đi những gì quý giá nhất đang thuộc về tôi”… Một niềm mơ ước muốn làm lại, niềm mơ ước được về để hít thở không khí bốn mùa đặc trưng của miền Bắc bỗng trỗi dậy hơn bao giờ hết…”.
Lời xin lỗi của một người con “Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ”
“Mẹ ơi! Hôm nay được Ban Giám thị trại giam phát động phong trào và tạo điều kiện cho chị em phạm nhân viết thư gửi lời xin lỗi đến gia đình. Nên con xin được viết vài dòng chữ gửi đến mẹ. Mong mẹ hãy hiểu cho nỗi lòng của con và tha thứ cho đứa con lỗi lầm của mẹ”.
Đã hơn 20 năm trôi qua kể từ ngày con được ra đời trong vòng tay yêu thương của mẹ. Vậy mà chưa một ngày nào con đền đáp được công ơn nuôi dưỡng của mẹ dành cho con, chưa một lần nào con mang niềm vui và niềm hạnh phúc đến cho mẹ. Thay vào đó, con lại mang bao nhiêu đau khổ và phiền muộn đến cho mẹ. Con biết rằng, mẹ đã chịu nhiều áp lực và mệt mỏi vì gia đình suốt bao nhiêu năm qua. Gánh nặng trên vai mẹ ngày càng nặng hơn theo năm tháng vì mẹ phải thay thế ba trở thành trụ cột trong gia đình. Nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” đã làm mẹ mệt mỏi. Rồi từ đó, mẹ đã không quan tâm đến chúng con như bao bà mẹ khác. Từ một đứa trẻ với tuổi thơ ngoan hiền, con đã lớn lên trong sự mặc cảm với bạn bè và mọi người xung quanh. Mỗi lần nhìn bạn bè được ba, mẹ yêu thương, chăm sóc, dạy bảo, rồi quan tâm đến từng nét chữ, từng bài vở, được sống trong một gia đình hạnh phúc và ấm cúng, mà con thèm được một lần như họ. Chính vì lối suy nghĩ sai lầm, chỉ biết đến bản thân mình, chỉ vì một phút ham chơi không nghe lời mẹ nên đã làm thay đổi cuộc đời con. Để giờ đây con đã rơi vào vòng lao lý, giờ con có hối tiếc cũng muộn màng.
Thấm thoát con đã xa gia đình được 1 năm với bản án 5 năm tù, trả giá cho việc làm vi phạm pháp luật của con. Chỉ vì 1 chút nóng giận không kìm chế được bản thân mình nên con đã gieo cho người thanh niên ấy phải chịu nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. Lỗi lầm của con quá lớn, con phải gánh chịu hậu quả của con đã gây ra…”. Bức thư của người con đã được gửi đến mẹ, người mẹ sau khi đọc bức thư của con gái không thể ngăn nổi những dòng nước mắt: “Đọc những dòng thư chính con gái viết, tôi thương nó lắm. Nó đã thay đổi nhiều so với trước đây rồi. Tôi luôn mong mỏi nó cải tạo thật tốt để sớm về đoàn tụ với gia đình”.
Lời xin lỗi gửi đến người bị hại
“Tôi viết thư trong tâm trạng khó tả lắm, rất hồi hộp, căng thẳng, ngượng ngập và bồn chồn, có lẽ tâm trạng của kẻ mang tội nó vậy hay sao ấy…” - một phạm nhân thú nhận. Và họ hiểu rằng, lá thư ấy không dễ dàng gì xin được sự tha thứ của người bị hại, xoa dịu nỗi đau xé lòng của người thân. Nhưng, cánh thư là nơi sẻ chia, nơi có thể trút hết mọi nỗi niềm để nói cho thỏa lòng mình. Còn e ngại một câu nói đầu môi thì cánh thư sẽ là nơi chuyển gửi trong từng nét bút vội vã, run rẩy hay rụt rè. Và cũng chất chứa những giọt mồ hôi, những tâm huyết mà người giám thị từng ngày, từng đêm đã đổ xuống để động viên người tù cầm bút, dù có lúc tưởng như vô vọng. Hàng trăm lá thư gửi cho người bị hại rơi vào câm lặng. Nhưng còn đó những hồi âm đẫm tình người: “Qua thư, tôi hiểu những năm tháng bị truy nã, cậu ta bị khủng hoảng tinh thần, bị bạn bè xa lánh, gia đình bỏ mặc không biết đi đâu về đâu, nhiều lúc đã nghĩ đến cái chết. Nhưng lúc trên bờ vực của cái chết, nhìn vợ con nheo nhóc, cậu mới biết sự sống quý giá với mình và người khác như thế nào. Mẹ con tôi sẵn lòng tha thứ, chúng tôi không muốn gia đình cậu phải gánh thêm nỗi đau như mình. Cậu đã bán cả mảnh đất duy nhất của gia đình để đền bù cho tôi. Chúng tôi rất cảm kích, chỉ mong cậu cải tạo tốt để sớm về với gia đình xã hội”.
Và còn rất nhiều nữa những lá thư chứa chan tâm sự, sự ăn năn hối cải của những phạm nhân đã gửi lời xin lỗi đến gia đình các nạn nhân, xin lỗi đến cha mẹ, vợ chồng, anh em hoặc cơ quan đoàn thể nơi họ từng công tác hoặc sinh sống. Lấp loáng phía sau những giọt nước mắt ướt nhòe cánh thư, hy vọng đã hồi sinh…
Như Quỳnh (Nguồn trích thư: Baomoi.vn)