Abstract: On the basis of recommendations from the principles in Core Principles for effective deposit insurance systems of Basel Committee on Banking Supervision and International Association of Deposit Insurers, this paper analyzes the real situation of legal provisions with respect to deposit insurance limit in Vietnam and makes some recommendations.
Hạn mức trả bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là khoản tiền tối đa mà tổ chức BHTG phải chi trả, bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi cho người gửi tiền thuộc đối tượng được bảo hiểm tại một tổ chức tham gia BHTG khi mà tổ chức tham gia BHTG đó bị chấm dứt hoạt động và bị mất khả năng thanh toán. Chi trả BHTG là cách thức cuối cùng khi mà mọi biện pháp nhằm khôi phục cho tổ chức tham gia BHTG hoạt động bình thường không còn tác dụng. Chi trả tiền bảo hiểm là sự bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền. Việc chi trả kịp thời, thuận lợi sẽ tạo được niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống tổ chức tín dụng ngân hàng.
1. Nguyên tắc xác định hạn mức bảo hiểm tiền gửi
Tháng 6/2009, Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng (BCBS)[1] và Hiệp hội Bảo hiểm Tiền gửi Quốc tế (IADI)[2] đã xây dựng Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả và đây được xem là những nguyên tắc cơ bản mà các tổ chức BHTG trên thế giới sử dụng để đánh giá chất lượng hoạt động của BHTG. Theo Nguyên tắc thứ tám - Phạm vi bảo hiểm trong Bộ nguyên tắc này (được sửa đổi tháng 11/2014) có khuyến nghị về hạn mức BHTG như sau: “Các nhà hoạch định chính sách phải xác định rõ ràng hạn mức và phạm vi bảo hiểm tiền gửi. Phạm vi nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền nhưng phải đảm bảo có một giá trị tiền gửi đáng kể tuân theo kỷ luật thị trường. Phạm vi BHTG cần phù hợp với mục tiêu chính sách công và các đặc điểm thiết kế có liên quan của hệ thống BHTG. Hạn mức và phạm vi bảo hiểm có giới hạn và được thiết kế sao cho đáng tin cậy, để giảm thiểu rủi ro rút tiền hàng loạt và không được làm xói mòn kỷ luật thị trường. Hạn mức và phạm vi bảo hiểm tiền gửi được thiết lập sao cho phần lớn người gửi tiền ở các ngân hàng được bảo vệ đầy đủ nhưng phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi không được bảo vệ. Trong trường hợp một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi được bảo vệ, phải giảm thiểu rủi ro đạo đức bằng quy định điều tiết và giám sát chặt chẽ, cũng như bằng các đặc điểm thiết kế khác của hệ thống BHTG”.
Như vậy, theo nguyên tắc này, các tổ chức BHTG của mỗi quốc gia trên thế giới cần phải đưa ra một hạn mức phù hợp để bảo vệ phần lớn người gửi tiền tại các ngân hàng có thể bị chấm dứt hoạt động hoặc bị mất khả năng thanh toán, nhưng vẫn phải đảm bảo có một số lượng lớn tiền gửi tuân theo kỷ luật thị trường. Tuy nhiên, tùy theo đặc thù về tình hình kinh tế của mỗi quốc gia sẽ có những yếu tố làm ảnh hưởng đến việc lựa chọn hạn mức BHTG như nguồn quỹ của tổ chức BHTG, mối quan hệ giữa môi trường kinh tế và hệ thống ngân hàng, có nhiều tổ chức BHTG cùng hoạt động tại một quốc gia… Ví dụ, nếu nguồn quỹ của tổ chức BHTG hạn hẹp, cần phải giảm hạn mức BHTG, tuy nhiên, việc giảm hạn mức BHTG có thể dẫn đến nguy cơ về việc người gửi tiền sẽ rút tiền hàng loạt khi xảy ngân hàng xảy ra biến động. Vì thế, tại khoản 5 của Nguyên tắc thứ tám cũng khuyến nghị: “Hạn mức và phạm vi bảo hiểm được đánh giá lại một cách định kỳ (chẳng hạn ít nhất 05 năm một lần) để đảm bảo có thể đáp ứng các mục tiêu chính sách công của hệ thống BHTG”.
Thứ hai, cần phải xác định tỷ lệ tiền gửi có nguy cơ rủi ro cao. Các phương pháp xác định có thể mang tính kỹ thuật (chẳng hạn như giá trị chịu rủi ro hoặc xác suất đổ vỡ ngân hàng) hoặc trực tiếp hơn (như bảo hiểm được một số lượng nào đó các ngân hàng có quy mô nhỏ và vừa).
Thứ ba, sau khi xác định số tiền tối đa của các khoản tiền gửi có nguy cơ rủi ro, cần phải xác định cơ chế cấp vốn để chi trả. Các cơ quan có thẩm quyền có thể phát triển cơ chế cấp vốn để đảm bảo nguồn chi trả sẵn có. Hầu hết các cấu trúc xây dựng quỹ bao gồm sự kết hợp giữa cơ chế cấp vốn trước, cấp vốn sau và cấp vốn dự phòng khẩn cấp. Theo cơ chế cấp vốn trước, quy mô phù hợp của quỹ và các mức phí cần thiết để xây dựng quỹ theo thời gian phải được xác định. Theo cơ chế cấp vốn sau, việc xây dựng quỹ đảm bảo cần có tính thanh khoản. Tất cả các cơ chế cấp vốn cần phải tính đến các kế hoạch cấp vốn dự phòng khẩn cấp.
Để thực hiện tốt vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng; góp phần duy trì và nâng cao niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, các tổ chức BHTG trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đều rất quan tâm đến chính sách về điều chỉnh hạn mức chi trả BHTG. Điều 24 Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2013 của Việt Nam có quy định: “1. Hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. 2. Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ”. Trên thực tế, hạn mức BHTG cũng đã nhiều lần được điều chỉnh để phù hợp với sự thay đổi của nền kinh tế cũng như sự phát triển của hệ thống ngân hàng. Theo Nghị định số 89/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 của Chính phủ về bảo hiểm tiền gửi thì số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG tối đa là 30.000.000 đồng (ba mươi triệu đồng). Tuy nhiên, ngày 24/8/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2005/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/1999/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm tiền gửi, theo đó, đã điều chỉnh tăng số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi bao gồm cả gốc và lãi của một người gửi tiền (một cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp) tại một tổ chức tham gia BHTG tối đa là 50.000.000 đồng (năm mươi triệu đồng). Gần đây nhất, ngày 15/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm và đã tiếp tục tăng số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG tối đa là 75.000.000 đồng (bảy mươi lăm triệu đồng). Việc điều chỉnh này rất cần thiết để nhằm phát huy hiệu quả chính sách của BHTG và bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Trong giai đoạn kinh tế Việt Nam hiện nay, việc Chính phủ điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng là tương đối hợp lý. Đây được xem như một cam kết của Chính phủ trong thúc đẩy việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền.
Tuy nhiên, hạn mức trả tiền bảo hiểm vẫn cần tiếp tục được xem xét và xây dựng một lộ trình thích hợp hơn để có thể điều chỉnh tương xứng các khuyến nghị của IADI và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế ở Việt Nam.
Một là, với tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây, hạn mức trả tiền bảo hiểm này chưa thể bảo vệ được đa số người gửi tiền tiết kiệm, vì khi tổ chức tín dụng tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản thì người gửi tiền chỉ được chi trả tối đa là 75.000.000 đồng (bảy mươi lăm triệu đồng) là con số tương đối thấp so với thu nhập bình quân đầu người ở nước ta hiện nay – khoảng 2.385 USD, tương đương 53.500.000 đồng (năm mươi ba triệu, năm trăm ngàn đồng)[3]. Nếu căn cứ vào các nguyên tắc được khuyến nghị bởi IADI, thì hạn mức này cũng chưa được đảm bảo. Theo IADI, việc tính toán hạn mức trả tiền bảo hiểm phải tuân theo hai mục tiêu cơ bản là không quá thấp để khuyến khích người gửi tiền vào các tổ chức tín dụng và không quá cao để kiểm soát rủi ro đạo đức.
Các căn cứ để IADI tính hạn mức trả tiền bảo hiểm là: (i) GDP bình quân đầu người và các yếu tố liên quan như lạm phát, tỷ giá, niềm tin của người dân vào hệ thống tài chính; (ii) Tỷ lệ phần trăm người gửi tiền được bảo vệ toàn bộ tính trên tổng số người gửi tiền; (iii) Tỷ lệ phần trăm giá trị tiền gửi được bảo vệ toàn bộ trên tổng số giá trị tiền gửi được bảo hiểm; (iv) Mức độ rủi ro của hệ thống ngân hàng và hệ thống tài chính. IADI khuyến nghị hạn mức BHTG nên bảo vệ toàn bộ được 90% - 95% số người gửi tiền; đồng thời tỷ lệ hạn mức/GDP bình quân đầu người đạt từ 2,5 đến 5 lần. Tuy nhiên, so với GDP bình quân ở Việt Nam hiện nay là 53.500.000 đồng thì tỷ lệ này mới nằm ở mức 1,4 lần.
Hai là, hiện nay Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam vẫn đang áp dụng chính sách thu phí BHTG đồng hạng (0,15% trên tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm) đối với tất cả các ngân hàng mà không dựa trên cơ sở mức độ rủi ro của mỗi ngân hàng. Việc thu phí đồng hạng có đặc điểm dễ quản lý, dễ tính phí và thu phí. Tuy nhiên, điều này dẫn đến tình trạng người gửi tiền khó có sự phân biệt được ngân hàng nào hoạt động tốt hơn, rủi ro thấp hơn và cũng giảm bớt sự khuyến khích đối với các ngân hàng tham gia BHTG cũng cố và nâng cao hoạt động của mình.
Ba là, Điều 27 của Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2013 quy định: “Số tiền gửi của người được bảo hiểm tiền gửi bao gồm tiền gốc và tiền lãi vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm sẽ được giải quyết trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật”. Theo đó, khi ngân hàng lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán tiền gửi cho người gửi tiền hoặc bị phá sản, thì ngoài khoản chi trả bảo hiểm của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, người gửi tiền sẽ nhận được tiền từ hoạt động thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng đó khi bị phá sản. Các tài sản của ngân hàng đó sẽ được ưu tiên tiến hành chi trả cho chủ nợ là các khoản vay đặc biệt đầu tiên, thứ hai là người gửi tiền, thứ ba là các tổ chức tín dụng trên thị trường liên ngân hàng, thứ tư là đối tượng được xét duyệt chi trả là người sở hữu trái phiếu ngân hàng, thứ năm là các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ và thứ sáu là các cổ đông của ngân hàng đó[4]. Tuy nhiên, việc tiến hành phá sản và thanh lý tài sản của một tổ chức tín dụng sẽ mất một khoảng thời gian rất dài và khoản tiền gửi người gửi tiền nhận được sớm nhất vẫn là khoản mà Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chi trả.
Trên cơ sở đó, để hạn chế tối đa rủi ro cho người gửi tiền, chúng ta có thể áp dụng một số giải pháp sau đây:
- Cần phải có cơ chế đánh giá về hạn mức trả tiền bảo hiểm ít nhất là 05 năm một lần theo khuyến nghị của IADI kể từ ngày được điều chỉnh theo luật định nhằm bảo vệ kịp thời lợi ích của người gửi tiền và góp phần xây dựng hệ thống ngân hàng ổn định, lành mạnh.
- Cần xem xét và tuân thủ theo Nguyên tắc thứ tám với các tiêu chí cơ bản về hạn mức trong Bộ Nguyên tắc cơ bản phát triển mô hình BHTG hiệu quả của IADI.
- Cần phải nâng cao năng lực tài chính của tổ chức BHTG, thông qua việc xem xét tăng phí bảo hiểm tiền gửi.
- Cần phải xem xét để chuyển đổi qua phương pháp tính phí BHTG theo mức độ rủi ro. Vì với mức độ tăng trưởng tiền gửi được bảo hiểm như hiện nay thì quỹ vốn của tổ chức BHTG khó có thể đáp ứng được việc xử lý khi ngân hàng đổ vỡ. Bên cạnh đó, sau một thời gian hoạt động, tổ chức BHTG đã tích lũy đủ nguồn lực, kinh nghiệm để có khả năng đánh giá, xếp hạng, phân loại tổ chức tham gia BHTG một cách phù hợp. Việc thu phí BHTG theo mức độ rủi ro sẽ nâng cao động lực quản trị rủi ro, đảm bảo sự công bằng cho các tổ chức tham gia BHTG, góp phần nâng cao sự an toàn của hệ thống tài chính ngân hàng.
1. Basel Committee on Banking Supervision.
2. International Association of Deposit Insurers.
3. Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2017, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
4. Điều 11 Thông tư số 24/2017/TT-NHNN ngày 29/12/2017.