Sự việc trên có thể xuất phát từ các nguyên nhân: Thứ nhất, cơ hội tiếp cận sách đối với trẻ em, đặc biệt trẻ em nghèo vẫn còn khó khăn. Mặc dù chúng ta đã xây dựng hàng loạt các thư viện xã, phường, nhưng tính hiệu quả còn chưa cao. Sách thì cũ kĩ, thiếu cập nhật, thiếu đa dạng, không phù hợp với thị hiếu, còn quy trình mượn sách thì khó khăn, thư viện diện tích nhỏ hẹp, bàn ghế ọp ẹp là thực trạng ở nhiều nơi. Trong khi đó, các nhà sách tư nhân hiện nay đã có sẵn cơ sở vật chất, bắt nhanh thị hiếu của người đọc. Vậy tại sao chúng ta không thử nghiệm mô hình “Nhà nước và dân cùng làm” như là xây dựng thư viện kết hợp với nhà sách tư nhân? Thứ hai, giáo dục đạo đức của chúng ta không hiệu quả. Phương pháp giảng dạy đạo đức còn giáo điều, mơ hồ, cứng nhắc và mang tính khẩu hiệu. Chẳng hạn, chúng ta dạy trẻ rằng: “Ăn cắp là xấu” hay “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”. Tức là chúng ta chỉ áp đặt với trẻ rằng, làm điều A, B là xấu hoặc phải làm điều C, D mới là tốt. Trong khi đó, người lớn không giải thích cho chúng tại sao nó xấu, tại sao nó tốt và hệ quả của hành động đó là gì. Chính người lớn chúng ta đang đòi hỏi quyền dân chủ, đòi Nhà nước phải giải thích cho chúng ta những thắc mắc vì sao phải đóng thuế, vì sao phải tôn trọng luật giao thông... Chỉ khi hiểu được vấn đề, hiểu được sự cần thiết hoặc nguy hại của nó, thì mọi người mới tự nguyện hành động và hành động đúng đắn. Trẻ em cũng vậy, các em cũng có quyền được biết tại sao cha mẹ, thầy cô giáo bắt buộc chúng phải làm hoặc không được làm điều gì đó. Nếu được giải thích và dạy dỗ kỹ càng, chúng sẽ nhớ, sẽ hiểu và tự hành động một cách có chuẩn mực.
Trên thực tế, hành động của những nhân viên nhà sách đã đi quá xa, cho dù việc dạy cho trẻ em biết hậu quả của ăn cắp là cần thiết. Nhưng đáng lẽ ra, họ có thể khuyên bảo, thậm chí yêu cầu em viết bản kiểm điểm hoặc cam kết. Nếu với hành vi vi phạm nhiều lần, thì có thể thông báo với gia đình hoặc nhà trường – những người có trách nhiệm chính trong việc giáo dục trẻ – để họ có biện pháp xử lý đúng mức. Tại sao họ lại dùng biện pháp hành hạ một đứa trẻ để rồi ngụy biện đó là một “phương pháp giáo dục”?
Trẻ em sai có thể là do chúng còn nhỏ dại, nhận thức chưa chín chắn hoặc chưa được giáo dục rằng đó là điều sai trái. Bác Hồ đã viết: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn /Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Chúng ta – những người lớn – nên cố gắng tìm cách tạo ra môi trường tốt và có phương pháp dạy dỗ trẻ em một cách phù hợp, hơn là bàn tán và chỉ trích sự việc đã xảy ra như hiện nay.
Thanh Vân