Hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh đặc biệt, có tính đặc thù của hệ thống tổ chức kinh doanh ở nước ta. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, cùng với các loại hình kinh doanh khác, hộ kinh doanh ngày càng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của hộ kinh doanh của Việt Nam hiện nay chưa phát huy được hết các tiềm năng của mình, còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh như: Quy mô nhỏ; vốn ít; công nghệ lạc hậu; sức cạnh của hàng hóa thấp... Nguyên nhân do hộ kinh doanh chưa có kinh nghiệm trong nền kinh tế thị trường; chưa năng động, sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, cũng do chưa có một hệ thống khung pháp lý rõ ràng, ổn định từ phía Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho hộ kinh doanh phát huy hết khả năng của mình.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay, kinh tế hộ kinh doanh là một lực lượng quan trọng, có vai trò đáng kể trong việc tạo ra của cải vật chất, hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, trực tiếp đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động và giải quyết các vấn đề xã hội khác. Dù hoạt động kinh tế dưới hình thức hộ kinh doanh trong thời gian qua đã đóng góp quan trọng vào ngân sách nhà nước nhưng vẫn chưa tương xứng với quy mô phát triển. Do vậy, Nhà nước cần có những giải pháp nhằm thay đổi về cơ chế, chính sách quản lý đối với hình thức kinh doanh này để thúc đẩy sự phát triển, loại bỏ những bất cập trong công tác quản lý, giám sát, hạn chế tối đa sự thất thu cho nền kinh tế và ngân sách nhà nước.
1. Khái niệm hộ kinh doanh
Việc nghiên cứu kinh tế hộ gia đình bắt đầu từ hộ gia đình nông dân, sau đó mở rộng ra hộ gia đình nói chung. Có thể nói, người đầu tiên xây dựng lý thuyết về kinh tế gia đình nông dân là nhà kinh tế học người Nga Alexander Chayanov. Ông cho rằng hộ gia đình nông dân là một đơn vị kinh tế cơ sở vừa là một đơn vị sản xuất, vừa là một đơn vị tiêu dùng. Hộ nông dân là một doanh nghiệp không dùng lao động làm thuê, chỉ sử dụng lao động gia đình. Theo ông, đó là các khái niệm kinh tế thông thường không thể áp dụng cho hình thức kinh doanh hộ gia đình.
Ở Việt Nam, hộ kinh doanh được gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau như: Tổ chức tiểu sản xuất hàng hóa, hộ kinh doanh cá thể, tiểu chủ, hộ tiểu thủ công nghiệp… các tên gọi này cũng thay đổi theo từng thời kỳ và quan niệm hộ kinh doanh tồn tại như một hình thức kinh tế sản xuất hàng hóa nhỏ như hộ gia đình cũng dần bị thay đổi. Cụ thể:
Theo quy định của Nghị định số 27-HĐBT ngày 09/3/1988 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành bản quy định về chính sách đối với kinh tế cá thể, kinh tế tư doanh sản xuất công nghiệp, dịch vụ công nghiệp xây dựng, vận tải (Nghị định số 27-HĐBT), các đơn vị kinh tế cá thể, kinh tế tư doanh được xem là các đơn vị kinh tế tự quản có tư liệu sản xuất và các vốn khác, tự quyết định mọi vấn đề sản xuất kinh doanh, tự chịu trách nhiệm về thu nhập, lỗ lãi. Các đơn vị kinh tế này được tổ chức theo hình thức: Hộ cá thể, hộ tiểu công nghiệp, xí nghiệp tư doanh.
Đặc biệt, sau khi Luật Doanh nghiệp năm 1999 được ban hành thì “hộ cá thể” được đổi tên thành “hộ kinh doanh cá thể” và được ghi nhận tại Nghị định số 02/2000/NĐ-CP ngày 03/02/2000 và Nghị định số 109/2004/NĐ-CP ngày 02/4/2004 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh. Theo đó, hộ kinh doanh cá thể được định nghĩa: “Hộ kinh doanh cá thể do một cá nhân hoặc hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng không quá mười lao động, không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh”.
Đến khi Luật Doanh nghiệp năm 2005 ra đời thì một lần nữa sửa đổi tên “hộ kinh doanh cá thể” thành “hộ kinh doanh” và được định nghĩa tại Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh, sau đó được thay thế bằng Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp (Nghị định số 43/2010/Đ-CP). Theo đó: “Hộ kinh doanh do một cá nhân là công dân Việt Nam hoặc một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng không quá mười lao động, không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh”. Như vậy, so với quy định trước đây thì Nghị định số 43/2010/NĐ-CP đã thu hẹp phạm vi hộ kinh doanh, hộ kinh doanh nếu là cá nhân làm chủ thì phải là công dân Việt Nam.
Luật Doanh nghiệp năm 2014 ra đời thay cho Luật Doanh nghiệp năm 2005 mặc dù vẫn dùng thuật ngữ “hộ kinh doanh” nhưng tại Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp (Nghị định số 78/2015/NĐ-CP) lại có một khái niệm khác hơn trước. Cụ thể, Điều 66 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP quy định: “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh”. Như vậy, so với Nghị định số 43/2010/NĐ-CP thì Nghị định số 78/2015/NĐ-CP tiếp tục thu hẹp lại chủ thể của hộ kinh doanh. Chủ thể là cá nhân hay nhóm cá nhân đều phải là công dân Việt Nam và phải đủ 18 tuổi, có đủ năng lực hành vi dân sự thì mới được phép đăng ký hộ kinh doanh. Từ định nghĩa có thể hiểu, hộ kinh doanh được chia thành ba loại căn cứ vào chủ thể tạo lập ra nó: (i) Hộ kinh doanh do một cá nhân làm chủ, cá nhân này phải là công dân Việt Nam và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; (ii) Hộ kinh doanh do một nhóm người làm chủ, những người này phải là công dân Việt Nam và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; (iii) Hộ kinh doanh do hộ gia đình làm chủ.
Như vậy, theo Luật Doanh nghiệp năm 2014: “Hộ kinh doanh là cá nhân kinh doanh, cũng có thể là hộ gia đình kinh doanh hoặc là một nhóm người cùng nhau góp vốn, công sức để kinh doanh”. Bên cạnh đó, Nghị định số 78/2015/NĐ-CP cũng quy định đối với hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp mặc dù không đăng ký kinh doanh nhưng vẫn được xem là hộ kinh doanh.
2. Thực trạng hoạt động hộ kinh doanh tại Việt Nam
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 của Đảng ta xác định việc thực hiện đường lối đổi mới kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế là tất yếu, trong đó có thành phần kinh tế cá thể. Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII năm 1991 tiếp tục khẳng định: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế nhiều thành phần, thành phần kinh tế chủ yếu trong thời kỳ quá độ ở nước ta là kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân và kinh tế tư bản nhà nước…”. Các thành phần kinh tế này tồn tại khách quan tương ứng với tổ chức và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Đặc biệt, kinh tế cá thể là những đơn vị kinh tế mà hoạt động sản xuất, kinh doanh dựa vào nguồn vốn và sức lao động của từng hộ là chủ yếu. Thành phần kinh tế cá thể tuy chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng ngày càng phát triển, chiếm một vị trí xứng đáng trong nền kinh tế quốc dân.
Sau đổi mới, cùng với sự chuyển biến to lớn của nền kinh tế, các thành phần kinh tế nước ta từng bước phát triển và ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong nền kinh tế nhiều thành phần dưới sự quản lý của Nhà nước. Đặc biệt, kinh tế cá thể không những tạo ra một lượng sản phẩm không nhỏ trong tổng sản phẩm xã hội mà nguồn thu từ thành phần kinh tế này còn đóng góp vào ngân sách nhà nước chiếm một tỷ trọng tương đối lớn; đồng thời, thu hút được một lực lượng lớn lao động nhàn rỗi, đáp ứng các yêu cầu của xã hội mà thành phần kinh tế quốc doanh chưa bảo đảm hết; tạo thu nhập và từng bước góp phần nâng cao đời sống của các tầng lớp nhân dân thành thị và nông thôn.
Kinh tế cá thể phát triển và hoạt động trong mọi ngành nghề sản xuất, giao thông vận tải, thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ… Đặc điểm của thành phần kinh tế cá thể là dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, người chủ kinh doanh có quyền tự quyết định quá trình hoạt động kinh doanh của mình từ khâu sản xuất, phân phối đến tiêu thụ sản phẩm. Nhìn chung, hoạt động kinh tế cá thể mang tính tự chủ cao, tự tìm kiếm nguồn lực, vốn, sức lao động. Đặc biệt, thành phần kinh tế cá thể rất nhạy bén trong kinh doanh, dễ dàng chuyển đổi ngành nghề kinh doanh phù hợp với yêu cầu thực tế của thị trường và nền kinh tế.
Ở nước ta, thành phần kinh tế cá thể phần lớn hoạt động dưới hình thức hộ gia đình, hiện đang là một bộ phận đông đảo, có tiềm năng to lớn, có vị trí quan trọng và lâu dài. Trong những năm gần đây, thành phần kinh tế này phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, thương mại và dịch vụ, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, hoạt động kinh tế dưới hình thức hộ kinh doanh được xác định là một trong những giải pháp thoát nghèo, tạo thu nhập cho những người không có việc làm, lao động nhàn rỗi. Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, năm 2019, cả nước có khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh, ước tính tổng tài sản khoảng trên 655 nghìn tỷ đồng, tạo ra doanh thu trên 2,2 triệu tỷ đồng, nộp thuế 12.362 tỷ đồng, giải quyết được 7,945 triệu lao động[1]. Qua đó cho thấy, hộ kinh doanh mặc dù có đóng góp đáng kể vào sự phát triển của nền kinh tế, nhất là trong khâu giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động nhưng so với tiềm năng đóng góp của khu vực này vẫn còn nhiều hạn chế và chưa tương xứng với quy mô thực tế.
Chính vì vậy, Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XII) đã thống nhất quan điểm chỉ đạo phát triển hộ kinh doanh là: “Thực hiện đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, được sự đồng tình hưởng ứng tích cực của nhân dân, hộ kinh doanh đã phát triển rộng khắp trong cả nước; đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, huy động các nguồn lực xã hội vào sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, tăng ngân sách nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước. Cùng với các loại hình kinh doanh khác, sự phát triển của hộ kinh doanh đã góp phần giải phóng lực lượng sản xuất, thúc đẩy phân công lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng thêm số lượng công nhân, lao động và doanh nhân Việt Nam, thực hiện các chủ trương xã hội hóa y tế, văn hóa, giáo dục…”.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, về mặt cơ chế, chính sách, những quy định pháp luật về hoạt động của hộ kinh doanh vẫn chưa thật sự rõ ràng, đầy đủ, chi tiết và hộ kinh doanh chưa được luật hóa thành những quy định pháp luật riêng. Trong quá trình hoạt động, hộ kinh doanh vẫn còn gặp khó khăn về cơ chế như: Hỗ trợ vay vốn, số lượng lao động, quyền và nghĩa vụ của các thành viên khi tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đa số hoạt động của các hộ kinh doanh đều dưới hình thức hoạt động kinh tế gia đình, đơn giản và nhỏ lẻ, chủ yếu là lao động thủ công, chưa ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu chế biến, sản xuất và tiêu dùng. Việc liên kết, hợp tác giữa các thành viên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của hộ vẫn còn rời rạc, manh mún, đa phần các hộ đều tự thân vận động là chính. Mặt khác, trong công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát các hoạt động hộ kinh doanh vẫn còn lỏng lẻo, chưa thật sự thường xuyên, liên tục và hiện nay đang xảy ra tình trạng quản lý “mỗi nơi một kiểu”… điều này gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời gây bất lợi cho các chủ thể trong xã hội khi tham gia sản xuất, kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh; làm hạn chế sự phát triển của hoạt động sản xuất, kinh doanh, gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích nhà nước, lợi ích chung của toàn xã hội.
3. Một số giải pháp phát triển hộ kinh doanh
Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của hộ kinh doanh, nhằm giúp các hộ kinh doanh phát triển với những điều kiện thuận lợi và giúp công tác quản lý nhà nước thực hiện có hiệu quả hơn, cần quan tâm một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, hình thức hộ kinh doanh là một trong những hình thức kinh doanh phổ biến trong xã hội bởi sự đơn giản trong thủ tục thành lập và chi phí gia nhập thị trường thấp. Thành lập hộ kinh doanh cũng cho phép người thành lập được chủ động, độc lập hoàn toàn trong việc đưa ra các quyết định trong phạm vi hoạt động kinh doanh của mình. Chủ hộ kinh doanh chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của hộ kinh doanh. Như vậy, sự hình thành và phát triển mô hình hộ kinh doanh là tuân theo quy luật vận động tự nhiên của nền kinh tế, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của hoạt động đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động thực tiễn hộ kinh doanh vẫn còn một số hạn chế nhất định về vốn, lao động, về quyền và nghĩa vụ của chủ thể kinh doanh... Chính vì vậy, pháp luật Việt Nam cần ban hành những quy định pháp lý riêng về hoạt động hộ kinh doanh nhằm bảo đảm việc thực thi có hiệu quả các chính sách quản lý nhà nước đối với hình thức kinh doanh này.
Thứ hai, hoạt động kinh tế của hộ kinh doanh trong thực tế phát triển rất đa dạng, phong phú, đủ các ngành, nghề và cần phải được quy hoạch tổng thể, có kế hoạch phát triển lâu dài gắn với phát triển kinh tế tập thể và quốc doanh trên cơ sở sắp xếp, bố trí, điều chỉnh lao động một cách hợp lý nhằm khai thác tối đa các tiềm năng về tự nhiên (đất đai, ao hồ, biển, làng nghề…), lao động (lao động chính và nhàn rỗi), nguồn vốn trong gia đình và thành viên tham gia.
Thứ ba, hoạt động kinh tế hộ kinh doanh phải trở thành hoạt động kinh tế hàng hóa thị trường trên cơ sở triển khai và ứng dụng có hiệu quả những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn với thị trường tiêu thụ ở từng vùng, từng khu vực và phục vụ cho xuất khẩu.
Thứ tư, hình thức hộ kinh doanh không chỉ phát triển ở nông thôn mà còn ở cả thành phố, thị xã, thị trấn, đồng thời ở các khu vực quốc doanh, tập thể. Phát triển kinh tế hộ kinh doanh gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, phát triển tiểu thủ công nghiệp, phát triển các ngành nghề thu hút lao động, giải quyết công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên cơ sở khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống ở địa phương từng vùng như: Dệt chiếu, đan lát, may mặc, thêu đan, nghề mộc…
Thứ năm, để hoạt động của hộ kinh doanh đạt hiệu quả thì các chủ thể khi tham gia hoạt động kinh doanh cần có kế hoạch, phương hướng hoạt động hàng năm, lập sổ thu chi hàng tháng để theo dõi, dự phòng nguồn vốn sản xuất và tái sản xuất; tăng cường liên kết, hợp tác giữa các thành viên để hỗ trợ nhau về vốn, lao động và kỹ thuật trên tinh thần tương trợ xã hội chủ nghĩa, nhất là đầu tư hỗ trợ vốn, kỹ thuật phục vụ sản xuất kinh doanh đối với những hộ không có khả năng.
Thứ sáu, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động kinh tế hộ kinh doanh cũng như thường xuyên hướng dẫn và khuyến khích các hộ phát triển sản xuất kinh doanh theo định hướng phát triển kinh tế chung của Nhà nước. Qua đó, giúp Nhà nước kiểm tra, kiểm soát hiệu quả hoạt động các ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh trong thực tiễn; giúp các cơ quan quản lý kinh tế có những định hướng phát triển ngành, nghề kinh doanh phù hợp với từng địa phương, khu vực, bảo đảm sự công bằng xã hội và phát triển bền vững của nền kinh tế.
Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ