Về nguyên tắc, mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam và Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp. Tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp không bị quốc hữu hóa, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính (khoản 2, khoản 3 Điều 5 Luật Doanh nghiệp năm 2014). Việc quy định địa vị pháp lý của doanh nghiệp theo hướng minh bạch hóa và công khai hóa có tác động lớn đến sự tồn tại, cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Hiện nay, việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là cần thiết bởi các doanh nghiệp đang ở trong giai đoạn tự thân vận động, yếu thế, dễ bị tổn thương. Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp này lại chưa nhận được sự hỗ trợ thích đáng từ nhiều phía. Các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn, thiếu thông tin, thiếu mặt bằng để sản xuất, kinh doanh, thiếu kinh nghiệm quản lý, vận hành doanh nghiệp… Việc hỗ trợ doanh nghiệp này cũng có tác động tích cực đến môi trường kinh doanh. Bởi suy cho cùng, mối liên hệ giữa doanh nghiệp và môi trường kinh doanh được xem là mối quan hệ hai chiều. Một mặt, môi trường kinh doanh tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp tận dụng các thuận lợi đó thì sẽ dễ dàng hoạt động hơn, ngược lại, nó cũng có những ràng buộc đè nặng lên doanh nghiệp kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp nếu như doanh nghiệp không có sự thích ứng với môi trường. Mặt khác, doanh nghiệp cũng có những tác động lên môi trường kinh doanh có thể gây dựng nên những phản ứng tích cực cho môi trường như tạo việc làm, đóng góp ngân sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, nó cũng có thể hủy hoại môi trường kinh doanh của doanh nghiệp bằng sự ô nhiễm, gây ra nạn thất nghiệp, hoặc các tác động tiêu cực khác.
Quyền của doanh nghiệp là bộ phận cấu thành nên địa vị pháp lý của doanh nghiệp, các quy định về quyền ghi nhận các khả năng hành xử trên thị trường của doanh nghiệp. Từ lý thuyết, khi được thành lập hợp pháp, doanh nghiệp đựợc gọi là tổ chức kinh tế và được pháp luật định hình bởi cấu trúc quản lý, chức năng riêng biệt. Chức năng được xác định bởi các quyền mà pháp luật quy định, từ đó hình thành tư cách chủ thể cho doanh nghiệp trên thị trường[2].
Khi Luật Doanh nghiệp năm 2014 được thông qua, các quy định về quyền cơ bản của doanh nghiệp cũng có những thay đổi và mở rộng hơn. Theo đó, một doanh nghiệp có các quyền cơ bản như sau:
Một là, tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm.
Hai là, tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.
Ba là, lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn. Việc lựa chọn mô hình kinh doanh là một trong những điều kiện quyết định tới việc huy động vốn và phương thức sử dụng huy động vốn của công ty. Đồng thời, trong quá trình hoạt động của mình, việc phân bổ vốn cho những hạn mục nào do chính doanh nghiệp quyết định. Có thể nói, đây là hoạt động chính điển hình thể hiện quyền tự chủ về mặt tài chính của doanh nghiệp, tức tiền của doanh nghiệp thì quyền quyết định thuộc về doanh nghiệp.
Bốn là, chủ động tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng. Đây là một quyền chủ động của công ty khi tiến hành hoạt động kinh doanh, làm cho việc kinh doanh của doanh nghiệp được hoạt động hiệu quả hơn. Theo quy định này, một doanh nghiệp để tồn tại và thu được lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh thì phải “tự thân vận động”.
Năm là, kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu. Không chỉ kinh doanh hoạt động trong nước mà doanh nghiệp còn có toàn quyền quyết định tới việc kinh doanh của mình ra nước ngoài. Đây là một thị trường tiềm năng, nơi mà các doanh nghiệp có thể thỏa sức tìm kiếm đối tác cho mình.
Tuy nhiên, hiện nay hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế về số lượng cũng như về lĩnh vực hoạt động. Trong khi các doanh nghiệp trong nước đa phần là nhập khẩu hàng hóa từ ngoài nước, còn hoạt động xuất khẩu thu ngoại tệ chỉ tập trung ở mảng các mặt hàng nông sản.
Sáu là, tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo yêu cầu kinh doanh.
Bảy là, chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh.
Tám là, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp.
Chín là, từ chối yêu cầu cung cấp nguồn lực không theo quy định của pháp luật.
Mười là, khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Khi mà có những hành vi xâm hại tới lợi ích của doanh nghiệp thì doanh nghiệp có toàn quyền trong việc khiếu nại, tố cáo các hành vi đó theo quy định của pháp luật có liên quan.
Mười một là, tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
Ngoài những quyền cơ bản vừa đề cập ở trên thì doanh nghiệp còn có những quyền khác theo quy định của pháp luật doanh nghiệp và những ngành luật khác có liên quan.
Quy định chung về quyền của doanh nghiệp nêu trên khi làm cơ sở để tham chiếu cho các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chúng ta nhận thấy quyền được hỗ trợ của doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được mô phỏng theo hướng cụ thể hóa. Cụ thể, các lĩnh vực doanh nghiệp được hỗ trợ theo nguyên tắc tại Điều 5 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 như sau:
“1. Việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tôn trọng quy luật thị trường, phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Bảo đảm công khai, minh bạch về nội dung, đối tượng, trình tự, thủ tục, nguồn lực, mức hỗ trợ và kết quả thực hiện.
3. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực.
4. Việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nguồn lực ngoài Nhà nước do các tổ chức, cá nhân tài trợ được thực hiện theo quy định của tổ chức, cá nhân đó nhưng không được trái quy định của pháp luật.
5. Trường hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa đồng thời đáp ứng điều kiện của các mức hỗ trợ khác nhau trong cùng một nội dung hỗ trợ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan thì doanh nghiệp được lựa chọn mức hỗ trợ có lợi nhất.
Trường hợp nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng đáp ứng điều kiện hỗ trợ theo quy định của Luật này thì ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ hơn.
6. Doanh nghiệp nhỏ và vừa được nhận hỗ trợ khi đã thực hiện đầy đủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Theo đó, các lĩnh vực được hỗ trợ bao gồm: Hỗ trợ tiếp cận tín dụng, quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ thuế, kế toán; hỗ trợ mặt bằng sản xuất; hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; hỗ trợ mở rộng thị trường; hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành.
Có thể nói, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được thông qua năm 2017 và có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2018 là văn bản pháp luật đầu tiên ở Việt Nam chuyên về vấn đề hỗ trợ loại hình doanh nghiệp này, tạo khung pháp lý có hiệu lực cao nhất hiện nay, làm căn cứ cho triển khai hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn quốc. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 đã thể hiện một cách có hệ thống, theo nhu cầu của doanh nghiệp về tám nội dung hỗ trợ chung, xác định ba trọng tâm hỗ trợ có mục tiêu, đồng thời giao nhiệm vụ rõ ràng cho các cơ quan Trung ương cũng như địa phương; tạo sự đồng bộ, thống nhất, có định hướng trọng tâm trong hỗ trợ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 được xây dựng không chỉ nhằm đến đối tượng sử dụng ngân sách nhà nước mà còn nhằm mục đích tạo khung pháp lý để khuyến khích các tổ chức ngoài nhà nước tham gia tài trợ, hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển, hình thành quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Luật cũng thể hiện quan điểm thị trường trong hỗ trợ doanh nghiệp, tức là “chỉ hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng và có tiềm năng phát triển tốt nhất trong điều kiện nguồn lực hạn chế” bởi các doanh nghiệp Việt Nam có đến trên 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó gần 60% doanh nghiệp có quy mô rất nhỏ, vốn cũng như điều kiện kỹ thuật rất lạc hậu nên hiệu quả kinh doanh chưa cao đã ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Xét về mặt thời gian, chúng ta phải mất một khoảng thời gian dài thì quyền tự do kinh doanh của công dân mới được hiến định. Đến Hiến pháp năm 2013, quyền tự do kinh doanh lại có thêm một bước tiến mới, dịch chuyển từ “tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà luật cho phép” sang “tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà luật không cấm”. Quy định này hàm chứa hai nội dung quan trọng là “mọi người có quyền tự do kinh doanh” và quyền tự do đó chỉ bị hạn chế khi “bị cấm, bị liệt kê cấm” bằng một văn bản pháp quy. Để hiện thực hóa quyền đó, hai đạo luật liên quan đến doanh nghiệp (Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2014) đã được xây dựng với cách tiếp cận về quyền tự do kinh doanh theo hướng đơn giản hóa điều kiện, thủ tục gia nhập thị trường của doanh nghiệp. Đồng thời dỡ bỏ hàng loạt hạn chế, bất cập của quy định mà cản trở doanh nghiệp, pháp luật đã mở rộng các nhóm quyền tự quyết của doanh nghiệp.
Tóm lại, việc hỗ trợ và cụ thể hóa quy định hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mà thực ra là một “phiên bản mở rộng” và cụ thể hóa tinh thần khởi tạo, hỗ trợ và coi trọng doanh nghiệp từ Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2014. Theo tác giả, đây là một hành động thiết thực, quan trọng và cần thiết cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện nay. Bởi cho dù thế nào, dưới góc độ cạnh tranh và phát triển thì “doanh nghiệp nhỏ và vừa bao giờ cũng được xem là những cánh chim cuối đàn. Tốc độ bay của đàn chim không phải phụ thuộc vào những con chim đầu đàn khỏe nhất (doanh nghiệp lớn) mà thực ra lại phụ thuộc vào chính những con chim yếu nhất ở cuối đàn”.
Đại học Đà Lạt
[1]. Tham khảo tại Wikipedia.org, truy cập ngày 11/12/2017.
[2]. Phan Ánh Hòe (2015), Giáo trình chính sách bảo vệ doanh nghiệp trong thương mại quốc tế, Nxb. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, tr.136.
[3]. Fernand Braudel (1995), Cơ năng kinh tế tư bản chủ nghĩa, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
[4]. Học viện Chính trị Quốc gia (1997), Kinh tế Chính trị, Nxb. Chính trị Quốc gia Hà Nội.
[5]. Leonard S.Silk (1993), Kinh tế học hiện đại: Những nguyên tắc và những vấn đề. Nxb. Trẻ - Tp. Hồ Chí Minh.
[6]. Lê Văn Tranh (2017), Luận giải về công ty cổ phần, Nxb. Tư Pháp.
[7]. Lester R. Broun & nnk (1995), Tín hiệu sống còn, Nxb. Khoa học & Kỹ thuật Hà Nội.
[8]. Phạm Duy Nghĩa (2004), Chuyên khảo Luật kinh tế, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
[9]. Alan Phan (2011), 42 năm làm ăn tại Mỹ và Trung Quốc, Nxb. Lao động - Xã hội.