Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Công an, cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội. Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thống nhất tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tạm giữ, tạm giam. Luật đã quy định nhiều nội dung mới quan trọng nhằm thể chế hoá các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp; đồng thời, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự; đánh dấu bước tiến mới trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật về an ninh, trật tự nói riêng; đáp ứng yêu cầu quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sau hơn 06 năm triển khai thi hành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam đã bộc lộ một số khó khăn, bất cập phát sinh từ các quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật chưa thực sự đồng bộ, chưa đáp ứng tốt nhất yêu cầu công tác tạm giữ, tạm giam đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả công tác này, cụ thể như sau: (i) Các quy định về chế độ quản lý, giám sát người bị tạm giữ, người bị tạm giam còn nhiều vướng mắc (chưa có 04 quy định cụ thể về: Chuyển giao người bị bắt theo quyết định truy nã cho cơ quan đã ra quyết định truy nã; thời điểm thực hiện các công việc để tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam; giải quyết trường hợp trước thời điểm tổ chức tiếp nhận mà người bị tạm giữ, tạm giam bị bệnh nặng cần kịp thời điều trị, cứu chữa tại cơ sở y tế; quy định về điều chuyển người bị tạm giữ, người bị tạm giam; trích xuất phục vụ công tác tạm giam, tham gia thực hiện giao dịch dân sự; chưa có quy định về thẩm quyền của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh trong điều chuyển người bị tạm giữ, người bị tạm giam từ các buồng tạm giữ của đồn Biên phòng đến các cơ sở giam giữ trong Công an nhân dân...). (ii) Chế độ, chính sách của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, của người bị kết án tử hình đang chờ thi hành án chưa thực sự hoàn thiện như: Chưa có quy định cụ thể về chế độ gửi, nhận thư, sách, báo và tài liệu của người chờ chấp hành án phạt tù, người bị kết án tử hình đang chờ thi hành án; định lượng quà là đồ ăn, uống cho mỗi lần gửi của người bị tạm giữ, người bị tạm giam còn thấp chưa phù hợp với thực tiễn; chưa có quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giam giữ đối với người bị kết án tử hình đang chờ thi hành án… ngoài ra, số lượng người bị kết án tử hình liên tục tăng, trong khi đó cơ sở vật chất, trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ để phục vụ quản lý, giam giữ tại một số trại tạm giam chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải giam giữ, mất an toàn, do đó, cần có quy định mang tính nguyên tắc về điều kiện đảm bảo các điều kiện bảo đảm phục vụ quản lý chặt chẽ đối với người bị kết án tử hình đang chờ thi hành án. (iii) Luật chưa có các quy định mang tính nguyên tắc về điều kiện đảm bảo đối với công tác thi hành tạm giữ, tạm giam như: Về bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị trong công tác thi hành tạm giữ, tạm giam; về thiết kế, thi công xây dựng các công trình giam giữ theo các quy chuẩn kỹ thuật riêng, bảo đảm tính đặc thù và an toàn tuyệt đối của các cơ sở giam giữ; về bố trí cán bộ, nhân lực và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ chiến sĩ làm công tác tạm giữ, tạm giam đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác.
Những tồn tại, khó khăn nêu trên đã ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác tạm giữ, tạm giam và đặt ra vấn đề cần sửa đổi Luật, do đó, đề nghị xây dựng Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú là cần thiết với những lý do cụ thể như sau:
Một là, mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam để bổ sung quy định về thi hành biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.
Hai là, để nâng cao hiệu quả sử dụng và vận hành cơ sở giam giữ.
Ba là, để giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
Với những lý do nêu trên thì việc nghiên cứu để sửa đổi Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam là yêu cầu cấp thiết, khách quan và bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác tạm giữ, tạm giam trong thời gian tới. Đồng thời đề xuất sửa đổi tên Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam thành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú.
Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú tập trung vào 03 chính sách, cụ thể là:
Chính sách 1: Mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật, bổ sung quy định về thi hành biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.
Chính sách 2: Nâng cao hiệu quả sử dụng và vận hành mô hình cơ sở giam giữ.
Chính sách 3: Hoàn thiện các quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam còn vướng mắc, bất cập để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định và các đại biểu một số đại biểu nhất trí đối với quan điểm đề xuất xây dựng Luật mới thay thế Luật cũ. Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc việc đưa vào Luật những nguyên tắc mang tính định hướng chung; nghiên cứu, xây dựng quy định về việc cho phép cơ quan đại diện nước ngoài được thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự với người bị tạm giam, tạm giữ là người nước ngoài theo hình thức trực tuyến trong trường hợp xảy ra dịch bệnh phức tạp hoặc các trường hợp không thể thu xếp gặp trực tiếp; cần nghiên cứu, bổ sung, làm rõ hơn tác động của 3 chính sách; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này…
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh ủng hộ sự đổi mới, cập nhật hoàn thiện pháp luật trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú. Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần phải có các đánh giá, giải thích cụ thể hơn về các vướng mắc, bất cập, làm rõ nội dung đánh giá tác động của từng giải pháp trong 03 chính sách. Để đảm bảo tính khả thi đối với đề xuất quy định bổ sung biện pháp giám sát điện tử để quản lý, giám sát chặt chẽ đối tượng, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cung cấp thêm thông tin về kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới đã áp dụng biện pháp giám sát này, trong đó tập trung cung cấp thông tin về phạm vi áp dụng, đối tượng được áp dụng, cơ chế quản lý, vận hành, giám sát biện pháp này, những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng biện pháp giám sát điện tử của các quốc gia này. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần dự toán các chi phí, đánh giá tác động xã hội, tính hiệu quả trên thực tế khi triển khai thực hiện pháp luật liên quan đến vấn đề giám sát điện tử đối với đối tượng bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú...
Hoàng Trung