Toàn cảnh buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Vụ trưởng Vụ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã báo cáo một số nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, dự thảo Nghị định gồm 07 chương, 83 điều và 04 phụ lục (gồm: Phụ lục 1 về mẫu văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước ban hành; Phụ lục 2 về mẫu văn bản quy phạm pháp luật do các chủ thể khác ban hành; Phụ lục 3 về mẫu hồ sơ kèm theo dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; Phụ lục 4 về thể thức văn bản quy phạm pháp luật, viết hoa trong văn bản quy phạm pháp luật).
Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Vụ trưởng Vụ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phát biểu tại buổi làm việc.
Dự thảo Nghị định gồm 03 nội dung: (i) giao Chính phủ quy định chi tiết theo quy định tại khoản 5 Điều 71 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 gồm Điều 7, Điều 31, khoản 1 Điều 32, Điều 34, khoản 1 Điều 36, khoản 3 Điều 59, Điều 63, Điều 64, Điều 69, khoản 4 và khoản 5 Điều 70; (ii) Chính phủ quy định biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành như: trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; xác định hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật; hình thức, phương pháp lấy ý kiến, giải trình, tiếp thu ý kiến, tham vấn Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội về chính sách, phản biện xã hội, tham vấn bộ, cơ quan ngang bộ đối với chính sách; truyền thông chính sách, công báo điện tử…; (iii) về quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới luật gồm nghị định, nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc.
Trao đổi tại buổi làm việc, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu các nội dung sau: (i) rà soát lại các nội dung đã tiếp thu, các nội dung chưa được tiếp thu, đồng thời, giải trình đối với những nội dung được chưa tiếp thu theo chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) đã được thông qua đối với các nội dung về việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành; (ii) rà soát, giải trình kỹ hơn các nội dung, gồm: việc nghiên cứu xây dựng quy trình ban hành riêng đối với các văn bản quy phạm pháp luật là quy chuẩn kỹ thuật; quy trình xây dựng, ban hành nghị định “không đầu”; việc giao cho một cơ quan làm đầu mối giúp Chính phủ rà soát dự thảo trước khi thông qua; (iii) nội dung của Điều 5 dự thảo Nghị định về quy định thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật có một số điểm khác biệt so với nguyên tắc kiểm soát thủ tục hành chính tại Điều 4 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính, do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu thể hiện lại nội dung này; (iv) cần điều chỉnh quy định về “ngày” tại khoản 4 Điều 65 dự thảo Nghị định theo một trong 02 hướng sau: bỏ quy định cứng về thời hạn là 07 ngày hoặc bổ sung quy định riêng đối với thủ tục hành chính là “ngày làm việc” để thống nhất thời hạn thực hiện thủ tục hành chính từ trung ương đến địa phương; (v) nghiên cứu sửa đổi nội dung khoản 2 Điều 19 dự thảo Nghị định quy định về việc “Văn phòng Chính phủ tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ chính sách” theo hướng thay thế cụm từ “kiểm tra” bằng “xử lý” để bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này; (vi) theo quy định tại khoản 4 Điều 4 dự thảo Nghị định, một văn bản quy phạm pháp luật có thể được ban hành để đồng thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nội dung trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật do cùng cơ quan, người có thẩm quyền ban hành trong 03 trường hợp gồm: để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ có liên quan chặt chẽ với nhau để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với văn bản mới được ban hành, xử lý vấn đề bất cập, phát sinh từ thực tiễn, vấn đề mới, xu hướng mới, khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; để thực hiện phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được phê duyệt. Tuy nhiên, tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 nội dung này lại được quy định theo hướng mở như sau: “văn bản quy phạm pháp luật có thể được ban hành để đồng thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nội dung của nhiều văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan, người có thẩm quyền ban hành”, mặt khác, nội dung này không thuộc nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu lại quy định tại khoản 4 Điều 4 dự thảo Nghị định…
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu kết luận buổi làm việc.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc xây dựng dự thảo Nghị định. Về những vấn đề xin ý kiến, Bộ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn tập trung vào 04 nội dung sau: (i) trách nhiệm của các bộ tham gia thẩm định; (ii) nội dung thực hiện thẩm định; (iii) trách nhiệm của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo; (iv) về việc bổ sung phụ lục tại tờ trình thể hiện những nội dung và vấn đề về sự cần thiết phải sửa đổi, ban hành, bãi bỏ… văn bản quy phạm pháp luật.
Thùy Dung