Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Nguyễn Hồng Hải cho biết, hiện nay, sự phát triển của khoa học công nghệ được dự báo là có phạm vi rộng lớn đến mức dường như không có giới hạn, đã và đang có những tác động rất lớn làm thay đổi sâu sắc nền sản xuất và kinh tế toàn cầu, từ đó, đặt ra yêu cầu về cách thức quản lý, cách thức quản trị, điều hành kinh tế - xã hội của các quốc gia; trong đó, một xu thế chung hiện nay đó là xây dựng kinh tế số, xã hội số.
Tại Việt Nam, bên cạnh những kết quả tương đối khả quan thì bối cảnh phát triển khoa học công nghệ, yêu cầu của xây dựng kinh tế số, xã hội số hiện nay cũng đang đặt Việt Nam trước không ít những thách thức mà một trong số đó có thể kể đến là việc cần tạo được điều kiện, môi trường thuận lợi, phù hợp để huy động, khai thác được các nguồn lực đến từ những thành quả phát triển khoa học công nghệ, những tiến bộ từ nền kinh tế số và xã hội số để phục vụ cho chính mục tiêu thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của khoa học công nghệ và tốc độ xây dựng kinh tế số, xã hội số. Trong đó, cần phải tạo được môi trường chính sách, hành lang pháp lý phù hợp, thuận lợi để các doanh nghiệp công nghệ, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp, các chủ thể khác hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo sử dụng, khai thác, phát huy được tối đa giá trị của tài sản là sản phẩm trí tuệ, sản phẩm sáng tạo để tạo nguồn lực phục vụ cho thúc đẩy phát triển công nghệ, hoạt động sáng tạo. Để làm được điều này, hệ thống pháp luật nói chung cần được tiếp tục hoàn thiện hơn nhằm bảo đảm hơn hiệu lực thực thi, tính đồng bộ, thống nhất cũng như tính khả thi để giải quyết những vấn đề nêu trên; trong đó, pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, về đăng ký biện pháp bảo đảm nói riêng cũng cần được hoàn thiện để bảo đảm bao quát được các vấn đề: Tài sản số, tài sản phát sinh từ nghiên cứu khoa học, công nghệ được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; về điều chỉnh tính “động”, tính dịch chuyển hoặc biến động nhanh chóng, linh hoạt của các dạng thức tài sản này; về điều chỉnh được trường hợp các bên xác lập, thực hiện giao dịch thông qua phương tiện số, môi trường số; về xây dựng và liên thông cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm với cơ sở dữ liệu khác của các cơ quan có thẩm quyền (cơ quan tiến hành tố tụng, thi hành án, công chứng, đấu giá…), giữa cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm với các hệ thống giao dịch trực tuyến, hệ thống dữ liệu liên quan của thị trường tài chính, thị trường hàng hóa (ngân hàng, trung tâm lưu ký chứng khoán, sàn giao dịch hàng hóa, đăng ký tài sản…).
Nội dung Tọa đàm tập trung giới thiệu khái quát pháp luật hiện hành về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, về đăng ký biện pháp bảo đảm ở Việt Nam hiện nay và một số vấn đề pháp lý đặt ra trong lĩnh vực này trong bối cảnh sự phát triển của khoa học công nghệ, của xây dựng kinh tế số, xã hội số. Qua đó, trao đổi và tiếp thu những kinh nghiệm về vấn đề liên quan của Nhật Bản, của quốc tế để làm cơ sở phát triển, hoàn thiện hơn pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Trao đổi về kinh nghiệm của Nhật Bản trong hoàn thiện pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, về đăng ký biện pháp bảo đảm để phù hợp xu hướng vận động, phát triển của khoa học công nghệ, của xây dựng kinh tế số, xã hội số, ông Onishi Hiromichi chia sẻ tổng quan về những hoạt động lớn gần đây liên quan đến việc số hóa việc đăng ký tài sản, đăng ký tài sản bảo đảm là công nghệ… tại Nhật Bản. Theo đó, trong nhiều trường hợp, để thực hiện thủ tục với cơ quan hành chính cần phải có giấy chứng nhận các nội dung đã đăng ký làm thành văn bản đính kèm. Việc mỗi lần thực hiện thủ tục lại phải cung cấp giấy chứng nhận này đã gây ra gánh nặng cho người dân về chi phí và thời gian. Bên cạnh đó, hầu hết lệ phí làm thủ tục tại quầy của Cục Pháp chế, bao gồm cả phí cấp giấy chứng nhận đăng ký đều được thanh toán bằng tem lệ phí. Tem lệ phí hiếm khi được sử dụng cho các mục đích khác ngoài các tình huống cụ thể như thanh toán phí thủ tục hành chính hoặc thanh toán theo Luật Tem thuế (dán vào hợp đồng). Vấn đề là, khi muốn thanh toán lệ phí tại quầy của Cục Pháp chế, người dân lại phải đi mua tem lệ phí ở bưu điện hay các nơi bán tem khác. Do vậy, hầu hết người dân vẫn phải dùng tiền mặt khi thực hiện thủ tục hành chính này. Ngoài ra, hệ thống thông tin đăng ký tiêu tốn ngân sách liên quan đến chi phí vận hành hàng năm lớn nhất trong số các hệ thống thông tin của Chính phủ Nhật Bản…
Trước thực trạng đó, nhiều mục tiêu và cách thức giải quyết đã được Chính phủ Nhật Bản đặt ra như: (i) Xây dựng hệ thống liên kết thông tin giữa các cơ quan hành chính, giúp cơ quan hành chính có thể xác nhận nội dung đăng ký mà không cần văn bản đính kèm, qua đó, giảm bớt gánh nặng cho người dân; (ii) Tận dụng việc cải tiến hệ thống thông tin để giảm chi phí vận hành thông qua việc nâng cao tính tiện lợi bằng cách cải tiến hệ thống thông tin đăng ký trong trường hợp cần thiết, dựa trên nhu cầu của từng cơ quan hành chính; hệ thống mới dự kiến được cập nhật trong năm 2024 có sự nâng cấp trong cấu hình như tải lên đám mây các môi trường thay thế để tối giản còn một môi trường Product, đánh giá số giờ làm việc bằng cách kiểm tra việc vận hành… Ngoài mục tiêu nâng cao hiệu quả vận hành, hệ thống mới tiếp tục hướng tới giảm chi phí hoạt động, đồng thời tính đến các nhu cầu xã hội như vấn đề đất đai không rõ chủ sở hữu… Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp và Cục Kỹ thuật số sẽ tăng cường cơ chế hợp tác để giải quyết các vấn đề trung và dài hạn nhằm hướng tới việc đổi mới hệ thống trong tương lai, đồng thời sẽ nâng cấp cấu hình hệ thống và tích cực tiến hành nghiên cứu để đưa ra những phiên bản mới nhất của hệ thống thông tin đăng ký, hướng tới cắt giảm chi phí vận hành; (iii) Bộ Tư pháp sẽ thực hiện các biện pháp cho phép tiến hành việc thanh toán các khoản lệ phí tại quầy thủ tục của Cục Pháp chế mà không dùng tiền mặt; Cục Kỹ thuật số phối hợp với các cơ quan của Chính phủ để xem xét cách thức chia sẻ gánh nặng chi phí khi áp dụng việc thanh toán các khoản lệ phí không dùng tiền mặt, đồng thời thực hiện các biện pháp cần thiết để hệ thống này được thực hiện hiệu quả ở các cơ quan của Chính phủ, bao gồm cả việc sử dụng nền tảng chung hiện có và xem xét sự cần thiết của các biện pháp ngân sách liên quan đến việc cải thiện hệ thống này…
Tại Tọa đàm, các đại biểu tham dự cùng trao đổi, thảo luận sôi nổi về một số vấn đề đặt ra trong đăng ký biện pháp bảo đảm trong bối cảnh phát triển khoa học công nghệ, của kinh tế số, xã hội số như: Xác định cơ chế pháp lý đặc thù về thủ tục đăng ký để điều chỉnh việc đăng ký biện pháp bảo đảm đối với những trường hợp mà Bộ luật Dân sự năm 2015, luật khác có liên quan công nhận và có cơ chế pháp lý về việc đưa các dạng thức tài sản phát sinh từ phát triển khoa học công nghệ, nhất là các tài sản mới như tài sản số, tài sản trí tuệ… vào bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; giải pháp công nghệ hoặc cơ chế, chính sách đặc thù để tăng cường tính bảo mật, an ninh, an toàn thông tin cho Hệ thống đăng ký trực tuyến, dữ liệu số về đăng ký biện pháp bảo đảm; kinh nghiệm của quốc tế, của Nhật Bản trong việc điều chỉnh các vấn đề được đặt ra khi nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, về đăng ký biện pháp bảo đảm để phù hợp xu hướng vận động, phát triển của khoa học công nghệ, của xây dựng kinh tế số, xã hội số…
Minh Minh