Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu thực trạng pháp luật Việt Nam về quản lý hoạt động livestream bán hàng dưới góc độ các chủ thể: Nền tảng livestream, người livestream, chủ phòng livestream, người bán hàng qua livestream, cơ quan quản lý nhà nước trong tương quan so sánh với pháp luật Trung Quốc, từ đó, đề ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam và nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về quản lý hoạt động livestream bán hàng.
Abstract: The article studies the current state of Vietnamese law on management of livestream sales activities from the perspective of subjects: Livestream platform, livestreamers, livestream room owners, livestream sellers, and state management agencies in comparision with Chinese law and from there, some recommendations are made to improve the Vietnamese law and improve the effectiveness of the implementation of the law on the management of livestream sales.
Livestream là một từ tiếng Anh có nghĩa là “phát sóng trực tiếp” dưới dạng video những gì đang xảy ra ngay tại thời điểm đó (gương mặt, cảnh vật, sự kiện…) qua hệ thống mạng internet và mọi tương tác đều diễn ra một cách trực tiếp. Bất cứ người nào có khả năng sử dụng internet trên thế giới đều có thể tương tác với người đang thực hiện livestream.
Livestream bán hàng là hoạt động kinh doanh trong đó chủ thể kinh doanh tự mình hoặc thông qua người thứ ba phát video trên các nền tảng trực tuyến trong thời gian thực để giới thiệu, quảng cáo và bán hàng hóa, dịch vụ cho người xem livestream. So với hình thức bán hàng trực tiếp và thương mại điện tử truyền thống, livestream bán hàng mang lại nhiều lợi ích hơn cho cả người bán và người mua như giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, gia tăng niềm tin của khách hàng... Nhiều dự báo đã cho thấy, livestream không chỉ là một xu hướng bán hàng trực tuyến mà sẽ sớm trở thành một ngành công nghiệp quy mô lớn tại Việt Nam như đã và đang diễn ra tại Trung Quốc. Tuy có tiềm năng phát triển to lớn, nhưng hành lang pháp lý liên quan đến vấn đề này chưa thực sự đầy đủ đã khiến việc quản lý hoạt động livestream bán hàng gặp nhiều khó khăn. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cần phải thiết lập một hành lang pháp lý phù hợp để quản lý hoạt động livestream bán hàng.
1. Thực trạng pháp luật Việt Nam về quản lý hoạt động livestream bán hàng trong tương quan so sánh với pháp luật Trung Quốc
1.1. Quản lý nền tảng livestream bán hàng
Thứ nhất, Việt Nam chưa có quy định cụ thể về nghĩa vụ của website, ứng dụng sàn thương mại điện tử (TMĐT) trong việc quản lý chủ phòng livestream[1] và người livestream[2]. Điều này dẫn đến việc quản lý thiếu toàn diện và đồng bộ trong trường hợp tư cách của ba chủ thể người bán, chủ phòng livestream và người livestream khác nhau. Trong khi đó, pháp luật Trung Quốc đã quy định tương đối rõ ràng một số nghĩa vụ của nền tảng livestream trong vấn đề này, bao gồm: (i) Xác định danh tính chủ phòng livestream và người livestream[3]; (ii) Yêu cầu chủ phòng livestream thực hiện đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế theo quy định; (iii) Thiết lập danh sách chủ phòng livestream và người livestream vi phạm.
Thứ hai, nghĩa vụ xin phép người dùng trước khi thu thập thông tin được quy định tại Điều 70 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử chỉ áp dụng cho chủ website sàn TMĐT mà không đề cập đến chủ ứng dụng sàn TMĐT. Điều này đặt ra vấn đề cần phải quy định nghĩa vụ xin phép người dùng trước khi thu thập, sử dụng thông tin của chủ ứng dụng sàn TMĐT để bảo đảm thông tin người tiêu dùng được bảo vệ toàn diện trên mọi nền tảng livestream.
Thứ ba, pháp luật Việt Nam quy định cơ chế xử lý, giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng thông qua quy định của pháp luật TMĐT nói chung, còn pháp luật Trung Quốc có các quy định mang tính cụ thể, rõ ràng và chi tiết hơn thông qua văn bản các biện pháp quản lý livestream bán hàng. Theo đó, pháp luật Trung Quốc quy định nghĩa vụ của chủ thể này trong một số trường hợp đặc thù (như khi người tiêu dùng chuyển sang các nền tảng khác để mua hàng thông qua các đường dẫn liên kết hoặc mã QR trong phòng livestream mà phát sinh tranh chấp). Những quy định đó tạo điều kiện ràng buộc trách nhiệm của nền tảng livestream trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ tư, pháp luật Việt Nam quy định nghĩa vụ xây dựng quy chế giao dịch và công bố thông tin của chủ website sàn TMĐT, các chủ ứng dụng sàn TMĐT là chủ thể thực hiện các quy định của sàn TMĐT trên cơ sở cụ thể hóa quy định pháp luật. Theo nhóm tác giả, điều này là chưa hợp lý, bởi hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ qua website hay qua ứng dụng là tương tự nhau. Thậm chí ngày nay, người tiêu dùng thực hiện việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ qua ứng dụng nhiều hơn là qua website. Do đó, cần bảo đảm sự công bằng về nghĩa vụ xây dựng quy chế giao dịch và công bố thông tin của chủ website và chủ ứng dụng sàn TMĐT.
Thứ năm, Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc quản lý các nền tảng livestream xuyên biên giới. Không giống Trung Quốc, nơi các doanh nghiệp nước ngoài không được phép kinh doanh nền tảng livestream và mọi truy cập từ Trung Quốc tới các nền tảng bên ngoài đều bị chặn bởi hệ thống tường lửa, thì ở Việt Nam, các nền tảng livestream đa phần đều thuộc doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook lại chưa tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, chưa đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương, cũng chưa thành lập Văn phòng đại diện hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam[4]. Các nền tảng livestream này đều có tên miền quốc tế, đặt máy chủ ở nước ngoài, cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, điều đó gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý các hành vi vi phạm khi livestream trên các nền tảng này. Các nền tảng này không yêu cầu người dùng phải xác minh danh tính khi đăng ký tài khoản và khi phát livestream. Do đó, khi phát hiện vi phạm thường khó xử lý hành chính vì khó xác định được nhân thân chủ thể vi phạm.
1.2. Quản lý chủ phòng livestream và người livestream
Thứ nhất, hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về điều kiện chủ thể đối với chủ phòng livestream và người livestream, mà mới chỉ dừng lại ở việc để cho các nền tảng livestream tự đưa ra những quy định riêng. Tuy nhiên, không phải mọi nền tảng đều đưa ra quy định về điều kiện livestream dù đây được coi là một trong những vấn đề quan trọng cần đặt ra trong việc quản lý hoạt động livestream bán hàng. Khi nghiên cứu pháp luật Trung Quốc, nhóm tác giả nhận thấy, pháp luật Trung Quốc quy định tương đối rõ ràng và chặt chẽ điều kiện về độ tuổi[5], nhân thân[6] của chủ phòng livestream và người livestream khi tham gia hoạt động livestream bán hàng, điều này đóng góp không nhỏ trong việc kiểm soát, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật của chủ phòng livestream và người livestream.
Thứ hai, khi livestream bán hàng, người livestream đóng vai trò là người chuyển tải sản phẩm quảng cáo theo Luật Quảng cáo năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018). Tuy nhiên, định nghĩa “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” trong Luật Quảng cáo năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) chưa thể hiện đầy đủ bản chất hành vi của người livestream trong quá trình livestream bán hàng. Bởi lẽ, Luật Quảng cáo năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) chỉ coi “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” là một phương tiện quảng cáo, tức chỉ coi họ như một “người mẫu, người trình diễn sản phẩm trưng bày cần được quảng cáo”. Tuy nhiên, với đặc thù của hoạt động livestream bán hàng, khi thực hiện quảng cáo, người livestream đưa ra rất nhiều cam kết, xác thực về sản phẩm mang tính trải nghiệm cá nhân để tạo niềm tin cho người xem về chất lượng của sản phẩm mà mình quảng cáo. Bên cạnh đó, hình thức sử dụng người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm trên sóng livestream tương đối phổ biến. Mặt trái của hình thức quảng cáo này cũng đã và đang tiềm ẩn nguy cơ rủi ro khi những người nổi tiếng cam kết về trải nghiệm không có thật của bản thân đối với sản phẩm, gây ra định hướng sai lệch, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Đây còn là một vấn đề bị bỏ ngỏ hiện nay khi những yêu cầu bắt buộc đối với sự kiểm chứng hàng hóa, dịch vụ của người livestream dựa trên trải nghiệm cá nhân nói chung hay của người nổi tiếng nói riêng còn chưa được quy định cụ thể, rõ ràng. Theo khoản 4 Điều 2 Luật Quảng cáo Trung Quốc, người livestream được xác định có tư cách người phát ngôn quảng cáo là cá nhân, pháp nhân hoặc tổ chức khác không phải là người quảng cáo giới thiệu hoặc chứng nhận hàng hóa và dịch vụ bằng tên hoặc hình ảnh của mình trong quảng cáo. Quy định này tương đối rõ ràng và thể hiện được đầy đủ bản chất hành vi của người livestream khi thực hiện những hành vi quảng cáo trong quá trình livestream bán hàng.
Thứ ba, pháp luật Việt Nam không có quy định trực tiếp về nghĩa vụ của người livestream trong việc bảo vệ người tiêu dùng mà chỉ dừng lại ở việc quy định gián tiếp thông qua pháp luật quảng cáo về những hành vi có liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh có thể có tác động xấu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. So với quy định của pháp luật Trung Quốc, có thể thấy, do livestream bán hàng tại nước này phát triển sớm và nhanh chóng hơn Việt Nam nên pháp luật đã có những quy định cụ thể về nghĩa vụ của chủ phòng livestream và người livestream trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ví dụ như: Không được cố ý trì hoãn, từ chối yêu cầu hợp pháp của người tiêu dùng mà không có lý do chính đáng[7]; hay chủ phòng livestream, người livestream không được chặn hoặc xóa bất kỳ phản hồi tiêu cực nào về sản phẩm và người livestream, không được tạo ra các giao dịch bịa đặt hoặc các đánh giá tích cực của người dùng để làm sai lệch và gây hiểu lầm cho khách hàng…
Thứ tư, pháp luật Việt Nam chưa đặt ra điều kiện phải đăng ký đối với người livestream bán hàng, bất kỳ người nào có nhu cầu đều có thể phát livestream trên các nền tảng mà không phải chịu sự kiểm soát hay quản lý từ chủ thể nào khiến thực tiễn công tác quản lý người livestream gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, còn phải kể đến việc chưa có quy định đồng bộ về hoạt động livestream nói chung và livestream bán hàng nói riêng mà chỉ có quy định rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau khiến các chủ thể như chủ phòng livestream và người livestream chưa nhận thức rõ về nghĩa vụ của mình. Do đó, mặc dù có rất nhiều hành vi vi phạm pháp luật trên thực tế thông qua livestream bán hàng nhưng việc kịp thời vào cuộc giải quyết của cơ quan chức năng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
1.3. Quản lý người bán hàng qua livestream
Hiện nay, pháp luật Việt Nam không yêu cầu các chủ thể bán hàng theo phương thức livestream phải xin giấy phép gì khác với bán hàng theo phương thức truyền thống. Do đó, hầu như ai cũng có thể thực hiện bán hàng bằng hình thức livestream. Điều này, một mặt giúp gia tăng quy mô kinh doanh và tạo điều kiện để mọi chủ thể có thể tham gia vào hoạt động thương mại, mở rộng thị trường, thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhưng một mặt cũng tạo ra những rào cản không hề nhỏ trong hoạt động quản lý lĩnh vực này. Thực tiễn này đòi hỏi Việt Nam cần có sự thay đổi kịp thời trong chính sách pháp luật. Chẳng hạn như Trung Quốc đã sớm đưa ra những quy định riêng về việc đăng ký và cấp giấy phép đối với người bán hàng qua livestream, việc này giúp ích cho các cơ quan nhà nước trong việc hệ thống những người bán hàng qua livestream, đồng thời quản lý họ một cách có hiệu quả để người bán hàng không thực hiện hoạt động livestream bán hàng một cách tràn lan và thiếu kiểm soát[8].
1.4. Chủ thể quản lý hoạt động livestream bán hàng
Hoạt động quản lý livestream bán hàng được thực hiện bởi hệ thống các cơ quan chuyên ngành cụ thể như Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông,… cùng phối hợp quản lý với các cơ quan khác[9]. Có thể thấy, hiện nay, việc quản lý livestream bán hàng gặp nhiều khó khăn do chưa có quy định trách nhiệm cũng như phân bổ thẩm quyền cho một cơ quan cụ thể nào mà việc quản lý, giám sát được thực hiện bởi nhiều cơ quan khác nhau và việc phân bổ thẩm quyền cũng nằm rải rác ở các văn bản nên có sự chồng chéo nhất định về chức năng, quyền hạn giám sát và cơ sở pháp lý áp dụng khác nhau, dễ dẫn đến sự thiếu thống nhất trong thực thi pháp luật. Ở Trung Quốc, nước này đã có văn bản riêng, quy định cụ thể và tập trung các chủ thể quản lý hoạt động livestream bán hàng mà không phải thông qua các văn bản rải rác quy định về thẩm quyền quản lý như ở Việt Nam. Đây là một sự tiến bộ, hạn chế được phần nào sự chồng chéo chức năng nhiệm vụ của các cơ quan chuyên ngành mà Việt Nam nên tham khảo.
Thực tiễn công tác quản lý hoạt động livestream bán hàng ở Việt Nam hiện nay tồn tại một số khó khăn như: (i) Việc bảo đảm bí mật thông tin cá nhân của người dùng chưa tốt do chưa có quy định pháp luật cụ thể về nghĩa vụ của các chủ thể trong hoạt động thu thập và sử dụng thông tin cá nhân người tiêu dùng và một bộ phận lớn người tiêu dùng chưa nhận thức đúng về bảo mật thông tin cá nhân của mình dẫn đến việc một số đối tượng lợi dụng để đánh cắp, trao đổi và buôn bán thông tin của người tiêu dùng bất hợp pháp; (ii) Việc quản lý chất lượng hàng hóa, dịch vụ qua livestream và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa đạt hiệu quả cao do thiếu sự thống nhất trong quản lý giữa các cơ quan nhà nước, còn nhiều vướng mắc trong kiểm tra, đánh giá, xử lý kịp thời vi phạm; khó kiểm soát, kiểm duyệt nội dung livestream diễn ra trong thời thời gian thực, tính chất linh hoạt của mạng xã hội là dễ đăng phát nhưng cũng dễ gỡ bỏ, giúp đối tượng xóa bỏ dấu vết, chứng cứ. Chính vì vậy, thực tế hoạt động livestream bán hàng ngày càng bộc lộ những lỗ hổng về chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà vấn đề gây nhức nhối nhất vẫn là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được bán tràn lan trên các nền tảng livestream.
2. Hoàn thiện pháp luật Việt Nam và nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động livestream bán hàng
2.1. Hoàn thiện pháp luật về quản lý hoạt động livestream bán hàng
Thứ nhất, cần phải nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật riêng để điều chỉnh hoạt động livestream bán hàng.
- Cần xác định rõ định nghĩa và tư cách pháp lý của các chủ thể trong hoạt động livestream bán hàng. Theo đó, văn bản cần đưa ra định nghĩa chính xác về các chủ thể nền tảng livestream bán hàng, chủ phòng livestream, người livestream, người bán hàng qua livestream, các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động này để từ đó làm cơ sở để xác định tư cách pháp lý của từng chủ thể.
- Cần quy định rõ một số nghĩa vụ đối với nền tảng livestream bán hàng như: (i) Về nghĩa vụ quản lý tài khoản của chủ phòng livestream, nền tảng cần phải xây dựng các mô hình, cơ chế giám sát, quản lý, thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm việc tuân thủ pháp luật của các tài khoản, hạn chế các tài khoản vi phạm quy định của pháp luật và thỏa thuận dịch vụ; (ii) Nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như thiết lập và hoàn thiện cơ chế khiếu nại, báo cáo làm rõ quy trình xử lý và thời gian phản hồi, đồng thời bảo đảm xử lý nhanh chóng các khiếu nại của người tiêu dùng về nội dung thông tin và hành vi bán hàng trái pháp luật; (iii) Nghĩa vụ kiểm soát nội dung livestream; (iv) Nghĩa vụ kiểm duyệt hàng hóa, dịch vụ được bán qua livestream…
- Cần quy định rõ một số nghĩa vụ của chủ phòng livestream và người livestream. Về điều kiện để mở phòng livestream với chủ phòng livestream và tiến hành livestream đối với người livestream, dựa trên nghiên cứu về quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Bộ luật Lao động năm 2019, nhóm tác giả cho rằng, cần đặt ra điều kiện độ tuổi với người livestream là từ đủ 15 tuổi trở lên. Người từ đủ 15 tuổi trở lên đến chưa đủ 18 tuổi khi đăng ký trở thành chủ phòng livestream hoặc người livestream thì phải được sự đồng ý của người đại diện hoặc người giám hộ. Bên cạnh đó, nên đặt ra các điều kiện về nhân thân như chủ phòng và người livestream không phải thuộc các trường hợp bị đưa vào danh sách đen, bị cấm mở tài khoản livestream cấm thực hiện livestream do từng vi phạm quy định về livestream bán hàng hoặc các trường hợp bị cấm livestream khác theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, pháp luật Việt Nam cần có những quy định để xác định và ràng buộc rõ nghĩa vụ đối với chủ phòng livestream, người livestream có liên quan trong vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như vấn đề liên đới chịu trách nhiệm với người bán trong một số trường hợp cụ thể như việc biết hoặc phải biết về thông tin hàng hóa sản phẩm trong trường hợp liên quan đến việc người tiêu dùng…
Thứ hai, cần đồng bộ quy định về website TMĐT và ứng dụng TMĐT.
Về bản chất, website TMĐT và ứng dụng TMĐT tương đối giống nhau nên việc quy định nghĩa vụ của chủ website TMĐT và chủ ứng dụng TMĐT không tương xứng với nhau gây ra sự bất hợp lý, không đồng bộ của pháp luật. Vì lẽ đó, nhóm tác giả cho rằng, cần đồng bộ quy định về website TMĐT và ứng dụng TMĐT sao cho phù hợp như đồng bộ quy định về nghĩa vụ xây dựng quy chế giao dịch và công bố thông tin; nghĩa vụ yêu cầu người bán cung cấp các loại giấy phép; nghĩa vụ xin phép người tiêu dùng trước khi thu thập thông tin…
Thứ ba, cần quy định rõ ràng tư cách pháp lý, quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo khi thực hiện hành vi quảng cáo.
Để có thể bao quát hết được các trường hợp người livestream thực hiện hành vi quảng cáo, cần sửa đổi định nghĩa về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, cụ thể có thể định nghĩa: “Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp đưa các sản phẩm quảng cáo đến công chúng thông qua việc giới thiệu hoặc chứng nhận hàng hóa và dịch vụ bằng tên hoặc hình ảnh của mình trong quảng cáo”. Bên cạnh đó, cần có sự quy định rõ ràng trong việc ràng buộc trách nhiệm đối với chủ thể này khi họ thực hiện một cam kết liên quan đến sự kiểm chứng của cá nhân họ về sản phẩm với những yêu cầu về mức độ, thời gian kiểm chứng sao cho phù hợp với từng loại sản phẩm nhất định.
Thứ tư, cần xây dựng một địa chỉ để người tiêu dùng trực tiếp báo cáo các hành vi vi phạm pháp luật diễn ra trong quá trình livestream bán hàng.
Bên cạnh cơ chế tự giám sát và giải quyết khiếu nại của nền tảng livestream, nhóm tác giả cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần thiết lập một kênh thông tin để người tiêu dùng trực tiếp báo cáo các hành vi vi phạm pháp luật diễn ra trong quá trình livestream bán hàng, ví dụ như báo cáo người bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, báo cáo người livestream có hành vi không phù hợp với thuần phong mỹ tục, hành vi quảng cáo sai sự thật… để tránh bỏ sót không xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Cùng với đó, quy trình xử lý báo cáo và thời hạn giải quyết cần được quy định rõ ràng, thông báo công khai để bảo đảm tính minh bạch của pháp luật và chức năng giám sát của xã hội.
2.2. Nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động livestream bán hàng
Thứ nhất, các cơ quan, ban ngành chức năng cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các chủ thể chịu sự điều chỉnh của pháp luật thông qua việc tuyên tuyền trên sóng truyền hình, mạng xã hội… Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng các biện pháp để tự bảo vệ quyền, lợi ích của mình khi mua hàng qua livestream.
Thứ hai, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động livestream bán hàng, nhất là các hoạt động liên ngành. Các cán bộ, công chức tham gia vào hoạt động này cần được nâng cao năng lực cả về kiến thức pháp luật, công nghệ và trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát cần phải tăng cường, trao đổi, đối thoại với các chủ thể liên quan trong hoạt động livestream để nắm bắt được thực tiễn thực thi pháp luật, từ đó vừa có thể hỗ trợ các chủ thể khắc phục khó khăn trong quá trình thực hiện, vừa có thể kiểm soát, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật một cách nhanh chóng. Ngoài ra, cũng cần có sự tích cực hợp tác, trao đổi thông tin, hỗ trợ nhau giữa các cơ quan trong việc thực thi pháp luật.
Thứ ba, cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm để đơn giản, minh bạch hóa các thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, tiết kiệm thời gian, công sức cho cả đối tượng chịu sự quản lý và cơ quan quản lý. Ngoài ra, công nghệ còn có thể được áp dụng để phát hiện các hành vi vi phạm trong hoạt động livestream hiệu quả hơn so với việc dò tìm thủ công.
Đại học Luật Hà Nội
[1]. Chủ phòng livestream là người đăng ký tài khoản trên nền tảng livestream để tham gia livestream bán hàng.
[2]. Người livestream là người thực hiện phiên livestream, trực tiếp quảng cáo, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ tới người xem. Người livestream có thể đồng thời là chủ phòng livestream hoặc không phải chủ phòng livestream.
[3]. Điều 8 Các biện pháp quản lý livestream bán hàng của Trung Quốc.
[4]. Điều này trái với quy định tại Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử.
[5]. Theo quy định tại Điều 17 Các biện pháp quản lý livestream bán hàng của Trung Quốc.
[6]. Theo quy định tại Điều 25 Các biện pháp quản lý livestream bán hàng của Trung Quốc.
[7]. Theo Điều 23 Các biện pháp quản lý livestream bán hàng của Trung Quốc.
[8]. Đoàn Minh Phương, Nguyễn Nam Ngà, Nguyễn Thu Hằng, TS. Trần Thị Bảo Ánh (hướng dẫn), “Pháp luật về quản lý hoạt động livestream bán hàng - Kinh nghiệm từ Trung Quốc và một số gợi mở cho Việt Nam”, Sinh viên Nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội, năm 2022, tr. 60.
[9]. Theo quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.