Hiểu theo nghĩa rộng, đó là những giải pháp cụ thể, hữu ích giúp đối tượng được tư vấn bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Ý nghĩa xã hội của tư vấn pháp luật khá sâu rộng ở chỗ, giúp định hướng hành vi ứng xử của các cá nhân, tổ chức theo khuôn khổ pháp luật và quy tắc đạo đức. Hoạt động tư vấn pháp luật còn góp phần giám sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước, của tổ chức và công dân; phát hiện những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, kịp thời hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn. Bài viết dưới đây cung cấp cho độc giả tổng quan hoạt động của mô hình trung tâm tư vấn pháp luật sau 08 năm thi hành Nghị định số 77/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật.
1. Mô hình tổ chức, hoạt động và thuận lợi, khó khăn về tư vấn pháp luật theo Nghị định số 77/2008/NĐ-CP
Theo quy định tại Điều 3 của Nghị định số 77/2008/NĐ-CP thì tổ chức chủ quản có đủ điều kiện quy định tại Điều 5 của Nghị định này được thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật cho thành viên, hội viên, đoàn viên của tổ chức mình và cá nhân, tổ chức khác. Như vậy, trên cơ sở Nghị định số 77/2008/NĐ-CP đã có một loạt các Trung tâm tư vấn pháp luật của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành luật được thành lập như: Trung tâm tư vấn pháp luật của Hội Luật gia, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp, Viện Nhà nước và Pháp luật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam…
Trên thực tế, được sự quan tâm của tổ chức chủ quản thì hầu hết các Trung tâm tư vấn pháp luật được hình thành và đi vào hoạt động ổn định, đáp ứng được yêu cầu về tư vấn pháp luật cho thành viên, hội viên, đoàn viên của tổ chức mình nhất là các tổ chức không phải là cơ sở đào tạo, nghiên cứu chuyên ngành luật. Tại đây, nhu cầu về tư vấn pháp luật cho thành viên, hội viên, đoàn viên trong tổ chức của mình rất thiết thực như: Những người lao động trong tổ chức công đoàn được hiểu biết về pháp luật lao động, việc làm và các vấn đề khác liên quan; phụ nữ trong Hội Liên hiệp phụ nữ được tư vấn về Luật Hôn nhân và gia đình hay Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới và những vấn đề khác… Bên cạnh đó, các Trung tâm tư vấn pháp luật này còn thu hút một lượng cá nhân, tổ chức khác ngoài thành viên của mình có nhu cầu về tư vấn pháp luật, đặc biệt là ở các tỉnh ít có tổ chức liên quan tới giúp đỡ về pháp luật như các tổ chức hành nghề luật sư. Được thành lập bởi tổ chức chủ quản và với mục đích chính là phục vụ tư vấn pháp luật cho thành viên, hội viên, đoàn viên của tổ chức mình, nên các Trung tâm tư vấn pháp luật nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định kể cả về tổ chức nhân sự cũng như trụ sở làm việc. Hơn nữa, hoạt động tư vấn pháp luật này mang tính chất xã hội, không nhằm mục đích thu lợi nhuận, nên các Trung tâm tư vấn pháp luật luôn hoạt động một cách ổn định. Ngoài ra, còn có thể phục vụ tư vấn pháp luật cho cá nhân, tổ chức khác. Các Trung tâm tư vấn pháp luật được thành lập bởi các tổ chức chủ quản mà đa số là các tổ chức có uy tín và quy mô trong xã hội như tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành luật, nên có sự bảo đảm hoạt động cũng như thu hút thành viên, đoàn viên, hội viên và cá nhân, tổ chức khác tham gia tư vấn pháp luật.
Cùng với những thuận lợi nêu trên, thì trong hoạt động thực tế, các Trung tâm tư vấn pháp luật cũng có những hạn chế nhất định. Xuất phát từ việc được hình thành do các tổ chức chủ quản thành lập, mang tính chất xã hội, không nhằm mục đích thu lợi nhuận và chủ yếu phục vụ tư vấn pháp luật cho thành viên, hội viên, đoàn viên của tổ chức mình, do vậy, quy mô còn nhỏ, cầm chừng mà không có sự năng động nhiều ra bên ngoài như các tổ chức hành nghề luật sư hay tổ chức pháp lý khác. Theo Điều 5 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP về điều kiện thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật thì có ít nhất hai tư vấn viên pháp luật hoặc một tư vấn viên pháp luật và một luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hai luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động. Điều này cho thấy, cơ cấu tổ chức của Trung tâm tư vấn pháp luật hạn chế với lực lượng chủ yếu để phục vụ trong nội bộ tổ chức mình là chính.
Điều 18 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP quy định về người thực hiện tư vấn pháp luật gồm: Tư vấn viên pháp luật, luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho Trung tâm tư vấn pháp luật và cộng tác viên tư vấn pháp luật. Tại Trung tâm tư vấn pháp luật thì lực lượng chính là tư vấn viên pháp luật, nhưng tại Điều 19 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP quy định điều kiện cứng là có bằng cử nhân luật và có thời gian công tác pháp luật từ 03 năm trở lên, ngoài các điều kiện khác. Với quy định này sẽ hạn chế đội ngũ tham gia Trung tâm tư vấn pháp luật bởi đối với một số tỉnh hoặc vùng sâu, vùng xa thì có thể sẽ khó đáp ứng được yêu cầu. Việc quy định về cộng tác viên tư vấn pháp luật theo Điều 22 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP còn chung chung, khó cho việc thu hút trong Trung tâm tư vấn pháp luật. Một khó khăn nữa cũng rất quan trọng liên quan đến nguồn thu và kinh phí hoạt động của Trung tâm, đó là Nghị định số 77/2008/NĐ-CP quy định về việc tư vấn pháp luật miễn phí#, theo đó, Trung tâm tư vấn pháp luật thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí cho thành viên, hội viên, đoàn viên của tổ chức chủ quản, còn việc quy định tư vấn pháp luật có thù lao thì cũng khó cạnh tranh với tổ chức luật sư hoặc các tổ chức pháp lý khác. Hơn nữa, việc nhận thù lao lại không được chủ động mà do tổ chức chủ quản quyết định#. Điều này cũng hạn chế hoạt động chủ động của Trung tâm tư vấn pháp luật trong việc thực hiện trên thực tiễn.
2. Đề xuất mô hình Trung tâm tư vấn pháp luật phù hợp với tính chất hoạt động của các tổ chức chủ quản trong bối cảnh phát triển hoạt động luật sư, trợ giúp pháp lý của Nhà nước
Cùng với sự phát triển của xã hội và đất nước, yêu cầu về tư vấn pháp luật cũng như các hoạt động giúp đỡ pháp lý cho tổ chức, cá nhân ngày càng nâng cao. Song song với hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật theo Nghị định số 77/2008/NĐ-CP, thì hoạt động của các Trung tâm trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý cũng như hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư theo Luật Luật sư ngày càng đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và đất nước. Mỗi mô hình hoạt động có chức năng, nhiệm vụ riêng đáp ứng nhu cầu của xã hội và sự phát triển của đất nước cũng như phục vụ nhiệm vụ chung.
Để mô hình Trung tâm tư vấn pháp luật phát huy hiệu quả hoạt động tốt nhất, phù hợp với tính chất hoạt động của các tổ chức chủ quản trong bối cảnh phát triển hoạt động luật sư, trợ giúp pháp lý, theo tác giả, trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số yêu cầu sau:
Một là, ngoài việc tổ chức, hoạt động của các Trung tâm tư vấn pháp luật mang tính chất xã hội phục vụ miễn phí cho thành viên, hội viên, đoàn viên của tổ chức mình, thì tạo điều kiện cho Trung tâm tư vấn pháp luật chủ động trong việc nhận thù lao đối với cá nhân, tổ chức khác, tổ chức chủ quản chỉ định hướng và giám sát hoạt động. Điều này sẽ mang đến sự chủ động trong hoạt động của các Trung tâm tư vấn pháp luật và cải thiện, mở rộng hoạt động cũng như nâng cao chất lượng trong Trung tâm tư vấn pháp luật.
Hai là, nghiên cứu mở rộng đối tượng tham gia trong Trung tâm tư vấn pháp luật. Điều này sẽ phát huy được trí tuệ của cộng đồng cũng như đáp ứng được yêu cầu rộng rãi của mọi lực lượng trong xã hội, phù hợp từng vùng, từng địa phương.
Ba là, cùng với hai yêu cầu trên thì công tác tổ chức, kiểm tra, giám sát, nâng cao trình độ chuyên môn cho tư vấn viên pháp luật cũng như những người liên quan trong Trung tâm tư vấn pháp luật phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và chặt chẽ nhằm không ngừng nâng cao uy tín của Trung tâm tư vấn pháp luật đáp ứng yêu cầu phục vụ thành viên, hội viên, đoàn viên trong tổ chức mình và cá nhân, tổ chức khác.
Bốn là, sự quan tâm và động viên về mọi mặt của tổ chức chủ quản đối với Trung tâm tư vấn pháp luật là rất cần thiết, giúp cho Trung tâm ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu mang tính chất xã hội cũng như nâng cao hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật cả về quy mô và chất lượng.
Năm là, thường xuyên sơ kết và tổng kết rút kinh nghiệm nhằm phát huy những mặt tích cực và khắc phục những hạn chế của Trung tâm tư vấn pháp luật một cách kịp thời, rút ra những bài học làm phong phú thêm lý luận, đồng thời cần hoàn thiện lý luận để áp dụng vào hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật, phù hợp với tính chất hoạt động của tổ chức chủ quản đáp ứng yêu cầu phát triển của Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội
[1]. Điều 10 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật.
[2]. Điều 11 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật.