Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định, Bộ Tư pháp đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ hoàn thiện thể chế nội bộ đến tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, kiện toàn tổ chức, cán bộ các đơn vị xây dựng pháp luật thuộc Bộ Tư pháp, tăng cường tập huấn, đào tạo, bồi dưỡngnhư: Ban hành Quyết định số 2410/QĐ-BTP ngày 27/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thay thế Quyết định số 1598/QĐ-BTP ngày 08/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật;xây dựng sớm các Quyết định phân công thẩm định, góp ý, tham gia xây dựng đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật năm 2017 và năm 2018 làm căn cứ, cơ sở để Văn phòng Bộ Tư pháp chuyển hồ sơ thẩm định cho các đơn vị;phát huy cơ chế thẩm định thông qua việc thành lập Hội đồng thẩm định, Hội đồng tư vấn thẩm địnhngoài thành phần bắt buộc là đại diện Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, còn bảo đảm sự tham gia của các cơ quan có liên quan, cũng như thu hút các chuyên gia, nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau, đại diện đối tượng chịu sự tác động của văn bản để bảo đảm ý kiến thẩm định chính xác, khách quan, toàn diện.
Công tác thẩm định đã góp phần nâng cao chất lượng đề nghị xây dựng văn bản và dự án, dự thảo văn bản, bảo đảm sự phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, hạn chế các biểu hiện lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật. Ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp cũng là căn cứ để Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội xem xét trước khi quyết định thông qua các đề nghị xây dựng văn bản và dự án, dự thảo văn bản.
Về việc lập Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh
So với các năm trước, trong nhiệm kỳ này, Bộ Tư pháp đã có sự chuẩn bị kỹ hơn và đổi mới cách thức trong việc lập đề nghị của Chính phủ về Chương trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan (Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước và các bộ, ngành) triển khai sớm việc lập đề nghị của Chính phủ về Chương trình; tổ chức nhiều Đoàn công tác liên ngành trực tiếp làm việc với một số bộ, cơ quan ngang bộ để đôn đốc và trao đổi, thảo luận về việc lập đề nghị xây dựng các dự án luật, pháp lệnh để đưa vào Chương trình.
Về chất lượng, Đề nghị của Chính phủ đã bám sát và thể hiện rõ thứ tự ưu tiên cho các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Về tiến độ,Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan ngang bộ đã có nhiều cố gắng để tham mưu, giúp Chính phủ trình Đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết cơ bản bảo đảm tiến độ theo quy định của Luật năm 2015 (Đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2019 đã được trình trước ngày 01/3/2018).
Về hồ sơ, thủ tục,trong quá trình lập đề nghị, các bộ, cơ quan ngang bộ cơ bản tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định của Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thì việc lập Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn gặp phải một số tồn tại, hạn chế:
Thứ nhất, tiến độ lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn chậm, chưa đáp ứng thời hạn theo quy định của Luật và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.
Thứ hai, việc thực hiện một số bước trong trình tự, thủ tục lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn hạn chế, mang tính hình thức; thành phần tài liệu trong hồ sơ chưa đầy đủ, chất lượng một số tài liệu trong hồ sơ còn hạn chế, sơ sài.
Thứ ba, các cơ quan vẫn còn có sự lúng túng trong quá trình lập đề nghị xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có tính cấp thiết, cần phải sớm ban hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, quá trình lập đề nghị xây dựng các luật cần sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm đồng bộ với Luật Quy hoạch, các cơ quan vẫn còn lúng túng khi xác định trình tự, thủ tục lập đề nghị đối với các luật sửa đổi đơn giản về mặt kỹ thuật, không phát sinh chính sách mới hoặc lúng túng trong việc xác định loại nghị định phải thực hiên quy trình chính sách.
Về việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh
Về tiến độ,Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan ngang bộ đã có nhiều cố gắng để tham mưu, giúp Chính phủ trình các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết bảo đảm tiến độ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Một số dự án luật đã được cơ quan chủ trì soạn thảo chủ động, tích cực đẩy nhanh tiến độ trình như dự án Luật Cảnh sát biển (thuộc Chương trình năm 2018, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 đã được Bộ Quốc phòng trình Chính phủ thông qua từ rất sớm, tháng 12/2017).
Hội nghị cũng đưa ra một số nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.Theo đó, Bộ Tư pháp tiếp tục quán triệt cho tất cả các đơn vị và công chức thuộc Bộ về tầm quan trọng của hoạt động thẩm định trong công tác xây dựng pháp luật và một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tư pháp; có quy chế thưởng phạt phân minh đối với các đơn vị và cán bộ, công chức làm công tác thẩm định, đặc biệt là Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ.
Tăng cường tập huấn chuyên sâu, tổ chức các hội nghị nhằm tiếp tục quán triệt, hướng dẫn cụ thể các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 tới các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương, gắn với trách nhiệm chủ trì của đơn vị có nhiệm vụ tham mưu, giúp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật của Bộ Tư pháp. Đồng thời, kịp thời nắm bắt, trao đổi và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật này.
Tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc Quyết định số 2410/QĐ-BTP ngày 28/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Xây dựng, công bố các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ lập đề nghị xây dựng văn bản, về công tác soạn thảo, thẩm định văn bản và đăng tải công khai trên Trang thông tin điện tử về xây dựng pháp luật của Bộ Tư pháp.
Tiếp tục phát huy hiệu quả của hình thức thẩm định bằng hội đồng thẩm định và các cuộc họp tư vấn thẩm định; tăng cường huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học nhà quản lý, các đại biểu Quốc hội; sự phản biện từ các tổ chức xã hội, từ các phương tiện thông tin đại chúng vào quá trình xây dựng, thẩm định. Tăng cường tổ chức các hội thảo, tọa đàm, các hoạt động nghiên cứu trước và sau khi tổ chức thẩm định để làm rõ thêm các vấn đề phức tạp, còn có ý kiến khác nhau.
Tăng cường sự tham gia của Bộ Tư pháp ngay từ đầu trong quá trình nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng văn bản. Công chức của Bộ Tư pháp được giao theo dõi việc lập đề nghị xây dựng văn bản và soạn thảo dự án, dự thảo văn bản phải bám sát ngay từ đầu quy trình thực hiện để nắm bắt được nội dung cơ bản của đề nghị xây dựng văn bản và dự án, dự thảo văn bản, các vấn đề phát sinh còn có ý kiến khác nhau và quan điểm của các đơn vị chủ trì về các vấn đề đó. Sau khi thẩm định, các đơn vị phải có cơ chế phối hợp cụ thể bám sát giai đoạn trình để bảo đảm các cơ quan chủ trì tiếp thu hoặc có giải trình giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Hằng quý hoặc 06 tháng một lần, Bộ Tư pháp tổ chức giao ban về công tác thẩm định để trao đổi nghiệp vụ thẩm định đề nghị xây dựng văn bản và dự án, dự thảo văn bản.
Kiến nghị các cơ quan của Quốc hội chủ động phối hợp với các cơ quan chủ trì lập đề nghị xây dựng văn bản từ giai đoạn hình thành chính sách để bảo đảm chính sách được ban hành khả thi, hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung pháp luật hiện hành.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thẩm định và lập, theo dõi tình hình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật tại các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị xây dựng pháp luật thuộc Bộ Tư pháp.