Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung vào các vấn đề trọng tâm: Sơ kết công tác tư pháp 8 tháng đầu năm 2013 và nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu công tác đến hết năm 2013; việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 5/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức thực hiện Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính; tình hình triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 8 tháng đầu năm 2013, phương hướng, nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2013 và góp ý dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã và công tác tư pháp của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong 8 tháng đầu năm 2013, Bộ Tư pháp tiến hành triển khai công tác tư pháp một cách toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Ngành Tư pháp đã tích cực, chủ động tham mưu giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch, hướng dẫn triển khai và tổ chức tốt việc lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2012. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo toàn Ngành tích cực tham gia ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện dự án Luật, trong đó có những vấn đề liên quan mật thiết đến những lĩnh vực quản lý của Ngành như công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm và bán đấu giá bất động sản. Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra và theo dõi thi hành pháp luật cũng được chỉ đạo, triển khai một cách bài bản. Tính đến ngày 18/7/2013, Bộ Tư pháp đã hoàn thành, trình Quốc Hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 23/25 đề án, văn bản, đạt 92% kế hoạch 6 tháng đầu năm 2013. Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật được các bộ, ngành, địa phương triển khai tích cực và đạt được những hiệu quả nhất định. Công tác kiểm soát thủ tục hành chính bước đầu đi vào ổn định, đảm bảo sự liên tục. Quản lý nhà nước về hộ tịch, quốc tịch, nuôi con nuôi tiếp tục đi vào nền nếp, đơn giản hoá thủ tục hành chính. Công tác bồi thường nhà nước đã từng bước góp phần tạo sự chuyển biến nhận thức trong cán bộ, công chức về trách nhiệm trong thi hành công vụ. Công tác xã hội hóa công chứng, phát triển đội ngũ luật sư, công chức viên chức được quan tâm và đẩy mạnh…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp trong 8 tháng đầu năm 2013 vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục kịp thời như: Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh chưa giải quyết dứt điểm; tình trạng xin lùi, rút văn bản trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2013 vẫn còn; công tác theo dõi thi hành pháp luật do nhiều địa phương triển khai còn thụ động, lúng túng, hiệu quả chưa cao; thủ tục hành chính trên hầu hết các lĩnh vực vẫn còn phiền hà, là rào cản của hoạt động sản xuất kinh doanh, gây bức xúc cho nhân dân.
Cũng tại Hội nghị, trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn các đại biểu cũng tập trung góp ý dự thảo Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28/4/2009 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã và công tác tư pháp của Ủy ban nhân dân cấp xã. Đại biểu đại diện Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng cho rằng tổ chức bộ máy phải thống nhất, tên gọi của các phòng, ban của tư pháp địa phương nên thống nhất với tên gọi của các Vụ của Bộ Tư pháp. Đại biểu đại diện Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh đề nghị nghiên cứu thêm về việc đưa vấn đề thừa phát lại vào dự thảo Thông tư liên tịch vì thừa phát lại đã được áp dụng thí điểm ở TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị mở rộng thêm 12 tỉnh, thành nữa trong cả nước. Về biên chế, đại diện Sở Tư pháp TP. Hà Nội cho rằng trong dự thảo Thông tư liên tịch mới chỉ quy định "bảo đảm mỗi phòng chuyên môn thuộc Sở có tối thiểu 05 người" mà chưa quy định số biên chế tối đa, chúng ta đang tiến hành cải cách tư pháp, xây dựng bộ máy nhà nước gọn nhẹ do đó nên quy định một con số tối đa.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhận định, trong 8 tháng đầu năm 2013 toàn Ngành Tư pháp đã triển khai công việc thuận lợi, các nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp đều đã được tham mưu và triển khai thực hiện bằng chương trình, kế hoạch cụ thể, thiết thực được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành ghi nhận và đánh giá cao. Trong những tháng cuối năm 2013 Ngành Tư pháp tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực mới được phân công, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà nước, đưa công tác tư pháp đi vào chiều sâu, bám sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh của đất nước, bảo đảm tốt trật tự, an toàn và an sinh xã hội.
Nguyễn Thị Vinh
Ảnh: Cục Công nghệ thông tin