Tham dự Hội nghị tại điểm cầu trung ương có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành: Ban Nội chính Trung ương; Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương; Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đại diện một số cơ quan tiến hành tố tụng ở trung ương; đại diện các tổ chức giám định tư pháp ở trung ương; các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án ở cấp trung ương; các thành viên Tổ Thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo ở cấp trung ương và một số cơ quan báo chí tham dự, đưa tin về Hội nghị.
Sau 05 năm thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” (Đề án 258), đa số các nhiệm vụ, giải pháp đã được tổ chức thực hiện có kết quả thiết thực. Tuy nhiên, một số nhiệm vụ, giải pháp cần được tiếp tục thực hiện trong nhiều năm tiếp theo, do đó, để phát huy hiệu quả của Đề án 258 trên thực tế, ngày 28/02/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 250/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250).
Phát biểu tại Hội nghị, bà Đỗ Hoàng Yến - Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp đã giới thiệu những nội dung chính của Đề án 250, theo đó, Đề án được ban hành nhằm tiếp tục đổi mới và tạo chuyển biến căn bản, đột phá về chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động tố tụng trong thời gian tới, đồng thời thúc đẩy xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp.
Đề án cũng đã xác định rõ 07 mục tiêu cụ thể cần đạt được trong công tác giám định tư pháp và 03 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau: (i) Tiếp tục hoàn thiện chế định giám định tư pháp; (ii) Tiếp tục hoàn thiện tổ chức giám định tư pháp; nâng cao chất lượng người giám định tư pháp; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ giám định; (iii) Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giám định tư pháp.
Trên cơ sở nhiệm vụ được giao tại Đề án, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp liên ngành số 992/QCPH-BTP-BCA-BQP-VKSNDTC-TANDTC ngày 26/3/2018 trong công tác giám định tư pháp (Quy chế phối hợp). Trong đó, mục đích và nội dung của Quy chế phối hợp cũng được xác định cụ thể, chi tiết.
Cũng tại Hội nghị, ở điểm cầu trung ương, các đại biểu đại diện Bộ Y tế, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có những tham luận rất tâm huyết về phương hướng và giải pháp ở các lĩnh vực khác nhau: Hoạt động giám định pháp y, pháp y tâm thần; hoạt động giám định trong lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ...
Ngoài ra, tại các điểm cầu ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đại biểu đại diện của Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, Sở Tư pháp thành phố Cần Thơ, Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh... cũng có trăn trở về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giám định tư pháp và công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp, qua đó, các đại biểu cũng có những đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trong thời gian tới.
Trao đổi, thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu tại các điểm cầu tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, có tính chất quyết định việc tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trong thời gian tới, như: Về các giải pháp tiếp tục hoàn thiện chế định giám định tư pháp; giải pháp nhằm tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giám định; giải pháp nhằm đẩy mạnh xã hội hóa giám định tư pháp, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia hoạt động giám định tư pháp…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, Thủ trưởng các bộ, ngành ở trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần tập trung chỉ đạo thực hiện đầy đủ những nhiệm vụ được giao trong Đề án 250; đồng thời, Thứ trưởng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu sau đây: (i) Tiếp tục quán triệt những nội dung cơ bản của Đề án 250; (ii) Tập trung rà soát, nghiêm túc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao và hoàn thành đúng tiến độ Đề án 250 đã đề ra; (iii) Củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giám định của các tổ chức giám định tư pháp chuyên trách, nâng cao chất lượng đội ngũ giám định viên tư pháp; (iv) Các bộ , cơ quan ngang bộ quản lý những lĩnh vực giám định không có tổ chức giám định tư pháp chuyên trách cần đề ra các giải pháp hiệu quả nhằm hoàn thiện về quy trình giám định…