Tư pháp theo cách hiểu phổ biến của Việt Nam là mang nghĩa khá rộng. Tư pháp không chỉ là xét xử mà còn có điều tra, truy tố, thi hành án, bổ trợ tư pháp. Cơ quan tư pháp không chỉ là Tòa án mà còn hệ thống cơ quan từ Bộ Tư pháp đến Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp. Tuy nhiên, với Hội thảo này, phạm vi thảo luận được mặc định hiểu giám sát tư pháp là giám sát Tòa án mà trọng tâm là giám sát hoạt động xét xử.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe những bài tham luận, phát biểu xoay quanh vấn đề lý luận và thực tiễn của hoạt động giám sát tư pháp tại một số nước trên thế giới, cũng như ở Việt Nam. Trong đó, những nội dung được quan tâm là sự độc lập của tư pháp/Tòa án, việc giám sát tư pháp/Tòa án như thế nào và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động giám sát tư pháp của Quốc hội tại Việt Nam. Cụ thể:
Về sự độc lập của Tòa án, những ý kiến, quan điểm được đưa ra như: (i) Tòa án muốn độc lập thì không có giám sát ngoài (như Quốc hội), đã có giám sát của Quốc hội thì Tòa án không thể độc lập được. Do đó, Tòa án chỉ cần tự giám sát nó (giám sát trong), chẳng hạn như các cá nhân, cơ quan, đơn vị thuộc Tòa án giám sát lẫn nhau và việc giám sát này vẫn đạt được hiệu quả. (ii) Không có sự độc lập nào nằm ngoài (thiếu) sự giám sát hay có thể nói là dù giám sát nhưng vẫn có độc lập, chỉ là giám sát đến đâu và giám sát như thế nào (giới hạn của giám sát). (iii) Độc lập Tòa án là chỉ độc lập trong xét xử còn về những vấn đề khác như tổ chức bộ máy, nhân sự, ngân sách/kinh phí thì không độc lập vì không cần thiết và cũng rất khó để độc lập (đặc biệt là về ngân sách/kinh phí). (iv) Nếu không độc lập về ngân sách/kinh phí thì Tòa án không thể độc lập, chính vì vậy, theo quan điểm này thì ở Việt Nam, Tòa án không độc lập.
Ở Việt Nam, Quốc hội có thẩm quyền giám sát Tòa án. Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đồng tình với việc giám sát này cần có giới hạn và được thể hiện như: Giám sát chỉ ở tầm khái quát, mang tính chất chung (như chỉ giám sát việc tuân thủ Hiến pháp, luật), không can thiệp vào từng vấn đề, việc xét xử vụ án cụ thể. Nhưng lại có quan điểm cho rằng, cần đi vào từng vấn đề, vụ việc cụ thể thì từ đó mới có cơ sở để giám sát, để đi đến khái quát. Theo một ý kiến khác, trong một số trường hợp nhất định, cần phải có sự can thiệp vào việc xét xử vụ án cụ thể (như vụ án nổi cộm, có nhiều dư luận của người dân, nhiều ý kiến trái chiều), điều này là cần thiết nhằm ổn định trật tự, tránh tư tưởng, dư luận xấu trong nhân dân, tránh oan sai đang tiềm ẩn có nguy cơ xảy ra... Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng phải thừa nhận rằng, giữa việc giám sát qua vụ án cụ thể với việc can thiệp, chi phối xét xử có ranh giới rất mong manh, điều này đặt ra vấn đề là cần phải thực hiện giám sát như thế nào để không bị coi là đang can thiệp vào việc xét xử.
Tại Hội thảo, mỗi đại biểu cũng đã đưa ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động giám sát tư pháp của Quốc hội tại Việt Nam. Trong đó, một số giải pháp có thể kể đến như:
- Cần giải quyết vấn đề kiêm nhiệm của đại biểu Quốc hội, vì với việc kiêm nhiệm này, đại biểu Quốc hội rất dễ bị chi phối, ảnh hưởng bởi các yếu tố như chính trị, lợi ích nhóm…
- Cần có cơ sở dữ liệu về các vụ việc, từ đó, Quốc hội mới thấy được vấn đề (như oan sai), giúp cho việc thực hiện quyền giám sát; đồng thời, đây cũng là cơ sở giúp cơ quan tư pháp (Tòa án) nhận định được về việc xét xử của mình.
- Nâng cao tính chuyên môn của Quốc hội: Nâng cao tính chuyên môn của các Ủy ban của Quốc hội; năng lực của cơ quan tham mưu, đại biểu Quốc hội…
- Cần có cơ chế tiếp xúc cử tri thân thiện hơn, thực chất hơn. Thực tế hiện nay, các cử tri thường được chỉ định trước, mang tính chuyên nghiệp, nên những ý kiến họ đưa ra ít có tính mới, có khi lại không thể hiện được nguyện vọng đích thực của người dân. Bên cạnh đó, rất nhiều trường hợp tiếp xúc cử tri chỉ mang tính hình thức, làm cho có, nên không thể đạt được hiệu quả của hoạt động này.
- Có nhiều công cụ để thực hiện quyền giám sát như giám sát bằng văn bản, chất vấn hay điều trần và việc cần làm là tìm hiểu, lựa chọn công cụ nào đạt hiệu quả hơn.
- Có thể tham khảo mô hình Thanh tra Quốc hội của Thụy Điển.