Dẫn đề cho cuộc Hội thảo, GS.TS. Lê Minh Tâm khẳng định: “Trưng cầu ý dân là một phạm trù có tính lịch sử, xuất hiện và phát triển cùng với sự phát triển của dân chủ, văn hóa dân chủ, được sử dụng ngày càng phổ biến trong các sinh hoạt chính trị, pháp lý của nhiều quốc gia và trở thành một hiện tượng của văn hóa chính trị, pháp lý và dân chủ. Nói cách khác, Trưng cầu ý dân là một giá trị do nhân dân sáng tạo ra trong quá trình tổ chức, thực thi quyền lực nhà nước, xây dựng, thực hiện pháp luật và tiến hành các quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội”.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã được nghe tham luận về các chủ đề: Bản chất, nội dung và yêu cầu cơ bản của Trưng cầu ý dân; Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trực tiếp và trưng cầu ý dân; Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam về Trưng cầu ý dân; Các hình thức dân chủ và trưng cầu ý dân; Trưng cầu ý dân và lấy ý kiến nhân dân; Thực hiện trưng cầu ý dân đảm bảo quyền con người, quyền công dân; Luật Trưng cầu ý dân ở các nước Bắc Âu; Kinh nghiệm xây dựng Luật Trưng cầu ý dân và tổ chức trưng cầu ý dân ở Hoa Kỳ và một số nước Bắc Mỹ; Nhu cầu, quan điểm và giải pháp xây dựng Luật Trưng cầu ý dân; Vai trò của Quốc hội trong trưng cầu ý dân;…
Bên cạnh các bài tham luận, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến các vấn đề chính cụ thể:
(1) Các nội dung cần đưa ra trưng cầu ý dân
Các vấn đề tối thiểu phải trưng cầu theo hình thức trưng cầu ý dân bắt buộc bao gồm sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, biên giới, lãnh thổ, gia nhập các tổ chức quốc tế và khu vực, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
(2) Về quy trình, thủ tục trưng cầu ý dân
Theo GS.TSKH Đào Trí Úc thì trưng cầu ý dân cũng giống như bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, quyền của nhân dân tự quyết trong vấn đề thể hiện ý chí của mình là rất quan trọng vì bản chất của trưng cầu ý dân là muốn lấy được ý chí đích thực đó của người dân. Chính vì vậy, quy trình trưng cầu ý dân phải là một hệ thống dễ hiểu, rõ ràng, nhưng phải rất nghiêm ngặt.
Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng một cuộc trưng cầu dân ý sơ sài, thiếu sự chuẩn bị và không chặt chẽ về mặt thủ tục sẽ khiến người dân thờ ơ bỏ phiếu cho xong việc. Ngược lại, cuộc trưng cầu dân ý quá rườm rà và phức tạp về thủ tục không những làm giảm đi tính kịp thời của quyết định mà nó còn mất đi ý nghĩa của trưng cầu ý dân, đồng thời là rào cản cho nhân dân thực hiện quyền lực của mình. Do vậy, các đại biểu đề xuất cần quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin của Nhà nước về các vấn đề cần đưa ra trưng cầu ý dân vì “dân chúng mà không có thông tin về đối tượng trưng cầu thì khó có thể nói cuộc trưng cầu dân ý thành công, phản ánh được ý chí và nguyện vọng của nhân dân”.
Để đảm bảo kết quả của cuộc trưng cầu dân ý được khách quan, công khai và chính xác, PGS.TS. Trương Thị Hồng Hà, Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, đề xuất nên đưa cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Luật Trưng cầu ý dân.
(3) Giá trị pháp lý của kết quả trưng cầu dân ý
GS.TSKH. Đào Trí Úc, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: Ở quốc gia trên thế giới, việc lấy ý kiến nhân dân về một vấn đề nào đó có thể có nhiều mức độ: Trưng cầu có tính chất quyết định, trưng cầu có tính tham khảo, sáng kiến của nhân dân về việc giải quyết một vấn đề nào đó; khiếu nại về vụ, việc cụ thể. Trong số các hình thức đó của cơ chế dân chủ trực tiếp cao nhất, bởi vì nó bảo đảm tính hiệu lực tức thời của kết quả biểu quyết. Theo đó, ông đề nghị chọn trưng cầu ý dân có tính quyết định là đối tượng điều chỉnh của Luật Trưng cầu ý dân, và khẳng định: “Kết quả trưng cầu ý dân có hiệu lực kể từ ngày công bố, không cần sự phê chuẩn của bất cứ cơ quan nhà nước nào”. Để nhấn mạnh hơn cho tính bắt buộc thi hành của kết quả trưng cầu ý dân, cần bổ sung vào luật quy định:”Kết quả biểu quyết trưng cầu ý dân có hiệu lực thi hành và phải được cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân tôn trọng; những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”.
Đồng quan điểm với GS.TSKH Đào Trí Úc, nhiều đại biểu cũng cho rằng: Kết quả của cuộc trưng cầu ý dân có giá trị buộc mọi cơ quan nhà nước và công dân phải chấp thuận và thực hiện. Bởi vì, trưng cầu ý dân là hình thức thực hiện quyền lực nhân dân, là biểu hiện cao nhất của chủ quyền nhân dân. Tại Điều 2 Hiến pháp năm 1992 của nước ta xác định “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân…”. Do đó, khi đã có kết quả trưng cầu ý dân thì đó chính là ý chí của nhân dân và đương nhiên có giá trị tối cao buộc các cơ quan nhà nước và mọi công dân có nghĩa vụ chấp hành. Vì kết quả trưng cầu ý dân phản ánh tính tối cao của quyền lực nhân dân nên kết quả trưng cầu ý dân không cần phải phê chuẩn mà có giá trị thi hành.
Như Quỳnh