Tham dự Hội thảo gồm có các nhà khoa học, các luật gia, luật sư, đến từ Đại học Luật Hà Nội, Cục Công tác phía Nam Bộ Tư pháp, Đại học Kinh tế, Đại học Kinh tế - Luật và Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Học viện Tư pháp (cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh), Học viện Khoa học Xã hội, Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đại diện một số cơ quan truyền thông như Báo Tuổi trẻ, Báo Pháp luật Việt Nam... TS. Đặng Vũ Huân, Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Chủ nhiệm đề tài chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đặng Vũ Huân – Chủ nhiệm đề tài đã nhấn mạnh về vai trò của thiết chế truyền thông trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam. Hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, người dân không xa lạ gì với cụm từ "quyền con người", “quyền công dân”, tuy nhiên, để hiểu rõ được "quyền con người", “quyền công dân” bao gồm những quyền cụ thể gì và việc thực hiện và bảo vệ những quyền này trên thực tiễn như thế nào là vấn đề không phải tất cả mọi người đều biết tường tận. Nhiệm vụ của truyền thông là phải giúp cho người dân hiểu rõ nội hàm của "quyền con người", quyền công dân và giúp họ biết về cách thức thực hiện, bảo vệ quyền này trên thực tiễn. Trên thực tế, công tác truyền thông về quyền con người, quyền công dân trong những năm qua bên cạnh những mặt tích cực cũng còn nhiều hạn chế. Các phương tiện truyền thông còn chú trọng vào các vụ việc cụ thể, đôi khi còn khai thác quá sâu những vấn đề xung quanh có liên quan để tạo sự kích thích, hiếu kỳ của khán, độc giả hoặc truyền thông theo sự kiện, phong trào mà chưa chú trọng đến chiến lược dài hơi, tổng thể và sâu sắc về các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền con người và quyền công dân. Bởi vậy, Ban chủ nhiệm đề tài rất mong các đại biểu tham dự trao đổi nhiệt tình, cởi mở về vấn đề này để giúp các cơ quan truyền thông làm tốt hơn nhiệm vụ của mình trong việc tuyên truyền, giáo dục và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe một số tham luận như: Vai trò của thiết chế truyền thông trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân; Pháp luật về quyền con người và những yếu tố ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, thúc đẩy quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam; Công tác thông tin đối ngoại về thành tựu bảo vệ quyền con người và quyền công dân; Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam hiện nay...
Pháp luật Việt Nam hiện nay đã thể hiện đầy đủ các quyền cơ bản, phổ biến của con người được nêu trong Tuyên ngôn nhân quyền thế giới năm 1948 và các Công ước quốc tế khác của Liên Hợp Quốc về quyền con người. Việt Nam luôn nỗ lực tham gia các công ước quốc tế về quyền con người, liên tục sửa đổi, bổ sung pháp luật trong nước để phù hợp với điều kiện trong nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Điều này chứng tỏ những tiến bộ và những cố gắng của Đảng và Nhà nước ta trong việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người. Tuy nhiên, thực tiễn thực thi thế nào để hiện thực hóa các quy định của pháp luật trong đời sống xã hội là vấn đề cần bàn luận. Bên cạnh đó là những yếu tố ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, thúc đẩy quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam. Về mặt thuận lợi là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước; tốc độ phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông; trình độ dân trí và ý thức pháp luật của quần chúng nhân dân ngày một nâng cao; việc thực hiện, bảo đảm quyền con người là khát khao của mỗi cá nhân trong xã hội, phù hợp với xu thế chung của thế giới... cũng còn nhiều khó khăn như quyền con người dễ bị các đối tượng xuyên tạc, lợi dụng để phục vụ những mục đích riêng; công tác truyền thông của Việt Nam về lĩnh vực quyền con người thời gian qua rất được chú trọng nhưng chưa toàn diện và bài bản, chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục; hệ thống pháp luật về quyền con người vẫn còn có những vấn đề cần được tiếp tục hoàn thiện; sự phát triển mạnh của các mạng xã hội, thông tin được lan truyền nhanh, khó kiểm soát, rất dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, tuyên truyền thông tin không chính xác, sai lệch chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật của Nhà nước về quyền con người. Bởi vậy, hoạt động truyền thông về quyền con người cần có chiến lược lâu dài, được thực hiện thường xuyên, liên tục; tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức của người làm báo, cán bộ, công chức, viên chức và người dân; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Quan điểm trên đã nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu tham dự Hội thảo. Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Chí (Đại học Luật Hà Nội), vai trò quan trọng nhất, là thách thức đối với các cơ quan truyền thông hiện nay là làm cho xã hội hiểu đúng về quyền con người. Để làm được điều đó, phải nâng cao trình độ của người làm công tác tuyên truyền, người làm công tác thông tin tuyên truyền phải am hiểu chuyên sâu về vấn đề quyền con người, từ đó đưa ra những thông tin chính xác cho nhân dân, định hướng đúng trong dư luận xã hội, tạo niềm tin cho nhân dân vào các cơ quan truyền thông chính thống.
Phát biểu tại Hội thảo, TS.LS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, nên có những cuộc khảo sát cụ thể về vấn đề này. Ngày nay, báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, bảo vệ quyền con người. Tuy nhiên, Chương II của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân chưa được cụ thể hóa trong cuộc sống nên rất khó khăn cho việc tuyên truyền trong nhân dân. Cũng theo Luật sư Phan Trung Hoài, truyền thông về quyền con người là nhiệm vụ vô cùng nặng nề, người làm công tác tuyên truyền đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy, cần có xây dựng cơ chế bảo vệ các nhà báo để họ có cơ sở thực hiện tốt hơn hiệm vụ của mình. Là người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tranh tụng, Luật sư Phan Trung Hoài cho biết, báo chí có sức mạnh trong trong việc định hướng dư luận, vì vậy, thông tin báo chí đưa ra phải chính xác, người đưa tin phải hiểu biết pháp luật. Trên thực tế, trước nhiều vụ án, một số cơ quan báo chí chỉ nhìn vào hiện tượng bên ngoài, dựa vào cáo trạng rồi đưa tin, đẩy nhiều người vào tình trạng cùng cực, nhưng sau khi nghiên cứu, xét xử, kết luận cuối cùng của Tòa án là họ không có tội. Do đó, việc nâng cao trình độ, nhận thức, đạo đức của người làm công tác thông tin truyên truyền hiện nay là quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt là việc trang bị cho cán bộ làm trong các cơ quan truyền thông những kiến thức về pháp luật.
Theo đại biểu Huỳnh Thị Lệ Thủy, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam của Bộ Tư pháp, việc cần làm hiện nay là phải nâng cao độ tin cậy của của truyền thông đối với người dân. Thông tin được truyền tải trên các phương tiện truyền thông phải đảm bảo tính chính xác, người làm công tác truyền thông phải có kiến thức, hiểu các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đó. Một trường hợp mà đại biểu đưa ra đó là việc cấp phiếu lý lịch tư pháp, nhờ được thông tin tuyên truyền về việc cấp phiếu lý lịch tư pháp, các cơ quan, tổ chức và người dân biết được quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1, số 2. Do vậy, một số cơ quan, tổ chức nước ngoài sử dụng lao động Việt Nam, họ yêu cầu công dân Việt Nam phải nộp phiếu lý lịch tư pháp số 2, trong khi chỉ cần nộp phiếu lý lịch tư pháp số 1 là hợp lệ. Việc nộp phiếu lý lịch tư pháp số 2, tất cả nội dung liên quan đến cá nhân bị phơi bày, trong trường hợp này đã ảnh hưởng đến quyền nhân thân của cá nhân đó. Vì vậy, việc tuyên truyền các chính sách, pháp luật phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, bài bản, rõ ràng và cụ thể để người dân hiểu rõ mình có những quyền gì, để họ có thể tự bảo vệ quyền đó của mình...
Các ý kiến tham luận của các đại biểu Nguyễn Xuân Quang (Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh); Võ Hồng Sơn (Học viện Tư pháp); TS. Nguyễn Thanh Bình (Cục Công tác phía Nam) và một số đại biểu tham dự hội thảo cũng đã làm sâu sắc hơn vai trò của thiết chế truyền thông trong bảo vệ quyền con người, quyền công dân; yêu cầu nâng cao nhận thức về quyền con người, quyền công dân cho quần chúng nhân dân...
Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Đặng Vũ Huân nhấn mạnh quyền con người hiện nay là một giá trị phổ quát lớn của nhân loại được tất cả các nước trên thế giới hết sức quan tâm và đề cao, do đó, chúng ta cần phải nỗ lực trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao ý thức và nhận thức về quyền con người, quyền công dân trong các cơ quan, tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân để nâng cao hiệu quả thực thi, đồng thời tránh bị lợi dụng, xuyên tạc về quyền con người dẫn đến chia rẽ, mất đoàn kết, ảnh hưởng đến an ninh chính trị trong nước và quá trình hợp tác quốc tế của nước ta. Ban chủ nhiệm đề tài xin tiếp thu các ý kiến tham luận để tiếp tục thực hiện nghiên cứu đề tài một cách hiệu quả nhất.
Nguyễn Vinh