Abstract: In the legal science, the contract of association is always considered as a theoretical basis and the practice of association but now, the Civil Code still overlooks this problem. Therefore, in order to concretize the constitutional principles about the right of freedom of association and the right of freedom of business, which are recognized in the Article 25, Article 33 of Constitution of 2013 and to make the legal basis for specialized laws, there is a need to research the contract of association to add this regulations about contract of association in the Civil Code.
1. Khái quát về hội
Hội xét chung trong tổng thể việc đáp ứng các nhu cầu sống của con người là một trong những phương tiện quan trọng giúp con người thỏa mãn các nhu cầu đó[1], mà trong chúng bao gồm cả các nhu cầu về vật chất và các nhu cầu về tinh thần. Tuy nhiên, bản chất pháp lý của hội vẫn còn là một vấn đề gây tranh luận. Có lẽ việc xem xét bản chất của hội trước hết bắt đầu từ việc phân loại hội.
Với tính cách là một phương tiện chung nhằm đáp ứng các nhu cầu sống, nhưng do cách thức của sự đáp ứng từng loại nhu cầu có sự khác nhau nên phản ánh về mặt hình thức, hội được chia thành hai loại cơ bản là hội có mục đích kinh tế và hội không có mục đích kinh tế. Điều 21, 22 Bộ luật Dân sự Đức năm 2002 cũng quy định phân loại hội như vậy để thiết lập quy chế thủ đắc năng lực pháp lý riêng biệt của từng loại hội. Các điều luật này có nội dung như sau: “Một hội mà mục tiêu của nó không phải là hoạt động thương mại thì có tư cách pháp lý bởi việc được ghi vào sổ đăng ký hội tại tòa án địa phương có thẩm quyền” (Điều 21); “Một hội mà mục tiêu hoạt động của nó là hoạt động thương mại thì có tư cách pháp lý được cấp bởi tiểu bang, nếu không có các quy định đặc biệt của luật liên bang” (Điều 22). Cách phân loại này không giúp xác định được bản chất pháp lý của hội, mà chỉ cho biết sự lựa chọn của nhà làm luật về cách thức cấp năng lực pháp lý cho hội.
Xét từ căn cứ tạo lập nên hội, có thể chia hội thành hai loại là hội được tạo lập bởi hợp đồng và hội được tạo lập bởi pháp luật. Tuy nhiên, hội là một tổ chức phi Chính phủ, nên việc pháp luật quy định về việc thành lập một hội cụ thể hay Nhà nước quyết định thành lập hội mà không có sự tự nguyện tham dự của các thành viên là điều ít xảy ra. Vì thế, về cơ bản hội mang bản chất hợp đồng. Bộ luật Dân sự của nhiều nước trên thế giới đều có chương nói về hội hay hợp đồng lập hội, trong đó mô tả chung các đặc điểm pháp lý của hội. Bộ luật Dân sự Bắc Kỳ năm 1931, Bộ luật Dân sự Trung Kỳ năm 1936 và Bộ luật Dân sự năm 1972 của Chính quyền Sài Gòn (cũ) theo mô hình Bộ luật Dân sự Pháp năm 1804 đều có một chương như vậy, tuy nhiên, các bộ luật này chủ yếu quy định về hợp đồng lập hội có mục đích kinh tế. Trong khi đó, Bộ luật Dân sự Pháp năm 1804 có một chương nói về hội với tính chất là hợp đồng, sau đó mở rộng ra với tính chất là hành vi pháp lý (bao gồm cả hợp đồng và hành vi pháp lý đơn phương), bởi vì về sau này nhà làm luật chấp nhận hội thương mại có thể chỉ có một thành viên (là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên).
2. Một số khía cạnh pháp lý của hợp đồng lập hội
Bộ luật Dân sự Bắc Kỳ năm 1931 định nghĩa: “Khế ước lập hội là khế ước do hai hay nhiều người đồng ý xuất tài sản chung nhau để lấy lợi mà chia nhau” (Điều thứ 1200). Các quy định này được sao chép nguyên văn vào Điều thứ 1425 của Bộ luật Dân sự Trung Kỳ năm 1936. Các định nghĩa này chưa làm rõ được nội hàm của khái niệm hợp đồng lập hội. Theo định nghĩa của hai bộ luật này, hai hay nhiều người cùng tiết kiệm bằng cách bỏ tiền cùng nhau gửi tiết kiệm rồi lấy tiền lãi chia nhau phải chăng cũng được xem là hợp đồng lập hội? Khắc phục những khiếm khuyết của định nghĩa trong hai bộ luật nêu trên, Bộ luật Dân sự năm 1972 đã chuyển hóa những đặc trưng của hội theo Điều 1832 Bộ luật Dân sự Pháp năm 1804 để định nghĩa hợp đồng lập hội như sau: “Khế ước lập hội là khế ước theo đó hai hay nhiều người đồng ý góp công, góp của để hoạt động với mục đích kiếm được lời cùng chia nhưng nếu thua lỗ cùng chịu” (Điều thứ 1264). Theo định nghĩa này, hợp đồng lập hội có các dấu hiệu như: (i) Hai hay nhiều người cùng nhau góp vốn (có thể bằng công sức hoặc bằng tài sản); (ii) Hai hay nhiều người đó cùng nhau hoạt động trên căn bản sự góp vốn đó; (iii) Các hoạt động cùng nhau này phải nhằm mục đích sinh lời để chia nhau; (iv) Nếu hoạt động chung này bị thua lỗ thì hai hay nhiều người đó phải cùng nhau gánh chịu.
Nếu xét từ việc tổ chức hội, hợp đồng lập hội có thể được phân chia thành hai loại: Loại thứ nhất là hợp đồng tạo lập nên một hội nhất định được giao kết giữa các thành viên sáng lập ra hội với nhau; loại thứ hai là hợp đồng gia nhập một hội nhất định được giao kết giữa một thành viên gia nhập một hội nhất định với chính hội đó. Khái niệm về hợp đồng lập hội trong các Bộ luật Dân sự thuộc về loại thứ nhất. Như vậy, có thể hiểu một cách đơn giản hợp đồng lập hội là loại hợp đồng tạo lập nên một hội. Tuy nhiên, các định nghĩa nêu trên mới chỉ nhằm tới các hội có mục đích kinh tế. Vậy việc xây dựng một định nghĩa cho hợp đồng lập hội nói chung không kể hội có mục đích kinh tế hay không là một việc cần thiết, trước hết để phân biệt hợp đồng lập hội với các loại hợp đồng khác, sau đó để nghiên cứu các vấn đề pháp lý liên quan, cũng như xây dựng quy chế pháp lý cho loại hợp đồng này.
Hợp đồng lập hội nói chung là một sự thỏa thuận của hai hay nhiều người cùng nhau đóng góp công sức, tri thức, tiền bạc hay các lợi ích vật chất khác để cùng nhau hoạt động nhằm các mục tiêu chung và phải chịu trách nhiệm về các hoạt động đó theo quy định của pháp luật. Thực tế, bất kể hội nào (nhằm mục đích kinh tế hay không) đều phải có kinh phí hoạt động, kinh phí ấy thu được từ sự đóng góp của các thành viên hoặc từ tài trợ của người khác. Do đó, việc đóng góp tiền không phải là dấu hiệu riêng của hội nhằm mục đích kinh tế. Việc đóng góp tiền thành lập hội nhằm mục đích kinh tế là tạo thành vốn để kinh doanh sinh lời. Còn sự đóng góp tiền bạc thành lập hội không nhằm mục đích kinh tế là sự chi tiêu cho các nhu cầu về tinh thần trong khuôn khổ các mục tiêu hoạt động của hội.
Nguồn pháp luật của hợp đồng lập hội khá phong phú so với các loại hợp đồng khác. Cả ở phương diện triết học, kinh tế, văn hóa, xã hội, cũng như pháp lý, Amy Gutmann cho rằng: “Quyền tự do lập hội (Freedom of Association) có bản chất gia tăng của một phương tiện thu hút sự tham gia của mọi người vào hoạt động từ thiện, thương mại, công nghiệp, giáo dục, y tế, chung sống, thực hành tín ngưỡng, chuyên môn, âm nhạc và nghệ thuật, vui chơi giải trí và thể thao”[2]. Như vậy có thể thấy, quyền tự do lập hội là nền tảng triết lý chung của hội hay hợp đồng lập hội mà không kể hội đó có phải là hội nhằm mục đích kinh tế hay không. Theo cuốn hướng dẫn người lao động lập hội và thương lượng tập thể thì: “Tự do lập hội có nghĩa là sự cho phép những người lao động tạo lập và gia nhập công đoàn, những hiệp hội và những hội đồng hay những ủy ban của người lao động theo sự lựa chọn của họ. Mục đích là có thông tin hai chiều giữa quản lý và những người lao động”[3]. Qua các trích dẫn này thấy rằng, quyền tự do lập hội là nền tảng triết lý không chỉ của hợp đồng tạo lập nên một hội nhất định, mà còn của hợp đồng được giao kết giữa một thành viên gia nhập một hội nhất định với chính hội đó. Các khảo sát sơ bộ này cho thấy, trước tiên nguồn của hợp đồng lập hội là Hiến pháp, nơi chuyển hóa cơ sơ triết học này thành nguyên tắc hiến định. Điều 25 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 có quy định về quyền tự do lập hội. Lẽ ra, sau đó Bộ luật Dân sự năm 2015 phải quy định tổng quát về hợp đồng lập hội, nhưng Bộ luật này không có các quy định như vậy. Trong khi đó, các đạo luật hiện hành như Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Bộ luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng, Luật Hợp tác xã… đều có các quy định về hợp đồng lập hội. Hiện nay, đạo luật về hội (không nhằm mục đích kinh tế) đang trong quá trình xây dựng. Một loại nguồn quan trọng, phổ biến và được ưu tiên áp dụng đầu tiên liên quan tới những tranh chấp về hội là điều lệ của hội. Thực chất, đây là một bản văn chứa đựng các điều kiện của hợp đồng lập hội theo pháp luật Việt Nam. Thông thường, các bản điều lệ này phải được chấp nhận bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chẳng hạn, trong bộ hồ sơ đăng ký kinh doanh Luật Doanh nghiệp năm 2014 đòi hỏi phải có dự thảo điều lệ doanh nghiệp. Ngoài văn bản quy phạm pháp luật, các loại nguồn bổ sung khác của hợp đồng lập hội có thể bao gồm các loại nguồn được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 như tập quán, án lệ và lẽ công bằng.
Hợp đồng lập hội là hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Đây là đặc điểm nổi trội nhất của loại hợp đồng này. Khác với hợp đồng mua bán hay hợp đồng dịch vụ, các bên giao kết hợp đồng lập hội không trở thành trái chủ và thụ trái của nhau mà lại trở thành trái chủ và thụ trái của hội do chính sự giao kết hợp đồng của họ tạo lập ra[4]. Tuy nhiên, nội dung cụ thể của đặc điểm này trong hợp đồng lập hội phụ thuộc vào các hình thức pháp lý của hội. Các hình thức này được quy định rất cụ thể đối với thương hội. Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định thương hội có các hình thức: Công ty hợp danh, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn. Riêng đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, đạo luật này nói tới hai loại là công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Như trên đã nói, hội có thể là một hành vi pháp lý, có nghĩa là công ty trách nhiệm hữu hạn là một hợp đồng lập hội; còn công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là một hành vi pháp lý đơn phương lập hội. Cách thức tư duy này khác với quan niệm thông thường cho rằng hội là một tổ chức của hai hay nhiều người. Đối với các hình thức công ty nói trên, ta có thể thấy sự khác biệt về nội dung của đặc điểm hợp đồng lập hội là hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba giữa hình thức công ty đối nhân và hình thức công ty đối vốn. Đối với công ty hợp danh (công ty đối nhân), khi các thành viên đã cam kết với nhau, thành lập công ty có nghĩa là họ đã rằng buộc với nhau, chịu trách nhiệm liên đới và vô hạn định với các khoản nợ của công ty. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần (công ty đối vốn), sự ràng buộc lẫn nhau giữa các thành viên công ty bị giảm dần từ công ty trách nhiệm hữu hạn sang công ty cổ phần.
Các phân tích ở trên cho thấy, hợp đồng lập hội là một loại hợp đồng quan trọng không thể thiếu được trong đời sống xã hội, do chính nhu cầu khách quan của con người. Đây là một loại hợp đồng có phạm vi tác động sâu rộng, do đó cần phải nghiên cứu bổ sung vào Bộ luật Dân sự để làm nền tảng pháp lý cho các luật chuyên ngành.
Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nộị
[1]. Ngô Huy Cương (2015), “Bình luận các quy định về pháp nhân trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)” (tr. 38 - 49), Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Số chuyên đề sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 38.
[2]. Amy Gutmann (1998), Freedom of Association, Princeton University Press, New Jersey, p. 4.
[3]. Sedex Information Exchange Ltd (2017), “Freedom of Asociation and Collective Bargaining”, Sedex Suplier Workbook, http://www.Sedexglobal.com, p. 1.
[4]. Ngô Huy Cương (2016), Lý thuyết chung về nghĩa vụ, Bài giảng điện tử.
Các tin khác
Thẩm quyền của Tòa án Việt Nam khi trọng tài nước ngoài giải quyết tranh chấp tại Việt Nam Khung pháp lý về mua lại và sáp nhập Ngân hàng thương mại ở Việt Nam Quản lý nhà nước đối với việc sử dụng đất đô thị và hướng hoàn thiện Một số bất cập của pháp luật cạnh tranh hiện hành Định giá tài sản theo Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự Hoàn thiện các quy định về chế tài trong thương mại theo Luật Thương mại năm 2005 Địa vị pháp lý của Tổ quản lý và thanh lý tài sản theo pháp luật phá sản Những bất cập trong quy định của pháp luật về tranh chấp và giải quyết tranh chấp đất đai