1. Thực trạng quy định pháp luật về hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba
1.1. Về khái niệm hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba
Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là hợp đồng mà các bên giao kết đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó (khoản 5 Điều 402 Bộ luật Dân sự năm 2015). So với hợp đồng thông thường, hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba có những đặc tính riêng biệt trong việc hình thành cũng như thực hiện hợp đồng.
Thứ nhất, sự thỏa thuận, thống nhất ý chí giữa các chủ thể tham gia hợp đồng là cơ sở phát sinh việc thụ hưởng lợi ích của người thứ ba. Trong đó, một bên trao quyền lợi của họ được hưởng theo hợp đồng cho người thứ ba còn bên kia phải thực hiện một nghĩa vụ đối với người thứ ba đó. Trong thực tế, hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba có thể chia ra thành hai loại. Phổ biến nhất là loại hợp đồng chỉ đem lại lợi ích cho riêng người thứ ba (nói cách khác, người thứ ba là người thụ hưởng duy nhất đối với các lợi ích từ hợp đồng), ví dụ như hợp đồng giảng dạy, hợp đồng tặng cho tài sản với điều kiện nuôi dưỡng một người không phải là người tặng cho… Bên cạnh đó, còn có loại hợp đồng không chỉ đem lại lợi ích cho người thứ ba mà còn song song đem lại lợi ích cho người giao kết, ví dụ như hợp đồng bảo hiểm, người mua bảo hiểm để bảo hiểm cho chính mình những cũng có thể cho người khác (người thứ ba) cùng thụ hưởng… Tuy nhiên, dù biểu hiện dưới dạng nào, thì việc tạo lập quyền lợi cho người thứ ba là điều không thể thiếu.
Thứ hai, người thứ ba hưởng lợi ích từ hợp đồng trong phạm vi các điều kiện do hợp đồng quy định, theo đó, họ có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ, có quyền từ chối hưởng lợi ích và cho phép các bên trong hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng.
Thứ ba, người thứ ba phải được xác định, có như vậy bên có nghĩa vụ mới có thể thực hiện được nghĩa vụ đúng người. Khoản 5 Điều 402 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã đưa ra khái niệm tương đối rõ ràng về hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba, giúp chúng ta bước đầu hình dung được các đặc trưng pháp lý của loại hợp đồng này. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn không ít những băn khoăn trong việc “các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ” hay định nghĩa như thế nào là “người thứ ba”?
- Đối với việc các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ, có quan điểm cho rằng, quy định này không phù hợp thực tế, bởi vì, hầu hết các trường hợp thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là một bên phải thực hiện nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền để mang lại lợi ích cho người thứ ba và như vậy, việc ghi nhận các bên trong hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ phải chăng hơi khiên cưỡng, thậm chí mâu thuẫn với Điều 415 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba? Thực ra, xét về câu chữ, quy định trên yêu cầu các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ nhưng không nêu các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ vì người thứ ba, đem lại lợi ích cho người thứ ba. Ở đây, có thể hiểu, chỉ cần một bên thực hiện nghĩa vụ đối với người thứ ba và bên còn lại thực hiện nghĩa vụ với bên thực hiện nghĩa vụ cho người thứ ba là phù hợp quy định trên.
- Về sự thiếu vắng định nghĩa người thứ ba: Bộ luật Dân sự năm 2015 sử dụng thuật ngữ người thứ ba trong nhiều quy định khác nhau, với những ý nghĩa khác nhau, chủ yếu liên quan đến giao dịch dân sự nói chung và các loại hợp đồng nói riêng, tuy nhiên không đưa ra bất kỳ một khái niệm pháp lý cụ thể nào về người thứ ba, điều đó gây ra những lúng túng nhất định trong việc hiểu và giải thích các quy định có liên quan. Theo cách hiểu thông thường, người thứ ba trong quan hệ pháp lý có thể là một người cụ thể, có thể là một nhóm người hoặc thậm chí một tổ chức. Nếu là một người cụ thể, thì việc xác định ý chí của người này trong việc chấp nhận hay từ chối thụ hưởng lợi ích khá dễ dàng nhưng nếu họ là một nhóm người hay một tổ chức, thì việc bày tỏ ý chí trong trường hợp này được xác định như thế nào, liệu có cần tất cả thành viên trong nhóm, tổ chức biểu đạt ý chí của mình hay không? Nếu có người chấp nhận nhưng những người còn lại từ chối lợi ích nên giải quyết thế nào? Rõ ràng, với những quy định hiện có, chúng ta mới chỉ khẳng định được người thứ ba không phải là các bên trong hợp đồng, không phải người được đại diện hay người kế thừa tư cách của một bên trong hợp đồng mà thôi.
Mặt khác, người thứ ba có nhất thiết phải tồn tại ở thời điểm xác lập hợp đồng hay chỉ cần tồn tại ở thời điểm có hiệu lực của sự thực hiện hợp đồng? Các quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 về hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba chưa ghi nhận ràng buộc ở phương diện này. Về bản chất, người thứ ba không phải bên giao kết hợp đồng nên họ cũng không nhất thiết phải tồn tại ở thời điểm hợp đồng được xác lập, tuy nhiên tính khả thi của việc thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng gắn liền với tính xác định của người hưởng lợi từ hợp đồng đó, chính vì thế nếu không thể xác định rõ danh tính cụ thể thì ít nhất người thứ ba phải được xác định qua các điều kiện, các thông tin, đặc điểm nhất định vào thời điểm xác lập hợp đồng hoặc thời điểm bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ đối với người thứ ba. Có như vậy, bên thực hiện nghĩa vụ mới có thể thực hiện đúng những cam kết trong hợp đồng, từ đó đảm bảo quyền lợi cho người thứ ba.
1.2. Về thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba
Điều 415 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, khi thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba thì người thứ ba có quyền trực tiếp yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình; nếu các bên có tranh chấp về việc thực hiện hợp đồng thì người thứ ba không có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cho đến khi tranh chấp được giải quyết. Bên có quyền cũng có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba.
Khi hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba được thực hiện, tức là lợi ích của người thứ ba đã được xác lập, mặc dù không phải người trực tiếp giao kết hợp đồng nhưng pháp luật vẫn quy định cho người thứ ba có quyền trực tiếp yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Ví dụ, trong hợp đồng vận chuyển, người mua hàng là người thứ ba có quyền nhận hàng hóa vận chuyển, tuy không trực tiếp giao kết, thỏa thuận hợp đồng vận chuyển đó nhưng có quyền yêu cầu bên vận chuyển phải bàn giao hàng hóa vận chuyển cho mình khi đến hạn và tại địa điểm như trong hợp đồng. Lợi ích của việc tạo lập quyền cho người thứ ba trong trường hợp này rất rõ ràng, không chỉ giúp người thứ ba bảo đảm tốt hơn quyền lợi của mình mà còn khẳng định vai trò của người thứ ba trong việc thực hiện hợp đồng bên cạnh vai trò của các bên tham gia hợp đồng. Tuy nhiên, trong trường hợp người thứ ba yêu cầu thực hiện nghĩa vụ nhưng người có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thì giải quyết như thế nào? Về chế tài cho trường hợp này, Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa có quy định cụ thể. Một vấn đề đặt ra là, liệu có thể coi quyền yêu cầu của người thứ ba nêu trên là quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ nên có thể viện dẫn các chế tài cho vi phạm thực hiện nghĩa vụ để quy trách nhiệm cho người thực hiện nghĩa vụ hay không?
Nhìn từ góc độ khác, quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng của người thứ ba không loại trừ quyền yêu cầu của bên có quyền trong hợp đồng. Cụ thể, Điều 415 Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận, bên có quyền cũng có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Điều này là hợp lý, vì thực chất, thực hiện nghĩa vụ vì lợi ích của người thứ ba xuất phát từ hợp đồng, thuộc nội dung hợp đồng giữa bên có quyền và bên có nghĩa vụ, chính họ là chủ thể giao kết, xác lập cũng như tiến hành thỏa thuận các điều khoản của hợp đồng. Vì vậy, bên có quyền hoàn toàn có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ của mình vì lợi ích của người thứ ba.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng dự liệu trường hợp nếu các bên có tranh chấp về việc thực hiện hợp đồng (về thời gian, địa điểm, giá cả, phương thức thực hiện hợp đồng…), thì người thứ ba không có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cho đến khi tranh chấp được giải quyết. Quy định này về cơ bản là phù hợp với bản chất của hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba, đó là hợp đồng giữa bên có quyền và bên có nghĩa vụ, chỉ họ mới có quyền đàm phán, giải quyết các vấn đề xoay quanh hợp đồng, còn người thứ ba không tham gia xác lập hợp đồng và cũng sẽ không trở thành một bên trong hợp đồng, do đó không có quyền can thiệp vào hợp đồng. Tuy nhiên, vô hình chung điều này đã đẩy người thứ ba được hưởng lợi vào tình thế bất lợi, bởi họ bị ràng buộc, bị phụ thuộc vào ý chí của các bên giao kết, khi tranh chấp chưa được giải quyết xong, thì họ không có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ đối với mình, nếu có vi phạm nghĩa vụ dẫn đến người thứ ba bị thiệt hại hoặc không đạt được lợi ích thì chỉ bên có quyền mới có quyền yêu cầu bên vi phạm nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm dân sự. Thậm chí, có trường hợp bên có nghĩa vụ dựa vào tình trạng này để trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ, khiến người thứ ba không được nhận lợi ích lẽ ra được thụ hưởng.
Ở đây, cũng cần phân biệt hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba và hợp đồng ba bên, bởi lẽ hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là hợp đồng giữa bên có quyền và bên có nghĩa vụ, còn bên thứ ba không được xác định là chủ thể của hợp đồng mà chỉ là chủ thể được hưởng lợi trong hợp đồng. Trong khi đó, hợp đồng ba bên là hợp đồng có sự tham gia của ba chủ thể và tất cả đều được xác định là chủ thể của hợp đồng, tham gia vào quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng. Có thể nói, với hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba, pháp luật hiện hành thừa nhận hợp đồng có thể phát sinh hiệu lực trực tiếp đối với người không tham gia giao kết.
1.3. Về quyền từ chối của người thứ ba
Người thứ ba không tham gia xác lập cũng như định đoạt những nội dung của hợp đồng có liên quan đến quyền, lợi ích của mình nên ở thế bị động, họ có thể không muốn tiếp nhận lợi ích từ hợp đồng do nằm ngoài ý muốn hoặc do việc thụ hưởng lợi ích từ hợp đồng sẽ đưa họ vào tình thế bất lợi. Do đó, pháp luật ghi nhận cho họ được quyền từ chối lợi ích từ hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba.
Điều 416 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã kế thừa, có sự bổ sung và cụ thể hóa hơn về quyền từ chối của người thứ ba so với các văn bản pháp luật dân sự trước đây. Việc từ chối có thể được đưa ra trước khi người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ, khi đó hợp đồng bị hủy bỏ, các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định điều kiện bắt buộc trong trường hợp này là bên có nghĩa vụ phải báo cho bên có quyền về việc người thứ ba từ chối lợi ích của mình để làm căn cứ hủy bỏ hợp đồng. Nội dung này về cơ bản được kế thừa từ Bộ luật Dân sự năm 2005 và được cho là cần thiết giúp bên có quyền chủ động hơn khi biết việc người thứ ba từ chối hưởng lợi ích đồng thời tránh được tình trạng bên có nghĩa vụ không thông báo dẫn tới bên có quyền vẫn phải thanh toán các chi phí thực hiện nghĩa vụ cho họ. Tuy nhiên, điều luật này lại không cho biết cách xử lý thiệt hại do việc hủy bỏ hợp đồng gây ra đối với bên có nghĩa vụ phải thực hiện, họ có thể bị thiệt hại (thiệt hại xảy ra không phải bởi hành vi của chính họ mà bởi sự từ chối của người thứ ba) nhưng lại không biết yêu cầu bồi thường thiệt hại từ ai, bên còn lại của hợp đồng hay người thứ ba? Nhất là khi người thứ ba không phải một bên trong hợp đồng và bản thân người thứ ba được quyền từ chối lợi ích theo quy định của pháp luật, do vậy không thể coi là bên có hành vi vi phạm nghĩa vụ nên sẽ không có trách nhiệm bồi thường.
Ngoài ra, việc từ chối hưởng lợi ích có thể được đưa ra sau khi người có nghĩa vụ đã thực hiện nghĩa vụ, khi đó hợp đồng được coi là đã hoàn thành nên hợp đồng vẫn có giá trị. Việc từ chối không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng cũng như quyền, nghĩa vụ của các bên chủ thể hợp đồng. Bên có quyền sẽ phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình đối với bên đã thực hiện nghĩa vụ vì lợi ích của người thứ ba. Quy định này không có gì mới so với Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2005. Nội dung mới mà khoản 2 Điều 416 Bộ luật Dân sự năm 2015 đưa vào là lợi ích phát sinh từ hợp đồng thuộc về bên mà nếu hợp đồng không vì lợi ích của người thứ ba thì họ là người thụ hưởng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Việc bổ sung quy định này có ý nghĩa trong việc xác định chủ thể hưởng lợi ích phát sinh trong trường hợp người thứ ba từ chối, tránh những tổn thất cho các bên khi mà nghĩa vụ đã được thực hiện. Tuy nhiên, có lẽ không thực sự cần thiết, vì khi người thứ ba từ chối một lợi ích phát sinh từ hợp đồng thì lợi ích đó đương nhiên thuộc về bên có quyền trong hợp đồng đó.
Một vấn đề đặt ra ở trường hợp thứ hai, đó là quy định “bên có nghĩa vụ đã thực hiện nghĩa vụ” còn chưa rõ ràng, có thể hiểu là thực hiện một phần nghĩa vụ hay toàn bộ nghĩa vụ? Giả sử, nghĩa vụ đã được thực hiện một phần thì giải quyết như thế nào? Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng, hợp đồng đã chấm dứt nhưng không phải là hủy bỏ hợp đồng, bởi hủy bỏ hợp đồng sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý là các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, ở đây phải là đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng vì phần nghĩa vụ chưa được thực hiện mới được coi là không phát sinh, phần nghĩa vụ đã được thực hiện vẫn phải coi là có giá trị, vì vậy bên có quyền vẫn phải thanh toán các chi phí cho bên có nghĩa vụ tương ứng với nghĩa vụ họ đã thực hiện.
1.4. Về sửa đổi, hủy bỏ hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba
Hợp đồng về bản chất là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Việc sửa đổi hay hủy bỏ hợp đồng là do ý chí của các bên chủ thể trong hợp đồng quyết định. Tuy nhiên, đối với loại hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba, quyền sửa đổi hay hủy bỏ hợp đồng bị giới hạn bởi ý chí của người thứ ba.
Theo Điều 417 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi người thứ ba đã đồng ý hưởng lợi ích thì dù hợp đồng chưa được thực hiện, các bên giao kết hợp đồng cũng không được sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng, trừ trường hợp được người thứ ba đồng ý. Nhìn chung, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định khá chặt chẽ về việc sửa đổi, hủy bỏ hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba theo hướng bảo vệ quyền lợi và tránh rủi ro cho người thứ ba, tuy nhiên quy định này vẫn còn khá cứng nhắc, bởi vì:
Thứ nhất, nếu chỉ dành quyền quyết định cho người thứ ba, hướng đến lợi ích của người thứ ba, thì trong nhiều trường hợp không bảo đảm được lợi ích của các bên trong hợp đồng, bởi bản thân các chủ thể giao kết hợp đồng cũng có thể có những lợi ích nhất định.
Thứ hai, trong một số trường hợp, việc sửa đổi hợp đồng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thực hiện nghĩa vụ của các bên chủ thể, hạn chế rủi ro, thiệt hại, hướng tới lợi ích tốt hơn cho người thứ ba. Nhưng theo quy định của luật, thì việc sửa đổi hợp đồng theo hướng có lợi hơn cho người thứ ba này vẫn cần phải được người thứ ba đồng ý mới có giá trị pháp lý.
Thứ ba, sau khi người thứ ba đồng ý tiếp nhận lợi ích, cần có sự đồng ý của người thứ ba về việc sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng, thì hợp đồng mới có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ nhưng luật chưa dự liệu đến trường hợp sau khi đồng ý hưởng lợi người thứ ba rơi vào tình trạng không thể bày tỏ ý chí của mình.
2. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba
Để khắc phục những tồn tại và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba trên thực tế, tác giả đưa ra một số kiến nghị cụ thể như sau:
Thứ nhất, bổ sung định nghĩa pháp lý về người thứ ba theo hướng: (i) Xác định rõ người thứ ba bao gồm đối tượng nào và điều kiện về năng lực pháp luật của đối tượng đó trong hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba; (ii) Định nghĩa về người thứ ba cũng cần chứa đựng quy định về việc xác định cụ thể về người thứ ba dưới hình thức chỉ đích danh họ hay đưa ra những điều kiện xác định vào thời điểm xác lập hợp đồng hoặc thời điểm bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ với người thứ ba. Khi đã xác định những đối tượng là người thứ ba, thì trong các quy định còn lại về hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba cần bổ sung những vấn đề tương ứng với từng loại đối tượng, bởi lẽ, người thứ ba có thể là một hoặc nhiều người, do đó việc bày tỏ ý chí và thực hiện quyền của họ cũng sẽ có sự khác nhau, cần quy định rõ ràng cụ thể, tránh vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng này.
Thứ hai, hoàn thiện quy định về thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba: (i) Cần quy định cụ thể về chế tài trong trường hợp người thứ ba yêu cầu thực hiện nghĩa vụ nhưng bên có nghĩa vụ lại vi phạm nghĩa vụ hoặc có định hướng để viện dẫn loại chế tài nào cho phù hợp; (ii) Cần bổ sung quy định về người thứ ba bên cạnh việc có quyền trực tiếp yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình còn có thể nhân danh mình khởi kiện ra Tòa án, khi đó Tòa án có trách nhiệm giải quyết yêu cầu của người thứ ba thay vì từ chối thụ lý với lý do tranh chấp từ hợp đồng chưa được giải quyết.
Thứ ba, hoàn thiện quy định về quyền từ chối của người thứ ba: (i) Đối với trường hợp từ chối lợi ích trước khi bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ, pháp luật dân sự cần bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người thứ ba từ chối hưởng lợi ích dẫn tới hợp đồng bị hủy bỏ và gây ra thiệt hại, theo hướng bên có quyền sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên có nghĩa vụ, ngay cả khi thiệt hại không phải do hành vi của họ. Ngoài ra, cần bổ sung quy định đối với trường hợp người thứ ba đã bày tỏ sự đồng ý nhưng sau đó lại từ chối lợi ích của mình khiến thiệt hại phát sinh thì người thứ ba phải bồi thường. (ii) Đối với trường hợp từ chối lợi ích sau khi bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ, cần làm rõ việc “bên có nghĩa vụ đã thực hiện nghĩa vụ” bằng cách tách bạch hai trường hợp bên có nghĩa vụ đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ và bên có nghĩa vụ đã thực hiện một phần nghĩa vụ, từ đó xây dựng hệ quả pháp lý tương ứng.
Thứ tư, hoàn thiện quy định về sửa đổi, hủy bỏ hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba theo hướng cho phép sửa đổi, hủy bỏ hợp đồng mà không cần tới sự đồng ý của người thứ ba nếu như điều đó không làm ảnh hưởng hoặc mang lại lợi ích hơn cho họ.
Khoa Kinh tế - Luật, Đại học Thương mại
1. PGS.TS. Đỗ Văn Đại, Luật hợp đồng Việt Nam - Bản án và bình luận bản án, Tập 2, Nxb. Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam, 2018.
2. PGS.TS. Nguyễn Văn Cừ và PGS.TS. Trần Thị Huệ, Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, 2017.
3. PGS.TS. Ngô Huy Cương, Giáo trình Luật hợp đồng, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
4. Kiều Thị Thùy Linh, Hợp đồng dịch vụ vì lợi ích của người thứ ba, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số tháng 4/2014.