Khái niệm thương nhân có ý nghĩa rất quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện và thực hiện pháp luật kinh doanh, thương mại. Bởi vì, thương nhân là chủ thể chủ yếu của quan hệ pháp luật kinh doanh, thương mại. Tuy nhiên, khái niệm thương nhân được xây dựng trong Luật Thương mại năm 2005 chưa thực sự phù hợp về kỹ thuật lập pháp nên dẫn đến những cách hiểu khác nhau. Ngoài ra, hiện nay còn một số khái niệm có liên quan trực tiếp hoặc có nhiều điểm dễ gây nhầm lẫn với khái niệm thương nhân (như khái niệm hoạt động thương mại; cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh; doanh nghiệp). Do đó, việc nghiên cứu chỉ ra những điểm thống nhất trong các quy định của pháp luật về khái niệm thương nhân đặt trong mối quan hệ với một số khái niệm khác là cần thiết.
1. Khái niệm thương nhân
Trong pháp luật thương mại của các quốc gia trên thế giới có hai cách thức chủ yếu khi định nghĩa thương nhân, đó là: Định nghĩa theo bản chất của hành vi mà thương nhân thực hiện (hành vi thương mại); định nghĩa theo bản chất của hành vi mà thương nhân thực hiện (hành vi thương mại) và theo hình thức (đăng ký thành lập)[1]. Ở Việt Nam, khái niệm thương nhân được quy định chính thức trong khoản 1 Điều 6 Luật Thương mại năm 2005, cụ thể: “Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh”. Như vậy, thương nhân gồm hai nhóm: (i) Thương nhân là tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp. Theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020, tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh. Do đó, thương nhân là tổ chức kinh tế thì chắc chắn có hoạt động thương mại; (ii) Thương nhân là cá nhân phải có hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Như vậy, cách định nghĩa thương nhân trong pháp luật Việt Nam được quy định theo hướng khẳng định bản chất của hành vi mà thương nhân thực hiện và đáp ứng điều kiện đăng ký thành lập với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Có hoạt động thương mại được xác định là bản chất cố hữu của thương nhân. Thậm chí, pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới chỉ cần xác định thương nhân thông qua dấu hiệu có hoạt động thương mại. Tất nhiên, chúng ta phải hiểu rằng hoạt động thương mại đó do thương nhân thực hiện phải độc lập, nhân danh chính mình và vì lợi ích của bản thân mình[2]. Ví dụ: Công ty cổ phần A là tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp và có các hoạt động thương mại nhân danh chính Công ty và vì lợi ích của chính Công ty. Tuy nhiên, Công ty cổ phần A có thuê ông Nguyễn Văn B làm giám đốc và thay mặt công ty kí các hợp đồng kinh doanh, thương mại với đối tác. Mặc dù, Giám đốc Nguyễn Văn B có thực hiện các hoạt động thương mại nhưng không có tính độc lập, nhân danh chính mình nên Giám đốc Nguyễn Văn B không phải là thương nhân. Bên cạnh đó, thương nhân phải coi hoạt động thương mại mang tính chất nghề nghiệp thường xuyên. Tiêu chí này khó để lượng hóa nhưng thông thường để xác định một công việc ai đó thực hiện có mang tính nghề nghiệp thường xuyên hay không phụ thuộc vào một số yếu tố sau: Công việc đó phải được thực hiện liên tục (hàng ngày, hàng tuần); công việc đó mang lại nguồn thu nhập chính cho chủ thể thực hiện; chủ thể có trình độ chuyên môn về công việc đó.
- Dấu hiệu đăng ký thành lập không bắt buộc trong pháp luật của các quốc gia. Đăng ký thành lập để pháp luật công nhận sự tồn tại của thương nhân. Dưới góc độ quản lý nhà nước, việc đăng ký thành lập còn giúp nhà nước xác định được số lượng và kiểm soát được hoạt động của thương nhân, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật do thương nhân thực hiện. Pháp luật thương mại của Việt Nam (từ Luật Thương mại năm 1997 và Luật Thương mại năm 2005) đều xác định dấu hiệu “đăng ký kinh doanh” khi định nghĩa về thương nhân.
2. Mối quan hệ giữa khái niệm thương nhân và một số khái niệm khác
2.1. Khái niệm thương nhân và khái niệm hoạt động thương mại
Khái niệm hoạt động thương mại có quan hệ mật thiết với khái niệm thương nhân, hay nói cách khác, khái niệm thương nhân luôn gắn liền với khái niệm hoạt động thương mại. Bởi vì như đã phân tích, xét về bản chất thương nhân phải hoạt động thương mại. Tuy nhiên, khái niệm hoạt động thương mại đang xây dựng không phù hợp nên chưa phản ánh hết được bản chất của thương nhân. Theo Từ điển tiếng Việt: “Hoạt động là tiến hành những việc làm có quan hệ với nhau chặt chẽ nhằm một mục đích nhất định trong đời sống xã hội”[3] và “hành vi là toàn bộ nói chung những phản ứng, cách cư xử biểu hiện ra bên ngoài của một người trong một hoàn cảnh cụ thể nhất định”[4]. Theo cách định nghĩa này, rõ ràng nội hàm hai khái niệm “hoạt động” và “hành vi” là khác nhau. Hành vi có tính cụ thể hơn so với hoạt động, hay nói cách khác, hành vi được xem xét trong những hoàn cảnh cụ thể còn hoạt động có thể là chuỗi các hành vi và hoạt động cũng có ý chỉ một sự vật, hiện tượng vẫn còn tồn tại. Hành vi có thể xuất phát từ ý chí chủ quan một phía của chủ thể mà không nhất thiết phải có quan hệ qua lại với chủ thể đối ứng. Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng thừa nhận “hành vi pháp lý đơn phương” là một trong căn cứ xác lập quyền dân sự (khoản 2 Điều 8). Trong Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật của Trường Đại học Luật Hà Nội khi phân tích về hành vi vi phạm pháp luật đã khẳng định, hành vi vi phạm pháp luật có hai dạng là hành động (làm những việc mà pháp luật cấm) và không hành động (không làm những việc mà pháp luật yêu cầu)[5]. Chúng ta có thể vận dụng để khẳng định hành vi thương mại (hành vi hợp pháp) cũng bao gồm hành động (làm những việc mà pháp luật yêu cầu, cho phép) và không hành động (không làm những việc mà pháp luật cấm). Do đó, tác giả cho rằng, việc Luật Thương mại năm 2005 sử dụng thuật ngữ “hoạt động thương mại” mà không phải là “hành vi thương mại” là chưa phù hợp.
2.2. Khái niệm thương nhân và khái niệm cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh
Thực chất, pháp luật của các quốc gia đều khẳng định thương nhân phải thực hiện hành vi thương mại còn vấn đề có đăng ký thành lập với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay không phụ thuộc vào quan điểm làm luật của từng quốc gia. Ở Việt Nam, đăng ký thành lập với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là điều kiện bắt buộc của thương nhân. Bởi vì, nền kinh tế của Việt Nam đang phát triển, các chủ thể có hoạt động thương mại đa dạng (bao gồm cả những chủ thể có hoạt động thương mại ở phạm vi rộng, doanh thu và lợi nhuận lớn và cả những chủ thể hoạt động thương mại ở phạm vi hẹp, doanh thu và lợi nhuận nhỏ) nên việc đặt ra yêu cầu về đăng ký thành lập là một trong những cơ sở để phân biệt hai nhóm chủ thể này. Cụ thể, Nghị định số 39/2007/NĐ-CP ngày 16/3/2007 của Chính phủ về hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh (Nghị định số 39/2007/NĐ-CP) xác định cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh. Những cá nhân thường có hoạt động thương mại nhỏ lẻ như: Buôn bán rong (buôn bán dạo); buôn bán vặt; bán quà vặt; buôn chuyến; thực hiện các dịch vụ: Đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định. Mặc dù, những chủ thể này cũng có hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh và không phải thương nhân.
Tại Điều 7 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Thương nhân có nghĩa vụ đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trường hợp chưa đăng ký kinh doanh, thương nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật”. Tác giả cho rằng, không cần thiết phải xác định trách nhiệm của thương nhân khi chưa đăng ký kinh doanh bởi điều đó mâu thuẫn với cách định nghĩa về thương nhân. Rõ ràng, chủ thể mà chưa thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh thì không thể gọi là thương nhân. Hơn nữa, Luật Thương mại năm 2005 (khoản 3 Điều 2), Nghị định số 39/2007/NĐ-CP (Điều 4) đã xác định trách nhiệm của chủ thể hoạt động thương mại mà không có đăng ký kinh doanh.
2.3. Khái niệm thương nhân và khái niệm doanh nghiệp
Hiện nay, khái niệm doanh nghiệp được quy định chính thức trong Luật Doanh nghiệp năm 2020. Cụ thể: “Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh” (khoản 10 Điều 4). Các loại hình doanh nghiệp gồm có: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, Công ty cổ phần, Công ty hợp danh. Trong số các doanh nghiệp kể trên chỉ có doanh nghiệp tư nhân là không có tư cách pháp nhân.
Doanh nghiệp tư nhân có những đặc điểm pháp lý cơ bản như: (i) Do một cá nhân làm chủ sở hữu; (ii) Chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp; (iii) Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân; (iv) Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành chứng khoán để huy động vốn. Xem xét các đặc điểm pháp lý này, chúng ta thấy rằng tư cách chủ thể của doanh nghiệp tư nhân không độc lập với tư cách chủ thể của chủ sở hữu doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền với hoạt động của doanh nghiệp tư nhân, ví dụ: Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật (khoản 1 Điều 190).
Thế nhưng, chính Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng có một số quy định khẳng định chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ là người đại diện cho doanh nghiệp tư nhân. Thay vì quy định “chủ doanh nghiệp tư nhân là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Toà án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp” như Luật Doanh nghiệp năm 2014 (Điều 185) thì Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định “chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Toà án, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật” (Điều 190). Do đó, các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 không giúp chúng ta xác định được doanh nghiệp tư nhân là thương nhân là tổ chức hay thương nhân là cá nhân[6].
3. Hoàn thiện quy định của pháp luật về khái niệm thương nhân trong mối quan hệ với một số khái niệm khác
Thứ nhất, hoàn thiện khái niệm thương nhân về kỹ thuật lập pháp. Theo đó, trong khái niệm thương nhân, cụm từ “hoạt động thương mại” cần được thay thế bằng cụm từ “hành vi thương mại”. Việc gắn cụm từ hành vi thương mại vào trong khái niệm thương nhân như vậy giúp phản ánh đúng bản chất của thương nhân. Đồng thời, trong các quy định khác, Luật Thương mại năm 2005 không sử dụng thuật ngữ “hoạt động thương mại” mà thay bằng thuật ngữ “hành vi thương mại” để đảm bảo tính thống nhất trong các quy phạm pháp luật.
Thứ hai, sửa đổi khái niệm thương nhân theo hướng xác định thương nhân bao gồm cá nhân và pháp nhân. Bởi vì, việc sử dụng thuật ngữ “tổ chức kinh tế” đã gây khó khăn cho việc xác định tư cách thương nhân của doanh nghiệp tư nhân. Trong khi đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tại khoản 1 Điều 101 như sau: “Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Khi có sự thay đổi người đại diện thì phải thông báo cho bên tham gia quan hệ dân sự biết”. Có nghĩa rằng, tổ chức không có tư cách pháp nhân không được quyền đứng tên là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Do đó, nếu Luật Thương mại năm 2005 xác định thương nhân bao gồm cá nhân và pháp nhân thì đương nhiên doanh nghiệp tư nhân không phải thương nhân mà chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân mới là thương nhân.
Ngoài ra, trong khoảng thời gian dài, việc pháp luật quy định về doanh nghiệp tư nhân (và một số tổ chức không có tư cách pháp nhân khác như hộ kinh doanh, tổ hợp tác) vì những đặc thù của nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta phải thừa nhận rằng, doanh nghiệp tư nhân và một số tổ chức không có tư cách pháp nhân đã có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, sau hơn 30 năm đổi mới, việc thừa nhận doanh nghiệp tư nhân (và các tổ chức không có tư cách pháp nhân khác) không còn phù hợp với tình hình mới. Do đó, pháp luật cần được thay đổi theo hướng chỉ thừa nhận thương nhân là pháp nhân và thương nhân là cá nhân, đồng thời xây dựng quy chế pháp lý cho thương nhân là cá nhân độc lập với Luật Công ty (tách doanh nghiệp tư nhân ra khỏi Luật Doanh nghiệp và Luật Doanh nghiệp đổi tên thành Luật Công ty).
Thứ ba, bãi bỏ quy định tại Điều 7 Luật Thương mại năm 2005 vì trong định nghĩa thương nhân đã khẳng định thương nhân phải đăng ký thành lập. Việc đưa quy định tại Điều 7 của Luật Thương mại năm 2005 bị thừa, không đúng quan điểm về thương nhân và mâu thuẫn với quy định tại Nghị định số 39/2007/NĐ-CP. Việc bãi bỏ Điều 7 Luật Thương mại năm 2005 cũng góp phần tạo nên cách hiểu đúng về khái niệm thương nhân và chủ thể có hành vi thương mại độc lập, thường xuyên không đăng ký kinh doanh.
4. Kết luận
Bài viết đã chỉ ra những điểm bất cập trong khái niệm thương nhân cả về kỹ thuật lập pháp và về việc xác định các loại thương nhân. Đồng thời, bài viết chỉ ra được sự bất cập của khái niệm thương nhân trong mối quan hệ với các khái niệm khác như: Khái niệm hoạt động thương mại; khái niệm cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh; khái niệm doanh nghiệp. Trên cơ sở phân tích đó, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về các nội dung này, cụ thể: (i) Thay cụm từ “hoạt động thương mại” bằng cụm từ “hành vi thương mại”. (ii) Sửa đổi khái niệm thương nhân theo hướng xác định thương bao gồm cá nhân và pháp nhân. Đồng thời, Nhà nước nên nghiên cứu xây dựng văn bản độc lập về quy chế pháp lý đối với thương nhân là cá nhân. (iii) Bãi bỏ quy định tại Điều 7 Luật Thương mại năm 2005./.
Luyện Thị Thùy Nhung
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội
[1]. PGS.TS. Ngô Huy Cương, Giáo trình Luật thương mại phần chung và thương nhân, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 66 - 69.
[2]. PGS. Nguyễn Viết Tý, TS. Nguyễn Thị Dung, Giáo trình Luật thương mại 1, Nxb. Tư pháp, 2017, tr. 62.
[3]. Viện Ngôn ngữ học (2004), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, tr. 452.
[4]. Viện Ngôn ngữ học (2004), tlđd, tr. 423.
[5]. Trường Đại học Luật Hà Nội (2016), Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật, Nxb. Tư pháp, tr. 425.
[6]. Phạm Duy Nghĩa, Giáo trình Luật kinh tế - tập 1: Luật Doanh nghiệp, Tình huống - Phân tích - Bình luận, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2006, tr. 45 - 46.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 403), tháng 4/2024)