Toàn cảnh buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho biết, phạm vi thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức bộ máy theo định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ rất rộng, thời gian thực hiện lại gấp rút. Vì vậy, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp tổ chức buổi làm việc với các bộ, cơ quan ngang bộ, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp để trao đổi, tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện rà soát văn bản; bảo đảm việc thực hiện rà soát thống nhất, hiệu quả, chất lượng, đúng thời hạn theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật. Đây cũng là cuộc họp để các bộ, cơ quan ngang bộ, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp thông tin sơ bộ kết quả thực hiện rà soát văn bản của đơn vị mình; đồng thời, đề xuất phương án xử lý văn bản sau khi rà soát, trong đó cần làm rõ nhóm văn bản nào cần phải xử lý ngay, nhóm nào xử lý theo lộ trình.
Đồng chí Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Thu Giang, Trưởng Phòng Kiểm tra khối nội chính, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật giới thiệu tóm tắt nội dung hướng dẫn thực hiện rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Theo đó, việc rà soát phải bảo đảm đầy đủ, chính xác, chi tiết các quy định pháp luật có liên quan trực tiếp tới phạm vi rà soát; đưa ra kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật và các giải pháp xử lý các vướng mắc, đáp ứng yêu cầu của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bảo đảm không có “khoảng trống” pháp luật trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy. Đối tượng rà soát văn bản là toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm rà soát của các bộ, cơ quan ngang bộ, bao gồm cả các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành nhưng chưa có hiệu lực tính đến ngày 15/12/2024 chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Đồng chí Trần Thu Giang cũng đưa ra một số vấn đề cần lưu ý khi tiến hành rà soát như: quy định pháp luật liên quan đến tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức, đơn vị; trách nhiệm thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; thẩm quyền thanh tra, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của các chủ thể chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy; các vấn đề pháp lý khác có liên quan.
Đồng chí Trần Thu Giang, Trưởng phòng Kiểm tra khối nội chính, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật phát biểu tại buổi làm việc.
Trên cơ sở xác định các nội dung quy định pháp luật chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện phân tích, đánh giá các quy định pháp luật; kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật và các giải pháp xử lý các vướng mắc liên quan đến thể chế để không tạo khoảng trống pháp luật sau khi thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy.
Trao đổi về thực hiện nhiệm vụ rà soát tại buổi làm việc, nhiều ý kiến cho rằng, việc rà soát rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức bộ máy theo định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ tại các bộ, cơ quan ngang bộ gặp nhiều khó khăn do khối lượng văn bản rà soát lớn, nhất là đối với bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện hợp nhất trong đợt này, thời gian thực hiện gấp rút. Vì vậy, các đại biểu đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ mong muốn Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện nhiệm vụ rà soát này.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Hồ Quang Huy đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp bám sát hướng dẫn về phạm vi, nội dung, cách thức thực hiện rà soát; khẩn trương thực hiện rà soát văn bản bảo đảm đúng tiến độ, thời hạn. Bộ Tư pháp, với đầu mối là Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này.
Mộc Miên