Cơ chế kiểm soát quyền lực trong giai đoạn truy tố đối với VKSND không chỉ có cơ chế giám sát bên trong (kiểm soát trong nội bộ) và cơ chế giám sát bên ngoài (kiểm soát từ bên ngoài), mà theo nhóm tác giả, VKSND thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, đó là một trong những hoạt động tư pháp nên đương nhiên chịu ảnh hưởng của cơ chế kiểm soát quyền lực trong hệ thống tư pháp. Mặt khác, thực hành chức năng của VKSND trong giai đoạn truy tố thực chất là quá trình thực hiện quyền lực nhà nước nên VKSND còn chịu sự giám sát bên ngoài hệ thống tư pháp. Không chỉ vậy, Điều 4 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, Điều 30 và Điều 41 Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam quy định phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua hình thức kiểm tra, giám sát đối với Đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước, do đó, VKSND còn phải chịu sự kiểm tra, giám sát từ hệ thống cơ quan Đảng. Cuối cùng, dư luận xã hội là một cơ chế kiểm soát quyền lực “lớn nhất” đối với hoạt động của VKSND trong giai đoạn truy tố.
1. Cơ chế kiểm soát quyền lực bên trong hệ thống tư pháp đối với hoạt động thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố của Viện kiểm sát nhân dân
1.1. Kiểm soát quyền lực từ Tòa án nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án
Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định, VKSND trực tiếp chịu sự kiểm soát qua lại của các cơ quan tư pháp khác. Tại Điều 9 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định: “Khi có căn cứ cho rằng hành vi, quyết định của Viện kiểm sát nhân dân không có căn cứ, trái pháp luật thì cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án và cơ quan thi hành án có quyền kiến nghị, yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân xem xét lại. Viện kiểm sát nhân dân phải giải quyết, trả lời theo quy định của pháp luật”, đồng thời, VKSND và các cơ quan nhà nước khác có trách nhiệm phối hợp “để phòng, chống tội phạm có hiệu quả; xử lý kịp thời, nghiêm minh các loại tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp…”[4]. Ngoài ra, tại Điều 33 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (Bộ luật Tố tụng hình sự) đã cụ thể hóa và đặt nền tảng cho cơ chế kiểm soát quyền lực mang tính “nguyên tắc” của cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án… đối với VKSND trong các giai đoạn tố tụng, trong đó có hoạt động của VKSND trong giai đoạn truy tố vụ án.
Bộ luật Tố tụng hình sự quy định các văn bản tố tụng do VKSND ban hành trong giai đoạn truy tố đều phải tống đạt, thông báo, giao, gửi cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong vụ án nhằm bảo đảm các cơ quan tiến hành tố tụng nắm được tiến độ giải quyết vụ án, có phương án phối hợp hiệu quả, mặt khác bảo đảm quyền và lợi ích của người tham gia tố tụng, đồng thời tạo ra cơ chế kiểm tra, giám sát đối với các hành vi, quyết định của VKSND khi ban hành, thực hiện trong giai đoạn truy tố có căn cứ và hợp pháp. Thông qua việc nhận được các văn bản tố tụng của VKSND, nếu phát hiện có vi phạm, các chủ thể trên có thể thực hiện “quyền kiến nghị, yêu cầu”[5] được pháp luật quy định. Đây sẽ là phương thức kiểm soát trực tiếp, chặt chẽ và có hiệu quả nhất để khắc phục được những vi phạm pháp luật trong hoạt động của VKSND.
Cơ chế kiểm soát trực tiếp, chuyên nghiệp và thường xuyên nhất đối với hoạt động của VKSND trong giai đoạn truy tố là chịu sự kiểm soát từ Tòa án, kể từ khi kết thúc truy tố chuyển hồ sơ vụ án đến Tòa án. Các hành vi, quyết định tố tụng của VKSND và các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra, truy tố đều được Tòa án kiểm soát về tính hợp pháp và tính có căn cứ. Kết quả của hoạt động kiểm soát của Tòa án đối với hoạt động của VKSND trong giai đoạn điều tra, truy tố có thể dẫn đến việc Tòa án trả hồ sơ yêu cầu VKSND điều tra bổ sung hoặc yêu cầu VKSND bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án[6], bản án kết tội khác với tội mà VKSND truy tố, quyết định hình phạt khác với đề nghị của VKSND, thậm chí tuyên bị cáo không phạm tội...
Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt trong giai đoạn truy tố, khi chỉ có duy nhất VKSND tiến hành tố tụng, yêu cầu đặt ra là, VKSND phải thực hiện tốt chức năng thực hành công tố, kiểm sát trong giai đoạn truy tố. Mặt khác, cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án “cũng phải chủ động nắm tình hình để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh với hành vi phạm tội tham nhũng của các cán bộ thoái hóa, biến chất thuộc VKSND”[7] trong giai đoạn truy tố, có như vậy mới tạo ra cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả.
1.2. Kiểm soát quyền lực từ cơ quan, tổ chức, người tham gia tố tụng trong vụ án
Điều 9 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định về giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành các quyết định, yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của VKSND, có quyền kiến nghị, khiếu nại, tố cáo các hành vi, quyết định trái pháp luật của VKSND; VKSND phải giải quyết, trả lời theo quy định của pháp luật. Đồng thời, để loại trừ việc can thiệp trái pháp luật và tạo môi trường cho kiểm sát viên làm việc trách nhiệm, khách quan và đúng đắn trong hoạt động truy tố, pháp luật quy định, nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân cản trở, can thiệp vào hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND.
1.3. Cơ chế kiểm soát quyền lực trong Ngành Kiểm sát
Thứ nhất, kiểm tra, giám sát giữa VKSND tối cao với VKSND các cấp, giữa VKSND cấp trên với VKSND cấp dưới trong quá trình thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố vụ án. Cơ chế kiểm soát giữa các cấp kiểm sát là một hình thức kiểm soát quyền lực trong chính Ngành Kiểm sát. VKSND cấp trên có quyền và trách nhiệm kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm của VKSND cấp dưới. Trong giai đoạn truy tố, nhằm tăng cường kiểm soát nội bộ, khoản 3 Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định các quyết định ban hành trong giai đoạn truy tố của VKSND cấp dưới phải được gửi ngay cho VKSND cấp trên như việc gửi cáo trạng, báo cáo kết quả xét xử để VKSND cấp trên có căn cứ đánh giá chất lượng truy tố của VKSND cấp dưới; mặt khác, chuyển án để thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử theo thẩm quyền từ VKSND cấp trên xuống VKSND cấp dưới bị Tòa án có thẩm quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung, tuyên khác tội danh, khác mức và loại hình phạt giúp đánh giá được chất lượng truy tố của VKSND và hoạt động phối hợp giữa VKSND các cấp. Ngoài ra, VKSND cấp trên có quyền rút, đình chỉ, hủy bỏ các quyết định nếu thấy không có căn cứ hoặc trái pháp luật và yêu cầu VKSND cấp dưới ra quyết định đúng pháp luật.
Thứ hai, kiểm soát quyền lực trong giai đoạn truy tố đối với VKSND thông qua hoạt động thanh tra trong Ngành Kiểm sát. Chế độ thanh tra nghiệp vụ là cơ chế tự kiểm soát nội bộ của VKSND đối với hoạt động thực hiện chức năng của VKSND, trong đó có việc thanh tra các hoạt động tố tụng trong giai đoạn truy tố. Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định về chế độ thanh tra, kiểm tra của VKSND cấp trên đối với cấp dưới: VKSND cấp trên có trách nhiệm kiểm tra, xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật của VKSND cấp dưới (khoản 1 Điều 7); Viện trưởng VKSND các cấp có quyền thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác của VKSND cấp mình, cấp dưới (các điều 63, 65, 66, 67, 69, 70, 71); Viện trưởng VKSND có trách nhiệm kiểm tra, xử lý nghiêm minh đối với vi phạm pháp luật của kiểm sát viên khi thực hiện nhiệm vụ được giao (khoản 1 Điều 83).
Thứ ba, cơ chế kiểm soát trong Ngành Kiểm sát còn thể hiện thông qua chế định Ủy ban Kiểm sát. Quy định này vừa mở rộng tính dân chủ, phát huy trí tuệ của tập thể, vừa đề cao trách nhiệm của Viện trưởng trong hoạt động truy tố của VKSND. Nguyên tắc này đã đặt trách nhiệm của thành viên Ủy ban Kiểm sát và vai trò lãnh đạo của Viện trưởng vào cơ chế kiểm soát lẫn nhau hết sức chặt chẽ, trong đó có hoạt động quyết định việc truy tố.
Thứ tư, để bảo đảm cho hoạt động tư pháp được đúng đắn, pháp luật quy định, cơ quan điều tra VKSND tối cao có quyền điều tra các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, tội tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân, VKSND, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp. Xét trên phương diện phòng ngừa tội phạm, cơ quan điều tra VKSND tối cao thực sự là cơ chế hữu hiệu kiểm soát quyền lực nhà nước trong hoạt động tư pháp[8] và trong chính hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND các cấp.
2. Cơ chế kiểm soát quyền lực bên ngoài hệ thống tư pháp đối với hoạt động thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố của Viện kiểm sát nhân dân
2.1. Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp
Theo quy định tại các điều 69, 70, 113 Hiến pháp năm 2013, Điều 10 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, hoạt động của VKSND chịu sự giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Mỗi năm, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tiến hành giám sát hoạt động của VKSND thông qua việc thẩm tra, đánh giá báo cáo và chất vấn Viện trưởng VKSND tối cao về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành; ban hành nghị quyết chuyên đề thực hiện việc giám sát và thành lập đoàn giám sát thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Ủy ban Tư pháp để giám sát một số hoạt động của VKSND, đặc biệt chú trọng tới công tác truy tố tội phạm của VKSND các cấp. Ngoài ra, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn giám sát thông qua công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc thẩm quyền của VKSND. Ở địa phương, sự giám sát của Hội đồng nhân dân và Đại biểu Hội đồng nhân dân đối với VKSND với mức độ và phạm vi theo thẩm quyền địa giới.
2.2. Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và nhân dân
Điều 9 Hiến pháp năm 2013, Điều 33 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Điều 10 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định: “Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật”. Việc giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với VKSND trong giai đoạn truy tố đã được thực hiện thông qua nhiều hình thức đa dạng như giám sát đối với cơ quan tiến hành tố tụng, giám sát đối với người tiến hành tố tụng, giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo9; tiếp nhận, chuyển và đề nghị giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của VKSND nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Nguyên tắc kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua giám sát dân chủ trực tiếp của nhân dân được quy định tại Điều 2 và Điều 8 Hiến pháp năm 2013. Cá nhân có quyền giám sát thông qua hình thức dân chủ trực tiếp đối với hoạt động của VKSND. Trường hợp nhân dân thực hiện chức năng giám sát trực tiếp, nếu như phát hiện VKSND có tiêu cực hay làm oan, sai thì cá nhân có quyền tố giác về vi phạm, tội phạm đến các cơ quan có thẩm quyền hoặc “cá nhân có quyền kiến nghị, khiếu nại, tố cáo các hành vi, quyết định trái pháp luật của VKSND”, đồng thời, VKSND có nghĩa vụ “phải giải quyết, trả lời theo quy định của pháp luật”. Điều 59 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của VKSND có trách nhiệm tôn trọng và chịu sự giám sát của nhân dân; nhân dân có quyền giám sát đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khác của VKSND.
2.3. Hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng Cộng sản Việt Nam
Do tính chất đặc thù nên các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy VKSND các cấp gắn với công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành Kiểm sát. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng thực hiện thông qua hình thức kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra, cấp có thẩm quyền trong việc thực hiện nghị quyết của Ban Cán sự Đảng, chi bộ; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương chính sách đã được thể chế hóa thành pháp luật; thông qua việc báo cáo công tác trước Ban Nội chính, Đảng bộ các cấp…; thông qua công tác chỉ đạo, theo dõi các vụ án trọng điểm; công tác cán bộ (lựa chọn, bố trí cán bộ đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ). Tuy nhiên, phải khẳng định, Đảng không trực tiếp kiểm tra, giám sát đến hoạt động nghiệp vụ như hình thức thanh tra, kiểm tra nghiệp vụ hay hình thức kiểm soát tư pháp giữa các cơ quan tố tụng với nhau mà Đảng kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách, nghị quyết…, kiểm tra, giám sát Đảng viên là cán bộ, công chức trong VKSND trong quá trình thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Ban Cán sự Đảng, Chi bộ... Ở một phương diện nhất định, cấp ủy Đảng được tổ chức ở VKSND các cấp vẫn gián tiếp thực hiện quyền giám sát đối với việc thực hiện hoạt động của VKSND, điều này là phù hợp với nguyên tắc Đảng lãnh đạo Nhà nước.
3. Kiểm soát quyền lực từ dư luận xã hội đối với Viện kiểm sát nhân dân trong giai đoạn truy tố - hình thức giám sát xã hội của một Nhà nước công bằng, dân chủ, văn minh
Cơ chế kiểm soát quyền lực từ bên ngoài thông qua các phương tiện thông tin đại chúng kết hợp với công luận tạo thành dư luận xã hội đóng vai trò hết sức quan trọng trong kiểm soát quyền lực nhà nước. Trong đó, hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND trong giai đoạn truy tố có “tính độc lập hơn” nên càng phải chịu sự giám sát của dư luận xã hội thì việc kiểm soát quyền lực mới phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, khác với kiểm tra, giám sát từ các tổ chức chính trị, xã hội và của công dân thì giám sát xã hội ở đây được hiểu là sự giám sát của dư luận xã hội. Thiết chế dư luận xã hội được coi là chủ thể độc lập trong giám sát hoạt động của cơ quan tư pháp, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, biểu đạt được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 và có xu hướng mở rộng cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, thông tin[10], thực hiện thông qua hoạt động điều tra, phản ánh của cơ quan báo chí, phương tiện truyền thông đại chúng, hoạt động khiếu nại, tố cáo của công dân đối với hoạt động của VKSND, mục đích cuối cùng vẫn là bảo đảm một quy trình thủ tục tố tụng, giải quyết vụ án công bằng để bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự.
Cơ chế kiểm soát quyền lực từ dư luận xã hội đối với các hoạt động trong giai đoạn truy tố của VKSND đòi hỏi thiết chế này phải chịu trách nhiệm giải trình xã hội trước xã hội và nhân dân khi có yêu cầu hoặc sức ép từ các cấp kiểm sát, từ những cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác, từ giới nghiên cứu, học thuật…; trách nhiệm cung cấp thông tin và hỗ trợ nhân dân trong việc giải thích, công khai hoạt động của VKSND khi tiến hành tố tụng trong giai đoạn truy tố vụ án hình sự được tiến hành theo quy định pháp luật.
Chủ thể quan trọng nhất trong giám sát dư luận đó chính là sự giám sát của các cơ quan báo chí truyền thông. Hiện nay, mạng xã hội, báo chí… có nhiều nội dung mở và tăng tính tương tác giữa người sử dụng và cơ quan phát hành giúp phát hiện nhiều tiêu cực, vi phạm pháp luật trong quá trình tố tụng. Thông qua thực hiện chức năng của mình, báo chí cung cấp thông tin của cơ quan tiến hành tố tụng giúp công khai, minh bạch hoạt động tố tụng; định hướng dư luận xã hội từ đó hình thành công luận, tạo áp lực trước xã hội và yêu cầu các cơ quan thẩm quyền giải quyết, giải thích và giải đáp trước công luận, trước nhân dân như Giáo sư người Đức Manfred Wolf đã nói: “Dư luận chỉ làm cho tư pháp mạnh lên bằng chính sự soi mói của mình”[11].
VKSND là thiết chế kiểm soát quyền lực trong bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời, VKSND cũng là khách thể phải chịu nhiều “vòng” kiểm soát quyền lực trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Trong trong giai đoạn truy tố, VKSND chịu kiểm soát quyền lực mạnh mẽ, trong đó, cơ chế kiểm soát việc thực hiện quyền lực giữa VKSND, cơ quan điều tra, Tòa án và các cơ quan, người tham gia tố tụng được thực hiện thường xuyên và liên tục.
Nguyễn Thị Thanh Huyền
Viện kiểm sát nhân dân huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội
[1]. Bùi Mạnh Cường, Vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước hiện nay, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/817034/vai-tro-cua-vien-kiem-sat-nhan-dan-trong—co-che-kiem-soat-quyen-luc-nha-nuoc-hien-nay.aspx, truy cập ngày 06/02/2022.
[2]. Lê Ngọc Duy, Một số vấn đề lý luận về chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân, Tạp chí Kiểm sát số 10/2021, tr. 15.
[3]. Điều 2 khoản 3 Hiến pháp năm 2013.
[4]. Điều 8 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.
[5]. Khoản 2 Điều 9 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.
[6]. Phạm Mạnh Hùng, Vấn đề kiểm soát việc thực hiện quyền tư pháp giữa Viện kiểm sát và Tòa án trong tố tụng hình sự, Tạp chí Khoa học Kiểm sát số 01 (05)/2015, tr. 8.
[7]. Đậu Quang Dũng, Xây dựng và hoàn thiện pháp luật phòng, chống tội phạm tham nhũng trong hoạt động tư pháp hiện nay, Tạp chí Công thương, http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/xay-dung-va-hoan-thien-phap-luat-phong-chong-toi-pham-tham-nhung-trong-hoat-dong-tu-phap-hien-nay-59162.htm, truy cập ngày 27/01/2022.
[8]. Lê Ngọc Duy, Sđd.
[9]. Lê Mậu Nhiệm, Quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ giám sát của Mặt trận, http://m.mattran.org.vn/hoi-dong-tu-van/quan-he-giua-mttq-viet-nam-va-cac-co-quan-nha-nuoc-trong-thuc-hien-nhiem-vu-giam-sat-cua-mat-tran-7129.html#ref, truy cập ngày 05/02/2022.
[10]. Đinh Thế Hưng, Nhận thức về tính hiện đại của thiết chế tư pháp, cải cách tư pháp trong Nghị quyết Đại hội XIII, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/nhan-thuc-ve-tinh-hien-dai-cua-thiet-che-tu-phap-cai-cach-tu-phap-trong-nghi-quyet-dai-hoi-xiii, truy cập ngày 15/02/2022.
[11]. Đinh Thế Hưng, Sđd.