Quốc hội sẽ cho ý kiến 07 dự án luật gồm: Luật Đất đai (sửa đổi) (cho ý kiến lần 1); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.
Với tinh thần chuẩn bị từ sớm từ xa, đến nay các nội dung chuẩn bị cho kỳ họp cơ bản hoàn thành. Các dự án luật đều đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một cách kỹ lưỡng, sâu sắc. Đối với mỗi nội dung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều giao Tổng Thư ký Quốc hội ban hành một cách nhanh chóng thông báo kết luận làm cơ sở cho các cơ quan hữu quan tổ chức thực hiện, sớm hoàn thiện các nội dung trình Quốc hội bảo đảm chất lượng tốt nhất. Mới đây tại phiên họp thứ 16 phiên họp cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi Quốc hội bước vào Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội một lần nữa cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp, khẳng định “đã sẵn sàng cho ngày khai mạc”.

Cho biết tại phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể về nội dung và một số các vấn đề khác, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý chương trình kỳ họp để trình Quốc hội thông qua tại phiên họp trù bị. Nêu rõ, dù khối lượng công việc tại kỳ họp lớn song thời gian họp đã được tiết giảm tối đa theo tinh thần “lấy chất lượng của kỳ họp làm chính và phấn đấu để tiết kiệm tối đa thời gian”.
Tinh thần này thể hiện rõ ngay trong quá trình thảo luận về việc chuẩn bị các nội dung cụ thể của kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đơn cử là dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) - một trong những dự án luật được cử tri và dư luận đặc biệt quan tâm sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp này. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là dự án luật quan trọng nên không chạy theo tiến độ mà phải đảm bảo chất lượng, không để khi luật được thông qua lại phát sinh bất cập. Tinh thần là phấn đấu, nỗ lực cao nhất, không phân biệt Chính phủ hay Quốc hội mà các cơ quan cùng vào làm đảm bảo được mục tiêu đã đề ra từ đầu là đến ngày 01/01/2024 luật này sẽ có hiệu lực thi hành, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Ngoài ra dự thảo Luật còn vấn đề xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hiện cũng đề xuất 2 phương án, đa số ý kiến đề xuất theo hướng quy định cụ thể hơn hay vấn đề về giá giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, giá thuốc, trang thiết bị y tế cân nhắc mức độ quy định ở luật này hay Luật Giá; hay như chính sách tài chính để có thể đáp ứng được như yêu cầu của đồng chí Chủ tịch Quốc hội thì còn nhiều vấn đề cần phải làm. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, còn đó nhiều nội dung khác nhất là liên quan đến mặt chính sách đòi hỏi Chính phủ phải làm rõ.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội chia sẻ, tinh thần của cơ quan thẩm tra là không ngại khó, ngại khổ, đã làm việc ngày đêm về dự án luật này, nhưng nhiều vấn đề lại phụ thuộc vào phía cơ quan cơ quan soạn thảo. Cơ quan soạn thảo là cơ quan xây dựng, thiết kế chính sách và cũng là cơ quan thực hiện các chính sách, mọi quyết định dù là của Quốc hội, nhưng ý kiến của Chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng và tiên quyết.

Không chỉ thận trọng, cho ý kiến sâu sắc các nội dung của các dự án luật mà các nội dung báo cáo gửi đến Quốc hội cũng được rà soát một cách kỹ lưỡng. Qua đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định không đưa vào dự kiến chương trình của kỳ họp những nôi dung chưa đạt yêu cầu, cần phải tiếp tục hoàn thiện thêm. Như Tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15, qua thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy còn một số vấn đề cần đánh giá làm rõ thêm, một số nội dung chưa đạt yêu cầu. Trong khi thời gian không còn nữa, do đó thống nhất để lại.
Đối với nội dung về đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh: Chính phủ đã gửi hồ sơ tài liệu các nội dung này đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Xã hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã tiến hành thẩm tra để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này. Tuy nhiên, do hiện nay Chính phủ mới chỉ tiến hành tổng kết, chưa đề xuất cơ chế mới, nên chính sách đang thực hiện sẽ phải dừng lại và có khoảng trống pháp luật cho đến khi Quốc hội quyết định cơ chế mới cho nội dung đó. Hơn nữa, khi trình Quốc hội quyết định cơ chế mới thì Chính phủ vẫn phải trình báo cáo tổng kết, như vậy sẽ không khoa học, không liền mạch. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép kéo dài việc thực hiện Nghị quyết số 54 đến khi Chính phủ tổng kết toàn diện và đề xuất cơ chế mới vào kỳ họp sau (vào kỳ họp tháng 5/2023).

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết thêm, sau phiên họp 16 này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn một số nội dung cần phải hoàn thiện một bước nữa để trình Quốc hội, trên cơ sở thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan có liên quan trong việc chủ trì xây dựng các báo cáo để hoàn thành với mức độ nhanh nhất và chất lượng cao nhất.
Thực tế, sau khi áp dụng quy định thông báo công khai thời gian gửi tài liệu, tình hình gửi tài liệu đã có sự chuyển biến tích cực. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, các cơ quan hữu quan đã chủ động phối hợp chặt chẽ chuẩn bị các nội dung bảo đảm yêu cầu, điều kiện đặt ra để kịp trình Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến các nội dung của kỳ họp. Tính đến thời điểm diễn ra phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã có tờ trình, dự thảo luật của 08 dự án, dự thảo; hồ sơ tài liệu của 01 dự thảo nghị quyết; báo cáo giải trình của 01 dự thảo Luật; 26/70 báo cáo và các tài liệu tham khảo gửi đại biểu tự nghiên cứu).

Lưu ý thời gian chỉ còn khoảng 1 tuần để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, là thời gian các cơ quan phải gấp rút hoàn thiện để gửi hồ sơ, tài liệu, các nội dung trình Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ yêu cầu các cơ quan của Quốc hội cùng các cơ quan, tổ chức hữu quan tập trung cao độ, thật sự khẩn trương, rà soát kỹ lưỡng và hoàn thiện các bước cuối cùng để các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp đạt chất lượng cao nhất, bảo đảm phục vụ Quốc hội, đưa ra được những quyết sách đúng đắn, kịp thời, với sự đồng thuận cao để Kỳ họp thứ 4 tiếp tục thành công như các kỳ họp trước đây./.
(Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam)