1. Kết quả ký kết, phê chuẩn, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế về quyền con người ở Việt Nam từ năm 2013 đến nay
Hiến pháp năm 2013 đánh dấu sự phát triển nhận thức của Đảng và Nhà nước về vấn đề quyền con người. Trên cơ sở các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội được quy định trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) và các điều ước quốc tế (ĐƯQT) về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập, kết hợp với điều kiện thực tiễn trong nước, Hiến pháp năm 2013 đã phân biệt quyền con người với quyền công dân; nội hàm của quyền con người không chỉ được “thể hiện ở các quyền công dân” như quy định của Hiến pháp năm 1992 mà được mở rộng là quyền của tất cả “mọi người”. Đồng thời, đưa Chương “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” từ vị trí Chương V Hiến pháp năm 1992 lên vị trí Chương II Hiến pháp năm 2013, số lượng các quyền cũng được ghi nhận nhiều hơn. Một điểm nổi bật của Hiến pháp năm 2013 là đã quy định về vấn đề hạn chế quyền con người, quyền công dân; điều này thực sự cần thiết nhằm bảo đảm tính minh bạch, phòng ngừa trường hợp các cơ quan nhà nước hạn chế quyền một cách tùy tiện. Ở Việt Nam, bảo đảm quyền con người vừa là mục tiêu, vừa là bản chất của chế độ; với tinh thần sẵn sàng làm bạn, đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành, Việt Nam đã ký kết, phê chuẩn, gia nhập và tận tâm thực hiện nhiều ĐƯQT về quyền con người:
- Ký kết, phê chuẩn, gia nhập các ĐƯQT về quyền con người: Kể từ thời điểm Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực, tính đến tháng 4/2024, Việt Nam đã ký kết, phê chuẩn, gia nhập nhiều ĐƯQT về quyền con người trong nhiều lĩnh vực và ở nhiều cấp độ khác nhau. Với việc phê chuẩn Công ước về quyền của người khuyết tật và Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người vào tháng 2/2015, Việt Nam chính thức là thành viên của 7/9 công ước quốc tế cơ bản về quyền con người. Để bảo đảm quyền của người lao động, trong giai đoạn này, Việt Nam đã gia nhập các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) như Công ước số 187 về cơ chế tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động (gia nhập tháng 5/2014); Công ước số 98 về việc áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể (gia nhập năm 2019); Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức (gia nhập năm 2020); Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khiếm thị, người khuyết tật về thị giác và người khuyết tật khác không có khả năng đọc tiếp cận với các tác phẩm đã công bố (gia nhập năm 2023). Đến nay, Việt Nam đã gia nhập 25 công ước của ILO, trong đó có 05 công ước cơ bản là Công ước số 29, 100, 111, 138 và 182.
Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em vào ngày 13/12/2016, tham gia Kế hoạch hành động Bohol về chống mua bán người (2017 - 2020), tích cực tham gia vào Tiến trình Bali và Tiến trình COMMIT về phòng, chống đưa người di cư trái phép qua biên giới. Bên cạnh đó, Việt Nam ký kết các thỏa thuận quốc tế song phương với các quốc gia láng giềng như Lào, Campuchia, Thái Lan về phòng, chống buôn bán người xuyên biên giới[1].
Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, xem xét và chuẩn bị các điều kiện để có thể gia nhập Công ước về bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị mất tích cưỡng bức và Công ước về bảo vệ quyền của những người lao động di cư và thành viên gia đình họ; Nghị định thư tùy chọn của Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước số 97 của ILO về di cư vì việc làm và Công ước số 143 về lao động di cư trong giai đoạn 2026 - 2030; Công ước năm 1954 về quy chế của người không quốc tịch; Nghị định thư về phòng, chống đưa người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường không, bổ sung Công ước của Liên Hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia...
Như vậy, việc ký kết, phê chuẩn, gia nhập các ĐƯQT về quyền con người của Việt Nam trong giai đoạn 2014 - 2024 được thực hiện trên cơ sở quy định của Công ước Viên năm 1969 về Luật Điều ước quốc tế, hệ thống pháp luật quốc gia như Hiến pháp năm 2013, Luật Điều ước quốc tế năm 2016, kết hợp với tình hình thực tiễn trong nước và các khuyến nghị của Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát của Liên Hợp quốc về quyền con người (UPR)... thể hiện sự nghiêm túc, bài bản và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế cũng như với chính người dân Việt Nam.
- Tận tâm thực hiện ĐƯQT về quyền con người: Sự tận tâm thực hiện các ĐƯQT về quyền con người mà Việt Nam đã gia nhập thể hiện thông qua các nội dung sau:
+ Tích cực, chủ động nội luật hóa nội dung các ĐƯQT về quyền con người: Cải cách pháp luật trên tinh thần Hiến pháp năm 2013 và ĐƯQT về quyền con người đã ký kết là nội dung quan trọng thể hiện nỗ lực của Việt Nam nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về quyền con người. Việt Nam đã chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật ở nhiều cấp độ khác nhau liên quan đến bảo vệ, bảo đảm quyền con người. Nhiều bộ luật, luật quan trọng được Quốc hội thông qua trong giai đoạn 2014 - 2024 như Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Luật Trưng cầu ý dân năm 2015, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024... Hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung một số quy định để phù hợp hơn với ĐƯQT về quyền con người như định nghĩa trẻ em là người dưới 18 tuổi trong Luật Trẻ em năm 2016; nghiên cứu xây dựng Luật Phòng, chống mại dâm, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Chuyển đổi giới tính... tiếp tục hoàn thiện các quy định của Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Dân số, Luật Việc làm, Luật Y tế... Quá trình trên luôn có sự tham gia đóng góp ý kiến của đông đảo người dân, các tổ chức trong xã hội; đồng thời, Nhà nước cũng bảo đảm công khai, minh bạch trong tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị tham gia xây dựng chính sách[2].
Bên cạnh việc chuyển hóa nội dung của các ĐƯQT thành các văn bản quy phạm pháp luật trong nước, Việt Nam cũng ban hành nhiều chính sách có liên quan đến bảo đảm quyền con người như ban hành các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; chính sách phát triển bền vững; an ninh lương thực, phát triển nông thôn và nông nghiệp bền vững; tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu; Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân... Tất cả các chính sách trên đều nhằm mục tiêu bảo đảm quyền con người một cách thực chất nhất ở Việt Nam đó là xóa đói, giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội, nâng cao sức khỏe cho người dân, cũng là một định hướng xã hội chủ nghĩa quan trọng của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
+ Bảo đảm các điều kiện để quyền con người được hiện thực hóa trên thực tế: Để quyền con người được hiện thực hóa trong thực tiễn cuộc sống, Việt Nam đã rất chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về quyền con người cho các cá nhân, tổ chức trong xã hội hiểu được những nội dung cơ bản về quyền con người và các quy định của pháp luật có liên quan đến vấn đề này. Ngày 14/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1079/QĐ-TTg về triển khai Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam, thúc đẩy trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin từ các cơ quan nhà nước đáp ứng quyền tiếp cận thông tin của người dân; tổ chức các hội nghị thường kỳ cung cấp thông tin cho báo chí về công tác bảo vệ, thúc đẩy quyền con người... Hoạt động này không chỉ diễn ra ở trung ương mà chính quyền địa phương các cấp cũng tích cực, chủ động tuyên truyền, phổ biến nội dung các công ước quốc tế về quyền con người như Công ước ICCPR, Công ước ICESCR, Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Công ước chống tra tấn, Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ[3]. Hoạt động giáo dục pháp luật về quyền con người cũng được triển khai trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tháng 9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân”, trong đó, xác định mục tiêu đến năm 2025, 100% cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức giáo dục về quyền con người. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng quan tâm đến giáo dục quyền con người cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm tăng cường nhận thức, năng lực của đội ngũ này trong thực hiện nhiệm vụ liên quan đến quyền con người. Chương trình bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau như tập huấn ngắn hạn, khóa bồi dưỡng, đại học, sau đại học... với hệ thống giáo trình tài liệu khoa học, phong phú.
Việt Nam cũng đầu tư nguồn lực vật chất, cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động bảo đảm quyền con người. Chính phủ đã sử dụng nguồn kinh phí khoảng 48.000 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; khoảng 193.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới[4]. Trong giai đoạn tới, Việt Nam xác định tiếp tục đầu tư mạnh vào cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nghèo, vùng sâu, vùng xa; ưu tiên phục vụ con người, phát huy cao nhất yếu tố con người trong chiến lược phát triển.
+ Nghiêm túc triển khai các khuyến nghị của Cơ chế UPR: Tại chu kỳ II của Cơ chế UPR năm 2014, Việt Nam đã chấp thuận 182/227 khuyến nghị; chu kỳ III năm 2019, Việt Nam chấp thuận 241/291 khuyến nghị. Ngay sau phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp chuận theo cơ chế UPR và phân công cụ thể trách nhiệm triển khai của 18 bộ, ngành liên quan. Đối với các khuyến nghị tại chu kỳ II, tính đến tháng 10/2018, Việt Nam đã thực hiện được 175 khuyến nghị (chiếm 96,2%), trong đó có 159 khuyến nghị đã được thực hiện hoàn toàn, 16 khuyến nghị đã được thực hiện một phần và đang được tiếp tục thực hiện, 07 khuyến nghị đang được thực hiện hoặc xem xét thực hiện vào thời điểm phù hợp[5]. Đối với các khuyến nghị tại chu kỳ III, tính đến tháng 12/2023, Việt Nam đã hoàn thành thực hiện có kết quả đối với 209 khuyến nghị (chiếm 86,7%), thực hiện có kết quả một phần và đang tiếp tục thực hiện 30 khuyến nghị (chiếm 12,4%) và đang xem xét thực hiện vào thời điểm phù hợp 02 khuyến nghị (chiếm 0,9%). Không có khuyến nghị nào được chấp thuận mà chưa được xem xét, thực hiện[6].
2. Một số khó khăn, thách thức và kiến nghị nâng cao hiệu quả thực hiện điều ước quốc tế về quyền con người ở Việt Nam trong thời gian tới
Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng trong ký kết, phê chuẩn, gia nhập và thực hiện ĐƯQT về quyền con người. Tuy nhiên, đứng trước bối cảnh mới, Việt Nam đang đối mặt với một số khó khăn, thách thức như sau:
- Việt Nam là một nước đang phát triển, nguồn lực tương đối hạn hẹp, mặc dù chính quyền các cấp quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện an sinh xã hội song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải đối mặt với những vấn đề nguy cơ đe dọa đến bảo đảm quyền con người như biến đổi khí hậu, xung đột, di dân, niềm tin, tôn giáo; tình trạng thất nghiệp quy mô lớn, nghèo đói, môi trường sống bị hủy hoại và xung đột xã hội trở nên trầm trọng hơn từ quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ, phát triển công nghệ sinh học và thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra một “thế giới phẳng”, mở ra kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo khi máy móc có thể thay thế con người.
- Quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, từng bước được tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trên thực tế, song vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập. Cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, quyền con người, quyền công dân có mặt chưa được phát huy đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước[7].
- Nhận thức về vấn đề quyền con người của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa thực sự đầy đủ, đồng đều, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả triển khai chính sách, pháp luật về quyền con người.
- Việc hài hòa các giá trị phổ quát và chuẩn mực quốc tế được thừa nhận chung của quyền con người với văn hóa, truyền thống, phong tục của một số địa phương, cộng đồng ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức[8].
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, Việt Nam cần nghiên cứu thực hiện một số nội dung sau đây:
Một là, tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bởi lẽ, kinh tế - xã hội phát triển mới góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, hạnh phúc cho người dân; là tiền đề để người dân tham gia vào quá trình sáng tạo, các hoạt động trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Khi quốc gia có nguồn lực tích lũy để đầu tư, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, cải thiện an sinh xã hội là điều kiện tốt để bảo đảm quyền con người.
Hai là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo đúng Nghị quyết số 4327-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Xuất phát từ việc xác định con người, công dân ở vị trí trung tâm nên mọi quyết sách của Nhà nước đều phải hướng tới phát triển toàn diện con người; điều này hoàn toàn phù hợp, đồng bộ với mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội là hướng tới giải phóng con người. Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân trước hết được ghi nhận tại văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất của quốc gia là Hiến pháp và pháp luật; tất cả cá nhân, tổ chức trong xã hội, kể cả Nhà nước phải tôn trọng các quyền cơ bản đó. Khi quyền con người, quyền công dân bị xâm phạm, Nhà nước sẽ áp dụng những biện pháp khác nhau để bảo vệ; đồng thời, Nhà nước cũng có trách nhiệm tạo những điều kiện thuận lợi nhất để mọi người, công dân được thụ hưởng quyền theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Ba là, nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục về quyền con người cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đông đảo tầng lớp nhân dân. Phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật về quyền con người nói riêng là khâu đầu tiên trong quá trình thi hành pháp luật, nhằm mục đích nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, qua đó, bảo vệ quyền, lợi ích của mọi người dân.
Bốn là, tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế về quyền con người. Việc hợp tác, trao đổi với các quốc gia khác trên lĩnh vực quyền con người là thực sự cần thiết nhằm xây dựng niềm tin, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, trên quan điểm tôn trọng, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền con người. Phát huy vai trò của thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025, tích cực tham gia, có những sáng kiến cụ thể như chủ trì các nghị quyết đề cao Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người, biến đổi khí hậu.../.
ThS. Lục Việt Dũng
Học viện Chính trị khu vực I
[1]. Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III.
[2]. Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV.
[3]. Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, Báo cáo số 75/BC-HĐPH ngày 12/02/2020 về tổng kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2020.
[4]. Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV.
[5]. Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III.
[6]. Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV.
[7]. Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
[8]. Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 411), tháng 8/2024)