Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thi hành án dân sự hoàn thành chỉ tiêu, được giao năm 2015 là rất khó khăn, đặc biệt là đối với các việc thi hành án dân sự phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Để giải quyết dứt điểm được những vụ việc này, cần phải xác định được tiêu chí nhận diện để thống kê phân loại. Ngày 01/12/2014, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đã ký Quyết định số 813/QĐ-TCTHADS ban hành quy định tạm thời về tiêu chí xác định việc thi hành án dân sự trọng điểm. Quy định này là cơ sở pháp lý cho cơ quan thi hành án dân sự căn cứ tiêu chí để xác định việc thi hành án dân sự như thế nào là trọng điểm phức tạp, kéo dài.
1. Tiêu chí nhận diện việc thi hành án dân sự trọng điểm
Theo Quyết định số 813/QĐ-TCTHADS ngày 01/12/2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự quy định việc thi hành án dân sự được xác định là trọng điểm khi đáp ứng được một trong các tiêu chí sau:
(i) Liên quan đến việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước (chính sách dân tộc, tôn giáo; xóa đói giảm nghèo; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu…).
(ii) Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Tư pháp, lãnh đạo địa phương quan tâm, chỉ đạo, yêu cầu phải tập trung giải quyết dứt điểm.
(iii) Có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan có trách nhiệm ở trung ương hoặc địa phương do quy định của pháp luật chưa cụ thể, rõ ràng hoặc quy định của pháp luật còn chồng chéo, cần sự thống nhất để có biện pháp giải quyết dứt điểm.
(iv) Chưa nhận được sự đồng tình của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, hoặc báo chí và các phương tiện truyền thông có uy tín đăng tải, phản ánh sự bức xúc trong dư luận xã hội về việc tổ chức thi hành án.
(v) Có hoặc dự kiến sẽ có sự chống đối quyết liệt của đương sự, việc tổ chức thi hành án đã hoặc có khả năng gây ra những hậu quả nghiêm trọng (đương sự tự sát, quá khích, chống đối quyết liệt dẫn đến hậu quả làm chết, bị thương nhiều người hoặc gây tổn thất nghiêm trọng đến tài sản, người tham gia cưỡng chế…) làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị, kinh tế, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
(vi) Có giá trị tài sản phải thi hành lớn và có tầm quan trọng nhất định, phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của trung ương hoặc địa phương.
(vii) Có vi phạm pháp luật về nghiệp vụ trong quá trình tổ chức thi hành án, đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận hoặc khởi tố hình sự đối với thủ trưởng cơ quan thi hành án, chấp hành viên, cán bộ thi hành án.
(viii) Cần giải quyết các quyền lợi của tập thể người lao động trong trường hợp cần tổ chức cưỡng chế đối với người phải thi hành án là các doanh nghiệp, có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
(ix) Bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài thương mại, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh tuyên không rõ, khó thi hành.
(x) Có khiếu nại, tố cáo bức xúc kéo dài, thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Đã có quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo nhưng chưa được các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện, hoặc thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ hoặc có khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện;
+ Người khiếu nại, tố cáo có điều kiện, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, được vận dụng chính sách xã hội, tạo điều kiện hỗ trợ nhằm bảo đảm cho công dân ổn định cuộc sống, chấm dứt khiếu nại, nhưng chưa hỗ trợ được do có khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
+ Đã có quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo có hiệu lực thi hành nhưng có căn cứ cho rằng việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đúng với quy định của pháp luật.
+ Đã có quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo có hiệu lực thi hành và đã được xem xét, giải quyết tiếp, nhưng đương sự tiếp tục khiếu nại.
+ Khiếu nại, tố cáo đã quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật nhưng người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo do quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo gặp khó khăn, vướng mắc.
+ Công dân trực tiếp đến các địa điểm tiếp công dân để khiếu nại, tố cáo gay gắt, thường xuyên; vụ việc có đông người khiếu nại, có dấu hiệu gây mất trật tự, an ninh cần tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm.
2. Công tác chỉ đạo giải quyết các việc thi hành án dân sự trọng điểm phức tạp, kéo dài tại Lào Cai
Để thực hiện công tác chỉ đạo giải quyết các việc thi hành án dân sự trọng điểm phức tạp, kéo dài, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã tiến hành rà soát, lập danh sách, xây dựng kế hoạch chỉ đạo, giải quyết dứt điểm các vụ việc thi hành án dân sự thuộc diện án trọng điểm phức tạp, kéo dài trong phạm vi toàn tỉnh. Theo báo cáo kết quả rà soát, toàn tỉnh có 07 việc thi hành trọng điểm, trong đó, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố là 02 việc, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Văn Bàn là 02 việc, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bảo Thắng là 02 việc, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Mường Khương là 01 việc. Qua rà soát, phân loại theo tiêu chí xác định việc thi hành án dân sự trọng điểm cho thấy có việc do vướng mắc của các quy định của pháp luật về Thi hành án dân sự nên chưa thể thi hành dứt điểm; có việc có sự chống đối quyết liệt của đương sự, việc tổ chức thi hành án có khả năng gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị, kinh tế, trật tự an toàn xã hội tại địa phương; có việc có khiếu nại, tố cáo kéo dài...
3. Giải pháp chỉ đạo quyết liệt các việc thi hành án dân sự trọng điểm phức tạp, kéo dài
Để giải quyết dứt điểm các việc thi hành án dân sự trọng điểm phức tạp, kéo dài, hạn chế đến mức thấp nhất phát sinh các vụ việc thuộc loại này trong năm 2015 và các năm tiếp theo, lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo, giải quyết các việc thi hành án dân sự trọng điểm phức tạp, kéo dài. Nội dung kế hoạch giao trách nhiệm của Cục và trách nhiệm của các Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện, thành phố, cụ thể như sau:
Một là, triển khai rà soát, lập danh sách các việc thi hành án dân sự trọng điểm phức tạp, kéo dài.
Hai là, xây dựng kế hoạch của đơn vị, phân công lãnh đạo Cục, lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Cục và lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự, chấp hành viên chịu trách nhiệm đối với từng vụ việc cụ thể. Đối với những vụ việc đã có đủ điều kiện giải quyết thì phải xây dựng Kế hoạch chi tiết để chỉ đạo giải quyết dứt điểm trong năm 2015.
Ba là, Cục trưởng phân công lãnh đạo Cục, lãnh đạo các phòng chuyên môn và lãnh đạo các Chi cục chịu trách nhiệm chủ động triển khai thực hiện kế hoạch; kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh hoặc huyện xin ý kiến chỉ đạo; phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tại địa phương tập trung giải quyết dứt điểm những vụ việc thuộc địa bàn; kịp thời báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ; định kỳ báo cáo kết quả về Tổng cục.
Bốn là, báo cáo tiến độ giải quyết các việc thi hành án dân sự trọng điểm phức tạp, kéo dài.
Tạ Thị Lan Anh
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai