Dự án EU JULE có mục tiêu tăng cường xây dựng pháp quyền xã hội chủ nghĩa thông qua hệ thống tư pháp tin cậy, dễ dàng tiếp cận hơn, hướng tới các nhóm đối tượng yếu thế, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo.
Dự án gồm 02 hợp phần: (i) Hợp phần PAGODA do Ban Quản lý dự án Bộ Tư pháp phối hợp với UNDP, UNICEF, UNODC quản lý thực hiện. Hợp phần này tập trung vào hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực của một số cơ quan, tổ chức của Chính phủ Việt Nam. Các cơ quan tham gia thực hiện Dự án gồm Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và một số bộ, ngành, địa phương khác. (ii) Hợp phần JIFF do Ban Thư ký Quỹ JIFF –OXFAM quản lý thực hiện, hỗ trợ cho các tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, có kinh nghiệm và hoạt động thích hợp được công nhận trong lĩnh vực pháp luật để thực hiện các hoạt động hỗ trợ tiếp cận tư pháp cho công dân Việt Nam.
Một số kết quả hướng tới của Dự án:
Kết quả 1: Nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về quyền và cách thức thực hiện các quyền phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
Để đạt được kết quả này, các hoạt động chính gồm có:
+ Xây dựng và thực hiện một chiến lược toàn diện, chuyên sâu về nâng cao nhận thức và trao quyền pháp lý.
+ Đánh giá nhu cầu nâng cao năng lực của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trên cơ sở chiến lược nâng cao nhận thức về trao quyền pháp lý.
+ Tăng cường năng lực của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trên cơ sở kết quả khảo sát và đề xuất của nghiên cứu đánh giá nhu cầu nâng cao năng lực đội ngũ này.
+ Tăng cường sự tham gia của các tổ chức đủ điều kiện trong việc nâng cao nhận thức pháp luật cho các nhóm dễ tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số và người nghèo.
+ Hỗ trợ nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ quyền và tăng cường tiếp cận công lý cho các nhóm dễ tổn thương,đặc biệt đối với phụ nữ,trẻ em, dân tộc thiểu số và người nghèo.
Kết quả 2: Tăng cường tiếp cận các hình thức tư vấn, hỗ trợ pháp lý và đại diện bào chữa đối với các vụ việc dân sự và hình sự.
Các hoạt động chính gồm có:
+ Đánh giá nhu cầu nâng cao năng lực của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý.
+ Tăng cường năng lực của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý trên cơ sở kết quả đánh giá nhu cầu và bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc và hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về tiếp cận trợ giúp pháp lý.
+ Hỗ trợ thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý và Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025.
+ Hỗ trợ các cơ chế giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật Hòa giải cơ sở năm 2013 và dựa trên các ưu tiên được xác định thông qua các nghiên cứu khoa học.
+ Hỗ trợ tư vấn và thông tin pháp luật cho người bị tạm giữ, tạm giam.
+ Hỗ trợ triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân liên quan đến Tòa án gia đình và người chưa thành niên, trong đó chú trọng xây dựng hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ em, hoàn thiện các chương trình xử lý chuyển hướng, tư pháp phục hồi và tái hòa nhập đối với người chưa thành niên phạm tội phù hợp với các tiêu chuẩn và hướng dẫn của Liên Hợp Quốc.
+ Hỗ trợ bảo vệ và trợ giúp nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới và trẻ em bị xâm phạm.
+ Hỗ trợ sáng kiến của các tổ chức chưa đủ điều kiện trong việc thực hiện các hoạt động tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý và đại diện bào chữa cho các nhóm đối tượng yếu thế, đặc biệt là phụ nữ,trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo.
+ Đào tạo đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật, cán bộ tư pháp hình sự và cán bộ các cơ quan liên quan khác nhằm đáp ứng như cầu của các nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới và trẻ em bị lạm dụng.
Kết quả 3: Hoàn thiện khung pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành về tăng cường khả năng thực hiện quyền và tiếp cận và công lý, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Các hoạt động chính bao gồm:
+ Hỗ trợ việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các văn bản pháp luật nhằm tăng cường tiếp cận công lý.
+ Nghiên cứu bằng chứng khoa học làm cơ sở định hướng cho việc xây dựng các chính sách trong lĩnh vực tư pháp ở cấp trung ương và cấp tỉnh (với số liệu được phân chia theo giới và cho nhóm đối tượng yếu thế), bao gồm một khảo sát sơ bộ về lĩnh vực tư pháp hình sự ở một số tỉnh lựa chọn.
+ Hỗ trợ cho các tổ chức đủ điều kiện trong việc tham gia xây dựng chính sách liên quan đến tăng cường năng lực thực hiện quyền và tiếp cận công lý trên cơ sở các nghiên cứu đánh giá.
+ Duy trì tổ chức các diễn đàn pháp luật mang tính xây dựng giữa EU, Việt Nam và Liên Hợp Quốc về cải cách tư pháp.
Kết quả 4: Tăng cường tính liêm chính và minh bạch trong Ngành Tư pháp
Các hoạt động chính để đạt được kết quả này bao gồm:
+ Hỗ trợ chính xây dựng và thực hiện các bộ quy tắc ứng xử và các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực tư pháp.
+ Hỗ trợ các tổ chức đủ điều kiện trong việc thông tin, báo cáo về tình hình tham nhũng và vi phạm pháp luật trong Ngành Tư pháp
+ Hỗ trợ xuất bản các phán quyết của của Tòa án và tập hợp án lệ.
+ Hỗ trợ các tổ chức hành nghề tư pháp xây dựng và triển khai các dự án tăng cường tính liêm chính và minh bạch trong Ngành Tư pháp.
+ Hỗ trợ xây dựng và thực hiện bộ chỉ số tư pháp tại cấp tỉnh và cấp trung ương để đánh giá tình hình thực hiện trong lĩnh vực tư pháp (với số liệu được phân chia theo giới và cho nhóm đối tượng yếu thế).
Dự án sẽ được thực hiện từ năm 2018 đến hết năm 2020. Định hướng và kế hoạch thực hiện toàn bộ các hoạt động của Dự án sẽ được Ban Chỉ đạo Dự án, gồm Lãnh đạo Bộ Tư pháp và Đại sứ - Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam là đồng Trưởng ban và các thành viên đại diện các cơ quan Việt Nam, UNDP (đối với Hợp phần PAGODA) và Ban Thư ký Quỹ JIFF (đối với Hợp phần JIFF) sẽ xem xét, quyết định theo nguyên tắc đồng thuận.
Ban Quản lý Dự án của Bộ Tư pháp sẽ thông tin, tiếp nhận và thực hiện thủ tục trình Ban Chỉ đạo Dự án xem xét, phê duyệt theo quy định đối với các đề xuất hoạt động trong khuôn khổ Dự án của các cơ quan, tổ chức đủ điều kiện tham gia Dự án.
Ý kiến bạn đọc (0)
Các tin khác
Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Bộ Tư pháp
Ngày 09/01/2025, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2025 của Thanh tra Bộ Tư pháp. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh chủ trì Hội nghị.
Xây dựng đội ngũ doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới
Ngày 09/01/2024, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh...
Cần có cơ chế thu hút đầu tư đặc biệt và hỗ trợ cho người yếu thế, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi tiếp cận với nước sạch
Ngày 09/01/2025, đồng chí Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định Dự án Luật Cấp, thoát nước. Đồng chí Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đồng chủ trì phiên họp.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đối với các hoạt động của Văn phòng Bộ và Vụ Tổ chức cán bộ
Ngày 08/01/2025, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2025 của Văn phòng Bộ và Vụ Tổ chức cán bộ. Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đồng chủ trì Hội nghị.
Phát huy vị trí, vai trò của Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp trong việc tiếp nhận các hỗ trợ về pháp lý cho doanh nghiệp
Ngày 07/01/2025, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2025 -...