Các đại biểu tham dự Lễ ra mắt Khóa học trực tuyến.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp khẳng định sự ra đời của Khóa học trực tuyến “Kiến thức cơ bản về trẻ em là người bị hại và người làm chứng trong tố tụng hình sự” tiếp tục là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa Học viện Tư pháp và UNICEF Việt Nam trong thời gian vừa qua, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực về tư pháp người chưa thành niên cho giảng viên, học viên của Học viện Tư pháp, đồng thời giúp Học viện Tư pháp thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống học liệu điện tử trong quá trình triển khai Quyết định số 1155/QĐ-TTg ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”. Bà mong muốn nhận được các ý kiến góp ý để hoàn thiện hơn nữa hệ thống học liệu điện tử của Khóa học để ngày càng thu hút được đông đảo người học, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng về tư pháp người chưa thành niên, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp người chưa thành niên đặc biệt trong bối cảnh Luật Tư pháp người chưa thành niên đang được xây dựng và dự kiến ban hành trong thời gian sắp tới.
PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp phát biểu tại Lễ ra mắt Khóa học trực tuyến.
Khóa học trực tuyến “Kiến thức cơ bản về trẻ em là người bị hại và người làm chứng trong tố tụng hình sự” do Học viện Tư pháp biên soạn trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường tư pháp cho người chưa thành niên tại Việt Nam” giai đoạn 2022 - 2026, ký kết giữa UNICEF và Bộ Tư pháp, được sự tài trợ của Cơ quan phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao và thương mại của Úc thông qua Dự án “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025”. Khóa học được xây dựng với mục tiêu giới thiệu về tư pháp thân thiện với trẻ em và nhạy cảm giới, đồng thời giải thích cho học viên hiểu lý do tại sao phải có một cách tiếp cận đặc biệt khi xử lý các vụ việc hình sự có liên quan đến trẻ em. Ngoài ra, Khóa học còn cung cấp cho học viên kiến thức về các nguyên tắc quốc tế và các biện pháp tố tụng đặc biệt trong pháp luật Việt Nam, phù hợp để giải quyết các vấn đề liên quan đến người bị hại, người làm chứng là trẻ em ở tất cả các giai đoạn của quá trình tư pháp hình sự.
Khóa học gồm 09 học phần lý thuyết và 01 học phần đánh giá. Mỗi học phần lý thuyết bao gồm: (i) Bài giảng trực tuyến với độ dài từ 15 - 20 phút, cung cấp tổng quan lý thuyết cơ bản về chủ đề; (ii) Bài tập giúp học viên ôn tập, củng cố kiến thức của học phần. Khóa học kết hợp các kỹ thuật được thiết kế để khuyến khích sự tham gia của học viên và củng cố việc học tập với bài tập đa dạng, trực quan gồm các câu hỏi ngắn, trắc nghiệm, xử lý tình huống và video minh họa. Khóa học mang lại nhiều lợi ích cho các học viên tham gia như tăng cường kiến thức về trẻ em, bảo vệ trẻ em là người bị hại, người làm chứng trong tố tụng hình sự. Ngoài ra, sau khi kết thúc Khóa học, học viên sẽ được cấp chứng nhận online bởi Học viện Tư pháp và UNICEF Việt Nam.
Ông Ryan E.McKean - Giám đốc cơ quan phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam gửi lời cảm ơn tới Học viện Tư pháp và UNICEF đã tổ chức biên soạn Khóa học trực tuyến “Kiến thức cơ bản về trẻ em là người bị hại và người làm chứng trong tố tụng hình sự” nhằm tạo điều kiện cho các giảng viên và học viên của Học viện Tư pháp và các cơ sở đào tạo pháp lý chuyên nghiệp khác, các cán bộ thực thi pháp luật và tư pháp về bảo vệ trẻ em có thể tự học về cách làm việc với trẻ em là nhân chứng, là nạn nhân. Dự án hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức về trẻ em là nạn nhân và nhân chứng, tăng cường năng lực của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư trong quá trình làm việc với trẻ em là nạn nhân, là nhân chứng phù hợp với pháp luật Việt Nam. Ông hy vọng Khóa học trực tuyến này sẽ giúp hiểu rõ hơn cách tương tác, cách làm việc với trẻ em là nạn nhân, là nhân chứng trong quá trình điều tra và tố tụng tại Tòa án.
Ông Ryan E.McKean - Giám đốc cơ quan phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam phát biểu tại Lễ ra mắt Khóa học trực tuyến.
Thay mặt Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam, bà Lê Hồng Loan - Trưởng Chương trình bảo vệ trẻ em, UNICEF Việt Nam chúc mừng Học viện Tư pháp đã đưa 02 học phần về tư pháp người chưa thành niên vào Chương trình khung đào tạo nghề luật sư theo hệ thống tín chỉ. Trong năm 2023 và 06 tháng đầu năm 2024 đã có hơn 600 học viên là các thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư tương lai hoàn thành hai học phần này và được trang bị những kiến thức và kỹ năng cơ bản để có thể bảo vệ tốt hơn người chưa thành niên trong hệ thống tư pháp hình sự cũng như dân sự. Lễ ra mắt Khóa học trực tuyến đánh dấu thành tựu hết sức quan trọng trong tình hình các nền tảng học tập số đang mang lại rất nhiều cơ hội để mở mang kiến thức, nâng cao năng lực thông qua việc thúc đẩy học tập linh hoạt và cá nhân hóa. UNICEF và các đối tác đang cùng nhau tiến hành những hành động mạnh mẽ và thiết thực để các thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, trợ giúp viên pháp lý, các cán bộ bảo vệ trẻ em được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để bảo vệ, hỗ trợ người chưa thành niên có liên quan đến pháp luật.
Bà Lê Hồng Loan - Trưởng Chương trình bảo vệ trẻ em, UNICEF Việt Nam phát biểu tại Lễ ra mắt Khóa học trực tuyến.
PGS.TS Nguyễn Minh Hằng - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp và bà Lê Hồng Loan - Trưởng Chương trình bảo vệ trẻ em, UNICEF Việt Nam.
Thay mặt ban lãnh đạo Học viện Tư pháp, PGS.TS Nguyễn Minh Hằng - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp gửi lời cảm ơn tới Cơ quan phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ; Bộ Ngoại giao và thương mại Chính phủ Úc; UNICEF Việt Nam đã hỗ trợ Học viện Tư pháp xây dựng Khóa học trực tuyến hết sức hữu ích này, cảm ơn các chuyên gia quốc tế và Việt Nam đã tâm huyết xây dựng nội dung từng học phần của Khóa học. Bà cũng mong các đại biểu dự Lễ ra mắt Khóa học sẽ tích cực lan tỏa thông tin Khóa học tới nhiều người hơn nữa để cùng chung tay xây dựng một nền tư pháp phát triển nói chung và tư pháp thân thiện với người chưa thành niên nói riêng./.
Hoàng Trung